Hiện nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã rục rịch tăng giá, theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội: Trong tháng 3 chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội đã tăng 4,72% so với tháng 12/2009, đưa CPI quý I tăng 9,58%. Nhằm kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng, Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp bình ổn nhưng việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Kiểm tra thị trường đụng đâu cũng thấy sai phạm
Trong tháng 3/2010, nhiều hàng hoá thiết yếu trên thị trường đã có dấu hiệu tăng giá như: gas tăng 3%, thép tăng 3%; giá sữa tăng từ 8 - 10%. Để kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng Hà Nội đã lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra thị trường. Ngay trong ngày đầu ra quân (20/3), đã phát hiện hai trong số ba doanh nghiệp được kiểm tra vi phạm việc không niêm yết giá hàng hoá.
Tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Thái Bình Dương, nằm trong Trung tâm Thuốc tân dược (khuôn viên Trung tâm Hội chợ Giảng Võ, đường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), tất cả các mặt hàng thuốc đều không niêm yết giá theo quy định. Tại Công ty Cổ phần Thương mại Hiệp Hương, đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, kinh doanh mặt hàng thép xây dựng, lực lượng chức năng phát hiện, mặc dù đăng ký địa chỉ kinh doanh tại 36 Phạm Văn Đồng nhưng trên thực tế công ty này lại đang kinh doanh sắt thép xây dựng tại đường Phạm Hùng. Mặc dù đã chuyển sang địa điểm kinh doanh mới nhưng ông Trương Công Hiệp, Giám đốc công ty không thông báo địa điểm kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả các mặt hàng sắt thép xây dựng không được doanh nghiệp niêm yết giá công khai, chỉ khi nào có khách hỏi mua mới thông báo giá.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Ban chỉ đạo 127 Hà Nội cho biết: Đây không phải là những trường hợp đầu tiên bị phát hiện sai phạm trong việc niêm yết giá bán hàng hoá, trước đó, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện 4 cửa hàng kinh doanh ở phố Tây Sơn và Hàng Buồm kinh doanh sữa và công nghệ phẩm cũng bán hàng không niêm yết gía theo quy định. Thậm chí có cửa hàng kinh doanh sữa nhập khẩu nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Theo nhận định của ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội: Qua kiểm tra cho thấy, đã có dấu hiệu một số cửa hàng tìm cách găm hàng, chờ giá lên bằng thủ đoạn xuất hoá đơn bán hàng ra thị trường nhưng trên thực tế lại không xuất hàng.
Doanh nghiệp phân phối kêu cứu
Một trong những biện pháp quan trọng để bình ổn giá cả thị trường, chống hiện tượng tăng giá bất hợp lý là doanh nghiệp thương mại phải chủ động dự trữ hàng hoá. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp ngành thương mại đều chỉ có thể dự trữ một lượng hàng hoá không nhiều, còn việc dự trữ hàng với số lượng lớn là không thể, bởi đang thiếu vốn.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Để có được hàng hoá tốt, giá ổn định doanh nghiệp phân phối phải thương lượng đặt hàng với nhà sản xuất một lượng lớn hàng hoá, ứng trước một phần vốn cho đơn vị sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay vốn lưu động của doanh nghiệp thương mại Việt Nam không nhiều nên khó có thể ứng vốn trước cho nhà sản xuất dẫn đến khó mua được hàng giá rẻ. Việc thiếu vốn lưu động còn dẫn đến tình trạng tiểu thương trên thị trường tự do nhập hàng với giá cao hơn khiến các đơn vị sản xuất sẽ chọn họ thay vì bán cho doanh nghiệp với mức giá ổn định. Nhiều doanh nghiệp thương mại cũng cho rằng: Để có thể bình ổn giá cả hàng hoá trong một thời gian dài, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phân phối. Ông Nguyễn Đức, Giám đốc Trung tâm Thương mại nông sản An Sinh (Hà Nội) cho biết: Nếu được nhà nước cho vay vốn ưu đãi dài hạn chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư dài hạn ngay từ khâu sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, để thị trường không xảy ra việc sốt hàng, tăng giá “ảo”, nhà nước cần tăng cường khâu kiểm tra kiểm soát thị trường nhất là thị trường tự do, bởi hiện thị trường này chưa được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Dẫn đến tình trạng giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên thị trường như nông sản lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dầu ăn, đường, sữa tăng giảm thất thường.