Để đáp ứng cho việc tăng sản lượng than và phát triển, Liên hiệp đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 179-TCCB ngày 02 tháng 4 năm 1988 thành lập Mỏ than Hà Ráng và quyết định số 567 QĐ/UB, ngày 15 tháng 9 năm 1988 thành lập Cảng Sa Tô (đến ngày 20 tháng 4 năm 1991 Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số: 512-QĐ/UB V/v đổi tên Cảng Sa Tô thành Xí nghiệp chế biến và kinh doanh than).
Trong những ngày đầu mới thành lập Liên hiệp than Quảng Ninh do cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, cán bộ kỹ thuật và quản lý còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành sản xuất và khai thác mỏ. Phương pháp khai thác than của Liên hiệp ở thời điểm này mang tính chất tận thu lộ vỉa với quy mô mỏ nhỏ. Công nghệ khai thác giản đơn, trình độ cơ giới hoá ở mức độ thấp. Sản lượng than khai thác bình quân trong những năm từ 1988 -:- 1991 chỉ đạt: (150.000 -:-200.000)tấn/ năm.
Để phù hợp với yêu cầu đổi mới, ngày 26 tháng 9 năm 1992, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định số: 2265 QĐ/UB V/v chuyển Liên hiệp than Quảng Ninh thành Công ty than Quảng Ninh. Ngày 17-12-1992 UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số:2852-QĐ/UB V/v thành lập doanh nghiệp Nhà nước Công ty than Quảng Ninh với chức năng, nhiệm vụ của Công ty là đơn vị sản xuất kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập, hoạt động SXKD theo luật Công ty. Trong Công ty có 4 đơn vị trực thuộc, có tư cách pháp nhân không đầy đủ, hạch toán phụ thuộc chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của Công ty là:
- Xí nghiệp than Cẩm phả.
- Mỏ than Suối Lại.
- Mỏ than Hà Ráng.
- Xí nghiệp chế biến và kinh doanh than.
Ngay sau khi thành lập, Công ty than Quảng Ninh đã chủ động củng cố tổ chức lại sản xuất, thay đổi mô hình điều hành và quản lý, với phương châm vận động theo cơ chế thị trường và lấy hiệu quả kinh tế trong SXKD làm thước đo. Công ty đã chú trọng đầu tư bổ sung nguồn nhân lực, năng lực máy móc thiết bị khai thác, vận tải và phục vụ sản xuất v.v... đồng thời lựa chọn khai thác những vỉa than có chất lượng tốt đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ, chủ động tiếp cận thị trường. Với những tư duy và cách làm như trên, nên trong giai đoạn này Công ty than Quảng Ninh là một trong những đơn vị làm ăn có hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Quảng Ninh.
Trên đà phát triển mới để tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước, xuất khẩu, Công ty đã có bước đầu phát triển cả về chiều sâu và cả chiều rộng: mở rộng sản xuất, nhiều mỏ mới được thành lập:
Ngày 04 tháng 3 năm1994 Mỏ than Khe Tam được thành lập theo quyết định số:399 QĐ/UB của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 20 tháng 6 năm 1995 Xí nghiệp Chế biến và kinh doanh than chuyển nhiệm vụ sang khai thác than và XN than Bình Minh đã được thành lập theo quyết định số: 1295 QĐ/UB của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Như vậy trong thời kỳ 1992 -:- 1995 Công ty than Quảng Ninh có 5 đơn vị trực thuộc. Sản lượng than khai thác trong thời kỳ này đạt trung bình (250.000-:-300.000) tấn/năm. Bước đầu đã tiến hành khai thác than hầm lò. Đội ngũ cán bộ công nhân viên chức Công ty đã tự học hỏi để từng bước tự hoàn thiện mình và trưởng thành, trong công tác quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ, điều hành sản xuất và kinh doanh đã đáp ứng được yêu cầu quản lý đặt ra.
