Ngày 1-8-1960 ( sau gần 6 năm khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh do thực dân Pháp gây ra và sự phá hoại của chủ mỏ Pháp trước khi rút đi ) mỏ than Hà Lầm được thành lập.
Lúc mới thành lập, lực lượng cán bộ công nhân có 1.103 người, trong đó có 62 đảng viên, 130 đoàn viên thanh niên, 912 đoàn viên công đoàn và 108 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng tự vệ. Diện khai thác mỏ Hà Lầm chỉ có 2 công trường 65 và công trường 77,78 gọi tắt là khu lò Đông do Pháp đã khai thác để lại. Công nghệ khai thác lúc này hoàn toàn thủ công, máy móc thiết bị chưa có gì, cả mỏ chưa có một trung cấp, một kỹ sư. Lãnh đạo mỏ phần lớn là các đồng chí từ kháng chiến trở về như các đồng chí Hoàng Mạnh, Lê Xung, Nguyễn Phái, Hồ Kim, Nguyễn Kiên, Nguyễn Quang An...v.v. Lực lượng công nhân được bổ xung thêm từ bộ đội, thanh niên xung phong về. Có cả một số cán bộ, công nhân từ các mỏ thuộc khu vực Thái Nguyên, Việt Bắc về....
Mỏ ra đời được 5 tháng thì bắt tay vào việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ( 1961-1965 ).
Cũng trong thời kỳ này, thực hiện lời kêu gọi thi đua của Bác Hồ: “ Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt ”. Mỏ than Hà Lầm đã phát động các phong trào thi đua mang tên các địa danh, các trận đánh nổi tiếng của quân dân miền Nam, đã khích lệ động viên cán bộ, công nhân Hà Lầm hăng hái thi đua lao động sản xuất.
Năm 1962, công nhân, cán bộ mỏ Hà Lầm vinh dự được đón đồng chí Trường Chinh Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đến thăm. Đồng chí Trường Chinh đã vào lò ngầm vỉa 16 thăm cán bộ, công nhân đang làm việc. Đồng chí rất vui mừng căn dặn CBCN Mỏ thi đua sản xuất thật nhiều than “ vì Miền Nam ruột thị ” phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 1962 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ( 1961-1965 ).
Mùa hè năm 1963 cán bộ, công nhân Hà Lầm lại vinh dự đón đồng chí Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ về thăm, đồng chí đã vào lò thông gió khu 83, xuống khu khai thác than, lò Hữu Nghị thăm công nhân đang làm việc ca 1. Đồng chí đã chỉ thị cho Đảng uỷ, lãnh đạo mỏ: “ Phải lãnh đạo và chăm lo thật tốt điều kiện làm việc và bảo vệ an toàn lao động cho công nhân sản xuất trong lò và nhắc nhở phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua vì Miền Nam ruột thịt, xây dựng thêm nhiều tổ đội lao động XHCN, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch của Nhà nước ”
Đầu tháng 3 năm 1964 Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống khu mỏ yêu cầu: ” Làm thêm 20 vạn tấn than sạch để kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cả vùng mỏ mở chiến dịch sản xuất than với tinh thần quyết chiến như chiến dịch : ” Điện Biên Phủ ”. Lãnh đạo mỏ than Hà Lầm đã xây dựng kế hoạch thi đua với những biện pháp sáng tạo, nhằm thực hiện bằng được mục tiêu của chiến dịch.
Mỏ đã lấy các tổ đội lao động XHCN Vũ Ngọc Đức, Nguyễn Văn Bôn, Đình Văn Bẩy, Trần Đình Sơn làm nòng cốt, làm đầu tầu trong các phong trào, các chiến dịch thi đua. Chính vì vậy năm 1964 Mỏ Hà Lầm đã khai thác hơn 300 ngàn tấn than nguyên khai; đây là năng xuất lao động với sản lượng cao chưa từng có, kể từ ngày vùng mỏ được giải phóng, công nhân được làm chủ hầm Mỏ.
