Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ trong công tác, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình. Luôn luôn noi gương anh hùng Lý Tự Trọng, các thế hệ học sinh đã không ngừng học tập, rèn luyện tốt, nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành là nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý, tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp, doanh nhân thành đạt… góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước, quê hương.
Năm 1966 Trường cấp III đầu tiên của huyện Thạch Hà được thành lập mang tên Lý Tự Trọng. Ra đời giữa cái ác liệt của chiến tranh, lớn lên trong cái nghèo khó của quê hương và tồn tại giữa cái nghiệt ngã của muôn vàn thử thách nhưng Trường THPT Lý Tự Trọng đã tìm cho mình những bước đi phù hợp trên con đường cách mạng theo lý tưởng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi mà trường vinh dự được mang tên, để nhiều năm qua trường đã đạt được những danh hiệu cao quý.
Nhiều năm là trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, là "lá cờ đầu" của ngành giáo dục Hà Tĩnh, được UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Bằng khen và cờ thi đua xuất sắc, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 1995 và Huân chương lao động Hạng Nhì năm 2005. Chi bộ Đảng liên tục được công nhận là đơn vị trong sạch vững mạnh. Công đoàn nhà trường nhiều năm được tặng Bằng khen và cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Lao động Hà Tĩnh, năm 2004 được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng công nhận "Cơ sở văn hoá". Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhà trường được Trung ương Đoàn tặng nhiều Bằng khen và cờ tập thể học sinh XHCN, tập thể Thanh niên giáo viên XHCN.
Hơn 40 năm trưởng thành và phát triển, Trường THPT Lý Tự Trọng đã có biết bao đổi thay mà mỗi bước đi là một bước trưởng thành. Ngày đầu thành lập trường chỉ có 3 lớp 8 (tương đương với lớp 10 hiện nay), 1 lớp 9 (tương đương với lớp 11 hiện nay) với gần 160 học sinh. Tài sản của trường lúc đó chỉ chưa đầy 20 bộ bàn ghế học sinh, học kỳ đầu phải mượn nhà dân làm lớp học. Hè năm 1966, được sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân địa phương và các bậc phụ huynh, thầy trò bắt tay vào việc đào hào, đắp luỹ, dựng lán chuẩn bị cho năm học mới. Do điều kiện chiến tranh các lớp học phải bố trí phân tán ở xóm Lộc, xóm An, xóm Ninh… của xã Thạch Tiến, còn văn phòng nhà trường vẫn phải mượn nhà dân, các thầy cô đều ở trọ trong dân. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều thầy cô giáo và học sinh đã tình nguyện ra chiến trường, trong đó hàng trăm người đã anh dũng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Trường mới thành lập nên cơ sở vật chất cực kỳ thiếu thốn, lớp học, bàn ghế chỉ là tranh tre, xung quanh là hào luỹ, sách vở tài liệu hầu như không có gì. Nhưng thầy miệt mài chịu khó, trò chăm chỉ quyết tâm cùng với sự tổ chức và duy trì tốt nề nếp của nhà trường nên đã tạo ra chất lượng dạy và học, kết quả học sinh giỏi hàng năm của trường luôn ở vị trí cao, các trường bạn trong tỉnh phải kinh nể, đặc biệt anh Thân Văn Thảo đã đạt giải Nhì môn văn toàn miền Bắc.
Giai đoạn 1975 - 1985, hoà bình lập lại, bom đạn giặc Mỹ không còn, nhưng quê hương là vùng đất nghèo khó lại chịu nhiều hậu quả của chiến tranh nên cơ sở vật chất của trường cải thiện không đáng kể. Nhà trường chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 còn lại nhà văn phòng, khu tập thể giáo viên… vẫn là tranh - tre - nứa - lá. Dần dần cơ sở vật chất mới được bổ sung, cảnh quan nhà trường dưới bàn tay lao động của thầy trò ngày càng được cải tạo đẹp hơn. Tiếp bước đàn anh, những gương mặt tiêu biểu của các thế hệ học sinh đã vượt qua gian khó, bền bỉ phấn đấu học giỏi lúc ở trường và trưởng thành khi ra trường lập nghiệp. Đặc biệt chị Nguyễn Thị Huệ đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Thế hệ học sinh này hiện nay đang độ sung sức, đầy năng động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực, ở khắp mọi miền đất nước.
