Cơ quan công tác dân tộc - với tổ chức tiền thân là Nha Dân tộc thiểu số (thành lập tại Nghị định số 359, ngày 9-9-1946 chiểu theo Sắc lệnh số 58, ngày 3-5-1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) với chức năng, nhiệm vụ "Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam".
Những nhiệm vụ đầu tiên của Nha Dân tộc thiểu số là mở Trường Đào tạo cán bộ dân tộc mang tên “Nùng Chí Cao”, khoá học đầu tiên tại Hà Nội được Bác Hồ tới thăm. Lớp cán bộ dân tộc do trường đào tạo sau đó toả đi khắp cả nước tham gia công tác trên các lĩnh vực, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Nha Dân tộc thiểu số đã tổ chức thực hiện công tác vận động đồng bào các dân tộc nhận rõ âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tập hợp nhân dân tham gia các tổ chức, đoàn thể, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo vệ cơ sở cách mạng, làm cho vùng dân tộc thực sự là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Chính phủ. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại PlâyCu (năm 1946) có đoạn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả các đồng bào”. Nghị định số 359 ngày 9-9-1946 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã xác định: "Nha Dân tộc thiểu số có nhiệm vụ nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trong toàn cõi Việt Nam, để củng cố, trên nguyên tắc bình đẳng sự đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc sống trên đất Việt Nam".
Nha Dân tộc thiểu số gồm có:
- Một văn phòng phụ trách các việc công văn, hồ sơ, vật liệu, kế toán và viên chức.
- Một ban nghiên cứu có nhiệm vụ sưu tầm tài liệu và nghiên cứu mọi vấn đề chính trị, hành chính, văn hoá, xã hội, kinh tế và tài chính có quan hệ mật thiết đến các dân tộc thiểu số.
- Một ban tuyên truyền có nhiệm vụ củng cố tinh thần đoàn kết và tình thân ái giữa các dân tộc và chống mọi mưu mô chia rẽ.
Ban tuyên truyền sẽ liên lạc với Nha Thông tin Tuyên truyền toàn quốc để thực hiện chương trình tuyên truyền chung trong phạm vi dân tộc thiểu số.
- Một ban thanh tra có nhiệm vụ: Giám sát các công việc hành chính và chính trị ở các miền có dân tộc thiểu số; thảo luận với các cơ quan hành chính ở các miền đó để cùng giải quyết những vấn đề khó khăn, theo chính sách chung của Chính phủ; thảo luận với ban nghiên cứu và đề nghị lên Chính phủ những sự cải cách thích hợp về hành chính và chính trị. Ban thanh tra sẽ mật thiết liên lạc với Nha Thanh tra toàn quốc để thi hành nhiệm vụ được dễ dàng.
- Một ban kinh tế có nhiệm vụ giải quyết vấn đề tiếp tế cho các miền có dân tộc thiểu số và giúp đỡ một cách thiết thực các dân tộc thiểu số trong các công cuộc kiến thiết.
- Một ban tiếp đãi phụ trách việc đón tiếp các đồng bào thiểu số.
Giám đốc Nha Dân tộc thiểu số là đồng chí Hoàng Văn Phùng.
Nha Dân tộc thiểu số mới thành lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng dân tộc và miền núi trở thành căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Năm 1947, thành lập Tổ Nghiên cứu dân tộc thuộc Ban Mặt trận – Dân vận Trung ương, tiếp tục nhiệm vụ của Nha Dân tộc thiểu số với phương hướng hoạt động công tác dân tộc phù hợp với tình hình mới: “Mọi ngành công tác ở vùng đồng bào thiểu số phải có kế hoạch riêng, không thể chỉ đặt kế hoạch, chỉ thị chung như từ trước tới nay. Mỗi vùng thiểu số to trong nước cần lập một Ban Vận động đồng bào thiểu số để nghiên cứu kế hoạch cho sát, đặc biệt chú ý mở trường đào tạo cán bộ thiểu số riêng như khu V, khu XIV đã làm. Phổ biến những kinh nghiệm quý báu về vấn đề vận động đồng bào thiểu số của khu V và khu XIV. Chính phủ phải có một Quỹ đặc biệt chi về việc vận động và giúp đỡ đồng bào thiểu số”. Tổ Nghiên cứu dân tộc do đồng chí Hoàng Quốc Việt phụ trách và chỉ đạo. Giai đoạn này, cơ quan công tác dân tộc trở thành một bộ phận quan trọng của Mặt trận Dân tộc thống nhất, vừa là tổ chức tham mưu về dân tộc của Chính phủ kháng chiến; một mặt vận động đồng bào các dân tộc huy động sức người, sức của ủng hộ kháng chiến, mặt khác vận động các tộc trưởng, tù trưởng, phìa tạo... đi theo kháng chiến, đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Bộ phận nghiên cứu chính sách dân tộc đã bước đầu có những tổng kết hoạt động thực tiễn, giúp Trung ương có những điều chỉnh nội dung, phương pháp công tác dân tộc, đặc biệt là chuẩn bị cho việc xác định đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc tại Đại hội II (tháng 2-1951), Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng ta hiện nay” (tháng 8-1952). Đây là những văn kiện đề cập đến công tác dân tộc được thực thi trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự nhằm phục vụ cao nhất cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều nội dung công tác dân tộc đã được thực hiện: Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc ở nhiều vùng trên phạm vi cả nước; Liên khu V tổ chức Hội nghị Đại biểu các dân tộc thiểu số với gần 300 đại biểu tham dự, tổng kết rút kinh nghiệm tổ chức kháng chiến, kinh nghiệm xây dựng làng chiến đấu Si Tơ (Kon Tum), kinh nghiệm từ vụ việc ở Sơn Hà (Quảng Ngãi), kinh nghiệm phá tan âm mưu của địch lập các ổ nhóm vũ trang ở vùng dân tộc... Trải qua 9 năm kháng chiến, công tác dân tộc đã góp phần to lớn vào sự nghiệp chung do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, cùng với nhân dân cả nước tiến hành kháng chiến thắng lợi, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954).
