Khi mới thành lập, cán bộ công nhân viên trong ngành phần lớn là bộ đội, thanh niên xung phong chuyển ngành sang làm nhiệm xây dựng. Thời kỳ này, chỉ có Đội công trình Vĩnh Phúc (sau này là Công ty kiến trúc Vĩnh Phúc) làm nhiệm vụ thi công xây dựng trụ sở, cơ quan của tỉnh tại khu vực Vĩnh Yên. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành còn rất nghèo nàn, lạc hậu…
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), ngành Xây dựng được đầu tư xây dựng một số xí nghiệp gạch ngói có trang bị bán cơ giới như: Xí nghiệp gạch ngói Quất Lưu, Đoàn Kết, Thái Hòa; nhà máy nước Vĩnh Yên và nhiều công trình quan trọng khác, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, thi đua làm theo lời Bác căn dặn, khi Người về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà ngày 2-3-1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”, ngành Xây dựng luôn chăm lo xây dựng các điển hình tiên tiến, phát động phong trào thi đua sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Chính vì vậy, những năm của thập kỷ 60, phong trào Đóng gạch khuôn 2 và khuôn 4, cùng với thao tác Trát vải trần bê tông của Vĩnh Phúc đã trở thành điển hình của toàn miền Bắc.
Giữa lúc ngành Xây dựng cùng đồng bao miền Bắc đang ra sức sản suất xây dựng CNXH, năm 1965, đế quốc Mỹ đã tiến hành leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Mặc dù bị bắn phá ác liệt, nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm, cán bộ, đảng viên, công nhân viên ngành Xây dựng đã nhanh chóng chuyển hướng xây dựng sang thời chiến. Phong trào “Tay bay, tay súng”, học tập gương liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành cao trào rộng khắp trong toàn ngành Xây dựng. Các xí nghiệp, công trường đều nêu cao khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Sản lượng vật liệu trong những năm đánh Mỹ không ngừng tăng lên. Gạch ngói có năm đạt 14-15 triệu viên. Hàng trăn công trình xây dựng được mọc lên trong khói lửa chiến tranh, trong đó, có hàng trục công trình hầm hào, lán trại xây dựng cho các cơ quan Trung ương, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh sơ tán: Xây dựng hàng trục ụ pháo, bệ tên lửa và nhiều công trình như: Nhà máy hoa quả Tam Dương, xí nghiệp ép dầu Ngoại Trạch, xí nghiệp tinh bột Liễn Sơn, trạm máy kéo Vũ Di, Nguyệt Đức; nhà máy cơ khí Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương, nhà máy đường Quyết Tiến (Mê Linh), nhà máy cơ khí Vĩnh Phúc, xí nhiệp sứ Định Trung, xí nghiệp bánh kẹo Vĩnh Yên, Bệnh viện Đông y Vĩnh Phúc, sân bay Đa Phúc… Thời gian này, ngành còn tham gia giúp tỉnh Cao Bằng xây dựng chợ thị xã, nhà máy hoa quả, nhà máy điện và tham gia xây dựng nhà máy phân đạm Bắc Giang.
Năm 1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, ngành Xây dựng Vĩnh Phú được thành lập. Mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Sau thắng lợi vĩ đại này, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam CNXH. Thực hiện kế hoạch 5 năm (1976-1980), ngành Xây dựng đã nhanh chóng tập trung xây dựng lại và xây dựng mới nhiều nhà máy, xí nghiệp, trạm trại, kho tàng, bệnh viện, trường học, công trình kỹ thuật hạ tầng để nhanh chóng ổn định và phát triển kinh tế.
Thực hiện lời di huấn của Bác Hồ “Đến ngày thắng lợi, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, ngành Xây dựng đã tập trung xây dựng thành phố Việt Trì (tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phú) cùng nhiều công trình quan trọng khác trong tỉnh. Ngành vinh dự được cử một số thợ bậc cao tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham gia khai thác cát sỏi Liễn Sơn và cầu Thăng Long là những công trình trọng điểm của Nhà nước.