Ngày 2-2-1965( mồng 1 tết Ất Tỵ ) Bác Hồ về vui tết với công nhân mỏ và nhân dân Quảng Ninh. Tại cuộc mít tinh tổ chức ở Trường phổ thông Trung học Hòn Gai Bác đã khen ngợi Công ty than Hòn Gai và các Mỏ đã hoàn thành việc làm thêm 20 vạn tấn than sạch và Bác đã “ Thưởng cờ luân lưu thi đua khá nhất cho ngành than ”.
Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang thực hiện có hiệu quả thì bị chững lại do đế quốc Mỹ sau khi thất bại nặng nề ở miền Nam, hòng cứu vãn tình thế và ngăn chặn sự chi viện to lớn của nhân dân miền Bắc đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Phá hoại công cuộc xây dựng CNXH và làm gián đoạn quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân 2 miền Nam - Bắc.
Mặc dù bị ảnh hưởng chiến tranh hơn 1 năm, nhưng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ( 1961-1965 ) mỏ Hà Lầm vẫn đạt được những chỉ tiêu rất đáng tự hào.
1. Giá trị tổng sản lượng đạt:
33.147.979 / 31.639.779 = 104,7%
2. + Than nguyên khai đạt: 1.658.399T/ 1.500.000T = 104,2%
+ Than sạch đạt: 1.569.824T/ 1.519.980T = 103,2%
II/ THỜI KỲ 1966 - 1975
Tháng 8 - 1965 chính phủ đã quyết định thành lập Tổng công ty than Quảng Ninh. Cũng trong tháng 8 - 1965 Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng bộ than Quảng Ninh.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11( 3-1965 ) và sau đó là nghị quyết lần thứ 12 ( 12-1965 ) về chuyển hướng xây dựng kinh tế. Cũng trong năm 1965 Đảng uỷ Tổng Công ty Than Quảng Ninh đã họp. Hội nghị quyết định phương hướng sản xuất và chiến đấu của Tổng Công ty than trong tình hình mới.
Khi giặc Mỹ điên cuồng leo thang đến nấc cuối cùng, đánh phá huỷ diệt, các Nhà máy điện Uông Bí, Cọc 5 không còn khả năng cung cấp điện cho sản xuất, sản xuất bị đình trệ, đường vận chuyển than bị tắc nghẽn, tầu thuyền không vào được ăn than được thì khẩn trương chuyển hướng sản xuất từ cơ giới sang thủ công, từ lộ thiên sang hầm lò. Số công nhân còn lại sẽ được tổ chức thành các đơn vị bổ xung cho lực lượng tự vệ chiến đấu.
Thực hiện chủ trương của Đảng uỷ Tổng Công ty than Quảng Ninh. Với lòng yêu nước, yêu CNXH, với truyền thống kiên cường bất khuất “ Kỷ luật và đồng tâm ” của giai cấp công nhân Việt Nam.
Với tinh thần sản xuất trong thời chiến, mỏ than Hà Lầm đã có nhiều biện pháp triển khai đồng bộ, nhanh chóng và triệt để với chủ trương bám trụ để sản xuất, mặc dù bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt.
Thực hiện chủ trương của cấp trên Đảng uỷ mỏ Hà Lầm chỉ đạo, cán bộ đảng viên và công nhân tự vệ mỏ kiên cường bám trụ, duy trì sản xuất, đảm bảo cung cấp than theo nhu cầu của khách hàng.
Lúc này, cả vùng mỏ thi đua theo khẩu hiệu: ” Vừa sản xuất, vừa chiến đấu ”, “ Tay búa tay súng ”, “ Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ”. Tết nguyên đán 1966 công nhân mỏ Hà Lầm thực hiện khẩu hiệu:” Trận địa là nhà, vùng mỏ là quê hương, tết sản xuất, chiến đấu và tiết kiệm ”, hàng trăm công nhân cán bộ đăng ký ở lại ăn tết sản xuất và chiến đấu với chiến dịch “ Sản xuất than chống Mỹ cứu nước ”, “ Mỗi người làm việc bằng hai ”, với quyết tâm đạt ba điểm cao ( năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều ).
