Lịch sử
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh được nâng cấp từ Trường Cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng cơ sở II, thành lập ngày 16 tháng 12 năm 1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở II của Trường Cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng, trong giai đoạn này, là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác
Ngày 16 tháng 12 năm 1976, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký Quyết định số 1229/NH-TCCB về việc thành lập cơ sở II Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo hệ đại học chuyên tu và đại học tại chức.
Ngày 03 tháng 05 năm 1980, Thủ tướng Chính Phủ ra Quyết định số 149/TTg cho phép mở lớp đại học hệ chính quy tập trung về ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 29 tháng 11 năm 1986, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký quyết định 169/NH-QĐ quy định cơ cấu tổ chức, bộ máy của Trường Cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 23 tháng 3 năm 1993, Thủ Tướng Chính phủ ký quyết định số 112/TTg thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở nhập hai trường: Trường Cao cấp Nghiệp vụ Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Trung học Ngân hàng III Trung ương (trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngày 09 tháng 02 năm 1998, Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định số 30/1998/QĐ TTg thành lập Học Viện Ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng. Ngoài Học viện Ngân hàng tại Hà Nội còn có Học Viện Ngân hàng Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 20 tháng 08 năm 2003, một mốc lớn trong việc khai sinh trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 174/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Học viện Ngân hàng.
Ngày 19 tháng 01 năm 2004 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 12/2004/QĐ-TTg giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh
Đào tạo
Tổng số sinh viên các hệ đang theo học tính đến đầu năm 2006 gồm 9.065 người. Trong đó hệ đại học là 3.275 người; hệ cao đẳng là 806 người; hệ hoàn chỉnh đại học 1.263 người; hệ hoàn chỉnh cao đẳng 494 người; hệ đại học văn bằng 2 là 521 người và hệ tại chức là 2.706 người.
Các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn ngày đã tuyển sinh và đào tạo được 18.000 học viên trong đó kể cả hợp tác đào tạo quốc tế, quản lý các dự án đào tạo như Dự án giúp phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam của Thụy Điển, dự án đào tạo do chính phủ Pháp tài trợ, dự án của Ngân hàng ING của Hà Lan, Ngân hàng ANZ của Úc và New Zealand, Ngân hàng May của Malaysia. các lớp khác và khác nữa.Không có vấn đề gì xảy ra. Hihi...
Nghiên cứu Khoa học
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đầu mối thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học của ngành ngân hàng ở các tỉnh phía Nam.
Trong thời gian qua, cán bộ, giảng viên vủa Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia nhiều chương trình khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp thành phố, cấp trường. Hợp tác nghiên cứu khoa học với các viện nghiên cứu và các trường đại học khác. Trường còn là một đầu mối của các hội thảo, tọa đàm khoa học về tiền tệ-ngân hàng, đồng thời là nơi chuyển giao các công nghệ ngân hàng cho cán bộ, nhân viên các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Ban lãnh đạo
Ban lãnh đạo trường bao gồm 1 hiệu trưởng và 3 phó hiệu trưởng:
PGS.TS. Ngô Hướng - Hiệu trưởng
TS. Hồ Diệu - Phó Hiệu trưởng
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng
THS - Lê Tấn Phát - Phó Hiệu Trưởng
Các ngành đào tạo
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 7 khoa:
Khoa Công nghệ Thông Tin( Chuyên Ngành Hệ Thống Thông Tin Kinh Tế);
Khoa Tín dụng;
Khoa Kế toán-Kiểm toán;
Khoa Ngân hàng quốc tế;
Khoa Thị trường chứng khoán;
Khoa Quản trị kinh doanh;
Khoa Ngoại ngữ.
Trung tâm, tổ chức khác
Bên cạnh các chuyên khoa đào tạo, trường có một Tạp chí Công nghệ Ngân hàng và một Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Ngân hàng
Ngoài ra, trường có các trung tâm và các bộ phận phục vụ đào tạo, nghiên cứu như: Trung tâm Tin học, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ và quản trị ngân hàng, Trung tâm Hợp tác quốc tế, Thư viện.
Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế
Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã liên kết đào tạo với Đại học Bolton để đào tạo cử nhân Kế toán, cử nhân Quản trị kinh doanh và thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Đồng thời, trường cũng liên kết đào tạo với Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc của Thụy Sĩ để đào tạo thạc sĩ Quản trị Tài chính Ngân hàng.
Bên cạnh đó Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh còn phối hợp với các Ngân hàng và tập đoàn Tài chính Quốc tế để đào chuyên sâu các kỹ năng quản trị Tài chính-Ngân hàng.