Từ năm 1969 đến năm 1989, trường đào tạo công nhân kỹ thuật của ngành Xây dựng đã đào tạo hàng nghìn công nhân kỹ thuật như: Mộc, nề, cơ khí, điện, lái xe và hàng trăm cán bộ sơ cấp, trung cấp, đốc công xây dựng, thiết kế quy hoạch, đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành Xây dựng. Vì vậy từ năm (1981-1985), ngành Xây dựng đã thi công nhiều công trình có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao như: Nhà triển lãm Vĩnh Phú, nhà trưng bày điện Vĩnh Yên, Bưu điện huyện Tam Đảo… Đặc biệt, trong 15 năm (từ năm 1981 đến năm 1996), ngành đã cử trên 100 CBCNV sang Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, giúp tỉnh Luông Nậm Thà kết nghĩa, hoàn thành nhiều công trình xây dựng, được bạn đánh giá cao. Ngành Xây dựng còn đóng góp công sức xây dựng 10.000 m2 nhà ở cho công trường thuỷ điện Hoà Bình; khảo sát, quy hoạch xây dựng giúp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; lập quy hoạch đổi rừng để phục vụ Hội nghị đồi rừng toàn quốc năm 1983 do tỉnh đăng cai.
Từ năm 1996 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành Xây dựng đã từng bước sắp xếp lại sản xuất, xoá bỏ lối làm ăn quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh, thích ứng với nền kinh tế thị trường. Ngành đã chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong xây dựng cơ bản, không ngừng nâng cao năng lực thi công xây lắp, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng với nhiều chủng loại và chất lượng cao. Công tác khảo sát thiết kế, quy hoạch và nghiên cứu ứng dụng khoa hoc kỹ thuật không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (01-01-1997) đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát triển nhanh lực lượng, đến nay, ngành đã có 10 doanh nghiệp nhà nước, 1 Trung tâm quy hoạch và kiểm định chất lượng xây lắp trực thuộc và có 1 Công ty Tư vấn kiến trúc, thuộc Hội kiến trúc Vĩnh Phúc, có 2 Công ty quản lý đô thị cấp huyện, hàng trăm doanh nghiệp xây dựng tư nhân, Công ty TNHH và cơ sở tư nhân tham gia sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Số cán bộ công nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước ngành, năm 2002 đã lên tới 2,248 người, tăng 1.200 người so với năm 1996. Toàn ngành đã có trên 300 cán bộ đại học và trung học, thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc… có trên 1.000 công nhân kỹ thuật bậc 3 trở lên. Cùng với việc ổn định tổ chức, phát triển lực lượng, ngành đã chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và được UBND tỉnh và Bộ Xây dựng giao cho. Đặc biệt, đã sớm đề xuất với UBND tỉnh cho ban hành một số văn bản pháp quy của tỉnh nhằm cụ thể hoá các Nghị định của Chính phủ, Thông tư, hướng dẫn của các Bộ về quản lý quy hoạch, đầu tư và xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng cơ bản, quản lý vật liệu xây dựng cho phù hợp với kinh tế của tỉnh.
Bám sát định hướng phát triển đô thị của tỉnh, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã tập trung làm xong quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các chức năng, các trục đường chính của thị xã Vĩnh Yên, bố trí địa điểm xây dựng cho trên 50 sở, ban, ngành, đơn vị kinh tế của tỉnh, đầu tư xây dựng nhà làm việc và cơ sở sản xuất. Quy hoạch xong 2 khu dân cư với 78 ha để giao đất cho gần 2.000 hộ cán bộ, công nhân viên về tái định cư ở Vĩnh Yên. Sau 6 năm thực hiện quy hoạch, xây dựng bộ mặt thị xã Vĩnh Yên đã khởi sắc với nhiều công trình kiến trúc khang trang, hiện đại, hạ tầng kỹ thuật phát triển nhanh chóng. Đồng thời, ngành đã tập trung quy hoạch các cụm công nghiệp, các trung tâm kinh tế - xã hội của các huyện, thị, các khu du lịch Tam Đảo. Đại Lải, Đầm Vạc, khu vui chơi giải trí Đầm Và (Tiền Phong), quy hoạch các khu danh thắng Tây Thiên, khu di tích lịch sử - văn hoá đền thờ Hai Bà Trưng … Kết quả sau 6 năm (1997-2002), ngành quy hoạch chung thị xã Vĩnh Yên và các thị trấn huyện lỵ, với tổng diện tích 10.781 ha; quy hoạch chi tiết 2.695 ha; quy hoạch 9 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 791 ha, đã thu hút gần 60 dự án vào đầu tư; quy hoạch 12 cụm kinh tế - xã hội và làng nghề với tổng diện tích 658 ha; quy hoạch chi tiết 161 ha khu hành chính - văn hoá - thể thao của tỉnh và gần 1.000 khu di du lịch.
