Ông là “cha đẻ” của các giống lúa mới cho năng suất cao như Khang dân 18, Q5, Hương thơm số 1, Bồi tạp 49... góp phần lớn vào việc xoá đói, giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Ông là 1 trong 5 người được Hội Nông dân Việt Nam phong danh hiệu “Thần nông” năm 2008. Cũng năm 2008, công ty do ông làm Giám đốc được nhận giải thưởng Cúp vàng sản phẩm dịch vụ xuất sắc. “Thần nông” ấy mang tên Nguyễn Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh...
Trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh, ông kể:
- Hiện nay Công ty chúng tôi có 8 giống lúa mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, đó là Khang dân 18, Q5, Hương thơm số 1, Khâm dục, Lưỡng quảng 164, ải 32, Kim cương 90, Hồng Kông 1. Trong số này thì Khang dân 18 là giống đứng đầu danh sách bởi chỉ trồng trong thời gian ngắn, chống chịu sâu bệnh, thời tiết tốt và cho năng suất cao. Đây là giống lúa của Trung Quốc, được chúng tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 1995 đến năm 1997 đưa vào sản xuất thử và năm 1999 chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống lúa quốc gia.
+ Vậy là đã tròn 10 năm kể từ khi Khang dân 18 chính thức được công nhận. Sau 10 năm, vị trí của Khang dân 18 ra sao, thưa ông?
- Ban đầu, khi nghiên cứu tìm ra giống lúa này, tôi nghĩ nó chỉ có thể trồng trên đồng ruộng vùng Trung du miền núi phía Bắc. Không ngờ rằng nó lại thích hợp trồng ở cả 4 vùng nữa là đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đến nay, Khang dân 18 là giống lúa đứng hàng số 1 trong tổng số trên 500 giống lúa ở nước ta. Hàng năm, nước ta gieo cấy khoảng trên 700 nghìn hecta lúa Khang dân 18, chiếm 10,06% diện tích lúa trong cả nước. Có thể nói, trong lịch sử trồng lúa nước của nước ta, chưa có giống nào được gieo cấy nhiều trên một diện tích lớn như vậy. ở tỉnh ta, các hộ nông dân chỉ gieo 8 giống lúa tôi đã nói ở trên và một số ít giống lúa của Trung Quốc, nhưng Khang dân 18 vẫn chiếm diện tích gieo cấy nhiều nhất.
+ Khang dân 18 - tôi rất tò mò về cái tên này?
- (cười) Tôi nhớ khi nghiên cứu thành công giống lúa này, tôi cũng định đặt cho nó một cái tên. Thế rồi, bác Dương Kế Chư, lúc ấy là Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, đã giúp tôi đặt hộ, gọi là Khang dân 18. Nghĩa của nó là giống lúa mang lại an khang, sung túc cho nhân dân. Còn con số 18 mang nghĩa là số tuổi của một thanh niên đang căng tràn sức sống...
+ Đúng là Khang dân 18 và các giống lúa khác đã mang lại no ấm cho nhiều gia đình nông dân. Nhưng Công ty cổ phần Giống cây trồng không chỉ có điểm mạnh là nghiên cứu, tìm ra những giống lúa mới?
- Đúng vậy, điểm mạnh của Công ty chúng tôi là nghiên cứu, trong đó lúa là một loài cây được đặc biệt ưu tiên. Tuy nhiên, cùng với lúa, chúng tôi còn nghiên cứu, tạo ra nhiều giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao khác như: Ngô, khoai tây, lạc, đậu tương, cây ăn quả...
+ Có phải tất cả những giống cây ấy giúp cho Công ty giành Cúp vàng sản phẩm dịch vụ xuất sắc năm 2008 vừa rồi không, thưa ông?
- Cũng có thể nói như vậy. Bởi từ những nghiên cứu, lai tạo thành công mà trong những năm qua Công ty chúng tôi mới có thể đưa ra thị trường hàng chục tấn giống và cây trồng các loại. Mỗi năm, chúng tôi đã cung cấp thóc giống cho gieo trồng trên 20 nghìn hecta lúa, năng suất đạt trên 9 tạ/hecta, thu về khoảng 21 nghìn tấn thóc. Ngoài ra còn hàng trăm loại giống ngô, lạc, đậu tương và cây ăn quả, góp phần giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất và đặc biệt là tạo ra công ăn việc làm, nhằm xoá đói giảm nghèo cho người dân. Giống cây trồng Quảng Ninh tự hào vì được lựa chọn để trồng trên nhiều vùng đất khác nhau của cả nước; hơn thế, còn “vượt biên” sang các nước bạn như Lào, Thái Lan, Cu Ba...