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, từ sau năm 1954 công tác dân tộc được tổ chức thực hiện với những nội dung và hình thức hoạt động mới phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Ở miền Nam, cơ quan công tác dân tộc được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục. Các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ vận động nhân dân các dân tộc đoàn kết chống lại âm mưu chia rẽ với chính sách “chia để trị” của địch; chống lại cái gọi là Mặt trận Fulrô đòi tự trị giả hiệu; chống lại việc dồn dân lập “ấp chiến lược”... Các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thành lập các Ban Khmer vận của tỉnh và một số huyện, đã tuyên truyền vận động bà con dấy lên phong trào chống Mỹ – Ngụy rộng khắp, bằng các cuộc biểu tình, đồng khởi, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, hoạt động bí mật với công khai và bán công khai... đã tạo nên phong trào cách mạng trong đồng bào Khmer Nam Bộ, góp phần đáng kể vào phong trào cách mạng ở miền Nam. Các tỉnh duyên hải Trung Bộ đã vận động các dân tộc thiểu số xây dựng các căn cứ địa vững chắc, tổ chức đồng bào trực tiếp chiến đấu đánh địch như ở Bác ái, Phước Chiến... hình thành các buôn làng kiên cường, lập nhiều chiến công to lớn, nhiều thắng lợi vẻ vang, đoàn kết các dân tộc được tăng cường gắn bó trong đấu tranh chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.
Công tác dân tộc ở miền Bắc trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa và kháng chiến chống Mỹ cứu nước có những điều chỉnh về nội dung hoạt động và bộ máy tổ chức: Đầu năm 1955 "Thành lập Tiểu Ban Dân tộc ở Trung ương dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương. Về mặt chính quyền, bộ máy dân tộc thiểu số trực thuộc với Thủ tướng Phủ và tạm thời đặt ở Ban Nội chính”. Từ đây cơ quan dân tộc có hai chức năng: Tham mưu cho Trung ương Đảng về vấn đề dân tộc và giúp Chính phủ phụ trách một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tiểu Ban Dân tộc Trung ương có các nhiệm vụ: “Nghiên cứu tình hình dân tộc và kiểm tra đôn đốc việc thực hành chính sách dân tộc ở các vùng dân tộc thiểu số, kể cả ở khu vực tự trị. Nghiên cứu giúp Trung ương đề ra chủ trương thực hiện chính sách dân tộc và phối hợp với các Bộ, các cơ quan ở cấp trung ương trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ ở các vùng dân tộc thiểu số. Trực tiếp phụ trách thực hiện một số công tác như đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc...". Ngày 1-2-1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 447/TTg, quy định cụ thể nhiệm vụ của Tiểu Ban Dân tộc, ngoài những nhiệm vụ nói trên, bổ sung thêm việc soạn và xuất bản tài liệu giới thiệu về các dân tộc.
Tiểu Ban Dân tộc Trung ương do đồng chí Bùi San làm Trưởng Tiểu Ban.
Năm 1959, thành lập Ủy ban Dân tộc thuộc Hội đồng Chính phủ và có quyền hạn trách nhiệm ngang Bộ “Ủy ban Dân tộc có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu và thực hiện chính sách dân tộc nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng tương trợ và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến bộ mau chóng về mọi mặt theo chủ nghĩa xã hội". Ngày 6-3-1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 102/TTg, quy định nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc Chính phủ:
- Nghiên cứu tình hình, đặc điểm các dân tộc thiểu số, giúp Chính phủ vạch các chính sách dân tộc.