Thực hiện quyết định số 381-TTg ngày 27-7-1994 và chỉ thị 382-TTg ngày 28-7-1994 của Thủ tướng Chính phủ V/v sắp xếp tổ chức và lập lại trật tự trong khai thác và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngày 4 tháng 11 năm 1994 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký Quyết định số: 2186 QĐ/UB thành lập Công ty than Quảng Ninh, gồm 10 đơn vị, trong đó có 5 xí nghiệp trước đây trực thuộc các huyện, thị xã trong tỉnh.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 Công ty than Quảng Ninh thuộc sự quản lý, điều hành SXKD của Tổng Công ty than Việt Nam, tại thời điểm này sau khi sắp xếp, Công ty có chính thức 7 đơn vị trực thuộc: Xí nghiệp than Cẩm Phả, Mỏ than Suối Lại, Mỏ than Hà Ráng, Xí nghiệp Chế biến và kinh doanh than, Mỏ than Khe Tam, Xí nghiệp than Hoành Bồ, Xí nghiệp than Đông Triều.
Ngày 20 tháng 7 năm 1996 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định số: 1721 QĐ/UB V/v chuyển giao Công ty than Quảng Ninh chính thức về Tổng công ty than Việt nam. Công ty than Quảng Ninh là đơn vị sản xuất kinh doanh, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế độ lập, hoạt động theo Điều lệ Công ty được Hội đồng quản trị Tổng Công ty than Việt Nam phê duyệt theo Quyết định số: 593TVN/ TCCB ngày 26 tháng 2 năm 1997.
Từ khi chính thức là thành viên của Tổng Công ty Than Việt Nam, hoạt động của Công ty than Quảng Ninh có thuận lợi do được hướng dẫn quản lý về Kỹ thuật, nghiệp vụ của các phòng chuyên quản thuộc Tổng Công ty than Việt Nam theo đúng quy trình quản lý chuyên môn hoá, đội ngũ cán bộ quản lý về Kỹ thuật, nghiệp vụ của Công ty được trưởng thành. Công tác quản lý và đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ, nhiều cán bộ được cử đi tập huấn đào tạo về quản lý trong và ngoài nước, đây chính là yếu tố quan trọng quyết định cho sự phát triển của Công ty trong những năm sau này.
Nhằm đáp ứng với yêu cầu sản xuất và nhiệm vụ SXKD mà Tổng Công ty giao cho, Công ty than Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn vốn hiện có và nguồn vốn tập trung của Tổng Công ty để thăm dò nâng cấp, đánh giá lại các vùng tài nguyên, quy hoạch, thiết kế kỹ thuật đầu tư khai thác các khu mỏ, nhiều mỏ mới được xây dựng ra đời.
Ngày 1 tháng 4 năm 1997 Xí nghiệp than Thành Công được thành lập theo quyết định số: 293 TVN/TCCB của Tổng giám đốc Tổng Công ty than Việt Nam.
Ngày 27 tháng 01 năm 1997 Xí nghiệp Dịch vụ & Kinh doanh than được thành lập theo quyết định số: 294/TVN-TCCB của Tổng giám đốc Tổng Công ty than Việt Nam.
Ngày 08 tháng 4 năm 1998 Mỏ than Tây Bắc Đá Mài được thành lập theo quyết định số:641 QĐ-TCCB của Tổng giám đốc Tổng Công ty than Việt Nam.
Ngày 04 tháng 10 năm 2001 XN than Đông Triều được đổi tên thành Mỏ than Núi Khánh theo quyết định số: 423 QĐ-TCCB của Tổng giám đốc Tổng Công ty than Việt Nam.
Ngày 01 tháng 10 năm 1999, Xí nghiệp than Cẩm Phả - một trong 10 đơn vị trực thuộc của Công ty đã được Cổ phần hoá và chính thức đi vào hoạt động theo luật của Công ty cổ phần lấy tên là: Công ty Cổ phần than Tây Nam Đá Mài. Đến thời điểm này công ty than Quảng Ninh có 9 đơn vị trực thuộc đó là: Mỏ than Suối Lại, Mỏ than Thành Công, Mỏ than Núi Khánh, Mỏ than Hà Ráng, Mỏ Tấy Bắc Đá Mài, Mỏ than Khe Tam, XN than Bình Minh, XN than Hoành bồ, XN dịch vụ và kinh doanh than.
