Cách đây 220 năm, vào ngày 01/10/1788 Hoàng đế Quang Trung đã hạ chiếu cho xây dựng thành Phượng Hoàng – Trung Đô trên vùng đất Yên Trường, nay thuộc phường Trung Đô - TP Vinh. Đó là một sự kiện lịch sử hết sức quan trọng, không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống mà còn quyết định đến việc hình thành và phát triển của một đô thị. Tuy nhiên hiện nay trên chính vùng đất Phượng Hoàng, rất ít người biết về điều đó.
Sách không viết, chúng em sao biết
|
Hoàng Đế Quang Trung - Nguyễn Huệ |
Việc Hoàng đế Quang Trung chọn vùng đất Yên Trường - Nghệ An để xây dựng thành Phượng Hoàng - Trung Đô đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của vị Hoàng đế anh minh khi thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Nhất là khi Người anh hùng áo vải nhận thấy đất Yên Trường hội tụ cả 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Đây chính là điều kiện quan trọng để xây dựng kinh đô về sau. 220 năm sau trên vùng đất Yên Trường xưa, núi Phượng Hoàng vẫn sừng sững cùng thời gian. Nhiều công trình đãđược tôn tạo. Nhưng điều đáng buồn là không nhiều người biết rằng có một Phượng Hoàng – Trung Đô ở TP Vinh.
Trường THCS Quang Trung. Ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. 500 em học sinh của 4 khối đang học tại đây biết rất rõ điều đó. Nhưng, có một điều các em không biết và không hiểu. Đó là vì sao lại có địa danh và tên gọi Phượng Hoàng – Trung Đô. Phượng Hoàng - Trung Đô ra đời như thế nào, ở đâu không học sinh nào biết. Em Hoa ngập ngừng: Địa danh Phượng Hoàng Trung Đô nằm ở ... ( cười im lặng) Còn em Thanh cho biết: Em rất tự hào vì được học dưới máI trường mang tên người anh hùng Quang Trung. Nhưng em không biết gì về Phượng Hoàng – Trung Đô vì chúng em không được học.
Không riêng gì các em học sinh trường THCS Quang Trung, hiện nay phần lớn các em học sinh thuộc các bậc học trên địa bàn TP Vinh không biết hoặc biết rất mơ hồ về địa danh Phượng Hoàng – Trung Đô. Các em không biết rằng chính trên vùng đất mình đang sinh sống và học tập có một di sản văn hóa có giá trị hết sức quan trọng do hoàng đế Quang Trung đã để lại trong thời đại của mình. So với phần lớn các em học sinh khác có lẽ chỉ có số ít các em học sinh chuyên sử là hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Đền thờ Vua Quang Trung
Em Nguyễn Thanh Hải - học sinh chuyên sử lớp 12C2 trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tỏ ra rất am hiểu lịch sử: Hải nói:" Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó có công lao của người anh hùng nông dân áo vải Quang Trung. Trong các sách giáo khoa lịch sử mà chúng em đã được học nói nhiều về việc vua Quang Trung tiến quân ra bắc đánh tan 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh. Nhưng không nói gì đến việc Vua Quang Trung hạ chiếu xây dựng thành Phượng Hoàng - Trung Đô. Em nghĩ rằng việc Vua Quang Trung hạ chiếu xây dựng thành Phượng Hoàng - Trung Đô là một sự kiện rất quan trọng, thể hiện sự sáng suốt, công lao to lớn của vị vua anh minh. Có thể nói trong số những người học sử như chúng em còn có nhiều bạn không biết thì các bạn khác sẽ hiểu và biết gì về Phượng Hoàng -Trung Đô." Đây chính là một thực tế đáng buồn.
Người Vinh phải biết sử Vinh
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Chi - Giáo viên lịch sử Trường PTTH Chuyên Phan Bội Châu cho rằng: Là một người dạy bộ môn lịch sử tôi nghĩ rằng đây là một thiếu sót khi không đưa sự kiện này vào sách giáo khoa. Tôi nghĩ thành phố Vinh cũng như tỉnh Nghệ An đưa nội dung sự kiện này vào hoạt động giáo dục ngoại khóa, như tổ chức cho các em đến thăm khu vực thành Phượng Hoàng - Trung Đô. Tổ chức nhiều hơn nữa các phong trào tìm hiểu về Phượng Hoàng Trung Đô.
Sách giáo khoa môn lịch sử ở các bậc học phổ thông không hề đề cập đến sự kiện 01/10/1788 và sự ra đời của Phượng Hoàng - Trung Đô. Cũng có ý kiến cho rằng vì thành Phượng Hoàng chưa hoàn thành nên chưa đủ tầm để đưa vào sách giáo khoa phổ thông. Trong khi đó việc tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này ở Nghệ An và TP Vinh chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế không thể đổ lỗi sự thiếu hiểu biết của nhiều thế hệ học trò xứ Nghệ về một di sản và các giá trị lịch sử, văn hóa mà nó mang lại. Không ai sống bằng lịch sử nhưng cũng không ai được quyền quên nó. Nhất là khi sự hình thành và phát triển của TP Vinh hôm nay một phần được quyết định bởi sự ra đời của Phượng Hoàng - Trung Đô xưa. Đó chính là điều mà thế hệ hôm nay cần biết. Chúng ta đang cần hơn những người hiểu rõ về lịch sử 220 TP Vinh năm chứ không chỉ riêng hô hào câu:" Phượng Hoàng - Trung Đô" một cách chung chung.