- Nghiên cứu giúp Chính phủ vạch kế hoạch xây dựng các khu vực tự trị dân tộc và thực hiện kế hoạch đó.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách dân tộc và giúp các Bộ trong việc nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện chính sách cụ thể phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố vùng dân tộc thiểu số về mọi mặt.
- Chỉ đạo các Ban Dân tộc địa phương về mặt nghiệp vụ.
- Trực tiếp quản lý Trường Cán bộ dân tộc, tổ chức những đoàn đại biểu dân tộc đi tham quan, tiến hành những công tác khác có liên quan đến chính sách dân tộc do Chính phủ giao.
Nghị định 102/TTg còn quy định: “Ủy ban Dân tộc có thể ra Thông tư giải thích đường lối, chính sách và chủ trương của Chính phủ đối với vùng dân tộc thiểu số và hướng dẫn các cấp hành chính thi hành đường lối, chính sách và các chủ trương đó. Các Ủy ban hành chính các khu tự trị, các tỉnh miền núi và vùng có dân tộc thiểu số xen kẽ, có nhiệm vụ báo cáo về tình hình công tác thực hiện chính sách dân tộc cho Ủy ban Dân tộc. Ủy ban Dân tộc phối hợp và góp ý kiến với các Bộ trong việc nghiên cứu và thực hiện mọi chính sách với các vùng dân tộc thiểu số. Các Bộ có nhiệm vụ thông báo cho Ủy ban Dân tộc các chính sách, chủ trương cụ thể và tình hình công tác của ngành mình ở các vùng dân tộc thiểu số, gửi bản sao các chỉ thị, thông tư và báo cáo về vấn đề đó cho Ủy ban Dân tộc”. Về bộ máy tổ chức ủy ban Dân tộc có: Văn phòng, Vụ Nội chính, Vụ Nghiên cứu, Vụ Tuyên giáo, Trường Cán bộ dân tộc và một số đơn vị sự nghiệp do ủy ban Dân tộc thành lập sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Ngày 3-4-1959, Chính phủ ra Nghị định số 349/CP thành lập “Khu đào tạo cán bộ dân tộc miền Nam” trực thuộc Ủy ban Dân tộc, có nhiệm vụ: “Bồi dưỡng văn hoá, chính trị cho cán bộ dân tộc miền Nam. Tổ chức cơ sở sản xuất tập thể về nông nghiệp, thủ công nghiệp để học tập, tạo điều kiện tự túc một phần đồ dùng, thực phẩm để nâng cao mức sinh hoạt. Tiếp thu, quản lý tất cả các cán bộ dân tộc miền Nam hiện đang công tác ở miền Bắc. Tổ chức an dưỡng cho những người già trong cán bộ dân tộc miền Nam. Nghiên cứu thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ dân tộc...”. Thời kỳ 1959-1960, đồng chí Chu Văn Tấn là Trưởng Ban dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ.
Năm 1961, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc được quy định cụ thể hơn tại Nghị định số 133/CP ngày 29-9-1961 của Chính phủ: “Ủy ban Dân tộc là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhằm tăng cường đoàn kết các dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng và tương trợ, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số cùng nhân dân toàn quốc tiến nhanh về mọi mặt lên chủ nghĩa xã hội”. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Ủy ban Dân tộc gồm: Văn phòng, Vụ Nội chính, Vụ Dân sinh, Vụ Tuyên giáo và một số đơn vị sự nghiệp như Trường Cán bộ dân tộc, Tạp chí Dân tộc. Đến năm 1968 giải thể Vụ Nội chính và Vụ Dân sinh, thành lập các Vụ Địa phương và Vụ Tổng hợp theo Nghị định số 34/CP ngày 5-3-1968 của Hội đồng Chính phủ (các Vụ Địa phương gồm: Vụ I theo dõi và nghiên cứu tình hình dân tộc Tày, Nùng, Hoa và các dân tộc khác sinh sống ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hải Ninh, Vĩnh Phú, Bắc Giang. Vụ II theo dõi và nghiên cứu tình hình các dân tộc Thái, Mèo, Dao và các dân tộc khác sinh sống ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Hà Giang. Vụ III, theo dõi và nghiên cứu tình hình các dân tộc Mường, Vân Kiều và các dân tộc khác sinh sống ở các tỉnh Hoà Bình, Hà Đông, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Vụ IV, theo dõi và nghiên cứu các dân tộc thiểu số ở miền Nam). Vụ Tổng hợp có nhiệm vụ " Tổng hợp tình hình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo cán bộ dân tộc. Nghiên cứu các vấn đề lớn về chính sách có quan hệ chung đến các dân tộc. Góp ý kiến với các ngành về chính sách cụ thể đối với các vùng dân tộc". Thời kỳ 1960-1976, Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là đồng chí Lê Quảng Ba.