Với những kết quả và thành tích đạt được liên tục trong nhiều năm, Công ty than Quảng Ninh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhân dịp Công ty than Quảng Ninh kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển (8/1/1988 - 8/1/1998). Sự kiện đó là nguồn động viên khuyến khích CNCNV toàn Công ty phấn khởi, thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc cao hơn nữa, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ SXKD, giữ vững nhịp độ phát triển của Công ty.
Giai đoạn (1999-:-2001) do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á, nên đời sống của cán bộ CNVC ngành than có nhiều khó khăn. Nhưng với nhiều biện pháp tích cực trong điều hành sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, quản lý kỹ thuật. Tăng cường sản xuất than có chất lượng cao, đẩy mạnh công tác tiếp thị bán hàng, quản lý chi phí sản xuất và tiêu thụ. Mục tiêu của Công ty là tiết kiệm chi phí ở mức hợp lý, giảm tối đa những rủi ro trong đầu tư, trong bóc đất đá và đào lò, sử dụng đồng vốn hợp lý vv... Tất cả các biện pháp trên đã làm hạ giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng lợi nhuận kinh doanh nên đã duy trì được nhịp độ sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động của Công ty. Sản lượng toàn Công ty đạt được trong thời kỳ này đã đạt trên 700.000 tấn/năm.
Bước sang năm 2002 nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng nhanh do sự phát triển lớn mạnh của các ngành kinh tế khác, thị trường than thế giới cũng tăng cao, ngành than có nhiều cơ hội tăng trưởng và phát triển. Để có điều kiện nâng công suất mỏ, tăng cường đầu tư và cơ giới hoá trong khai thác than, trên cơ sở quy hoạch lại tài nguyên, Công ty đã xắp xếp lại: Sáp nhập Xí nghiệp than Suối Lại vào Xí nghiệp than Tây Bắc Đá Mài và đổi tên thành Xí nghiệp Xây lắp và Sản xuất than Khe Chàm II (Nay là Xí nghiệp than Cẩm Thành), sáp nhập Xí nghiệp than Bình Minh vào Xí nghiệp than Thành Công, sáp nhập Xí nghiệp than Núi Khánh vào Xí nghiệp than Hà Ráng. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2003, Công ty than Quảng Ninh có 6 xí nghiệp trực thuộc: XN than Thành Công, XN than Hà Ráng, XN Xây lắp & Sản xuất than Khe Chàm 2, Xí nghiệp than Khe Tam, Xí nghiệp than Hoành Bồ, Xí nghiệp Dịch vụ và Kinh doanh than.
Để phù hợp với sự phát triển chung của Ngành than, Hội đồng quản trị Tổng Công ty than Việt Nam đã quyết định đổi tên Công ty than Quảng Ninh thành Công ty than Hạ Long kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2003, theo Quyết định số: 643 QĐ-HĐQT ngày 25 tháng 4 năm 2003.
Việc sắp xếp lại các đơn vị đã giúp tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ có hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho cán bộ công nhân viên ổn định. Điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện rõ rệt. Cùng với đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật không ngừng nâng cao về trình độ, tay nghề, sản lượng của Công ty liên tục tăng:
Năm 2003 sản xuất 766.000 tấn than nguyên khai, trong đó 534.000 tấn than hầm lò.
Năm 2004 sản xuất 1.123.000 tấn than nguyên khai, trong đó: 806.000 tấn than hầm lò.
Năm 2005 sản xuất 1.554.000 tấn than nguyên khai, trong đó: 1.088.000 tấn than hầm lò
Năm 2006 sản xuất 1.709.000 tấn than nguyên khai, trong đó 1.333.000 tấn than hầm lò.
Năm 2007 Công ty than Hạ long sản xuất: 2.083.000 tấn than nguyên khai, trong đó 1.728.000 tấn than hầm lò. Vượt trước thời gian: mục tiêu đạt sản lượng 2.000.000 tấn vào năm 2010.
Kế hoạch năm 2008, do ảnh hưởng của Khủng hoảng kinh tế thế giới và sự thay đổi trong công tác tổ chức, Công ty đã sản xuất được 1.875.000 tấn than nguyên khai các loại, chủ yếu là than hầm lò.
Từ việc đầu tư khẩn trương, tích cực mà trong một thời gian ngắn 5 năm từ (2003 -:- 2007), sản lương than nguyên khai của Công ty đã có bước tăng trưởng nhẩy vọt từ 766.000 tấn lên 2.083.000 tấn, bình quân tăng 33 %/năm, với các sự kiện đón tấn than sản xuất thứ 1 triệu của năm 2004 và chưa đầy 3 năm sau vào ngày 24/12/2007 Công ty đón tấn than sản xuất thứ 2 triệu của năm 2007. Đó là những thành tích rất đáng tự hào và đã khẳng định vị thế của Công ty than Hạ Long. Công ty than Hạ Long đã trở thành một trong các Công ty hàng đầu của Tập đoàn TKV về khai thác than Hầm lò. Khẳng định tiêu chí phát triển: Mỏ an toàn- Mỏ sạch - Mỏ ít người- Mỏ hiện đại.
Trong quá trình phát triển Công ty than Hạ Long được giao quản lý, thăm dò và tổ chức khai thác các vùng tài nguyên nghèo nằm phân tán dải rác, với kết quả to lớn đạt được trong 20 năm qua là do Công ty đã mạnh dạn đổi mới công nghệ khai thác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả cao, với vốn đầu tư tăng dần qua các năm phù hợp với tiến độ tăng trưởng, năm 2007 đạt gần 127 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là:
Tất cả các khu vực sản xuất đã được kéo điện lưới thay cho hệ thống máy phát điện cục bộ Điêzen, để đẩy nhanh đưa cơ giới hoá, hiện đại hoá vào sản xuất. Hiện nay dây truyền công nghệ khai thác hiện tại toàn Công ty than Hạ Long đã được đầu tư theo hướng cơ giới hoá, hiện đại hoá, sánh vai với các Công ty bạn .Áp dụng các công nghệ khai thác Hầm lò truyền thống và phù hợp với điều kiện địa chất của từng khu vực đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất lao động.Trong đào lò đã đưa máy cào đá loại P-30B vào đào giếng nghiêng tại các Xí nghiệp trực thuộc, đặc biệt trong năm 2007 đã phối hợp với Viện Cơ khí và năng lượng áp dụng thành công việc đưa băng tải đá trong đào lò giếng nghiêng tại XN than Cẩm Thành. Máy xúc đá 1IIII.H-5, Z20B, máy khoan cào vơ 2PNP-2B,Trong đào lò than đã đưa máy Combai AM-50Z vào đào lò đạt hiệu quả cao.
Các lò chợ hiện nay đã được thuỷ lực hoá 100%, việc chống giữ các lò chợ bằng cột chống thuỷ lực đơn và giá thuỷ lực di động phù hợp với điều kiện địa chất của các vỉa than, nên đã nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn tại các lò chợ.
Công tác vận tải than trong hầm lò đã được cơ giới hoá bằng Máng cào, tầu điện Ắc quy, băng tải, đặc biệt là hệ thống băng tải dốc tại các lò nghiêng đưa thẳng ra các cụm sàng tuyển. Công tác sàng tuyển được cơ giới hoá 100% bằng các hệ thống sàng tuyển hiện đại có công suất phù hợp đảm bảo nâng cao chất lượng than.
Công tác thông gió: Từ năm 2006 tới nay đã xây dựng Hệ thống thông gió trung tâm thay cho hệ thống thông gió cũ tại tất cả các XN khai thác hầm lò toàn Công ty những quạt gió đảo chiều thế hệ mới dòng BD-II do Trung Quốc sản xuất được đưa vào thông gió trong các mỏ hầm lò toàn Công ty, đảm bảo lưu lượng gió trong sản xuất được an toàn và tiết kiệm chi phí.
Công tác bốc xúc, vận chuyển đất đá đã được đầu tư giảm thiểu tối đa thuê ngoài, đầu tư các ô tô, máy xúc có tải trọng, công suất lớn đáp ứng cho khai thác than lộ thiên.
Công tác bốc rót, tiêu thụ than từ thủ công là chính đến nay đã được cơ giới hoá 100% bằng hệ thống băng tải, máng rót, gầu ngoạm, đặc biệt việc đầu tư nâng cấp Cảng Làng Khánh, đáp ứng tiêu thụ không chỉ cho Công ty mà còn tiêu thụ cho các Công ty bạn trong khu vực Hạ Long.
Đối với công tác môi trường: Trong những năm qua, công ty đã đặc biệt chú trọng, hàng năm việc trồng cây phủ xanh bãi thải, hoàn nguyên môi trường các khu đã khai thác được thực hiện tốt, tăng cường các biện pháp xử lý nước, chất thải, nạo vét sông suối, tưới nước, dập bụi trên các tuyến đường vận tải, khu vực sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường toàn thể CBCNV công ty.
Trong quá trình phát triển hơn 20 năm qua với từng thời kỳ khác nhau, Công ty luôn xác định rõ vai trò quyết định của nguồn nhân lực trong sự phát triển. Chính vì vậy, công tác chăm lo đời sống, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt và đào tạo nguồn nhân lực cho người lao động được đặc biệt chú trọng.
Thu nhập của người lao động trong Công ty luôn ở tốp đầu của các đơn vị Ngành than, năm 2007 đạt 4.014.000 đồng/ người- tháng. Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 thu nhập bình quân của CBCNV luôn đạt trên 6.000.000 đồng/ người/ tháng.
Các Công trình chăm sóc sức khoẻ cho người lao động được Công ty tập trung quan tâm. Các khu tập thể được đầu tư khang trang, diện tích ở đảm bảo hơn 5,0m2/ ngưòi. Công ty đang tiến hành quy hoạch, xây dựng các khu chung cư cho người lao động. Tất cả các đơn vị đều có nhà tắm nước nóng, giặt sấy quần áo, xe đưa đón công nhân, trạm y tế phục vụ tốt cho người lao động. Việc thực hiện chế độ ăn định lượng, ăn giữa ca, bồi dưỡng độc hại đều thực hiện đúng quy định. Chất lượng bữa ăn luôn được cải thiện đặc biệt bữa ăn của thợ lò sau ca làm việc. Việc khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động được thực hiện đúng quy định: 1 lần/năm cho chung các đối tượng và 02 lần/ năm cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại. Hàng năm đều tổ chức cho nhiều lượt người lao động được thăm quan du lịch trong và ngoài nước. Tổ chức cho đối tượng đi điều dưỡng phục hồi chức năng, rửa phổi cho công nhân bị bụi phổi nghề nghiệp.
Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, công tác văn hoá, văn nghệ, thể thao cũng đựơc đặc biệt quan tâm. Hàng năm Công ty tổ chức các giải thể thao, hội diễn văn nghệ quần chúng truyền thống ở từng Xí nghiệp và toàn Công ty, từ đó lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu tham gia các hội thao, hội diễn của ngành đạt kết quả tốt, qua đó quảng bá được hình ảnh của Công ty.
Đối với công tác từ thiện, nhân đạo, việc chăm lo đến hoàn cảnh của các gia đình khó khăn, có thân nhân bị tai nạn và người bị tai nạn lao động được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong năm qua Công ty đã chi hàng tỷ đồng cho công tác này. Ưu tiên giúp đỡ nhận thân nhân các gia đình CBCNV có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại Công ty. Hiện nay trong Công ty không có hộ nghèo.
Ngoài ra, Công ty cũng thực hiện tốt việc đóng góp xây dựng các công trình, giúp đỡ các hội, các xã nghèo, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình Thương binh Liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt... với số tiền hàng tỷ đồng.
Từ những chính sách quan tâm đến người lao động, những phong trào ôn luyện tay nghề, thi thợ giỏi ở các cấp, tăng cường đào tạo bồi dưỡng bằng nhiều hình thức trong và ngoài nước, đến nay Công ty than Hạ Long có đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ: Với 742 người có trình độ cao đẳng, đại học. 390 người có trình độ trung cấp, và 4.400 người là CNKT, trong đó gần 2500 công nhân hầm lò, an tâm công tác, gắn bó với Công ty sẽ là nguồn lực lớn cho thành công và phát triển đi lên về mọi mặt của Công ty than Hạ Long trong những năm tiếp theo.
Năm 2008 là một năm có nhiều thay đổi to lớn của Công ty về công tác tổ chức. Theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về việc quy hoạch lại các vùng tài nguyên. Một số đơn vị thuộc Công ty than Hạ Long đã chuyển sang các Công ty khác, cụ thể là Xí nghiệp Dịch vụ Kinh doanh than sáp nhập vào Công ty Kho vận Hòn Gai, Xí nghiệp than Hoành Bồ chuyển về Công ty than Uông Bí, Xí nghiệp than Thành Công chuyển về Công ty than Hòn Gai. Công ty than Hạ Long tiếp nhận Xí nghiệp than Tân Lập của Công ty than Hòn Gai. Như vậy Công ty than Hạ Long - TKV hiện nay có 4 Xí nghiệp là: Xí nghiệp than Hà Ráng, Xí nghiệp than Khe Tam, Xí nghiệp than Cẩm Thành, Xí nghiệp than Tân Lập. Sau khi có sự chuyển đổi của các Xí nghiệp và có sự thay đổi một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Công ty đã khiến cho một bộ phận CBCNV Công ty có dấu hiệu dao động tâm lý, hoang mang. Đứng trước tình hình đó tập thể lãnh đạo Công ty đã có nhiều biện pháp hợp lý để ổn định sản xuất, tăng trưởng , làm tốt công tác tuyên truyền đối với CBCNV Công ty. Từ đó CBCNV tin tưởng vào tập thể lãnh đạo Công ty, yên tâm công tác. Năm 2008 Công ty than Hạ Long đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đạt lợi nhuận trên 40 tỷ đồng, thu nhập đạt trên 6.000.000 đồng/người/tháng. Là Công ty có sản lượng hầm lò và thu nhập thuộc tốp cao trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Hiện nay Công ty đang được Tập đoàn TKV giao triển khai 02 Dự án lớn là Dự án xây dựng Mỏ Khe Chàm II, Khe Chàm IV đây là các dự án khai thác than Hầm lò rất lớn mở ra diện khai thác lớn trong nhiều năm của Công ty và Dự án xây dựng Nhà Điều hành của Công ty tại Quảng trường 12/11 cao 17 tầng. Khi thực hiện xong các dự án trên chắc chắn sẽ tạo ra những điều kiện phát triển ngày càng vững chắc cho Công ty than Hạ Long.
Qua 20 năm xây dựng trưởng thành và phát triển, đạt được những thành tích to lớn về mọi mặt là nhờ có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ Công ty, sự phối hợp của Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị, xã hội Công ty qua các thời kỳ.
Từ năm 1996 trở về trước Tổ chức Đảng của Công ty than Quảng Ninh không đồng cấp với chuyên môn nên thiếu đồng bộ. Nhằm khắc phục những khiếm khuyết đó, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ cấp trên: Ngày 02 tháng 10 năm 1996 Đảng Bộ công ty than Quảng Ninh được thành lập theo Quyết định số: 40QĐ/ĐUT của Ban thường vụ Đảng uỷ Than Quảng Ninh.
