Ước mơ thời niên thiếu
Ông Tiến sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc xã Hoà Hiệp (Tam Bình - Vĩnh Long). Thuở nhỏ, nhà nghèo, cha đi kháng chiến, cậu bé Tiến lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của mẹ và các dì. Tuổi thơ của Tiến đầy ắp những kỷ niệm khốn khó... Sống những ngày khó khăn ấy, Tiến luôn trăn trở: xứ mình cò bay thẳng cánh, sông nước mênh mông sao phải chấp nhận cuộc sống cơ cực? Từ đó, ước mơ làm giàu bằng nguồn tài nguyên thủy sản quê hương ngày càng cháy bỏng trong chàng trai trẻ.
Những năm tháng phong trào học sinh, sinh viên yêu nước đấu tranh sôi sục, Tiến thi vào Trường Đại học khoa học Sài Gòn. Tiến cùng bạn bè xuống đường biểu tình chống Mỹ và bè lũ tay sai. Từ phong trào này, năm 1970, Tiến vào chiến khu hoạt động cách mạng. Năm 1973, Tiến được tổ chức đưa ra Hà Nội theo học ngành kinh tế ngoại thương. Cũng từ đó, Tiến có cơ hội được luyện rèn trong nhiều cơ quan, nhà máy của tổng công ty xuất nhập khẩu. Một thời gian dài gắn bó với nhà máy đông lạnh ở huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) trong vai trò giám đốc, Tiến càng có điều kiện thoả mãn ước mơ thời niên thiếu của mình.
Sản xuất vẫn là điều cốt lõi
Năm 2001, ông Tiến thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức. Sau hàng chục năm xuôi ngược trên những dòng sông tìm đất đào ao, xây dựng nhà máy chế biến, đến nay, Vạn Đức đã có 52 ao nuôi trải dài trên sông Tiền, sông Hậu thuộc 4 tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, sản lượng 100.000 tấn cá/năm và hệ thống nhà máy liên hợp sản xuất thủy sản xuất khẩu. Hiện Vạn Đức giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động.
Tâm sự với chúng tôi, ông Tiến chia sẻ: “Lôgô của Vạn Đức là hình ảnh con cá bơi tung tăng trong nước. Hình ảnh này với nhiều người có thể không nhiều ý nghĩa nhưng với tôi, nó là những năm tháng khó khăn, hạnh phúc đã qua... Tôi gửi gắm ước mơ một ngày không xa, con cá tra, basa ở Vĩnh Long sẽ đến khắp năm châu, bốn bể, làm nên kỳ tích trên thương trường quốc tế”.
Những năm công tác trong ngành xuất khẩu, bạn hàng đã chỉ cho ông Tiến một hướng đi đúng: phải làm giàu từ sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà Vạn Đức hiện có hệ thống sản xuất khép kín: nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại nuôi cá,... Chính hệ thống khép kín này đã làm cho giá trị hàng hóa không ngừng gia tăng. Với suy nghĩ: “Bán hàng tươi sống cũng chính là bán tài nguyên” nên Vạn Đức chủ yếu đi vào tinh chế để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Chúng tôi hỏi về những khó khăn mà Vạn Đức phải đối mặt, ông Tiến chia sẻ: “Sắp tới ngành nuôi trồng thủy sản sẽ khó khăn vì chính sách của Nhà nước chưa ổn định. Trước đây, những nguyên liệu nhập khẩu chế biến thức ăn thủy sản không phải chịu thuế thì nay một số mặt hàng phải chịu thuế. Lãi xuất vốn vay trung và dài hạn để nuôi cá bị thả nổi cũng khiến nông dân lo âu, thấp thỏm. Theo tôi, Nhà nước nên có chính sách cụ thể để doanh nghiệp yên tâm sản xuất”.
Xuất thân từ người nghèo nên ông Tiến luôn chăm lo cho những người sản xuất, trực tiếp làm ra của cải. “Làm doanh nghiệp phải có cái Tâm trong sáng”, ông thổ lộ. Hàng năm, Vạn Đức dành hàng trăm triệu đồng để trao học bổng cho các quỹ khuyến học, tình thương. Công ty còn hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng cầu đường ở huyện Tam Bình. Sắp tới, ông dự định thành lập một quỹ khuyến học riêng, trích từ lợi nhuận của công ty để giúp đỡ học sinh nghèo, hiếu học.