Đăng ký Doanh nghiệp vào Danh bạ 0915.050.067 - Email: truyenthongcongnghe@gmail.com
DANH MỤC NGÀNH NGHỀ
Bản in
Trường Cao Đẳng Sư Phạm Cao Bằng
Tin đăng ngày: - Xem: 3240

Trường Cao Đẳng Sư Phạm Cao Bằng

ĐC: Km4, Đề Thám, thị xã Cao Bằng
Xem bản đồ:
Tel: 026.3750.935
Email: info@suphamcaobang.edu.vn
Website: http://suphamcaobang.edu.vn
Đại diện:

Hơn 80 năm đắm chìm trong kiếp sống nô lệ, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm hồi sinh sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, sức sống của một dân tộc ngàn năm văn hiến. Các giá trị về văn hoá, tinh thần trỗi dậy và trở thành nhu cầu cấp bách của dân tộc Việt Nam.

Vừa mới giành được độc lập, nhân dân ta lại phải đương đầu với muôn vàn khó khăn và thử thách mới. Đó là, hậu quả mà chính quyền thực dân phong kiến để lại cho Nhà nước cách mạng và nhân dân ta: nạn đói năm 1945 đã làm 2 triệu người chết,  95% người dân mù chữ,  một nền giáo dục quá ư nhỏ bé cộng với một triệu đồng trong ngân khố Đông Dương. Trong cái thế “ngàn cân treo sợi tóc” của vận mệnh nước nhà trước thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc chiến đấu chống ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. 

Ngày 08 tháng 10 năm 1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 194 SL về việc thành lập ngành Sư phạm Việt Nam. Với Sắc lệnh này, một hệ thống sư phạm chính quy cách mạng ra đời đã đáp ứng nhiệm vụ chính trị to lớn và cơ bản của đất nước, một nhiệm vụ quan trọng mà Bác Hồ đã trao cho ngành, đó là nhiệm vụ “chống giặc dốt”. Năm 1946, trường sư phạm đầu tiên của chế độ cách mạng được thành lập. Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về giáo viên của các trường phổ thông lúc bấy giờ, các lớp sư phạm ở khu căn cứ địa cách mạng cũng dần dần được thành lập. ở Cao Bằng lớp sư phạm đầu tiên đã được thành lập vào năm 1948. Có thể chia các mốc lịch sử của việc hình thành, xây dựng và phát triển của ngành học Sư phạm Cao Bằng qua các giai đoạn đáng ghi nhớ sau:

 Giai đoạn trước năm 1990

 Thời kỳ 1948 – 1954: Đây là thời kỳ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, ác liệt. Song nhiệm vụ xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt cho nhân dân vẫn được Đảng quan tâm và chỉ đạo các tỉnh thực hiện. Cao Bằng là một tỉnh miền núi gặp rất nhiều khó khăn, nạn mù chữ của nhân dân các dân tộc là phổ biến. Việc xoá nạn mù chữ cho nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng là nhu cầu cấp bách. Trước nhu cầu đó, lãnh đạo Tỉnh đã có những chủ trương kịp thời, sáng suốt cho việc thực hiện nhiệm vụ đó và định hướng phát triển lâu dài sự nghiệp giáo dục của địa phương bằng việc thành lập lớp sư phạm đầu tiên của tỉnh Cao Bằng. Thôm Rẻp, Thuỵ Hùng, Hà Quảng là địa danh đánh dấu sự ra đời của ngành sư phạm tỉnh nhà. Ngay khi thành lập, Trường đã mở khoá học đầu tiên ( 1948 – 1949) với 38 học sinh và một giáo viên miền xuôi là thầy Dương Văn Nguẩy. Tuy ra đời trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhưng khoá học vẫn được duy trì và sau hơn một năm đào tạo đã cho ra đời lớp giáo viên đầu tiên của tỉnh nhà. Sau khi hoàn thành khoá học đầu tiên này, nhà trường chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau như Nà Khá - Nam Tuấn - Hoà An ( đào tạo 3 khoá 1949 -1950, 1950 - 1951, 1951 - 1952), Cốc Lùng - Hoà An, Đề Thám - Hoà An ( Đào tạo 2 khoá 1952 - 1953, 1953 - 1954). Rõ ràng việc nhà trường rời chuyển đến nhiều nơi cũng đồng nghĩa với việc lãnh đạo trường phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của đồng bào nơi trường chuyển đến cộng với lòng quyết tâm của thầy và trò nên công tác đào tạo đã không bị gián đoạn, mà số lượng học sinh qua mỗi khóa học ngày càng tăng. Sau 6 khoá đào tạo, nhà trường đã cung cấp cho tỉnh hơn 200 giáo viên dạy vỡ lòng và lớp 1, 2 đáp ứng kịp thời và tạm đủ cho nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh thoát khỏi nạn mù chữ.

