Năm học 2009 – 2010 nhà trường tuyển sinh 7 lớp 6, trong đó có 2 lớp học 2 ngoại ngữ. Lớp 6G ngoại ngữ 1 Tiếng Pháp, ngoại ngữ 2 Tiếng Anh. Lớp 6H ngoại ngữ 1 Tiếng Anh, ngoại ngữ 2 Tiếng Nga. Qua 1 học kỳ xếp loại học tập của 2 lớp học 2 ngoại ngữ đều đạt kết quả cao. Lớp 6G tỷ lệ xếp loại giỏi ngoại ngữ 1 đạt 70%, ngoại ngữ 2 đạt 40%, số học sinh giỏi toàn diện chiếm 32,5%. Lớp 6H tỷ lệ xếp loại giỏi ngoại ngữ 1 gần 40%, ngoại ngữ 2 gần 49%, học sinh giỏi toàn diện gần 20%. Theo thầy Võ Hoàng Ngọc, hiệu trưởng nhà trường thì kết quả học tập 2 lớp này tương đương với các lớp khác. Tiếp xúc với em Trần Thanh Hương lớp 6G điểm tổng kết ngoại ngữ 1 là 9,3, ngoại ngữ 2 là 8,8. Theo Hương lúc đầu mới tiếp xúc với tiếng Pháp thì hơi ngại vì chưa được học bao giờ. Nay học quen thấy rất thú vị và việc học cả 2 ngoại ngữ cũng không vất vả như tưởng tượng. Hầu hết nội dung bài tập đều được giải quyết trong tiết học nên không ảnh hưởng đến thời gian học các môn học khác. Tham gia giao lưu câu lạc bộ Tiếng Pháp với 2 trường Lê Lợi và Cửa Nam kết quả cũng không thua kém các trường bạn. Tuy nhiên ngay từ đầu năm học, đại bộ phận phụ huynh học sinh lo lắng con em bị quá tải, phần nữa cho rằng lên phổ thông trung học môn tiếng Pháp không được dạy nữa liệu có lãng phí ... Ngày 21/9/2009 tập thể phụ huynh lớp 6G đã làm đơn đề nghị nhà trường cam kết về việc học ngoại ngữ. Đơn đề nghị nhà trường cam kết gồm 5 điểm. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Phòng Giáo dục, nhà trường đã tiến hành điều chỉnh để đáp ứng nguyện vọng của một số phụ huynh như: Tăng thêm 1 tiết/tuần đối với môn Tiếng Anh (ngoại ngữ 2) để bằng với ngoại ngữ 1. Chuyển môn Tin học (tự chọn) sang buổi chiều, ổn định đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm mà nhà trường đã bố trí đầu năm học ở 2 lớp trên. Như thế, để tạo điều kiện cho 2 lớp học 2 ngoại ngữ nhà trường đã có sự sắp xếp lựa chọn, điều chỉnh theo đề nghị của phụ huynh. Và kết quả đánh giá cuối học kỳ 1 đã phản ánh hiệu quả của sự sắp xếp điều chỉnh đó. Là năm đầu tiên thực hiện thí điểm học 2 ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục nên tâm lý hoang mang trong một số phụ huynh học sinh là điều không thể tránh khỏi. Ngành Giáo dục cần tuyên truyền rộng rãi chủ trương của ngành qua các kênh thông tin để phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội rõ. Mặt khác, đây là năm đầu tiên thực hiện thí điểm nên ngành cần theo dõi sát sao, tạo điều kiện về nhân lực, vật lực để nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đó rút ra những kinh nghiệm cho việc triển khai đại trà. Và điều quan trọng nhất là phải quyết tâm thực hiện, tránh tình trạng nửa vời. Từ thực tế dạy 2 ngoại ngữ ở bậc THCS của Trường Đặng Thai Mai, việc đa dạng hóa ngoại ngữ cần có nhận thức, sự hợp tác của nhiều phía từ gia đình, nhà trường đến ngành chủ quản. Rất cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp chính quyền, sự vào cuộc kiên quyết, kiên trì của ngành Giáo dục, sự hỗ trợ của các ngành liên quan. Có như vậy việc dạy ngoại ngữ thứ 2 trong trường học mới phát triển được. |