Trong hệ thống các Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSVN) được thành lập sớm nhất trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất của Bảo tàng Loui Finô (Louis Finot) - một bảo tàng do Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp xây dựng năm 1926, khánh thành năm 1932. Năm 1958, Chính phủ Việt Nam chính thức tiếp quản công trình văn hóa này và xúc tiến nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung tài liệu hiện vật, chuyển đổi nội dung từ bảo tàng nghệ thuật thành bảo tàng lịch sử. Ngày 3/9/1958 BTLSVN chính thức mở cửa đón khách tham quan.
- Hệ thống trưng bày chính của bảo tàng - cuốn sử sống của dân tộc Việt Nam từ thời Tiền sử (cách ngày nay khoảng 30 - 40 vạn năm) đến Cách mạng Tháng Tám - 1945. Với diện tích trưng bày hơn 2.200 m2, gần 7.000 tư liệu hiện vật, hệ thống trưng bày chính của bảo tàng được thể hiện theo nguyên tắc trưng bày niên biểu, lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn và sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, tạo điều kiện để có thể cập nhật những tư liệu hiện vật mới do công tác nghiên cứu sưu tầm đem lại, làm cho "diện mạo" trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem. Cùng mục đích ấy, bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề và với hệ thống màn hình ti vi, màn hình cảm ứng hiện đại với hình ảnh phong phú, sống động, những dữ liệu khoa học chân xác ngày càng thỏa mãn nhu cầu khách tham quan, các nhà nghiên cứu khi đến bảo tàng.
Bảo tàng mặt chính
- Hệ thống kho cơ sở của bảo tàng hiện lưu giữ hơn 100.000 tiêu bản hiện vật, gồm nhiều chất liệu, nhiều sưu tập hiện vật quý hiếm: Sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa Núi Đọ, Hòa Bình - Bắc Sơn, Sưu tập văn hóa Đông Sơn, Sưu tập gốm men cổ Việt Nam, Sưu tập điêu khắc đá Chămpa, Sưu tập đồ đồng thời Lê - Nguyễn... Trong những năm vừa qua, kho cơ sở của bảo tàng đã được bổ sung nhiều sưu tập mới có giá trị, đặc biệt là từ khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ và ngoài biển Đông từ các con tàu đắm cổ. Hệ thống kho cơ sở được sắp xếp khoa học, trang thiết bị hiện đại, đạt được chuẩn mực của kho lưu giữ hiện vật bảo tàng.
- Công tác đối ngoại luôn được chú trọng, mở rộng giao lưu, hợp tác với các bảo tàng, các tổ chức văn hóa trên thế giới. Bảo tàng thường xuyên trao đổi các ấn phẩm chuyên ngành với hơn 100 bảo tàng và tổ chức văn hóa. Tham gia các cuộc hội thảo khoa học quốc tế: "Sự phát triển văn hóa - xã hội trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Châu Á, 1994"; "Bảo tồn hiện vật khảo cổ, 1996"; "Vai trò của bảo tàng trong thế kỷ XXI, 1997" ... Tiếp nhận, triển khai các dự án: Tổ chức SIDA (Thuỵ Điển) về in tờ gấp giới thiệu nội dung hệ thống trưng bày; Tổ chức các nước có sử dụng tiếng Pháp về giảng dạy đại học và nghiên cứu (AUPELF-UREF) tài trợ cho việc làm các phụ đề; phương tiện nghe nhìn phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục, qua quỹ Viện trợ Văn hóa (ODA) của Chính phủ Nhật Bản ... Bảo tàng cũng đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi tham quan, khảo sát tại một số bảo tàng ở Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Malayxia, Laos, Brunei Darusalam ...
- Công tác giáo dục Trong quá trình xây dựng và trưởng thành BTLSVN đã trở thành một trung tâm văn hoá - khoa học lớn của đất nước. Hàng chục triệu người ở khắp mọi miền đất nước và hàng trăm ngàn khách quốc tế từ mọi châu lục đã đến tham quan, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo cao cấp... đã ghi lại những tình cảm tốt đẹp của mình đối với lịch sử dân tộc Việt Nam trong những trang sổ vàng lưu niệm.
Gần 50 năm qua, với những kết quả khả quan trong công tác nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục, phổ biến khoa học và hoạt động đối ngoại đã đem lại uy tín và tầm vóc cho BTLSVN, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển, hội nhập của hệ thống bảo tàng trong nước và quốc tế. Vì vậy BTLSVN đã nhiều lần được nhận huân chương cao quí mà Đảng và Nhà nước trao tặng:
- Năm 1968: Huân chương Lao động hạng ba
- Năm 1975: Huân chương Lao động hạng ba
- Năm 1988: Huân chương Lao động hạng nhất
- Năm 1998: Huân chương Độc lập hạng ba
- Năm 2000: Cờ luân lưu của Chính phủ