Thời kỳ 1954 - 1973: Thời kỳ này, ngành học Sư phạm Cao Bằng có những bước phát triển khởi sắc.

Từ năm 1954 - 1959 do yêu cầu đào tạo giáo viên cấp I toàn cấp, trong khi đó nhà trường chưa có điều kiện để đào tạo giáo viên trình độ trên, nên tạm ngừng việc đào tạo và gửi các em đi học ở các trường trung ương và khu vực. Chủ trương này đã đáp ứng được nhu cầu về giáo viên cấp I toàn cấp cho ngành giáo dục tỉnh của tỉnh.

Từ năm 1959 – 1973, nhu cầu học tập của con em các dân tộc tỉnh ta phát triển mạnh mẽ, rộng khắp đến tận các xã, huyện. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh ra quyết định thành lập: Khu học xá Cao Bằng gồm 4 phân hiệu, trong đó có phân hiệu đào tạo giáo viên cấp I toàn cấp, Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Văn Xương, Phó hiệu trưởng là thầy Nguyễn Văn Hiệp. Trong giai đoạn này, nhà trường chú trọng đến việc đào tạo giáo viên cấp I và cấp II.

Bắt đầu từ năm 1960 - 1965, mạng lưới trường cấp I, II mở rộng đến các xã, huyện của tỉnh Cao Bằng khiến cho số lượng giáo viên không đủ đáp ứng. Đứng trước tình hình đó, Bộ Giáo dục ra quyết định thành lập Trường Sư phạm cấp II Cao Bằng đóng trên địa bàn Nà Lắc - Thị xã Cao Bằng với 2 ban đào tạo là: Ban tự nhiên và Ban Xã hội. Với nguồn vốn 1 triệu đồng, sau 3 năm, nhà trường đã cải tạo khu đồi hoang thành một ngôi trường khang trang gồm khu lớp học, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà ở cho học sinh phần nào đáp ứng hoạt động dạy và học của thầy và trò. Từ năm 1961 – 1965, nhà trường đã đào tạo được 3 khoá ( 1961 - 1962, 1962 - 1964, 1963 - 1965) với số lượng hơn 200 giáo viên. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại Miền Bắc, tình hình an ninh không đảm bảo cho việc học tập, Trường Sư phạm cấp II và Trường Sư phạm cấp I nhập lại và rời lên sơ tán ở Kéo Lẹng- Dân Chủ- Hoà An. Tại đây việc tuyển sinh vẫn được duy trì như ngành đào tạo giáo viên cấp II, giáo viên cấp I hệ 7+1, giáo viên Mẫu giáo và giáo viên dạy chữ HMông.