” Vì miền Nam ra quân quyết thắng ”, hưởng ứng chiến thắng Đắc Tô của quân dân miền Nam, cả mỏ sôi nổi chiến dịch ” Sản xuất và vận chuyển than Đắc Tô ra cảng ”.
Qua các phong trào thi đua lao động sản xuất và sẵn sàng chiến đấu cán bộ, công nhân Hà Lầm đã đạt được những thành tích, những bước phát triển trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực: tư tưởng, tổ chức, bảo vệ duy trì được sản xuất. Sản lượng khai thác than hàng năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch cấp trên giao. Tuy nhiên mức sản xuất không ổn định, do vừa sản xuất vừa phải làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Năm 1965 kế hoạch 489.000 Tấn thực hiện được 496.250 Tấn = 101%
Năm 1966 thực hiện được 385.000 Tấn
Năm 1967 thực hiện được 280.000 Tấn
Năm 1968 thực hiện được 170.000 Tấn
Năm 1969 kế hoạch 280.000 Tấn thực hiện được 295.784 Tấn = 105%
Năm 1970 kế hoạch 230.000 Tấn thực hiện được 311.561 Tấn = 135%
Năm 1971 kế hoạch 300.000 Tấn thực hiện được 352.516 Tấn = 117,5%
Năm 1972 thực hiện: 189.000 Tấn
Qua lao động sản xuất qua phong trào thi đua nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến đã xuất hiện, chỉ tính trong 4 năm ( từ năm 1969 đến năm 1972 ) toàn mỏ đã bầu được 425 chiến sĩ thi đua. Riêng năm 1972 mỏ có 130 chiến sĩ thi đua, hàng trăm lao động tiên tiến. Năm 1969 mỏ than Hà Lầm đã được nhận cờ thi đua luân lưu của Bác Hồ tặng “ Đơn vị thi đua khá nhất ngành than ”.
Xây dựng lực lượng vũ trang đánh địch, bảo vệ mỏ, chi viện đơn vị bạn và chi viện cho chiến trường miền Nam.
Với tinh thần “ Tay búa, tay súng ” vừa sản xuất vừa chiến đấu. Thi đua “ Hai giỏi ” “ Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏ i” các chiến sĩ tự vệ Hà Lầm ngày đêm luyện tập, bám thao trường, trận địa. Ngày 1-9-1967 đại đội 12 ly 7 tự vệ Hà lầm đã bắn rơi 01 máy bay A4. Ngày 19-12-1972 đại đội tự vệ pháo cao xạ Hà Lầm bắn tan xác 1 máy bay F4 của Mỹ...
Cùng với nhiệm vụ duy trì, đẩy mạnh sản xuất sẵn sàng chiến đấu, tiêu diệt địch, bảo vệ thành quả lao động và tài sản của mỏ. Cán bộ, công nhân mỏ Hà Lầm còn hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, với tinh thần “ Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời ”, “ chia lửa với miền Nam ”, “ Sẵn sàng sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ” trong một thơi gian ngắn 1967, 1968, 1969, 1970 cán bộ, công nhân mỏ Hà Lầm đã có 267 cán bộ, công nhân, tự vệ trẻ nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu...
Ngày 27-1-1973 Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn phải ký chính thức bản hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Hà Lầm cũng như cả vùng mỏ, bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống công nhân, đưa những người sơ tán trở lại, sửa chữa lại nhà cửa, nơi ăn chốn ở, cả khu sản xuất cũng như khu dân cư.
Có thể nói thời kỳ 1966- 1972 là thời kỳ căng thẳng gian khổ, huy sinh mất mát nhiều nhất - kể cả vật chất, tinh thần và xương máu. Song cũng là thời kỳ bộc lộ bản chất anh hùng cách mạnh của người thợ mỏ Hà Lầm, đã vượt lên tất cả để đi tới, tinh thần đó vẫn được duy trì, giữ vững và phát triển cho đến hôm nay.