Ngày 21 tháng 6 năm 1997 Đại hội đại biểu Đảng bộ Công ty lần thứ nhất nhiệm kỳ (1997 -:- 2000) được tiến hành, đại hôi đã bầu được 15 đồng chí UVBCH Đảng uỷ Công ty khoá I .Thời điểm này toàn Đảng bộ có: 10 chi bộ trực thuộc với 206 đảng viên, đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng của toàn Công ty, từ đây mọi sự hoạt động của Công ty đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Công ty than Quảng Ninh.
Hiện nay toàn Công ty có 05 Đảng bộ trực thuộc với 42chi bộ thuộc các Đảng bộ và 750 Đảng viên. Chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng viên được bồi dưỡng, đào tạo ngày càng được nâng cao về phẩm chất chính trị cũng như về năng lực chuyên môn. Hiện nay có 15 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận và Cử nhân chính trị và 20 đồng chí đang theo học cao cấp lý luận chính trị.
Từ khi thành lập Đảng bộ Công ty than Quảng Ninh nay là Đảng bộ công ty than Hạ Long đã lãnh đạo toàn diện về mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội, trong sản xuất kinh doanh v.v... Đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, đời sống cán bộ công nhân viên chức toàn Công ty ngày càng được cải thiện. Đảng bộ Công ty than Hạ Long nhiều năm đã được Đảng Bộ cấp trên khen ngợi và đạt danh hiệu là Đảng Bộ trong sạch vững mạnh.
Công đoàn Công ty than Hạ Long được thành lập cùng với ngày thành lập Công ty. Công đoàn luôn đồng hành với quá trình xây dựng và phát triển của Công ty. Đến nay, Công đoàn Công ty có 4.800 đoàn viên, bằng 91,21 % tổng số lao động; có Công đoàn cơ sở trực thuộc, 58 công đoàn bộ phận, 342 tổ Công đoàn.
Với chức năng phối hợp tham gia quản lý Doanh nghiệp, chăm lo bảo vệ quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp của người lao động. Công đoàn Công ty dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đã có nhiều hoạt động tích cực, tham gia kết hợp với chuyên môn về việc sắp xếp lại tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, quy chế phân phối tiền lương,tiền thưởng.
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, các cấp Công đoàn Công ty Than Hạ Long đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Công ty than Hạ Long hôm nay. Với kết quả đó, nhiều tập thể, cá nhân cán bộ đoàn viên Công đoàn đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn cấp trên tặng thưởng nhiều Cờ, Bằng khen, Huy hiệu Lao động sáng tạo. Đặc biệt ngày 31 tháng 7 năm 2007, Công đoàn Công ty than Hạ Long đã được Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam quyết định công nhận là Công đoàn cấp trên cơ sở, điều đó đã đánh dấu một bước trưởng thành và phát triển lớn mạnh của Công đoàn Công ty Than Hạ Long.
Đoàn Thanh niên Công ty than Hạ Long được thành lập ngày 15/ 5/ 1997. Qua 12 năm hoạt động, ban đầu chỉ có 2 Đoàn cơ sở và 6 chi Đoàn trực thuộc, gần 400 đoàn viên thanh niên, đến nay Đoàn thanh niên Công ty than Hạ Long đã có 4 Đoàn Cơ sở bộ phận, 1 Chi Đoàn trực thuộc có trên 2.500 ĐVTN. Liên tục trong các năm Đoàn Công ty luôn đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc trong phong trào thi đua của Đoàn than Quảng Ninh, năm 2003 đạt danh hiệu dẫn đầu trong phong trào thi đua của Đoàn Than Quảng Ninh, năm 2004 đạt danh hiệu đơn vị xuất sắc nhất công tác tổ chức của Tỉnh đoàn Quảng Ninh.Năm 2007 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.