 Từ năm 1967 - 1972, Trường Sư phạm cấp II chuyển về Phia Cháng - Hoà An và sau đó lại chuyển về Nà Lắc - Thị xã Cao Bằng. Riêng trường SP cấp I chia làm 2 bộ phận, 1 bộ phận lên Đôn Chương - Hà Quảng, 1 bộ phận vào Tả Mèn - Quảng Hưng - Quảng Hoà. Trong thời kì này, tỉnh ra quyết định mở Trường Sư phạm cấp I hệ 4+3 tại Bảo Lạc. Có thể nói, đây là thời kì ngành học Sư phạm Cao Bằng có nhiều thay đổi để đáp ứng với tình hình thực tế địa phương. Về tổ chức: lúc nhập, lúc tách, mở thêm hệ thống trường. Về địa điểm: rời chuyển nhiều nơi. Về chương trình đào tạo đa ngành, đa hệ: 4+3; 7+1; 7+3; 10+1 (đối với Sư phạm cấp I); mở thêm các ban: Văn - Sử, Toán - Lí, Hoá - Sinh, Sinh - Địa (đối với Sư phạm cấp II). Với sự nỗ lực, lòng quyết tâm của nhiều thế hệ thầy và trò, ngành học Sư phạm Cao Bằng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương.

Thời kỳ 1973 – 1990: Sau chiến thắng đế quốc Mĩ 1975, đất nước ta hoàn toàn độc lập, cả nước cùng đi lên xây dựng CNXH. Hệ  thống giáo dục của cả nước đã được kiện toàn về công tác tổ chức, bộ máy quản lí. Cơ sở vật chất, nội dung chương trình đào tạo cũng được đổi mới để từng bước nâng cao dân trí, đào tạo ra những con người mới có tri thức, nhân cách. Trước yêu cầu đó, ngành học Sư phạm Cao Bằng đã đi vào ổn định và ngày càng phát triển.

Đối với Sư phạm cấp I: Năm học 1974 – 1975, Trường Sư phạm cấp I ở Tả Mèn- Quảng Hưng – Quảng Hoà chuyển ra Km4 Thị xã Cao Bằng. Với 30 giáo viên, hơn 100 giáo sinh do thầy Hiệu trưởng Sầm Văn Bộ và Phó hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Phách lãnh đạo đã san ủi khu đất đồi để dựng lên một ngôi trường mới. Đến năm học1975 – 1976, Trường bắt đầu tuyển sinh 4 lớp khoá VII. Đến tháng 11 năm 1976 Trường Sư phạm cấp I Đôn Chương - Hà Quảng trở về sáp nhập với Trường Sư phạm cấp I ở Km4 Đề Thám - Hoà An  thành Trường Sư phạm 7+2 Cao Bằng do thầy Dương Mạc Sẩy làm hiệu trưởng, thầy Đàm Đình Nhuận, Nguyễn Ngọc Phách làm Phó Hiệu trưởng. Bắt đầu từ năm học 1977 – 1978, nhà trường đã đào tạo được 7 lớp, trong đó có 4 lớp năm cuối và tuyển sinh  3 lớp mới.

Năm học 1978 - 1979 tình hình quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam có sự rạn nứt, an ninh biên giới bất ổn định. Trước tình hình đó, nhà trường vẫn duy trì đào tạo và nhận lại học sinh khoá I hệ 10+2 học tại Lạng Sơn chuyển về và thay đổi tên trường, từ Trường Sư phạm 7+2 thành Trường Sư phạm 10+2. Đến tháng 2/1979 chiến tranh biên giới nổ ra, nhà trường mất hết cơ sở vật chất để đào tạo. Nhà trường đã huy động toàn trường tham gia phục vụ chiến đấu và thành lập một đội tự vệ phối hợp với dân quân, bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương. Chiến sự biên giới chấm dứt, nhưng tình hình an ninh còn nhiều bất ổn, tháng 4/1979, Trường sơ tán xuống Nà Phặc. Thời gian này Trường luôn nhận được sự chỉ đạo, tạo điều kiện, giúp đỡ về mọi mặt của Bộ Giáo dục, Lãnh đạo tỉnh và các trường Sư phạm trong khu vực, đặc biệt là Trường Sư phạm cấp I tỉnh Bắc Thái. Tuy công tác đào tạo phải trải qua giai đoạn hết sức gian khổ, khó khăn song nhà trường vẫn hoàn thành chương trình giảng dạy và thi tốt nghiệp cho khoá VIII hệ 7+2, tuyển sinh thêm được 2 lớp 7+2 khoá X. Như vậy, dù phải trải qua nhiều gian nan vất vả, nhưng với sự giúp đỡ của tỉnh bạn cộng với việc phát huy nội lực, nhà trường đã khắc phục được những khó khăn để duy trì công tác đào tạo giáo viên cho tỉnh.