Công tác dân tộc trong giai đoạn này là phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng cả nước. Miền Bắc tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ đi lên chủ nghĩa xã hội, hậu thuẫn vững chắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng bào các dân tộc ở miền Nam tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ, trực tiếp đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, cùng với cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, viết nên trang sử hào hùng của Dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Sau ngày Nam – Bắc sum họp một nhà, non sông thu về một mối, công tác dân tộc triển khai trên phạm vi cả nước với những nội dung và yêu cầu mới: Tập trung ổn định sản xuất và đời sống, giải quyết các vấn đề xã hội do hậu quả chiến tranh để lại. Một số địa bàn vùng dân tộc cần có những yêu cầu chỉ đạo, cụ thể (như công tác dân tộc ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ, vùng đồng bào Chăm, vùng Tây Nguyên...); tiếp tục đẩy mạnh công tác định canh định cư, theo dõi kiểm tra việc thực hiện các chính sách xã hội (ưu tiên cấp thuốc chữa bệnh, muối, dầu hoả... đối với vùng cao); tham mưu giúp Chính phủ ban hành các chính sách miễn giảm thuế, nghĩa vụ... đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết tự túc lương thực tại chỗ... Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành, đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước luôn tin tưởng, giữ trọn niềm tin vào Đảng và Bác Hồ vượt qua mọi thử thách, khó khăn, cùng với quân dân cả nước anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương đất nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Vũ Lập là Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc thời kỳ 1976-1979.
Năm 1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 38/QĐ-TW, ngày 14-5-1979 quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức Ban Dân tộc Trung ương và của các tỉnh: “Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương (hoặc cấp ủy địa phương) về vấn đề dân tộc ít người”. Nhiệm vụ của Ban Dân tộc Trung ương là:
- Giúp Trung ương chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các Hội nghị của Trung ương bàn về đường lối, chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc. Đối với các vấn đề chung của Đảng về vấn đề dân tộc có liên quan đến nhiều ngành, Ban chủ trì giúp Trung ương chuẩn bị; đối với các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi cơ quan nào phụ trách thì cơ quan đó chuẩn bị. Ban có trách nhiệm tham gia chuẩn bị và phát biểu chính thức ý kiến của mình trước khi trình Trung ương để quyết định. Ban phối hợp và đề xuất ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương trong việc nghiên cứu chính sách đối với cán bộ người dân tộc ít người.
- Giúp Trung ương kiểm tra việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc. Qua kiểm tra, phát hiện các mặt tốt để phát huy, những khuyết điểm cần khắc phục; đồng thời đề xuất với Trung ương những vấn đề về chính sách, chủ trương công tác liên quan đến vấn đề dân tộc ít người mà các ngành cần nghiên cứu hoặc chỉ đạo để giải quyết.
- Phát hiện và tổng hợp các vấn đề chính trị của các dân tộc ít người như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, mối quan hệ giữa các dân tộc, những vấn đề có tính chất chính trị trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của các ngành, các cấp ở các vùng dân tộc, nhằm bảo đảm những quan điểm của Trung ương về vấn đề dân tộc được thực hiện đầy đủ, tăng cường khối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc trong cả nước.
Ở các tỉnh có Ban Dân tộc, nhiệm vụ của Ban Dân tộc tỉnh là giúp cấp uỷ theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và chủ trương của cấp uỷ về vấn đề dân tộc; nghiên cứu các vấn đề về chấp hành chính sách của Đảng đối với các dân tộc ở địa phương theo yêu cầu của cấp uỷ và phối hợp với Ban Dân tộc Trung ương trong việc nghiên cứu và kiểm tra các vấn đề về chính sách của Đảng đối với các dân tộc theo sự chỉ đạo của cấp uỷ.
Căn cứ chương trình làm việc của Trung ương (hoặc của cấp uỷ) Ban Dân tộc lập chương trình công tác của Ban và thực hiện chương trình công tác đó. Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban được tham dự các kỳ họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (hoặc của cấp uỷ) bàn về vấn đề dân tộc ít người. Ban được cung cấp các thông tin cần thiết như các Nghị quyết, Chỉ thị, Thông báo của Trung ương và Báo cáo do các địa phương, các ngành gửi lên Trung ương (hoặc cấp uỷ) về những vấn đề quan trọng có liên quan đến chính sách dân tộc. Ban Dân tộc quan hệ chặt chẽ với các Ban khác, với các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn ở các ngành cùng cấp, để trao đổi ý kiến về những vấn đề có liên quan đến chính sách dân tộc, phối hợp nghiên cứu, kiểm tra những vấn đề về dân tộc theo các quy định của Trung ương (hoặc của cấp uỷ). Ban được yêu cầu các địa phương, các ngành cung cấp những tư liệu cần thiết về vấn đề dân tộc có liên quan trách nhiệm công tác của Ban. Ban Dân tộc Trung ương được quan hệ với các tổ chức làm công tác dân tộc ở Trung ương và địa phương để trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp kiểm tra hoặc nghiên cứu những vấn đề về chính sách dân tộc ở địa phương. Ban có nhiệm vụ báo cáo, thỉnh thị, phản ánh tình hình thực hiện chính sách dân tộc và những vấn đề khác có quan hệ đến công tác dân tộc lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư (hoặc cấp uỷ).