Đồng thời với việc lập quy hoạch, công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch được ngành thường xuyên quan tâm, từ quy hoạch địa điểm, đến cấp chứng chỉ quy hoạch và cấp phép xây dựng đã được thực hiện theo trình tự quy định của Nhà nước. Có thể nói, công tác quy hoạch xây dựng đô thị, cụm công nghiệp trong những năm qua đã thực sự đi trước một bước góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong công tác quản lý kinh tế, kỹ thuật và quản lý chất lượng xây dựng, Ngành đã đầu tư nhiều thiết bị hiện đại để thực hiện thẩm định và kiểm định ngày càng tốt hơn. Ngành đã không ngừng cải tiến thủ tục hành chính, giải quyết nhanh chóng các hồ sơ thẩm định thiết kế, dự toán. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, đã tổ chức kiểm tra thực hiện quy chế đầu tư và xây dựng, kiểm tra chất lượng thi công tại nhiều công trình, nhằm bảo đảm chất lượng công trình và chống thất thoát lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng. Công tác quản lý xây dựng ở cấp huyện đã được tăng cường và có sự phối hợp tốt giữa ngành và các huyện, thị.
Trong lĩnh vực chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, Ngành đã sớm tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và thi công xây lắp cho các đơn vị trong Ngành. Nhiều Công ty đã trúng thầu công trình xây dựng trong và ngoài tỉnh, thi công nghiều hạng mục có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao như: Trụ sở Sở Xây dựng, Sở Văn hoá Thông tin - Thể thao, Sở Công nghiệp, Sở Tư pháp; trụ sở Huyện uỷ, UBND huyện Tam Dương, Bình Xuyên và Đài tưởng niệm liệt sĩ của tỉnh… Đến nay, tất cả các Công ty Gốm xây dựng trong ngành đã chuyển sang sản xuất gạch Tuynel để nâng năng suất, đảm bảo chất lượng, giải quyết tốt vấn đề môi trường, tiết kiệm đất canh tác. Ngành đã lập xong quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2010 được UBND tỉnh phê duyệt; làm xong quy hoạch, khảo sát, thăm dò trữ lượng nguyên liệu cát sỏi ở Sông Lô. Ngành cũng tập trung đẩy mạnh khai thác cát sỏi, đá để phục vụ nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh. Sản lượng gạch xây năm 2002, đạt 92,7 triệu viên, tăng 3,4 lần so với năm 1996; tăng 9 lần so với năm 1987. Sản lượng cát, sỏi, đá năm 2002 tăng 9 lần so với năm 1997.Các Công ty cấp thoát nước cũng được đầu tư mở rộng để nâng cao công suất, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nước sinh hoạt cho các khu đô thị, khu công nghiệp và khu du lịch. Sản lượng nước máy năm 2002 tăng 2 lần so với năm 1997.
Chi nhận thành tích của Ngành Xây dựng Vĩnh Phúc, trong 6 năm qua (1997-2002). Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho toàn ngành các đơn vị trực thuộc 6 Huân chương Lao động hạng Ba, 7 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Cờ và Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của UBND tỉnh, Bộ Xây dựng, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam, LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc và của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Phát huy truyền thống vẻ vang 45 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ và công nhân viên ngành Xây dựng Vĩnh Phúc quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng giao cho. Trước mắt, trong năm 2003, để thực hiện thắng lợi phương hướng: “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển”, ngành Xây dựng xác định tập trung triển khai, làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ bản từ lập kế hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng, thẩm định thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán… Tập trung hoàn thành dự án quy hoạch tổng thể phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc, quy hoạch điều chỉnh thị xã Vĩnh Yên. Phối hợp với các huyện, thị lập quy hoạch theo hướng mỗi địa phương có từ 1-3 cụm công nghiệp và cụm kinh tế - xã hội để phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xây dựng các công trình dọc quốc lộ 2 đi qua địa bàn tỉnh, theo Chỉ thị số 12 ngày 24-09-202 của Chủ tịch UBND tỉnh; xúc tiến quy hoạch, đề ra phương án xây dựng các khu trung cư ở các khu đô thị, cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động; thực hiện tốt các kế hoạch sắp xếp, chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Xây dựng theo tinh thần Nghị quyết TW3 (khoá IX); phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2003 đạt từ 107-115% kế hoạch năm.