Tháng 6/ 1979, Trường chuyển về Hoàng Tung - Hoà An. ở đây 2 lớp khoá IX hệ 7+2 và 1 lớp 10+2 đã tốt nghiệp ra trường. Cuối năm 1979, do tình hình biên giới vẫn căng thẳng, chiến tranh có thể xảy ra, lãnh đạo tỉnh quyết định đưa Trường Sư phạm 10+2 cùng với Trường Sư phạm 10+3, Trường Mẫu giáo sơ tán xuống Nà Phặc. Sau mấy tháng vất vả, một ngôi trường mới đã mọc lên, tuy tranh tre, nứa lá nhưng đã thể hiện được sự đồng tâm hiệp lực, thể hiện được lòng quyết tâm, ham học và nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà ở thầy và trò. 5 năm (1979-1984) ở Nà Phặc là khoảng thời gian không dài nhưng nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Vừa xây dựng nhà trường, vừa giảng dạy và học tập, vừa cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Thời gian này nhà trường tuyển sinh được khóa II và khóa III hệ 10+2.

 Đến 8/1984, Tỉnh quyết định cho các Trường Sư phạm được chuyển từ Nà Phặc về Km4 Đề Thám - Hoà An. Thời kỳ này Trường Sư phạm Mẫu giáo được sáp nhập lại với Trường nuôi dạy trẻ và Trường Sư phạm cấp I được giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng Trung học hoàn chỉnh cho giáo viên cấp I đồng thời bồi dưỡng văn hoá nghiệp vụ cho những giáo viên đào tạo cấp tốc trước đây. Do cơ sở vật chất lúc này còn thiếu thốn nhiều, nênTrường đã xây dựng thêm 10 lớp học nhà cấp 4 để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Trường vẫn tiếp tục đào tạo 02 hệ 10+2 và 7+2. Hiệu trưởng là thầy giáo Nguyễn Văn Tân và Phó Hiệu trưởng là thầy Nông Công Tranh, Nông Thế Hùng.  

Đối với Trường Sư phạm 10+3: Xuất phát từ nhu cầu về giáo viên cấp II để đáp ứng sự nghiệp giáo dục của tỉnh Cao Lạng vừa mới hợp nhất (gồm Cao Bằng và Lạng Sơn). Bộ Giáo dục và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cao Lạng ra quyết định mở Trường Sư phạm 10+3 Cao Lạng vào ngày 20/11/1978. Đến cuối tháng 12/1978, tỉnh Cao Lạng được tách thành 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Lúc đó số học sinh Cao Bằng cùng thầy giáo Nông Văn Bằng quay về Cao Bằng. Ngày 15/2/1979, thầy trò vừa đến Nà Lắc -Thị xã Cao Bằng thì ngày 17/ 2/ 1979 chiến tranh biên giới nổ ra. Cuối tháng 3/1979, khi chiến sự tạm kết thúc, Thứ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Cảnh Toàn lên thăm Cao Bằng tại Nà Phặc. Đồng chí Thứ trưởng đã bàn với Lãnh đạo Sở Giáo dục và Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng quyết định đưa số học sinh Sư phạm 10+3 Cao Bằng (từ Lạng Sơn về)  xuống học nhờ Trường Sư phạm 10+3 Việt Bắc. Đến hết tháng 8/1979 theo kỳ nghỉ hè của Trường Việt Bắc, số học sinh Cao Bằng cũng buộc phải về quê (mặc dù khoá học còn dở dang chưa hoàn thành). Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng quyết định cho học sinh 10+3 về học ở Cao Bằng. Ngày 25/ 9/ 1979, học sinh 10+3 được tập trung học tại Nà Lắc – Thị xã Cao Bằng. Cuối năm 1979, do tình hình biên giới vẫn còn căng thẳng, trường phải rời xuống Nà Phặc. Đến tháng 4/1984 cùng các Trường 10+2, Mẫu giáo, Trường trở lại Km4 Đề Thám-Hoà An và ổn định đến năm 1990. Trong giai đoạn này, Trường đã bồi dưỡng chuẩn hóa được 1 lớp trình độ cao đẳng cho giáo viên 10+3. Với sự nỗ lực vượt bậc của nhiều thế hệ thầy trò, dưới sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng Nông Văn Bằng, Phó Hiệu trưởng Hoàng Bằng, Hoàng Văn Khôi, trong 9 khoá, Trường đã đào tạo được hơn 1000 giáo viên đáp ứng đủ nhu cầu về giáo viên cấp II cho tỉnh.