Giai đoạn 1985 - 1995, 10 năm sau giải phóng hoàn toàn Miền Nam, hầu hết các trường bạn trong tỉnh đã đi vào ổn định, tập trung củng cố cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng thì Trường THPT Lý Tự Trọng lại đứng trước một thử thách mới - chuyển địa điểm về xã Thạch Thượng - Thị trấn Thạch Hà hiện nay. Đất nước những năm đầu đổi mới kinh tế còn khó khăn, đời sống giáo viên hết sức chật vật, quy mô nhà trường lại giảm. Nội dung giáo dục lao động được đặt ra cao hơn, các trường có xu hướng tìm kiếm và tổ chức các hoạt động dịch vụ. Trường đứng trước những thách thức mới; việc sắp xếp lại đội ngũ cho hợp lý theo yêu cầu chung; việc tổ chức các hoạt động lao động hướng nghiệp, hoạt động dịch vụ phù hợp… là những bài toán không dễ tìm lời giải. Từ thực tiễn của mình, nhà trường đã xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm vẫn là dạy và học, chất lượng giáo dục vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu. Lãnh đạo nhà trường đã tìm tòi và đề xuất nhiều giải pháp quản lý sáng tạo. Vì vậy trong khó khăn chung Trường THPT Lý Tự Trọng lại vươn lên rõ rệt. Trường được coi là điển hình về kỷ cương nề nếp, chất lượng nâng lên đáng kể, được phụ huynh học sinh tin cậy. Thời kỳ cuối của giai đoạn này, trường đã phát triển về nhiều mặt, khẳng định được vị thế của mình trong phong trào giáo dục tỉnh nhà.
Giai đoạn 1995 - 2005, đất nước sau 10 năm đổi mới đã có bước chuyển mình, đời sống nhân dân đã được nâng lên, nhu cầu học tập ngày càng lớn. Cũng như các trường bạn, thời kỳ đầu của giai đoạn này, số lượng học sinh tăng đáng kể, mỗi năm tăng từ 3 đến 4 lớp, có năm tăng thêm 8 lớp. Tình hình đó kéo theo nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ. Trước những khó khăn mới, nhà trường đã tập trung đẩy mạnh chuyên môn nhất là tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kế cận, vừa chăm lo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô.
Trên nền tảng chất lượng có nhiều chuyển biến tích cực, nhà trường đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trường chuẩn Quốc gia bậc THPT, cho nên cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư thích đáng. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiện nay cơ ngơi nhà trường đã khá khang trang, có đủ phòng học, phòng máy vi tính và phòng thực hành bộ môn được trang bị đồng bộ và hiện đại, thư viện có số đầu sách khá phong phú, thiết bị dạy học được bổ sung thường xuyên… Trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng lên rõ rệt, lực lượng giáo viên trẻ phấn đấu trở thành giáo viên giỏi các cấp ngày càng nhiều… Nhiều học sinh đã phấn đấu trở thành Đảng viên, có em là cán bộ đoàn xuất sắc được Trung ương đoàn tặng giải thưởng Lý Tự Trọng. Hiện nay một bộ phận học sinh của thời kỳ này đã trưởng thành tuy mới vào nghề nhưng đã báo hiệu nhiều thành quả trong tương lai không xa, một bộ phận đang học tập và các em đều phát huy tốt truyền thống của bậc cha anh, xứng đáng là học sinh trưởng thành từ THPT Lý Tự Trọng.
Năm học 2006 - 2007, trường có 40 lớp, 1.783 học sinh, 107 cán bộ giáo viên. Về cơ sở vật chất có 6 dãy nhà cao tầng với 41 phòng học, 2 phòng vi tính, 3 phòng thực hành bộ môn có thiết bị hiện đại, 1 thư viện, 1 phòng hội đồng, 1 phòng y tế. Có đầy đủ phòng của Ban giám hiệu, các đoàn thể và các tổ bộ môn, một khu nội trú cho gần 20 giáo viên, cảnh quan nhà trường khang trang, đẹp mắt. Đồ dùng thiết bị phong phú, hiện đại. Trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.