Ở các tỉnh miền núi và các tỉnh có nhiều dân tộc ít người (khoảng từ 3 vạn trở lên) thành lập Ban Dân tộc của cấp uỷ, biên chế khoảng 5 đến 7 cán bộ nghiên cứu. Cần lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn để bảo đảm làm tốt chức trách của Ban; trường hợp chưa có cán bộ có chất lượng để thành lập Ban thì tạm thời có 1 hoặc 2 cán bộ đặt trong Ban Dân vận – Mặt trận để giúp cấp uỷ theo dõi, nắm tình hình.
Như vậy là từ năm 1955, hai cơ quan làm công tác dân tộc của Trung ương Đảng và của Chính phủ hầu như thống nhất trong một tổ chức, nhất là từ năm 1959 nâng lên ủy ban Dân tộc của Chính phủ (cơ quan ngang Bộ) với Ban Dân tộc Trung ương, cùng một trụ sở (số 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội), có hai con dấu của cơ quan Đảng và cơ quan Chính phủ, thực hiện hai chức năng: Tham mưu cho Trung ương Đảng và quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.
Từ năm 1979-1982, đồng chí Hoàng Văn Kiểu là Trưởng Ban Dân tộc Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. Thời kỳ 1982-1989, Trưởng Ban Dân tộc Trung ương là đồng chí Hoàng Trường Minh. (Năm 1987, có Quyết định số 78/HĐNN ngày 16-2-1987 của Hội đồng Nhà nước giải thể Ủy ban Dân tộc của Chính phủ).
Để tăng cường tổ chức cơ quan dân tộc, ngày 25-8-1988 Ban Bí thư Trung ương ra Quyết định số 62/QĐ-TW về chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc Trung ương, đã xác định: “Ban Dân tộc Trung ương có chức năng làm tham mưu tổng hợp cho Trung ương Đảng về công tác dân tộc thiểu số” và có các nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề dân tộc và công tác dân tộc, kiến nghị với Trung ương Đảng những vấn đề về chủ trương, chính sách đối với các dân tộc thiểu số.
- Kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề dân tộc thiểu số ở các cấp uỷ Đảng, các tổ chức chính quyền và các đoàn thể.
- Làm công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Trung ương. Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu công tác xây dựng Đảng ở vùng dân tộc thiểu số và xây dựng chính sách đối với cán bộ dân tộc thiểu số.
- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân tộc ở các ngành và bộ phận chuyên trách làm công tác dân tộc của các cấp uỷ địa phương.
Bộ máy giúp việc của Ban gồm có: Vụ Kế hoạch - Đời sống, Vụ Văn hoá, Giáo dục và Y tế, Vụ Chính trị (bao gồm các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, an ninh quốc phòng), Văn phòng Ban (gồm có bộ phận nghiên cứu tổng hợp, Phòng Hành chính - Quản trị và Phòng Tổ chức -Cán bộ cơ quan). Biên chế của Ban gọn nhẹ, sắp xếp phù hợp với chức năng nhiệm vụ, coi trọng chất lượng; gồm những cán bộ có phẩm chất, có năng lực nghiên cứu, tổng hợp, có tinh thần đổi mới, có kiến thức về kinh tế xã hội, có khả năng kinh nghiệm công tác ở vùng dân tộc thiểu số, hiểu biết về công tác tổ chức cán bộ và xây dựng Đảng. Ngoài số cán bộ trong biên chế, Ban được thực hiện chế độ cộng tác viên để phục vụ công tác nghiên cứu, kiểm tra theo yêu cầu của Ban. Ban Dân tộc Trung ương bàn bạc thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương về biên chế và chế độ sử dụng cộng tác viên của Ban. Ban quan hệ chặt chẽ với các Ban của Trung ương Đảng, với Văn phòng Trung ương, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, với các cấp các ngành để trao đổi những vấn đề có liên quan đến chính sách dân tộc.
Từ năm 1989-1992, đồng chí Nông Đức Mạnh là Trưởng Ban Dân tộc Trung ương. Ban Dân tộc Trung ương đã cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, chuẩn bị nội dung để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW ngày 27-11-1989 về "Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi". Đây là văn kiện quan trọng của Đảng, mở đường cho sự đổi mới hoạt động công tác dân tộc. Nghị quyết 22 chỉ rõ: “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với miền núi; kiện toàn tổ chức và tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ của các cơ quan tham mưu, đủ sức giúp Trung ương cả trong công tác nghiên cứu, ban hành chính sách cũng như việc kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, chính sách kinh tế, xã hội ở miền núi”.