 Giai đoạn 1990 – 2000: Trường Trung học Sư phạm Cao Bằng

 Đầu năm 1990, trên cơ sở phân tích tình hình và điều kiện mới của ngành Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định số 334/UBQĐ-TC ngày 20 tháng 9 năm 1990 sáp nhập cả 3 trường Sư phạm 12+2, 12+3, Mẫu giáo nhà trẻ thành Trường Trung học Sư phạm Cao Bằng. Trường đào tạo nhiều hệ giáo viên khác nhau, trong đó hệ Mẫu giáo, Cô nuôi dạy trẻ, Bồi dưỡng trung học hoàn chỉnh, đào tạo giáo viên Tiểu học hệ 9+3, 12+2 và giáo viên THCS hệ 12+3 để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở của tỉnh. Từ năm 1990 đến năm 1992, Trường còn tuyến sinh và đào tạo được 03 khóa chuyên toán THPT. Học sinh các khóa này đã thi đỗ Đại học với tỉ  lệ rất cao và hiện nay các em đã thành đạt ở các vị trí công tác khác nhau.

Về cán bộ giáo viên, Trường có trên 100 người, do thầy Trịnh Hữu Chất là Hiệu trưởng, thầy Hoàng Bằng, thầy Nguyễn Văn Tân là Phó Hiệu trưởng.

Từ ngày sáp nhập đến năm 1995, bằng trí tuệ và công sức của thầy trò, Trường đã xây dựng được 14 phòng học, 60 phòng ở của học sinh, 13 phòng làm việc của cán bộ giáo viên, 31 phòng ở giáo viên.

Đồng thời để đáp ứng yêu cầu về phổ cập giáo dục Tiểu học cùng với chương trình đào tạo chính, Trường cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng sau tốt nghiệp về kiến thức giảng dạy lớp ghép, xoá mù chữ, các kỹ năng y tế, kỹ năng công tác Đội - Sao nhi, mở các lớp đào tạo giáo viên cấp tốc tại Bảo Lạc, Ba Bể.

Từ năm1995 đến năm 2000, để đón đầu sự phát triển, nâng cấp Trường THSP thành Trường CĐSP, Trường đã chuẩn bị mọi mặt để nhận trách nhiệm cao hơn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiếp tục đáp ứng nhu cầu về nhân lực ngày càng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hàng năm, nhà trường chú trọng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cử cán bộ, giáo viên đi học Cao học, tạo điều kiện cho đi tham quan, học tập ở các tỉnh bạn, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, tự bồi dưỡng, thi giáo viên dạy giỏi các cấp, dự giờ của giáo viên trường Đại học SP Việt Bắc đang giảng dạy tại Cao Bằng để học hỏi kinh nghiệm. Từ năm 1996 đến năm 2000 Trường đã kiên kết đào tạo với trường ĐHSP Việt Bắc mở được 04 khóa cao đẳng, với 02 ngành Toán Lý và Văn Sử, để chuẩn bị tiền đề cho việc nâng cấp trường. Đây là một nội dung hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo của nhà trường để khi có Quyết định chính thức thành lập Trường Cao đẳng là trường đã có kinh nghiệm quản lý, tổ chức, giảng dạy và đào tạo hệ cao đẳng.