Nhìn lại hơn 40 xây dựng và phát triển chúng ta không khỏi tự hào về những thành tựu đã đạt được. Suốt hơn 40 năm qua, nhà trường đã đào tạo được gần 30.000 học sinh tốt nghiệp THPT và BTVH. Từ mái trường này ra đi có gần 100 người trở thành Đại tá và Tướng lĩnh trong các lực lượng vũ trang, hơn 300 người là cán bộ khoa học kỹ thuật có học hàm học vị Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Bác sỹ chuyên khoa cấp 2, Thạc sĩ, là lãnh đạo và giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, gần 100 người là nhà văn, nhà thơ, phóng viên các báo, đài và cán bộ, hội viên các Hội văn học, nghệ thuật; hơn 150 người là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp lớn. Hơn 200 người là cán bộ chủ chốt của các Vụ, Viện, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các Sở ban ngành cấp tỉnh và của Huyện uỷ, UBND huyện. Gần 400 cán bộ chủ trì các xã, phường, thị trấn qua các thời kỳ… Đặc biệt, học sinh các thế hệ tốt nghiệp ra trường là nguồn nhân lực chính, có tri thức, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Từ mái trường này, các thế hệ giáo viên đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và ngày càng trưởng thành. Thầy hiệu trưởng Lê Đức Quý đã trở thành giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh và được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhiều thầy giáo cô giáo trở thành giám đốc, phó GĐ Trung tâm, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THPT, trưởng phòng, phó phòng giáo dục, trưởng phòng, phó trưởng phòng, chuyên viên các phòng chuyên môn của Sở. Nhiều người phấn đấu học tập trở thành Tiến sĩ, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên các trường năng khiếu, nhiều người là chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi các cấp. Đặc biệt là đội ngũ thầy giáo, cô giáo của trường luôn tận tuỵ, tâm huyết, được các thế hệ học sinh tin yêu.
Những thành quả đã đạt được đưa đến cho chúng ta nhiều bài học có giá trị. Đó là bài học về sự vận dụng đường lối giáo dục của Đảng ở miền quê anh hùng, giàu truyền thống yêu nước, truyền thống hiếu học nhưng còn nghèo khó, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đó là bài học về tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm của đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường, dù trong hoàn cảnh nào, giáo viên THPT Lý Tự Trọng luôn tận tuỵ với học sinh, tâm huyết với nghề nghiệp, chăm lo trau dồi kiến thức và đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đó là bài học về sự chịu khó vươn lên trong học tập và rèn luyện với khát vọng lý tưởng của các thế hệ học sinh, họ đã làm vẻ vang truyền thống của
trường khi đang học tập cũng như khi đã trưởng thành. Và đó chính là bài học về tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong mọi hoàn cảnh của trường, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo của ngành Giáo dục, sự cưu mang đùm bọc của nhân dân, sự đồng tình ủng hộ của các bậc phụ huynh. Những bài học quý giá đó sẽ là hành trang của trường trong chặng đường tiếp theo.
Đúng như nhận xét của ông Lê Đức Quý, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh "Trường THPT Lý Tự Trọng là một trong những điểm sáng của giáo dục Tỉnh nhà. Tận tuỵ, tâm huyết là nét nổi bật của các thế hệ nhà giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường. Trong sáng hồn nhiên, khát vọng lý tưởng là nét đặc trưng nổi bật của bao thế hệ học trò nơi đây. Và chính họ đã làm rạng danh mái trường thân yêu mang tên người anh hùng Lý Tự Trọng; không cam chịu đói nghèo, chấp nhận mọi thử thách để giành lấy hạnh phúc ngày mai cho quê hương, cho chính mỗi gia đình, để rồi dồn mọi sự ưu ái đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục nói chung, cho mái trường Lý Tự Trọng nói riêng là điều mà Đảng bộ và nhân dân huyện nhà luôn ghi nhận"