Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập ngày 16-01-1962 theo Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu II, Trường Tuyên huấn và Trường Đại học Nhân dân. Ngày 16 tháng 01 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Trường.
Từ khi thành lập đến nay, trường lần lượt có các tên:
* Trường Tuyên giáo Trung ương (1962-1969)
* Trường Tuyên huấn Trung ương (1970 -1983)
* Trường Tuyên huấn Trung ương I (1984 - 2/1990) trên cơ sở hợp nhất Trường Tuyên huấn Trung ương với Trường Nguyễn Ái Quốc V.
* Trường Đại học Tuyên giáo (1990- 3/1993)
* Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (4/1993 đến 6/2005)
* Học viện Báo chí và Tuyên truyền (6/2005 đến nay)
Giai đoạn đầu, theo Nghị quyết 116 NQ/TW ngày 02-8-1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trường trực thuộc Trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan được uỷ nhiệm trực tiếp chỉ đạo về mọi mặt.
Từ năm 1990, do yêu cầu chung của công tác đào tạo cán bộ của Đảng và phù hợp với điều kiện thực tế của Nhà trường, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 406-HĐBT ngày 20/11/1990 công nhận Trường là trường đại học. Từ thời điểm này, Trường vừa là một trường Đảng trực thuộc Ban Bí thư Trung ương, đồng thời là trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các hoạt động chuyên môn của nhà trường đều thực hiện theo quy chế của Bộ Giáo dục- Đào tạo và luật Giáo dục.
Năm 1993, theo quyết định số 61 QĐ/TW ngày 10/03/1993 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sắp xếp lại các Trường Đảng trực thuộc Trung ương, Nhà trường trở thành trường đại học trực thuộc cơ quan chủ quản là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Theo quyết định này, Trường có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên các ngành lý luận Chính trị Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ Tư tưởng - Văn hoá, Báo chí và Truyền thông đại chúng cho Đảng và Nhà nước trong phạm vi toàn quốc.
Hiện tại Nhà trường đào tạo 16 chuyên ngành bậc đại học, 4 chuyên ngành bậc cao học, 2 chuyên ngành Báo chí đào tạo nghiên cứu sinh.
Tổ chức bộ máy của Nhà trường có 31đơn vị Ban, Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm trực thuộc Ban Giám đốc. Tổng số đội ngũ cán bộ 334 người, cán bộ nghiên cứu giảng dạy chiếm 75%, trong đó có: 1 Giáo sư, 8 Phó Giáo sư, 62 Tiến sỹ, 90 Thạc sỹ, 1 Giảng viên cao cấp, 94 Giảng viên chính.
Hoạt động chuyên môn của Nhà trường so với thời kỳ đầu đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các chuyên ngành được mở rộng và đào tạo liên tục theo niên khoá. Bắt đầu từ năm 1991, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học với ngành đầu tiên là Triết học, sau đó mở ra các ngành Báo chí, Xuất bản, Chính trị học. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng có vai trò to lớn trong hoạt động chung, góp phần bổ sung và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Các trang bị, thiết bị kỹ thuật hiện đại được đầu tư nhằm phục vụ kịp thời cho các chuyên ngành đào tạo đặc thù. Nhà trường mở rộng các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài, bắt đầu tham gia các dự án Quốc tế. Hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được đổi mới, cập nhật. Chất lượng đào tạo nâng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ của Đảng và Nhà nuớc. copyright by AJC