Về cơ sở vật chất, thực hiện chương trình hành động của Ban chấp hành Tỉnh uỷ Cao Bằng khoá XIV và kế hoạch phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo 1996 – 2000, với sự giúp đỡ của Vụ tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo Cao Bằng, Trường đã xây dựng Đề án nâng cấp Trường THSP thành Trường CĐSP. Trường được phê duyệt bổ sung thêm 2,1 ha đất để mở rộng quy mô, nâng diện tích lên 4,4ha; cải tạo và xây dựng với: 32 phòng học; 14 phòng làm việc; 03 phòng thí nghiệm; 02 phòng học nhạc; 01 phòng học tin học; 02 phòng Thư viện; 01 hội trường với 300 chỗ ngồi; 91 phòng ở học sinh, sinh viên nội trú; 01 nhà ăn. Toàn bộ cơ sở vật chất hiện có đủ đáp ứng những điều kiện tối thiểu cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên và học sinh-sinh viên.

Trong 10 năm vừa đào tạo, vừa chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên,  Trường đã đào tạo và bồi dưỡng được số lượng giáo viên các hệ là:

- Hệ 12+2: 1870

- Hệ 12+3: 71

- Hệ 9+3: 683

- Trung học hoàn chỉnh: 63
 - Mẫu giáo- Mầm non: 231

- Mẫu giáo cắm bản: 64

- Giáo viên thôn bản: 365

 
 

Hoàn thành bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường Mầm non, Tiểu học, THCS được 8 khoá dài hạn, 2 khoá ngắn hạn với tổng số 282 người.Từ năm 1996, liên kết với khoa Cao đẳng Trường ĐHSP Việt Bắc đào tạo giáo viên THCS trình độ Cao đẳng cụ thể: Năm 1996: 90 sinh viên; Năm 1997: 72 sinh viên; Năm 1998: 83 sinh viên; Năm 1999: 188 sinh viên; Năm 2000: 180 sinh viên.

Về đội ngũ giáo viên, đến năm 2000, trường đã có 23 người có trình độ Thạc sĩ và sau đại học, và 7 người đang học cao học tại Hà Nội. Tổng số thạc sĩ (kể cả số sắp ra trường) chiếm 30% tổng số giáo viên

Với sự phấn đấu liên tục về công sức và trí tuệ, sau 10 năm trường đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng những phần thưởng cao quí: 11 Bằng khen và 3 Cờ thưởng cấp Tỉnh và 8 Bằng khen cấp Bộ. Thật vinh dự, ngày 15/11/2004, Chủ tịch nước ký Quyết định số 368 KT/CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 02 nhà giáo, đó là thầy giáo Trịnh Hữu Chất và thầy giáo Đặng Quế Phan vì những công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều lượt cá nhân, đoàn thể được tặng giấy khen, bằng khen các cấp. Với những nỗ lực và cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh nhà, ngày 16 tháng 11 năm 1996 Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho nhà trường.

Đó là những thành tích của 10 năm bền bỉ cố gắng phấn đấu của thầy trò Trường THSP Cao Bằng. Chúng ta không chỉ tự hào vì những Huân chương, Huy chương, Cờ thưởng… mà chúng ta còn tự hào vì kết quả đào tạo của nhà trường đã góp phần tích cực vào sự đổi mới bộ mặt kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng. Đồng thời, những thành quả đó còn là bước tạo tiền đề quan trọng về mọi mặt đưa nhà trường vươn lên tầm vóc mới để được nâng cấp thành Trường CĐSP Cao Bằng vào ngày 02 tháng 10 năm 2000.

