Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có trụ sở tại số 25 phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đó là một khuôn viên rộng khoảng 1 ha nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, giáp ba mặt phố: Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Tông Đản. Ngôi nhà Bảo tàng trước năm 1954 là Sở Thương chính Đông Dương do người Pháp xây dựng năm 1917.
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - Bảo tàng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chính thức mở cửa đón khách vào thăm quan từ ngày 6 -1-1959. Khi mới ra đời, tổng kho của Bảo tàng có trên 1 vạn hiện vật, hình ảnh, tài liệu văn bản. Giờ đây, con số đó đã tăng lên trên 8 vạn, gồm nhiều sưu tập và bộ sưu tập có giá trị cho việc nghiên cứu khoa học xã hội- nhân văn, cho việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ công dân Việt Nam. Các sưu tập hiện vật đó là nền tảng để bảo tàng tổ chức trưng bày về tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam thời kỳ cận-hiện đại (từ 1858 đến nay).
Hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sử dụng trên 2.500 hiện vật, hình ảnh, tư liệu bày trong 29 phòng với tổng diện tích trên 2.000 m2. Nội dung trưng bày gồm ba phần.
Phần thứ nhất: Thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ 1858 đến 1945.
Phần này được trình bày theo biên niên lịch sử trong 9 phòng đầu tiên của Bảo tàng. Mở đầu là những hiện vật, hình ảnh lịch sử về thực dân Pháp xâm lược và áp đặt bộ máy thống trị của chủ nghĩa thực dân-phong kiến ở Việt Nam. Kết thúc là cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản giành chính quyền thắng lợi trong toàn quốc và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2-9-1945.
Tiếp cận với 9 phòng trưng bày đầu tiên, người xem thấy rõ nhiều vấn đề lớn của lịch sử cận đại Việt Nam trong hơn 80 năm: Quá trình xâm lược Việt Nam bằng quân sự của chủ nghĩa Tư bản Pháp; Các phong trào yêu nước chống xâm lược của dân tộc theo các ý thức hệ phong kiến, tư sản, vô sản; Vai trò tổ chức và lãnh đạo dân tộc của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập; khát vọng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam; Sự đàn áp, khủng bố tàn bạo của chính quyền thống trị. Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, sự kiện trọng đại đó của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX được trưng bày trong hai phòng số 8 và số 9, hai phòng cuối cùng của phần thứ nhất.
Phần thứ Hai: Cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc từ 1945 đến 1975.
Phần này thể hiện trong 14 phòng trưng bày tiếp theo từ phòng số 10 đến phòng số 24. Cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954) và 20 năm chống đế quốc Mỹ (1955-1975) của dân tộc Việt Nam là một cuộc trường chinh đầy gian khổ hy sinh, một bản hùng ca bi tráng của lịch sử dân tộc. Nhân dân Việt Nam trong nghèo nàn, thiếu thốn với quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc đã đi từ gậy tầm vông vót nhọn, từ bom ba càng, từ vũ khí thô sơ tự chế tạo trong những ngày đấu kháng chiến 1945-1946 qua chiến thắng Biên giới đến Điện Biên phủ lẫy lừng; đi từ Đồng khởi Bến Tre, qua Ấp Bắc, Vạn Tường, Tổng tiến công xuân 1968, Điện Biên Phủ trên không 1972 đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong mùa xuân 1975 để kết thúc sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh bại sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc. 30 năm tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ toàn dân toàn diện của dân tộc Việt Nam chống các thế lực xâm lược chính là bản hùng ca trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Để viết nên bản hùng ca này dân tộc Việt Nam đã phải chấp nhận cả những khúc ca bi tráng. Đó là máu và nước mắt, là sự hy sinh vì tổ quốc của hàng triệu người Việt Nam, là sự đổ nát của nhà cửa dân sinh, của các công sở, nhà máy, trường học, bệnh viện, cầu đường... các điều kiện và thành quả lao động để duy trì và phát triển cuộc sống của con người. Khúc bi tráng đó là hậu quả của sự tàn bạo do các thế lực xâm lược gây ra trên đất nước Việt Nam.
Phần trưng bày thứ hai của Bảo tàng có nhiều nhóm hiện vật gây ấn tượng được sử dụng để làm vật chứng cho các sự kiện của 30 năm chiến đấu gian khổ, anh dũng: Nhóm công cụ lao động thô sơ, nhóm đồ dung, Nhóm vũ khí, Nhóm kỷ vật của những người anh hùng; Nhóm hình ảnh tư liệu về chiến đấu, lao động, sinh hoạt của nhân dân trong chiến tranh... trong sinh hoạt hàng ngày được nhân dân sử dụng làm vũ khí chiến đấu và phục vụ chiến đấu; chiến tranh hiện đại các loại mà các thế lực xâm lược đã sử dụng để tàn phá Việt Nam;
Ngoài lịch sử kháng chiến là nội dung bao trùm, phần trưng bày này còn có một nội dung nữa được trưng bày xen kẽ, đó là cuộc sống lao động, xây dựng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, dù trong hoàn ảnh chiến tranh, nhân dân Việt Nam vẫn cần cù, chịu đựng, vượt qua khó khăn để học tập, để cải tạo ruộng đồng, để xây dựng nhà máy, cầu đường, để bảo đảm sự tồn tại và chuẩn bị cơ sở vật chất cho sự phát triển của đất nước sau chiến tranh.
