Địa lý
Phần đất liền Ninh Thuận nằm trong giới hạn 11°18’- 11°10’ vĩ độ bắc và 108°39’-109°14’ kinh độ Đông.
Phía bắc giáp tỉnh Khánh Hoà.
Phía nam giáp tỉnh Bình Thuận.
Phía tây giáp tỉnh Lâm Đồng.
Phía Đông có bờ biển dài 105 km.
Ninh Thuận được bao bọc bởi ba mặt núi và một mặt biển. Phía tây là vùng núi cao giáp Đà Lạt, phía bắc và phía nam có hai dãy núi chạy ra biển. Giữa tỉnh và ven biển là vùng đồng bằng khô cằn nên được mệnh danh là miền Viễn tây của Việt Nam. Vùng núi cao chiếm 63,2% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, vùng gò đồi chiếm 15,4% và đồng bằng là 22,4%.
Ninh Thuận có nhiều sông, suối, nhưng lớn nhất là sông Cái. Nếu tính cả các phụ lưu là sông Mê Lam, sông Sắt, sông Ông, sông Chá, sông Lu và sông Quao thì hệ thống sông Cái có chiều dài 246 km. Ngoài hệ thống này, Ninh Thuận còn có một số sông khác như sông Trâu, sông Quán Thẻ, sông Bà Râu, ... với tổng chiều dài 184 km.
Diện tích
Tổng diện tích: 336.308,24 ha
Đất ở: 2.681 ha
Đất nông nghiệp: 60.373 ha
Đất lâm nghiệp: 157.302 ha
Đất chuyên dùng: 11.518 ha
Đất chưa sử dụng: 104.132 ha
Dân số
573.925 người (tại thời điểm ngày 10 tháng 6 năm 2009). Theo kết quả điều tra ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Ninh Thuận là 564.129 người.
Hành chính
Ninh Thuận gồm có 1 thành phố và 6 huyện:
-
Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 15 phường và 1 xã
-
Bác Ái 9 xã
-
Ninh Hải 1 thị trấn và 7 xã
-
Ninh Phước 1 thị trấn và 8 xã
-
Ninh Sơn 1 thị trấn và 7 xã
-
Thuận Bắc 6 xã
-
Thuận Nam 8 xã
-
Ninh Thuận có 67 đơn vị hành chính cấp xã gồm 49 xã, 15 phường và 3 thị trấn.
Lịch sử
Ngày 20 tháng 5 năm 1901, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang, tỉnh lị cũng là Phan Rang.
Năm 1913, tỉnh Phan Rang bị xóa bỏ, phần phía bắc nhập vào tỉnh Khánh Hòa, còn phần phía nam gọi là đại lý hành chính, thuộc tỉnh Bình Thuận.
Ngày 5 tháng 7 năm 1922, tỉnh Phan Rang, còn gọi là tỉnh Ninh Thuận, được tái lập. Tỉnh gồm phủ Ninh Thuận và huyện An Phước (nơi người Chăm cư trú), do một Công sứ Pháp cai trị. Dưới Công sứ còn có một Quản đạo.
Năm 1958, tỉnh Ninh Thuận gồm có 3 quận (24 xã): Thanh Hải (quận lị Khánh Hải), An Phước (quận lị Hậu Phước), Bửu Sơn (quận lị An Sơn).
Ngày 6 tháng 4 năm 1960, thành lập quận Du Long, do tách một phần đất quận Bửu Sơn và một phần đất của quận Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Quận lị đặt tại Karom, xã Cam Ly.
Trước ngày 16 tháng 4 năm 1975, tỉnh Ninh Thuận gồm có 5 quận: Thanh Hải, An Phước, Bửu Sơn, Du Long và Sông Pha.
Đồng bằng Phan Rang nhìn từ đỉnh đèo Ngoạn MụcSau 30 tháng 4 năm 1975, Ninh Thuận được sáp nhập với Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng thành tỉnh Thuận Lâm.
Tháng 2 năm 1976, thực hiện chủ trương giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam, ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũ có một thị xã (Phan Rang) và 3 huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, An Phước).
Từ 1977 đến 1981, địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ một thị xã và ba huyện hợp nhất thành hai huyện là huyện An Sơn với thị trấn huyện lỵ Tháp Chàm và huyện Ninh Hải (mới) với thị trấn huyện lỵ Phan Rang.
Từ 1981 lại quay lại các đơn vị hành chính cũ là 1 thị xã và 3 huyện.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Theo nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10, tỉnh Thuận Hải được chia tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Ngày 1 tháng 4 năm 1992, tỉnh Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động. Khi đó, tỉnh Ninh Thuận có diện tích 3.530,4 km², dân số 406.732 người và gồm có 1 thị xã (Phan Rang) và 3 huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước).
Ngày 6 tháng 11 năm 2000, huyện Bác Ái được thành lập.
Ngày 1 tháng 10 năm 2005, huyện Thuận Bắc được thành lập.
Ngày 10 tháng 6 năm 2009, huyện Thuận Nam được thành lập.
Ninh Thuận thuộc vùng nào?
Hiện nay, đa số sách báo, trong đó có các sách giáo khoa, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam đều xếp Ninh Thuận vào vùng duyên hải Nam (hoặc cực Nam) Trung Bộ. Riêng Tổng cục Thống kê Việt Nam (và một số tài liệu lấy số liệu của Tổng cục Thống kê) lại xếp Ninh Thuận cùng Bình Thuận vào Đông Nam Bộ [2]Điều này là thiếu thuyết phục cả về mặt địa lý lẫn lịch sử. Xét về mặt địa lý ranh giới giữa Nam Bộ và Trung Bộ đi theo vệt hướng bắc-nam là hợp lý, nếu ghép Bình Thuận và Ninh Thuận vào Đông Nam Bộ thì sẽ có một vùng ăn sâu về phía đông, rất vô lý. Xét về mặt lịch sử thì tỉnh Bình Thuận (thời đó bao gồm cả phủ Ninh Thuận) chỉ được xếp vào Nam Kỳ trong thời gian khoảng 1 năm (1883-1884), sau đó lại trả về Trung Kỳ cho tới nay.
Tháp Po Klong GaraiWebsite của Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam cũng xếp 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận vào Đông Nam Bộ trong số liệu thống kê vùng Đông Nam Bộ, nhưng ở phần khác lại xếp Bình Thuận và Ninh Thuận vào "vùng Duyên hải miền Trung", tách biệt với Đông Nam Bộ.
Dân cư, văn hóa
Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được ở Nhơn Hải của Ninh Thuận các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền văn minh Sa Huỳnh cách đây khoảng 2500 năm. Ninh Thuận còn là nơi gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.
Gốm Bàu Trúc - Làng nghề cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại ở Ninh ThuậnVới diện tích tự nhiên 3.360,1 km², dân số năm 2001 ước tính khoảng 531,7 nghìn người với mật độ dân số 158,2 người /km².
Dân tộc
Trên địa bàn Ninh Thuận có 28 dân tộc, nhưng đông nhất là người Kinh, người Chăm và người RăkLai...
Ninh Thuận là tỉnh có nhiều người Chăm và người Ra Grai sinh sống. Theo tài liệu điều tra dân số 1/4/1999, Ninh Thuận có 57,1 nghìn người Chăm, chiếm trên 11,3% dân số toàn tỉnh và chiếm 43,0% tổng số người Chăm của cả nước ; 47,6 nghìn người RăkLai, chiếm 9,4% và 49,1%.
Tỉnh có hơn 20 làng người Chăm, trong đó có những làng vẫn duy trì các tập quán của chế độ mẫu hệ. Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chàm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu là cụm tháp Hoà Lai xây dựng thế kỷ thứ 9, cụm tháp Poklong Garai xây dựng thế kỷ 13 và cụm tháp Pôrômê xây dựng thế kỷ 17.
Kinh tế
Ninh Thuận có vùng lãnh hải rộng 18 nghìn km², là một trong những ngư trường quan trọng của Việt Nam với 500 loài hải sản, cho phép khai thác mỗi năm 5-6 vạn tấn.
Ninh Thuận là địa phương sản xuất muối lớn nhất cả nước với sản lượng 130 nghìn tấn/năm với các nhà máy sản xuất muối lớn như: Cà Ná, Phương Cựu... Ngoài ra với diên tích rừng lớn lâm nghiệp cũng được coi là thế mạnh nhưng khai thác chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, du lịch cũng là thế mạnh của tỉnh với một số bãi biển đẹp.