III/ THỜI KỲ 1976-1986
Sau cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc, đánh phá khu mỏ của đế quốc Mỹ. Thời kỳ này khó khăn lớn nhất của mỏ Hà Lầm là các cơ sở sản xuất, nhà xưởng, các công trình phúc lợi công cộng của mỏ đều bị bom đạn Mỹ tàn phá. Mặc dù đã có vài năm khôi phục, song khó khăn vẫn chồng chất. Cán bộ, công nhân mỏ phải dồn tâm sức để khôi phục hậu quả chiến tranh - sửa chữa khôi phục nhà xưởng, tập trung công tác xây dựng cơ bản, mở thêm các đường lò, lộ vỉa để tăng thêm sản lượng than, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập, tiền lương, đời sống cho người lao động.
Là một đơn vị khai thác than hầm lò, vì vậy việc đào lò, chuẩn bị diện khai thác sẵn sàng gối đầu cho các lò chợ để duy trì tốc độ khai thác là nhiệm vụ trọng tâm của mỏ. Vì vậy nhiều phong trào thi đua mới được phát động, công nghệ khai thác than trong lò chợ và công tác đào lò được cơ giới hoá từng bước.
Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm điều kiên và nơi làm việc của CBCN mỏ tháng 8 năm 1980.
Tháng 8 - 1980 vinh dự một lần nữa lại đến với cán bộ công nhân mỏ than Hà Lầm, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ Quảng Ninh đến thăm nơi công nhân làm việc, thăm điều kiện làm việc của CBCN Mỏ, động viên cán bộ công nhân viên thi đua lao động sản xuất nhiều than cho Tổ quốc.
Như vậy, mỏ Hà Lầm đã lần lượt được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước và quân đội về thăm: Đồng chí Trường Chinh( 1962 ), Phạm Văn Đồng( 1964 ), Lê Duẩn( 1982 ), Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Võ Văn Kiệt( 1983 ), Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thái, Tố Hữu, Hồng Hà v.v... Đây thực sự là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công nhân mỏ vầ cũng là niềm vinh dự tự hào của công nhân mỏ Hà Lầm. Sự quan tâm này đã là nguồn động viên khích lệ rất lớn đối với công nhân cán bộ mỏ Hà Lầm phấn đấu khắc phục khó khăn vượt qua gian khổ, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao...
Năm 1986 là năm cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. Cũng như ngành than, Hà Lầm bước vào thời kì thay đổi có ý nghĩa to lớn. Đòi hỏi phải có bước chuyển biến mới về tư duy, trước hết là tư duy kinh tế: Bộ máy lãnh đạo, điều hành, phong cách lề lối làm việc cũng phải thay đổi cho phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước.
Mỏ đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường quản lý; thưởng phạt phân minh, rõ ràng, công khai. Phong trào thi đua được phát động, đi vào những nội dung thiết thực, cụ thể; lấy các điển hình tập thể, cá nhân làm nòng cốt. Khuyến khích ý tưởng sáng tạo, đề xuất, hiến kế, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng công nghệ mới.
IV/ THỜI KỲ 1987-2000
Thời kỳ đổi mới, thực hiện đồng bộ hoá ngành than đi vào công nghiệp hoá hiện đại hoá sản xuất kinh doanh ( 1986-1999 ).
Thời kỳ 1986-1999 là thời kỳ đất nước khó khăn. Năm 1999 là năm khủng hoảng nặng nề nhất đối với ngành than.