 Giai đoạn 2000- 2008: Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng

 Sau 10 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự chuẩn bị tích cực về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, ngày 02 tháng 10 năm 2000, Trường THSP Cao Bằng đã được Bộ Giáo dục Đào tạo đã ký quyết định số 4018/2000/QĐ-BGD&ĐT-TCCB nâng cấp Trường THSP Cao Bằng thành Trường CĐSP Cao Bằng. Đây là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của ngành học Sư phạm Cao Bằng, sau hơn 50 năm phấn đấu xây dựng và phát triển Trường đã đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Mầm non, Tiểu học và THCS đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em các dân tộc trong tỉnh. Sau khi có Quyết định nâng cấp, tổ chức bộ máy nhà trường được kiện toàn theo quy định của Điều lệ Trường Cao Đẳng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Ban Giám hiệu trường gồm Quyền Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tân, Phó Hiệu trưởng Hoàng Bằng, Hà Thị Diên, Trịnh Hữu Khang. Bộ máy các phòng ban, khoa, tổ cũng được thành lập gồm 04 phòng chức năng: Phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, phòng Tổ chức và Công tác sinh viên, phòng Hành chính-Quản trị, phòng Kế hoạch - Tài vụ; 04 Khoa: Khoa Tự nhiên, khoa Xã hội, khoa Tiểu học – Mầm non, khoa Bồi dưỡng; 02 tổ trực thuộc: Tổ Tâm lý Giáo dục - Chính trị - Ngoại ngữ, Tổ Thể dục-Giáo dục quốc phòng-Công tác Đội. Sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy, Trường đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ mới: đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có trình độ CĐSP và các trình độ thấp hơn; bồi dưỡng cán bộ quản lý và nhân viên nghiệp vụ giáo dục trường THCS, tiểu học, mầm non; nghiên cứu khoa học giáo dục. Cùng với việc xây dựng hồ sơ mở thêm các mã ngành đào tạo mới, nhà trường đã xây dựng Quy chế về nề nếp chuyên môn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Nhà trường luôn quan tâm đến công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, thực hành nghiệp vụ và thực tập sư phạm cho học sinh, sinh viên. Ngoài những hoạt động về chuyên môn trường cũng chú trọng đến các hoạt động àn thể như văn nghệ, thể thao và các hoạt động khác nhằm hình thành cho học sinh, sinh viên năng lực toàn diện không những vững về chuyên môn nghiệp vụ mà còn có thể tham gia nhiều hoạt động xã hội. Do vậy, ngay từ những khoá đầu đào tạo giáo viên THCS ra trường đã được các địa phương đón nhận và đánh giá cao. Đến nay trường đã được Bộ Giáo dục- Đào tạo cho phép đào tạo 16 mã ngành cao đẳng chính qui, 05 mã ngành trung cấp chuyên nghiệp. Cùng với đào tạo chính qui nhà trường đã mở nhiều lớp đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng hệ vừa làm vừa học, liên kết với các trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo giáo viên trình độ đại học. Đến nay, số lượng giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hoá từ khi nâng cấp thành Trường Cao đẳng là:

- Hệ trung học: + Đào tạo: 2380    + Chuẩn hoá: 760

- Hệ Cao đẳng: Đào tạo (chính qui & không chính qui): 2439

- Hệ Đại học (vừa làm vừa học): 209  đã tốt nghiệp; 708 đang học tại trường.

Cùng với công tác đào tạo, nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ. Đến nay đội ngũ giảng viên của trường đã có 01 Tiến sĩ, 40 Thạc sĩ (một số đã chuyển công tác), một số giảng viên đang học Cao học và Nghiên cứu sinh, 19 đồng chí được công nhận là giảng viên chính.