+ Như vậy, các sản phẩm giống cây trồng của Công ty đã khẳng định được tên tuổi. Nhưng để có được điều đó chắc chắn không hề dễ dàng?
- Tôi nghĩ việc gì cũng vậy, để đi đến thành công là điều không hề đơn giản. Trong nghiên cứu khoa học, tìm tòi cái mới lại càng không dễ dàng gì. Đôi lúc, chúng tôi miệt mài, kiên trì theo đuổi một đề tài trong nhiều năm, chỉ để làm sao khắc phục được những nhược điểm của nó, nhằm tạo ra giống tốt nhất và phù hợp nhất với mọi điều kiện thời tiết, khí hậu, cách canh tác... của người dân Việt Nam. Tôi lấy ví dụ về một giống lúa. Nếu lai tạo để cổ cây lúa cao thì bông sẽ nhỏ, ít hạt và hay bị gãy. Nhưng nếu lai để cho cổ cây lúa ngắn hơn thì bẹ sẽ sát vào bông lúa, khiến lúa hay bị bệnh đạo ôn cổ bông, hạt gần cổ sẽ lép, giảm năng suất. Và để thử nghiệm thì cũng mất khá nhiều thời gian, bởi mỗi giống đều phải trồng đi trồng lại, cấy đi cấy lại vài mùa trong vài năm mới ra kết quả. Do đó, phải nhắc lại rằng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, nhiều ưu điểm là vô cùng vất vả.
+ Thực tế cho thấy ông đã nghiên cứu thành công hàng trăm loại giống cây trồng, trong đó có những giống cây thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cuộc sống của nhiều con người. Để có được kết quả đó thì đâu là bí quyết, thưa ông?
- Trong khoa học, tôi nghĩ bí quyết nằm ở sự đam mê (cười). Nói thật là tôi cũng không có bí quyết gì ngoài việc say sưa với công việc của mình. Gắn bó với Công ty này và công việc này đã gần 30 năm, tôi may mắn (hay không may?!) là chỉ làm một công việc. Đúng là cả nửa đời người, tôi chỉ biết có công ty và gia đình. Do đó, bao kinh nghiệm, tâm huyết tôi đều dồn vào đây cả...
+ Điều đó liệu có lúc nào làm ông thấy chán?
- Không, không hề chán. Tôi là người thích sự đổi mới, sáng tạo. Trong điều hành công ty hay trong sản xuất kinh doanh, tôi đều cố tìm ra những điều mới mẻ. Chẳng hạn như trong kinh doanh, thỉnh thoảng thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm cũng sẽ mang lại những hiệu quả nhất định.
+ Tôi lại nghĩ, chính nhờ việc “thích cái mới” nên ông không bằng lòng với những gì mình có mà luôn phấn đấu để tìm ra cái mới hơn. Do đó, ở Công ty của ông mới có việc hàng loạt giống cây mới nối nhau ra đời thay thế cho những giống cây cũ?
- (cười) Có lẽ đó cũng là một lý do. Nhưng nói chính xác hơn, đó là giống cũ do chưa đảm bảo ưu điểm tuyệt đối nên phải tìm ra giống mới để thay thế. Đối với chúng tôi, đó là áp lực nhưng cũng là niềm vui.
+ Quay trở lại với Khang dân 18. Đã 10 năm giống lúa này đứng hàng ưu tiên thứ nhất trên đồng ruộng. Chắc chắn nó cũng sẽ có nhược điểm và đến ngày nào đó sẽ phải có một loại giống lúa mới để thay thế?
- Tôi đã nghĩ đến điều này. Bởi bao giờ cũng vậy, có cao trào thì sẽ có kết thúc. Trước đây, bà con ta chủ yếu cấy giống lúa CR203, năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài mà chất lượng gạo không ngon. Sau đó thì Khang dân 18 thay thế CR203. Và đúng là đến một thời điểm nào đó, Khang dân 18 sẽ được thay bằng giống tốt hơn. Do đó, Công ty chúng tôi vẫn luôn chú trọng nghiên cứu, tìm tòi. Hiện nay, chúng tôi đã tìm ra giống DT34 có chất lượng gạo ngon hơn Khang dân 18. Tuy nhiên, năng suất chưa vượt được Khang dân 18 nên còn phải tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm thêm.