Công ty cổ phần cơ khí Ninh Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 doanh nghiệp Nhà nước là: Xí nghiệp cơ khí thuỷ lợi, Nhà máy cơ khí Ninh Bình và Nhà máy sứ Ninh Phúc.
Ngành nghề sản xuất, kinh doanh của Công ty là cơ khí chế tạo, gia công cơ khí với các sản phẩm chủ yếu như: hệ thống xe goòng, đúc bánh xe, bánh răng cẩu trục, các chi tiết máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… Khi mới hợp nhất (năm 2000), từ nền nhà xưởng, thiết bị sản xuất lạc hậu, thêm vào đó hoạt động sản xuất, kinh doanh vốn còn dư âm của cơ chế “xin-cho” trong các doanh nghiệp Nhà nước thời bao cấp song khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ đối với Công ty là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, thiếu những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Vì vậy phần đông công nhân không có việc làm, thu nhập thấp, ảnh hưởng đến đời sống, khiến người lao động thiếu gắn bó với Công ty.
Từ khi chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần năm 2004, Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Ninh Bình đã mạnh dạn đổi mới trang thiết bị và nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Công ty kêu gọi nguồn đóng góp từ các cổ đông để tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, được tập thể người lao động đồng tình hưởng ứng. Có người bán cả tài sản có giá trị để góp vốn cho Công ty, bởi hơn ai hết họ hiểu được trong cơ chế thị trường, hiệu quả sản xuất, kinh doanh là nhân tố quyết định đến việc làm, thu nhập, quyền lợi “sát sườn” của người lao động. Qua đó cũng khơi dậy tính tự chủ, năng động của mỗi bộ phận, mỗi cán bộ, công nhân viên phát huy tính sáng tạo, chủ động tìm kiếm thị trường. Vì thế, sau 2 năm, Công ty đã thoát khỏi cảnh “lao đao”, từng bước ổn định và ngày càng phát triển, thể hiện bằng các kế hoạch năm đều hoàn thành với mức tăng trưởng từ 15-20%, đảm bảo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của Nhà nước. Năm 2009, Công ty đạt doanh thu 10,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân 1,6 triệu đồng/người/tháng. 10 tháng đầu năm 2010, doanh thu xấp xỉ 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thọ Thiều, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2010, Công ty đã đầu tư 650 triệu đồng mua máy cắt lập trình CMC nâng cao hiệu suất công việc, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm như: công trình Nhà máy gạch Xihanucvin (Campuchia); hệ thống xử lý rác thải công nghiệp tại tỉnh Phú Thọ… Thời gian tới, Công ty tập trung huy động vốn, tăng vốn pháp định, mở rộng năng lực sản xuất, cải tiến công tác quản lý và tiếp thị, tìm kiếm thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.