Công ty cổ phần Đóng tàu Nam Hà được hình thành từ cổ phần hóa Nhà máy Đóng tàu Nam Hà
- Tên tiếng việt: CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÓNG TÀU NAM HÀ
- Tên giao dịch: NAMHA SHIPYARD
- Trụ sở chính đặt tại: Số 02, đường Đê Sông Đào, phường Trần Quang Khải, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.
- Điện thoại: 0350.849797 - Fax: 0350.867132
- Ngành nghề kinh doanh:
+ Sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải biển; Sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ ngành giao thông vận tải
Thực trạng của ngành công nghiệp đóng tàu
Năm 2003, Nam Định có 4 cơ sở đóng tàu là Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Sông Đào, Nhà máy đóng tàu Nam Hà, Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Ninh (Xuân Trường). Riêng lĩnh vực đóng tàu vận tải biển, năm 2001, các cơ sở mới hạ thuỷ được 2 tàu loại 2 - 3 nghìn tấn. Trong 2 năm 2002 - 2003, ngành công nghiệp đóng tàu vận tải biển Nam Định lần lượt hạ thuỷ 11 tàu và 21 tàu. Trong năm 2004, ngành đã ký hợp đồng đóng 25 tàu.
Kỹ sư Vũ Huy Thục - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 2 (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết: trong những năm gần đây, các cơ sở đóng mới tàu biển trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều cố gắng tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ mới nên đã thu hút nhiều khách hàng trong cả nước. Những con tàu biển (tàu vận tải, tàu đánh cá xa bờ) do các cơ sở của tỉnh đóng đều bảo đảm chất lượng, trong quá trình khai thác, sử dụng ít bị trục trặc kỹ thuật, giá thành hợp lý nên có sức cạnh tranh cao. Tuy vậy, cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở đóng tàu biển trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu so với yêu cầu phát triển ngày càng cao của nghề đóng tàu biển, hơn nữa các cơ sở đều chưa có bộ phận KCS độc lập. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, công nhân bậc cao về hàn, lắp ráp còn thiếu. Công nghệ đóng tàu chủ yếu theo phương pháp lắp ghép chi tiết truyền thống và các phân đoạn nhỏ. Các quy trình công nghệ cao còn thiếu và chưa được các cơ sở tập trung đầu tư.
Tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển
Trước vận hội mới của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, ngành công nghiệp đóng tàu Nam Định đang đứng trước cơ hội nhận được những hợp đồng đóng mới những con tàu lớn đến 3.500 tấn phục vụ hoạt động trên tuyến biển quốc tế gần. Những con tàu loại này đòi hỏi chất lượng cao, mỹ thuật khắt khe hơn. Bên cạnh đó, trong tình hình cạnh tranh gay gắt do nhiều tỉnh có nghề đóng tàu biển truyền thống cũng đang phục hồi và vươn lên, ngành công nghiệp đóng tàu Nam Định cần tìm cách đi riêng, để nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm đóng tàu biển ở khu vực duyên hải phía bắc và vươn lên tầm cao hơn trong tương lai.
Để đạt được mục tiêu này, trước hết cần xác định: ngành công nghiệp đóng tàu là ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo các ngành hữu quan và tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương xây dựng quy hoạch phát triển ngắn hạn, dài hạn cho ngành cơ khí đóng tàu địa phương. Trước mắt, tỉnh và ngành cần đẩy mạnh đầu tư nâng cấp để tăng nhanh năng lực đóng mới và sửa chữa cho các cơ sở công nghiệp tàu thuỷ đã có. Mặt khác, cần nghiên cứu các dự án khả thi mở thêm các cơ sở mới tại các vùng cửa sông, cửa biển có điều kiện thuận lợi. Bản thân các doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện năng lực, trình độ sản xuất. Theo hướng đó, trong những năm 2004 - 2005, được sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, ngành công nghiệp đóng tàu thuỷ của tỉnh sẽ có bước chuyển biến mới.
Thi công đóng tàu trọng tải 200 tấn tại xưởng đóng tàu của Công ty cổ phần tàu thuỷ Hoàng Anh
Ảnh: Đinh Duy Quang
Trong năm 2003, Nhà máy đóng tàu Nam Hà, Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Sông Đào đã chuyển về trực thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam. Được sự giúp đỡ của Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, Nhà máy đóng tàu Nam Hà đã đầu tư nâng cấp để tăng năng lực đóng mới, sửa chữa các loại tàu có công suất đến 4.000 tấn với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 30 tỷ đồng. Theo quy mô của dự án, nhà máy đã mở rộng mặt bằng, xây dựng mới hệ thống triền đà, cầu tàu, mua sắm thêm các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ công nghiệp đóng tàu. Đến nay, nhiều hạng mục công trình của dự án đã đi vào khai thác và đang phát huy hiệu quả. Năm 2003, Nhà máy đóng tàu Nam Hà đã đạt tốc độ tăng trưởng 50% so với năm 2002. Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Sông Đào được Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam góp vốn đầu tư triển khai, nâng cấp mở rộng quy mô, tăng năng lực đóng mới, sửa chữa các loại tàu đến 4.000 tấn với tổng vốn đầu tư cho dự án là 50 tỷ đồng, triển khai theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I khoảng 30 tỷ đồng. Theo đó, công ty mở rộng quy mô mặt bằng thêm 4 ha, mở rộng hệ thống triền đà, đồng thời tập trung đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (Xuân Trường) đang được Tổng công ty tàu thuỷ Việt Nam cho phép triển khai dự án phát triển theo quy mô đóng mới, sửa chữa các loại tàu đến 3.000 tấn với tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.
Ngay trong tháng 12-2003, cả 4 cơ sở công nghiệp tàu thuỷ trên địa bàn tỉnh đều đã ký được hợp đồng mới bảo đảm 70 - 100% nhu cầu việc làm cho cả năm 2004. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa khẩn trương thực hiện tiếp các dự án đầu tư nâng cấp, vừa tổ chức thi công ngay các hợp đồng đóng tàu mới. Tất cả các hợp đồng đóng tàu mới của các doanh nghiệp đều được Chi cục Đăng kiểm số 2 (đóng trên địa bàn Nam Định) ký hợp đồng giám sát kỹ thuật. Chi cục cử cán bộ kỹ thuật bám sát tiến độ thi công của từng con tàu. Đây là lợi thế, giúp các cơ sở công nghiệp tàu thuỷ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Để chuẩn bị cho việc tăng tốc phát triển trong những năm tới, các doanh nghiệp đều tích cực tuyển dụng, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao và khắc phục những mặt còn yếu (như hoàn thiện các quy trình công nghệ hàn, đóng mới...), tổ chức bộ phận kiểm tra chất lượng độc lập, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nhằm tiếp cận nhanh công nghệ đóng mới và sửa chữa tàu biển.