Việc không thực hiện được 2 kỳ kế hoạch 5 năm của giai đoạn 1976 - 1985 đã để lại hậu quả nặng nề cho ngành than nói chung và mỏ Hà Lầm nói riêng. Diện khai thác thu hẹp, than tiêu thụ chậm. Công nhân thiếu việc làm, thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Trong khi đó nhà nước giao cho các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh tự chịu trách nhiệm, tự chủ lấy kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Đời sống cán bộ công nhân ngành than - trong đó có Cán bộ công nhân than Hà Lầm trước đó đã khó khăn, khi chuyển sang cơ chế tự chịu trách nhiệm lại càng khó khăn hơn.
Trong bối cảnh như vậy thì tháng 12-1986 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng quyết định đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước. Chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với 5 thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Quyết định này mở ra cho nền kinh tế đất nước, cho ngành than một hướng đi vô cùng sáng sủa và mới mẻ, đầy triển vọng
Cụm sàng tuyển do CBCNV Công ty thiết kế thi công lắp đặt phục vụ cho việc sàng tuyển, chế biến các chủng lọai than chất lượng đảm bảo cho công tác tiêu thụ.
Đi vào kinh tế thị trường vấn đề có tính then chốt là phải giữ được chữ tín với khách hàng, nghĩa là phải đảm bảo yêu cầu của họ: chủng loại, cỡ hạt, chất lượng, độ tro, độ ẩm, thời gian. Muốn làm được điều đó, ngoài yếu tố con người, còn phải có công nghệ, năng suất tăng, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Nhận thức rõ điều này, lãnh đạo mỏ đã lấy lời dạy của Bác Hồ: ”Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua
Coi trọng giải pháp công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Trong khai thác than hầm lò, mỏ đã thay đổi một số bộ chiếu khoan nổ mìn ở lò chợ và lò cái, nên đã giảm được chi phí sử dụng thuốc nổ từ 15% đến 20%, tăng tỷ lệ than cục lên 5%, phân loại nâng tỷ lệ than cám 3, cám 4A lên 40%. Mỏ đã áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật sử dụng vì neo bê tông chống lò đá, khắc phục tình trạng thiếu gỗ, thiếu sắt, giảm chi phí gỗ từ 58m3/1.000 tấn xuống còn 40m3/1.000 tấn than....
V/ THỜI KỲ 2001-2007
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế của các nước vùng Đông Nam Á năm 1997 đã ảnh hưởng rất lớn và nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và việc xuất khẩu than của Tổng Công ty Than Việt Nam và các doanh nghiệp đơn vị thành viên. Có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ....Tổng Công ty Than Việt Nam và các doanh nghiệp đơn vị thành viên. Rút kinh nghiệm việc khủng hoảng của ngành than năm 1999, ngành than và các đơn vị thành viên đã đưa ra giải pháp mới.
Đến cuối năm 2000 toàn ngành đã đưa nhịp độ sản xuất than có mức độ tăng trưởng cao. Công tác điều hành sản xuất đã phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Than tồn kho, tồn đống phù hợp với việc chuẩn bị chân hàng. Một số chỉ tiêu đạt mức kỷ lục kể từ ngày thành lập Tổng Công ty than Việt Nam năm 1994. Cùng chung với khí thế của ngành than, mỏ than Hà Lầm năm 2000 đã bố trí đủ việc làm cho công nhân. Mức thu nhập của người lao động được tăng lên 10-> 16% so với năm 1999. Mỏ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất như đưa giá thủy lực di động vào lò chợ. Là đơn vị đầu tiên trong khai thác than hầm lò của Tổng Công ty than Việt Nam sử dụng giá thuỷ lực di động vào lò chợ. Đồng thời Mỏ đã đầu tư lắp đặt hệ thống băng tải dốc 230 để phục vụ chuyển tải tan từ âm 51 lên.
Năm 2000 than nguyên khai sản xuất đạt 556,488 tấn bằng 114%, than tiêu thụ đạt 534,014 tấn bằng 120%. Doanh thu 102 tỷ đồng bằng 108%.