Phần thứ Ba: Việt Nam trên con đường xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh từ 1975 đến nay.
Phần cuối cùng của Bảo tàng giới thiệu lịch sử đang tiếp diễn do đó ba phòng trưng bày của phần này không mang tính cố định.
Nếu hai phần trước Bảo tàng sử dụng phương pháp trưng bày theo biên niên hoặc kết hợp trưng bày chuyên đề với biên niên, thì ở phần này bảo tàng kết hợp giới thiệu nội dung khái quát về lịch sử với trưng bày sưu tập. Phòng số 25 sử dụng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu và mô hình tĩnh để giới thiệu khái quát lịch sử 25 năm sau chiến tranh: Tổ quốc thống nhất, Các thành quả lao động của nhân dân, Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng đất nước, Sự phát triển về kinh tế-văn hoá-xã hội, Sự ổn định vững mạnh về chính trị trong thời kỳ đổi mới đất nước... Phòng số 26 và 27 giới thiệu các sưu tập hiện vật về kinh tế trong thời kỳ đổi mới. Trong hai phòng này Bảo tàng đã trưng bày các hiện vật nguyên gốc của các sưu tập về Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, Công nghiệp kỹ thuật cao...
Ngoài ba phần chính nói trên, Bảo tàng sử dụng hai phòng cuối cùng (phòng số 28 và 29) trưng bày Bộ sưu tập Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam với gần 300 hiện vật nguyên gốc.
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam trong hơn 50 năm hoạt động đã đón tiếp hàng chục triệu người Việt Nam và hàng trăm ngàn khách nước ngoài của 130 nước khắp 5 châu đến thăm quan, trong đó có nhiều nhà chính khách, nhà văn hoá, nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt suất đã năm lần đến thăm và làm việc với Bảo tàng Cách mạng. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã trở thành một trung tâm sử liệu phong phú và là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn hoá sáng tạo.
Trong những năm qua, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có quan hệ với Bảo tàng các nước Đông Âu cũ, Trung quốc, Lào, và nhiều cơ quan khoa học xã hội, văn hoá của Nhật Bản, Na Uy, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Nga và các nước ASEAN... để trao đổi tư liệu, tổ chức triển lãm, tham quan học tập.
Trong những năm tới, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động trưng bày cũng như các hoạt động nghiệp vụ khác trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và tăng cường sự hợp tác với bảo tàng các nước.
Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho xã hội, được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, ba Huân chương Độc lập (Hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba), hai Huân chương Lao động (Hạng Nhì, hạng Ba) và nhiều phần thưởng cao quí khác.
Bước vào thế kỷ XXI Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hy vọng rằng nơi đây sẽ là địa điểm tham quan thường xuyên của nhân dân trong nước cũng như các du khách nước ngoài.
Căn cứ vào Quyết định số: 2567/QĐ-BVHTTDL ngày 06/6/2008 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL qui định về việc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BTCMVN, BTCMVN có các nhiệm vụ sau đây:
1. Trình Bộ trưởng quy hoạch phát triển, kế hoạch hoạt động dài hạn, hàng năm của Bảo tàng và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
2. Nghiên cứu về lịch sử cận, hiện đại Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao thông qua các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng;
3. Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các tài liệu, hiện vật về lịch sử cận, hiện đại Việt Nam;
4. Hướng dẫn, phục vụ nhân dân trong nước và khách nước ngoài tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng; thực hiện các hình thức tuyên truyền, giáo dục về lịch sử cận, hiện đại Việt Nam và tiểu sử, sự nghiệp các danh nhân cách mạng thông qua tài liệu, hiện vật của Bảo tàng;
5. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động của bảo tàng;
6. Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các bảo tàng, di tích, nhà trưng bày phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo sự phân công của Bộ Văn hóa-Thông tin hoặc đề nghị của địa phương, tổ chức và cá nhân;
7. Tiếp nhận tài liệu, hiện vật về lịch sử Việt Nam, danh nhân cách mạng thời kỳ cận, hiện đại của các tổ chức và cá nhân trao tặng;
8. Thực hiện việc điều chuyển tài liệu, hiện vật theo quy định; cung cấp bản sao tài liệu, hiện vật theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật;
9. Thực hiện hợp tác quốc tế theo kế hoạch của Bộ Văn hóa-Thông tin và quy định của pháp luật;
10. Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng và quy định của pháp luật;
11. Thu phí, lệ phí, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật;
12. Đảm bảo an toàn, an ninh trong khu vực do Bảo tàng quản lý;
13. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động theo quy định của Nhà nước và phân cấp quản lý của Bộ;
14. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao và các nguồn thu khác theo quy định của Nhà nước;
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao