Là Đại học trọng điểm quốc gia ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, hơn 30 năm qua, Đại học Đà Nẵng đã cung cấp cho đất nước hàng chục vạn cán bộ đa ngành: kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm... Cựu sinh viên của Trường hiện đang đảm đương những vai trò trọng yếu trong mọi ngành hoạt động kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực. Với 8 trường thành viên và đơn vị trực thuộc, gần 2000 cán bộ và trên 70.000 sinh viên các hệ đào tạo khác nhau, những con số đó đã thể hiện được phần nào qui mô và tầm quan trọng của Đại học Đà Nẵng trong hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam.
|
GS.TSKH. BÙI VĂN GA
Giám Đốc Đại học Đà Nẵng |
Nếu như những thập niên cuối thế kỷ trước, Đại học Đà Nẵng nhắm tới đào tạo nguồn nhân lực tác nghiệp đại trà để kịp thời đáp ứng nhu cầu tái thiết đất nước thì nay nhà trường hướng tới việc đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ và chất lượng cao, có năng lực lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược, có tư duy nhạy bén và thích nghi nhanh chóng với môi trường công tác trong thời kỳ hội nhập. Vì vậy chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi chủ trương và quyết sách của Đại học Đà Nẵng.
Để thích nghi với yêu cầu đào tạo trong thời kỳ mới, Đại học Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới công tác đào tạo và quản lý. Hệ thống đào tạo tín chỉ đã được áp dụng trong toàn Đại học Đà Nẵng từ năm 2006. Toàn bộ hệ thống quản lý nhà trường đã và đang được điều chỉnh theo tiêu chuẩn ISO. Đại học Đà Nẵng là một trong những trường đầu tiên tham gia hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo Việt Nam và một số ngành mũi nhọn của Trường đã được đánh giá bởi hệ thống kiểm định quốc tế.
Kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với mô hình các nhóm giảng dạy-nghiên cứu (TRT) đang được triển khai tại Đại học Đà Nẵng đã cho thấy sự phù hợp trong tiến trình nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay. Nhờ các chương trình đầu tư trọng điểm và đầu tư chiều sâu của Nhà Nước, trong những năm gần đây Đại học Đà Nẵng đã xây dựng được nhiều phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu hiện đại kết hợp với đào tạo cán bộ theo nhóm đã cho phép nhà trường đẩy nhanh sự phát triển qui mô đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Đà Nẵng đã được cấp bằng phát minh sáng chế và ứng dụng trong thực tiễn.
Mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi giáo viên, sinh viên nhằm nhanh chóng đào tạo đội ngũ, đổi mới chương trình và, nội dung, phương pháp giảng dạy là một trong những chủ trương mà nhà trường đã đeo đuổi từ ngày mới thành lập đến nay. Số lượng các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài được cấp bằng quốc tế không ngừng gia tăng tạo điều kiện cho đông đảo sinh viên khu vực Miền Trung-Tây Nguyên được tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới.
Hướng tới mục tiêu trở thành Đại học Nghiên cứu vào năm 2020 đóng vai trò chủ lực trong đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao và là trung tâm nghiên cứu khoa học, giao lưu quốc tế lớn của khu vực Miền Trung-Tây Nguyên đã trở thành quyết tâm và ý chí của cán bộ viên chức và học sinh, sinh viên toàn Đại học Đà Nẵng. Dự án Làng Đại học Đà Nẵng với qui mô 300ha và dự án Phân Hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum với qui mô 100ha đang được triển khai thực hiện sẽ tạo cho Đại học Đà Nẵng một diện mạo mới. Sự hoàn thiện về cơ sở vật chất kết hợp đồng bộ với sự phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ cao sẽ giúp nhà trường thực hiện được mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Đại học Đà Nẵng, nơi hun đúc trí tuệ và tài năng vì sự phát triển của Miền Trung-Tây Nguyên, sẽ giúp các bạn biến các ước mơ thành hiện thực!