Năm 2001 than nguyên khai đạt 599,741 tấn bằng 105%. Than tiêu thụ đạt 622,650 tấn bằng 111%. Doanh thu 143 tỷ 5.000 triệu đồng. Năm 2001 cũng là năm Hội đồng quản trị Tổng Công ty than Việt Nam ban hành quyết định số 405 QĐ / HĐQT ngày 1-10-2001 về việc đổi tên mỏ Hà Lầm thành Công ty than Hà Lầm, thành viên của Tổng Công ty than VIệt Nam.
Năm 2003 sản lượng than Nguyên khai sản xuất đạt 834.846 tấn bằng 103 %, than tiêu thụ đạt 796.888 tấn bằng 107,6%. Doanh thu đạt 218,7 tỷ VN đồng.
Năm 2004 sản lượng than Nguyên khai đạt 1.201.606 tấn bằng 104,5%, than tiêu thụ đạt 1.092.736 tấn bằng 110,5%. Doanh thu đạt 343,8 tỷ VN đồng bằng 112% .
Năm 2005 sản lượng than Nguyên khai đạt 1.487.307 tấn, than tiêu thụ đạt 1.271.132 tấn. Doanh thu đạt 445,8 tỷ VN đồng.
Năm 2006 sản lượng than Nguyên khai đạt 1.778.521 tấn, than tiêu thụ đạt 1.621.773 tấn. Doanh thu đạt 532,5 tỷ VN đồng.
Năm 2007 sản lượng than Nguyên khai đạt 1.764.621 tấn, than tiêu thu đạt 1.632.679 tấn. Doanh thu đạt 598.9 tỷ VN đồng.
Có thể nói so với 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng Sản Viêt Nam khởi xướng lãnh đạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các ban ngành, lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương, thợ mỏ Công ty than Hà Lầm tiếp tục viết lên những trang sử vẻ vang mới, tô thêm truyền thống “ kỷ luật và đồng tâm ” kiên cường bất khuất, dũng cảm thông minh, sáng tạo luôn luôn hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có mức tăng trưởng nhanh.
Đặc biệt từ năm 2000 đến nay thực hiện nghị quyết của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện chủ trương của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xây dụng mỏ hiện đại, ít người, xanh, sạch, đẹp. Đồng thời ý thức được để có năng suất sản lượng cao, thu nhập của người lao động được nâng lên thì ngoài yếu tố con người còn có yếu tố thiết bị máy móc. Trong 5 năm Công ty than Hà Lầm đã đầu tư gần 200 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị như hệ thống băng tải với chiều dài hơn 2 km phục vụ việc vận tải than. Hệ thống khoan tam rốc, máy xúc lật hông, máy com bai đào lò, máy xúc gầu ngược có dung tích từ 1,2 ÷ 4,6 m3 hàng chục xe bela, xe volvo có trọng tải từ 25 ÷ 32 tấn.
Cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến văn phòng, nhà tập thể cho công nhân được đầu tư xây mới khang trang hiện đại.
Với hiệu quả của công tác đầu tư đổi mới công nghệ cho nên sản lượng than khai thác, mét lò đào, bốc xúc đất đá, than tiêu thụ và doanh thu hàng năm đều có tăng trưởng từ 20 ÷ 25 %.
Năm 2007, Thực hiện Nghị định 109/2007/ND-CP ngày 21/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần và Nghị quyết của HĐQT Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam về chuyển đổi các doanh nghiệp trong tập đoàn sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa. Ngày 19 tháng 9 năm 2007, HĐQT Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt nam đã phê duyệt phương án cổ phần hóa chuyển Công ty than Hà Lầm – TKV thành Công ty Cổ phần than Hà Lầm - TKV. Thời gian qua tập thể CBCN công ty đã nỗ lực tiến hành các bước chuyển mô hình hoạt động của công ty sang cổ phần hóa.
VI/ THỜI KỲ 2008 - NAY
Ngày 28 tháng 1 năm 2008, Công ty đã tiến hành Đại hội cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Than Hà Lầm – TKV. Đại hội đã thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty, bầu các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và thông qua phương án sản xuất kinh doanh.
