Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt nam ( Tên viết tắt là Vinamotor ) là Tổng Công ty thuộc sở hữu nhà nước. Tiền thân của Vinamotor là Cục Cơ Khí Bộ GTVT (1964-1985), Liên hiệp Xí nghiệp GTVT (1985-1995), Tổng Công Ty Cơ khí GTVT - TRANSINCO (1995-2003). Ngày 23/9/2003 Vinamotor chính thức được thành lập theo quyết định số 189/QĐ - TTg của Thủ tướng chính phủ và Quyết định số 3096/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT.
Sản phẩm chủ yếu của Vinamotor là các loại ôtô khách và ôtô tải. Ngoài ra Vinamotor còn quan tâm đến phát triển một số lĩnh vực khác phục vụ ngành GTVT như sản xuất kết cấu thép, trang thiết bị thi công đường bộ, xây dựng công trình, xuất khẩu lao động và du lịch, đào tạo và dịch vụ vận tải đường bộ và đầu tư tài chính. Trong những năm qua, giá trị tổng sản lượng và doanh thu hàng năm đều tăng từ 30 đến 50% so với năm trước. Tuy nhiên, với mục tiêu tiến tới hình thành Tập đoàn công nghiệp ô tô Việt Nam trong tương lai và để thực hiện được Chiến lược trong “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 77/2004/QĐ-TTg ngày 05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Vinamotor thấy rằng còn rất nhiều việc phải làm và mong muốn có được sự hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước, từ mọi thành phần kinh tế để hợp tác cùng phát triển.
Tầm nhìn (Vision): Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bằng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mục tiêu phát triển từ nay đến 2020 (Objective)
-
Sản xuất các loại xe khách, xe buýt và xe tải đạt tối đa tỷ lệ sản xuất trong nước, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và vươn tới xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.
-
Phát triển sản xuất các loại xe con (4-15chỗ) với tỷ lệ nội địa hoá cao đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của thị trường trong nước.
-
Sản xuất lắp ráp động cơ Diesel dùng cho ôtô đáp ứng nhu cầu lắp ráp ôtô của Tổng công ty và các doanh nghiệp trong nước, với tỷ lệ phần sản xuất trong nước đạt từ 30% trở lên.
-
Sản xuất lắp ráp hộp số, cầu chủ động đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp khung gầm ôtô với tỷ lệ phần sản xuất trong nước đạt 30% trở lên.
-
Tăng cường sản xuất phụ tùng ô tô các loại đáp ứng nhu cầu tăng tỷ lệ nội địa hoá.
-
Duy trì phát triển sản xuất các lĩnh vực khác như sản xuất xe máy, máy xây dựng phục vụ thi công đường bộ, kết cấu thép… |