Về cơ sở vật chất, Trường đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án nâng cấp mở rộng trường. Hiện nay, trường có 3 khu giảng đường với tổng diện tích phòng học 2370 m2; thư viện trường có trên 20.000 đầu sách với gần 35.000 bản sách giáo trình và tài liệu giảng dạy, có gần 12.000 bản sách tham khảo các môn học; có 6 phòng thí nghiệm, 2 phòng máy tính, 1 phòng học nhạc, 4 phòng thực hành thư viện và 2 phòng thực hành thiết bị cùng với các phương tiện dạy học hiện đại (máy chiếu qua đầu, máy chiếu đa năng). Xây mới nhà Hiệu bộ 4 tầng, nâng cấp xong Hội trường lớn với 300 chỗ ngồi và nhà đa năng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ xây dựng thêm 1 nhà ký túc xá 4 tầng, 1 nhà ăn và xây dựng thêm các phòng học đa năng đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, ngay từ khi được nâng cấp trường, Trường CĐSP Cao Bằng đã tích cực chủ động trong việc tham gia các Dự án về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp dạy học như  Dự án đào tạo giáo viên THCS, Dự án đào tạo giáo viên Tiểu học, Dự án Giáo dục Việt Bỉ; tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do các Dự án mở, triển khai các hoạt động của Dự án trong nhà trường và địa phương; mở Hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp dạy học trong trường Cao đẳng Sư phạm; tham gia bồi dưỡng thay sách giáo khoa ở Tiểu học và THCS; tham gia viết tài liệu về vận dụng dạy học tích cực cho sinh viên dân tộc thiểu số trường CĐSP Cao Bằng; tham gia viết tài liệu, giáo trình trong chương trình dành cho địa phương Cao Bằng (dành cho học sinh Tiểu học, THCS và sinh viên CĐSP); ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục và các đề tài khoa học ứng dụng trong nhà trường.

Hàng năm, các khoa, tổ chuyên môn đều tổ chức thao giảng áp dụng phương pháp dạy học tích cực và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, dự giờ, rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã trở thành nhu cầu thiết yếu đối với tất cả giảng viên trong nhà trường.

Ghi nhận những cố gắng của tập thể cán bộ, giảng viên trường CĐSP Cao Bằng và những thành quả lao động đã đạt được, ngày 16/11/ 2004 Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 898/ 2004/ QĐ/CTN tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho nhà trường; ngoài ra còn có rất nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp cho nhiều tập thể và cá nhân.

Hiện nay, nhà trường đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ Cao Bằng lần thứ XVI; thực hiện Chỉ thị số 56/2008/CT-BGD&ĐT ngày 03 tháng 10 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2008 – 2009, đó là: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động ‘Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; thực hiện chủ đề năm học “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới cơ chế tài chính”.

Qua 60 năm cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của nhiều thế hệ thầy trò, ngành học Sư phạm Cao Bằng -Trường CĐSP Cao Bằng ngày nay đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Song trước những cơ hội và thách thức mới, nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành, đa nghề của tỉnh đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh.

Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
Doanh nghiệp cùng Địa phương
Công ty TNHH Đo đạc & Kim Khí Nghệ An
Thi công mái xếp mái che di động
Showroom vật liệu xây dựng Thái Huỳnh
Công ty CP Xây dựng Mỹ thuật & Thương mại Thắng Lợi Lộc
Công ty Bất động sản Tân Long Nghệ An
Công ty CP Hosung
Họ Vương Việt Nam
Cửa hàng Thực phẩm sạch Nghệ An
TÌM KIẾM DOANH NGHIỆP
 
 
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Hôm nay: 1,783 | Tất cả: 74,324,566
 
 
Nghệ An
Hà Tĩnh
Thanh Hóa
Quảng Bình
Hà Nội
Hồ Chí Minh
Đà Nẵng
Vĩnh Phúc
An Giang
BR. Vũng Tàu
Bắc Cạn
Bắc Giang
Bạc Liêu
Bắc Ninh
Bến Tre
Bình Định
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Cà Mau
Cao Bằng
Đăk Lăk
Điện Biên
Đồng Nai
Đồng Tháp
Gia Lai
Hà Giang
Hà Nam
Yên Bái
Ninh Thuận
Hải Dương
Hải Phòng
Hậu Giang
Hòa Bình
Hưng Yên
Khánh Hòa
Kiên Giang
Kon Tum
Lai Châu
Lâm Đồng
Lạng Sơn
Lào Cai
Long An
Nam Định
Ninh Bình
Phú Thọ
Phú Yên
Quảng Nam
Quảng Ngãi
Quảng Ninh
Quảng Trị
Sóc Trăng
Sơn La
Tây Ninh
Thái Bình
Thái Nguyên
Thừa Thiên Huế
Tiền Giang
Cần Thơ
Đăk Nông
Trà Vinh
Tuyên Quang
Vĩnh Long
Toàn quốc
   
Facebook chat