Công ty Cổ phần Than Hà Lầm – TKV được thành lập với số vốn điều lệ là 93 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần Nhà nước do Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam nắm giữ là 5 343 153 cổ phần chiếm 57,46% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho 3596 cán bộ công nhân viên trong công ty là là 2 697 000 cổ phần chiếm 29% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai cho 12 nhà đầu tư là 1 259 847 cổ phần chiếm 13,5 % vốn điều lệ.
Công ty được phép kinh doanh các ngành nghề: Khai thác chế biến và tiêu thụ than; chế tạo sửa chữa phục hồi thiết bị máy mỏ, phương tiện vận tải và sản phẩm cơ khí; Xây dựng các công trình mỏ, công nghiệp , giao thông, dân dụng, đường dây, trạm; Vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy; Sản xuất vật liệu xây dựng; Quản lý khai thác cảng lẻ; Kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, du lịch lữ hành trong nước và quốc tế. Kinh doanh xuất nhập khẩu máy móc thiết bị vật tư phụ tùng hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống.
Năm 2008 CBCNVC – Lao động Công ty cổ phần Than Hà Lầm -TKV đã khắc phục những khó khăn do biến động của sự suy thoái kinh tế thế giới, cùng với việc đề ra các giải pháp kịp thời nhằm kìm chế lạm phát, ổn định sản xuất. Kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2008 đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch như:
Sản xuất được 1,692,379 tấn than nguyên khai.
Tiêu thụ được 1,423,753 tấn.
Doanh thu đạt 864.66 tỷ đồng.
Ngày 3/2/2009, Công ty cổ phần Than Hà Lầm – TKV đã khởi công xây dựng dự án khai thác dưới mức – 50 mỏ Than Hà Lầm - Công ty cổ phần Than Hà Lầm. Đây là công trình khai thác được mở vỉa bằng 3 giếng đứng đầu tiên tại Việt Nam, tổng mức đầu tư trên 2,2 nghìn tỷ đồng, sản lượng khai thác 2,4 triệu tấn/ năm, thời gian khai thác từ 40 -:- 50 năm ( Không kể thời gian xây dựng cơ bản ). Ngày 12/11/2009 thợ mỏ Hà Lầm đã chính thức đặt chân xuống mức - 300 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của ngành than Việt Nam. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng, khẳng định sự lớn mạnh của thợ mỏ Hà Lầm, từng bước khẳng định thương hiệu “ Than Hà Lầm ” trên nền kinh tế thị trường
Với những quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công ty 1/8/1960 -:- 1/8/2010, trong năm 2009 tập thể công nhân cán bộ Công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch như:
Sản xuất được 1,775,140 tấn than nguyên khai.
Tiêu thụ được 1,722,859 tấn.
Doanh thu đạt 1065.6 tỷ đồng.
Ngày 09 tháng 2 năm 2010 công nhân, cán bộ Công ty cổ phần than Hà Lầm - TKV vinh dự được đón Đồng chí Nông Đức Mạnh - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về thăm. Đồng chí biểu dương và ghi nhận những thành tích đã đạt được của đội ngũ công nhân, cán bộ Công ty cổ phần Than Hà Lầm trong những năm qua, đã góp phần vào sự bình ổn xã hội và phát triển chung của nền kinh tế đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia....
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trồng cây lưu niệm tại mặt bằng công nghiệp +30 Công ty cổ phần than Hà Lầm - TKV ngày 09/02/2010
50 năm phấn đấu xây dựng & trưởng thành từ vài công trường khai thác phân tán, thủ công, nay Hà Lầm đã là một Công ty có quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại. Đội ngũ công nhân đông đảo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề ngày càng được nâng lên đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công ty 1/8/1960 -:- 1/8/2010. Công ty cổ phần Than Hà Lầm - TKV vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương độc lập hạng nhất.