Địa lý
Vĩnh phúc có phía bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang, phía tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía đông và phía nam thủ đô Hà Nội.
Vĩnh Phúc là một tỉnh ở vùng đỉnh của châu thổ sông Hồng, khoảng giữa của miền Bắc nước Việt Nam, khu vực chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng vì vậy có ba vùng sinh thái: đồng bằng ở phía Nam tỉnh, trung du ở phía Bắc tỉnh, vùng núi ở huyện Tam Đảo.
Phía bắc giáp hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, đường ranh giới là dãy núi Tam Đảo.
Phía tây giáp tỉnh Phú Thọ, ranh giới tự nhiên là sông Lô.
Phía nam giáp Hà Nội, ranh giới tự nhiên là sông Hồng.
Phía đông giáp hai huyện Sóc Sơn và Đông Anh – Hà Nội.
Vĩnh Phúc tiếp giáp với sân bay quốc tế Nội Bài, là điểm đầu của quốc lộ 18 đi cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh), đồng thời có đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đường quốc lộ 2 chạy dọc tỉnh. Chảy qua Vĩnh Phúc có 4 dòng chính: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ. Hệ thống sông Hồng là tuyến đường thuỷ quan trọng, thuận lợi cho tàu bè.
Hành chính
Vĩnh Phúc có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện
- Thành phố Vĩnh Yên 7 phường và 2 xã(được chuyển từ thị xã từ ngày 29 tháng 12 năm 2006)
- Thị xã Phúc Yên 6 phường và 4 xã
- Huyện Bình Xuyên 3 thị trấn và 10 xã
- Huyện Lập Thạch 2 thị trấn và 18 xã
- Huyện Sông Lô1 thị trấn và 16 xã (tách ra từ huyện Lập Thạch cũ kể từ ngày 23-12-2008)
- Huyện Tam Dương 1 thị trấn và 12 xã
- Huyện Tam Đảo 1 thị trấn và 8 xã
- Huyện Vĩnh Tường 3 thị trấn và 26 xã
- Huyện Yên Lạc 1 thị trấn và 16 xã
Tỉnh Vĩnh Phúc có 137 đơn vị cấp xã gồm 13 phường, 12 thị trấn và 112 xã
Do đặc điểm vị trí địa lý Vĩnh Phúc có ba vùng sinh thái rõ rệt: đồng bằng, trung du và miền núi; liền kề với thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài; có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông thuận lợi trên trục phát triển kinh tế của Việt Nam.
Lịch sử
Vĩnh Phúc vùng đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng. Mê Linh, nơi Hai Bà Trưng đóng đô, nằm trong tỉnh này.
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập vào năm 1950, do sự kết hợp của hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Khi hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.715km², dân số 470.000 người.
Năm 1955 huyện Phổ Yên tách khỏi tỉnh Thái Nguyên nhập vào Vĩnh Phúc, đến năm 1957 lại trở lại tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 7-6-1957 thị trấn Bạch Hạc chuyển sang tỉnh Phú Thọ và hợp nhất với thị trấn Việt Trì để trở thành thị xã Việt Trì.
Ngày 20-4-1961 huyện Đông Anh (gồm 16 xã), xã Kim Chung của huyện Yên Lãng, thôn Đoài xã Phù Lỗ (phía nam sông Cà Lồ) của huyện Kim Anh tách khỏi Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.
Ngày 26-1-1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH tiến hành hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú, thành phố Việt Trì trở thành tỉnh lỵ của Vĩnh Phú.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết (ngày 26/11/1996) về việc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1-1-1997. Khi tách ra, tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích 1.370,73 km², dân số 1.066.552 người, gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: thị xã Vĩnh Yên, và 5 huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo và Mê Linh.
Tháng 6-1998, tách huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên.
Ngày 9 tháng 12 năm 2003, lập huyện Tam Đảo mới.
Từ 1 tháng 8 năm 2008, huyện Mê Linh đã được tách ra và sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Bổ sung: Từ 1 tháng 4 huyện Lập Thạch tách làm 2 là: huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch. Như vậy hiện Vĩnh Phúc có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 hành chính cấp huyện.
Danh nhân
Nguyễn Thái Học
Trần Nguyên Hãn
Vũ Hồng Khanh
Kim Ngọc
Nguyễn Viết Xuân
Thời tiết
Nhiệt độ trung hàng năm là 24°C, riêng Tam Đảo là 19°C. Tam Đảo có nhiệt độ hàng ngày thấp hơn vùng đồng bằng bắc bộ là 5°C, nhiệt độ cao nhất ở mùa hè không quá 24°C, giờ nắng trung bình hàng năm là 1300 giờ, lượng mưa trung bình hàng năm 1400 mm, độ ẩm trung bình là 83%.
Kinh tế
Vĩnh Phúc vốn là một tỉnh thuần nông đang chuyển đổi cơ cấu.
Năm 1997 cơ cấu kinh tế là nông nghiệp 52%, dịch vụ 36%, công nghiệp 12%, thu ngân sách đạt gần 100 tỷ đồng.
Năm 2004 có cơ cấu kinh tế là công nghiệp (49,7%); dịch vụ (26,2%); nông nghiệp (24,1%);
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8 năm (1997-2004) là 16,6%.
Năm 2006, Vĩnh Phúc đã vươn lên đứng thứ 9 trong các tỉnh thành trên cả nước về thu ngân sách với 4.027 tỷ đồng. Với hàng trăm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với tổng mức vốn đầu tư khoảng gần 600 triệu USD và 15.600 tỷ đồng, được đầu tư ở 14 cụm, khu công nghiệp, khu vui chơi, giải trí, du lịch trên khắp địa bàn.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh liên tục đứng ở vị trí tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong bảng xếp hạng những năm gần đây.