Để tăng cường sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ đối với công tác dân tộc và thực hiện Quyết định 72/HĐBT, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 147/CT ngày 11-5-1990 thành lập Văn phòng Miền núi và Dân tộc, để giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo công tác miền núi và dân tộc. Văn phòng Miền núi và Dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, có các nhiệm vụ và quyền hạn:
- Theo dõi đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện các quyết định của Đảng và Nhà nước về những chủ trương, chính sách đối với miền núi và dân tộc.
- Phối hợp với các Ban của Đảng, các Bộ, ngành nghiên cứu hoặc chủ trì nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chính sách, luật pháp về miền núi và dân tộc, để Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định hoặc trình Hội đồng Nhà nước quyết định.
- Tham gia với các Bộ, ngành, địa phương về việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ chủ chốt là người dân tộc làm công tác chính quyền.
- Thực hiện quan hệ với nước ngoài về vấn đề dân tộc.
- Yêu cầu các Bộ, ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bàn những vấn đề miền núi và dân tộc.
- Mời các Bộ, ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bàn về những vấn đề miền núi và dân tộc.
- Kiểm tra các Bộ, ủy ban nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với miền núi và dân tộc; kiến nghị với cơ quan được kiểm tra thi hành các biện pháp cần thiết hoặc sửa chữa những việc sai trái (nếu có) nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách đối với miền núi và dân tộc.
Văn phòng Miền núi và Dân tộc do đồng chí Bộ trưởng chuyên trách công tác miền núi và dân tộc trực tiếp làm Chủ nhiệm. Văn phòng có 1 đến 2 Phó Chủ nhiệm, bộ máy làm việc gồm có một số tổ chuyên viên, được sử dụng con dấu và có ngân sách riêng. Trụ sở của Văn phòng Miền núi và Dân tộc đặt tại 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội (trụ sở ủy ban Dân tộc của Chính phủ trước đây và hiện nay).
Đồng chí Hoàng Đức Nghi là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Miền núi và Dân tộc từ năm 1990 và sau đó là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi từ năm 1992-2002.
Năm 1992, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất hai cơ quan Ban Dân tộc Trung ương và Văn phòng Miền núi và Dân tộc để xây dựng thành cơ quan Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Lập Ban Cán sự Đảng Ủy ban Dân tộc và Miền núi làm nhiệm vụ tham mưu cho Đảng về công tác dân tộc và miền núi (Thông báo số 33/TB-TW ngày 5-10-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng). Ngày 20-2-1993, Chính phủ ra Nghị định số 11/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi: Uỷ ban Dân tộc và Miền núi là cơ quan của Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước, đồng thời là cơ quan tham mưu cho Trung ương Đảng và Chính phủ về chính sách chung và chính sách cụ thể đối với miền núi có các dân tộc thiểu số. Uỷ ban có nhiệm vụ và quyền hạn:
- Xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc để Chính phủ trình Trung ương Đảng, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành về các chủ trương, chính sách, luật pháp kinh tế – xã hội miền núi và dân tộc.
- Phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức hữu quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch 5 năm, hàng năm, các chính sách cụ thể về dân tộc, kinh tế – xã hội ở miền núi trình Chính phủ và phối hợp với các ngành, các địa phương trong việc thực hiện kế hoạch, chính sách đó.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật và các quy định của Nhà nước về dân tộc và miền núi; các dự án, chương trình kinh tế – xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Trình Chính phủ xét duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về miền núi và dân tộc do Uỷ ban trực tiếp phụ trách.
- Trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình định canh, định cư đồng bào dân tộc.
- Tham gia với các cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong việc xây dựng, quản lý nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Chính phủ; hướng dẫn việc kiểm tra sử dụng nguồn vốn viện trợ nhân đạo của các tổ chức phi Chính phủ trợ giúp đồng bào miền núi và các dân tộc theo địa chỉ.
- Đón tiếp, giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan để giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số theo chế độ, chính sách, pháp luật quy định.
Tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi gồm có: Văn phòng, Vụ Tổng hợp, Vụ Chính sách Dân tộc và Miền núi, Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ Hợp tác Quốc tế và Cục Định canh định cư (Được tổ chức trên cơ sở Ban Định canh định cư từ Bộ Lâm nghiệp chuyển sang). Năm 1995, theo Quyết định số 820/TTg ngày 15-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ: Chuyển Cục Định canh định cư từ Uỷ ban Dân tộc và Miền núi sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Cơ quan đặc trách về công tác dân tộc Khmer Nam bộ được thành lập trên cơ sở chuyển Phân ban Dân tộc Nam bộ (thuộc Ban Dân tộc Trung ương trước đây) theo Quyết định số 456/TTg, ngày 7-9-1993 của Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện chức năng vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa làm tham mưu cho Trung ương Đảng về các lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi, ngày 5-6-1998 Ban Tổ chức Trung ương có Công văn số 657/TC-TW thông báo ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị bổ sung một số quy định cụ thể như sau:
- Nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề dân tộc, miền núi, kiến nghị với Trung ương Đảng những chủ trương, chính sách đối với miền núi và các dân tộc thiểu số.
- Chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách với miền núi và các dân tộc thiểu số và miền núi.
- Làm công tác tổ chức và cán bộ theo quy định của Trung ương, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu công tác xây dựng Đảng ở vùng dân tộc thiểu số và xây dựng chính sách đối với cán bộ dân tộc miền núi.
- Hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân tộc và miền núi ở các Bộ, ngành Trung ương và các cấp uỷ đảng địa phương.
Con dấu của Ban Cán sự Đảng Uỷ ban Dân tộc và Miền núi dùng để quan hệ và làm việc với các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn ở Trung ương và cấp uỷ địa phương như một Ban của Đảng. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi được dự các cuộc họp giao ban Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị với các Ban Đảng theo định kỳ; được tiếp nhận thông tin của Văn phòng Trung ương như các Ban Đảng ở Trung ương.
Cũng trong năm 1998, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi tiếp tục được kiện toàn về tổ chức theo Nghị định số 59/1998/NĐ-CP ngày 13-8-1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi: Uỷ ban Dân tộc và Miền núi là Cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước, đồng thời là cơ quan tham mưu cho Trung ương Đảng về chủ trương, chính sách đối với các dân tộc thiểu số và miền núi.
Uỷ ban Dân tộc và Miền núi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ và có nhiệm vụ, quyền hạn:
- Nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề về dân tộc và miền núi. Trình Trung ương Đảng và Chính phủ những chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc và miền núi; ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện các vấn đề nói trên.
Chuẩn bị hoặc tham gia chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách đối với dân tộc và miền núi.
- Tham gia với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những vấn đề liên quan đến dân tộc và miền núi; tham gia việc thẩm định chiến lược phát triển vùng, kế hoạch kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ và các dự án nước ngoài tài trợ được thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và miền núi trong phạm vi cả nước.
- Thực hiện nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Trung ương Đảng; kiến nghị với Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về chủ trương, chính sách, giải pháp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số. Tham gia vào việc đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số và tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng cán bộ dân tộc và cán bộ làm công tác dân tộc.
- Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực dân tộc theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, tổ chức chính
trị – xã hội, trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc.
- Chỉ đạo việc thực hiện một số chương trình, dự án, mô hình điểm trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi do Chính phủ giao.
- Tiếp đón, thăm hỏi đồng bào dân tộc, nắm yêu cầu nguyện vọng của đồng bào. Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Quản lý về tổ chức cán bộ, công chức của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi theo quy định.
Tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi gồm: Các tổ chức giúp Bộ trưởng- Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Vụ Chính sách Dân tộc, Vụ Chính sách Miền núi, Vụ Tổng hợp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức – Cán bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra, Văn phòng, Cơ quan đặc trách công tác dân tộc ở Nam Bộ (tại Cần Thơ).
Các Tổ chức sự nghiệp trực thuộc Uỷ ban: Viện Nghiên cứu Chính sách Dân tộc và Miền núi, Tạp chí Dân tộc và Miền núi, Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Dân tộc, Trung tâm Thông tin và Tư liệu.
Các doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban Dân tộc và Miền núi được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tổ chức Bộ máy giúp Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý nhà nước về công tác dân tộc và miền núi do Uỷ ban nhân dân địa phương, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ trình Chính phủ quyết định.
Năm 2002, theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI (số 02/2002/QH11 ngày 5-8-2002), Uỷ ban Dân tộc và Miền núi trở lại với tên gọi ỦY BAN DÂN TỘC (như năm 1959). Ngày 16-5-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2003/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc:
Uỷ ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Uỷ ban quản lý theo quy định của pháp luật.
Uỷ ban Dân tộc có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05-11-2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về dân tộc;
- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động và các công trình quan trọng thuộc lĩnh vực công tác dân tộc;
- Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Uỷ ban;
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dân tộc;
- Điều tra, nghiên cứu tổng hợp về nguồn gốc lịch sử, sự phát triển của các dân tộc, các tộc người, các dòng tộc; đặc điểm, thành phần dân tộc, kinh tế xã hội, đời sống văn hoá, phong tục tập quán và những vấn đề khác về các dân tộc;
- Phối hợp hoạt động với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội ở Trung ương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về quyền dùng tiếng nói, chữ viết; về phát triển giáo dục, mở mang dân trí, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số; về chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia về dân tộc; tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, công bằng xã hội giữa các dân tộc, chống mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các dự án mô hình thí điểm, các chính sách ưu đãi ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn do Chính phủ giao; tổng kết thực tiễn và nhân rộng các mô hình phát triển có hiệu quả.
- Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách cụ thể, biện pháp ưu tiên phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế hàng hoá đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa;
- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số;
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể để duy trì, bảo tồn và phát triển các tộc người;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ xác định tiêu chí phân định các khu vực theo trình độ phát triển ở vùng dân tộc và miền núi và điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với nhịp độ phát triển theo từng thời kỳ;
- Tiếp đón, thăm hỏi đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào theo đúng chế độ chính sách và quy định của pháp luật.
- Tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc để giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
- Chỉ đạo và hướng dẫn việc xây dựng những điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu, có uy tín là người dân tộc thiểu số gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hạt nhân trong phong trào giữ gìn trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số;
- Tham gia thẩm định các đề án, dự án đầu tư có liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số; thẩm định và kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực dân tộc;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc;
- Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công tác dân tộc;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Uỷ ban quản lý theo quy định của pháp luật;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc thẩm quyền của Uỷ ban;
- Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Uỷ ban theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và những người làm công tác dân tộc;
- Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban thực hiện chức năng quản lý Nhà nước: Vụ Chính sách Dân tộc, Vụ Công tác dân tộc Tây Bắc (gọi tắt là Vụ Địa phương I), nay là cơ quan Thường trực khu vực Tây Bắc, Vụ Công tác dân tộc Tây Nguyên (gọi tắt là Vụ Địa phương II), nay là cơ quan Thường trực khu vực Tây Nguyên, Vụ Công tác dân tộc đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Vụ Địa phương III), nay là cơ quan Thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Vụ Tuyên truyền, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra, Văn phòng.
Các tổ chức sự nghiệp thuộc Uỷ ban: Viện Dân tộc, Trường Đào tạo nghiệp vụ công tác dân tộc, Trung tâm Tin học, Tạp chí Dân tộc, Báo Dân tộc và Phát triển.
Uỷ ban Dân tộc có các Uỷ viên kiêm nhiệm là đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương (Hiện nay có 7 đồng chí Uỷ viên kiêm nhiệm là Thứ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá - Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Phó trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ). Từ năm 2002 đến nay, đồng chí Ksor Phước là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.
Hệ thống cơ quan công tác dân tộc tại địa phương được quy định tại Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18-2-2004 về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về công tác dân tộc, theo nguyên tắc:
- Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Phù hợp với nhiệm vụ, khối lượng công việc và yêu cầu thực tiễn ở địa phương về công tác dân tộc.
- Tinh gọn, hiệu quả; tổ chức sở, ban, phòng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.
Tiêu chí và mô hình tổ chức làm công tác dân tộc ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Thành lập Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, có con dấu, tài khoản riêng khi có ít nhất một trong ba tiêu chí sau:
+ Có trên 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản;
+ Có dưới 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;
+ Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
- Đối với những tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa đáp ứng các điều kiện quy định nói trên thì tổ chức làm công tác dân tộc theo một trong hai mô hình sau:
+ Ban Dân tộc trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, chịu sự lãnh đạo trực tiếp Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác chuyên môn, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc.
+ Sở có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công tác dân tộc và công tác chuyên môn khác có liên quan nhiều đến công tác dân tộc trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
- Đối với tổ chức làm công tác dân tộc ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh theo các tiêu chí:
+ Thành lập Phòng Dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện khi có một trong hai tiêu chí:
* Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;
* Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
+ Đối với những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa đủ các tiêu chí nêu trên thì tổ chức làm công tác dân tộc thực hiện theo mô hình:
* Thành lập phòng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công tác dân tộc và công tác chuyên môn khác có liên quan nhiều đến công tác dân tộc trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện nhưng phải đảm bảo số phòng ở cấp huyện theo quy định của Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27-3-2001 của Chính phủ.
* Bố trí cán bộ chuyên trách công tác dân tộc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân hoặc phòng chuyên môn khác hiện có của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
- Đối với xã, phường, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn không thành lập tổ chức riêng, nhưng phân công một ủy viên Uỷ ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm theo dõi tổ chức thực hiện công tác dân tộc.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào nguyên tắc và tiêu chí kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc quy định tại Nghị định này (Nghị định 53/2004/NĐ-CP), xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc các cấp của địa phương mình trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định. Đối với những tỉnh đã thành lập cơ quan làm công tác dân tộc thì không phải làm thủ tục thành lập lại. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của cơ quan làm công tác dân tộc theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và Bộ Nội vụ về công tác kiện toàn tổ chức làm công tác dân tộc ở địa phương.
Từ Nha Dân tộc thiểu số đến Uỷ ban Dân tộc hôm nay – một chặng đường 60 năm lịch sử – Cơ quan công tác dân tộc với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng đều có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu cho Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách dân tộc và tổ chức thực hiện công tác dân tộc