Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Anh cho biết năm 2011, ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với các thành phần kinh tế khác thông qua việc điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất theo nguyên tắc thị trường để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn.
Hỗ trợ để ngành cà phê tiếp cận vốn
Theo ông Trần Văn Anh, trong năm 2010 tuy còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các mặt hoạt động của ngân hàng đều có sự phát triển, tín dụng tăng trưởng phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Công tác thanh tra kiểm tra được thực hiện có trọng tâm. Các ngân hàng cũng tăng cường và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công nhân viên. Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được các ngân hàng chú trọng.
Năm 2010, nguồn vốn huy động tăng 43,6% so năm trước, số dư đạt gần 12.260 tỷ. Dư nợ cho vay tăng 26,9% so năm trước, số dư đạt 18.241 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2% tổng dư nợ. Hầu hết các chi nhánh Ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân kinh doanh có lãi.
Về hoạt động cho vay trong năm 2010, ngành ngân hàng đã tập trung đầu tư cho các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm của tỉnh, 9 chương trình tín dụng chính sách; thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, thực hiện đầu tư tín dụng cho 12 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới của tỉnh cũng như tiếp tục cho vay hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, cho vay thực hiện các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm của tỉnh với doanh số cho vay đạt 1.995 tỷ đồng; dư nợ đạt 2.614 tỷ, tăng 15% so năm trước. Cho vay các chương trình tín dụng chính sách với doanh số 548,8 tỷ đồng; dư nợ đạt 1.647 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm trước.
Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn với doanh số cho vay trên 9.584 tỷ đồng, tăng 29% so năm trước; dư nợ đạt 7.926,7 tỷ đồng, tăng 33,3% so năm trước, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ chung, tỷ lệ chiếm 43,5% tổng dư nợ. Đặc biệt đối với ngành cà phê, các đơn vị ngân hàng đã tạo điều kiện để ngành có thể tiếp cận vốn để phục vụ cho hoạt động trồng trọt, kinh doanh và xuất khẩu. Trong năm 2010, ngân hàng cho vay với doanh số đạt trên 3.162 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.461 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo của 16 đơn vị ngân hàng đến cuối tháng 8/2010, đã cho vay thu mua cà phê với doanh số đạt trên 1.142 tỷ, dư nợ đạt gần 1.380 tỷ với 2239 khách hàng còn dư nợ.
Cũng theo Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Lâm Đồng thì nhiều đơn vị ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân mở rộng mạng lưới hoạt động để phục vụ tốt hơn nhu cầu của các thành phần kinh tế trong tỉnh. Đến cuối năm 2010, hệ thống các tổ chức tín dụng trên tỉnh Lâm Đồng có 37 đơn vị, bao gồm: 14 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Quỹ Tín dụng Nhân dân Trung ương, 18 Quỹ Tín dụng Nhân dân cơ sở và 3 phòng giao dịch của 2 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần ngoài tỉnh. Ngoài ra mạng lưới hoạt động còn có 14 chi nhánh phụ thuộc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 68 phòng giao dịch, 108 máy ATM và 254 điểm POS. Tổng số cán bộ nhân viên của toàn ngành trên địa bàn đến nay là 1.892 người, tăng 247 người so với năm trước.
Các chi nhánh ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, như chuyển tiền nhanh, ATM, POS, thanh toán điện, nước, điện thoại, đại lý chứng khoán … đã đưa doanh số thanh toán không dùng tiền mặt tăng 36% so năm trước, chiếm tỷ trọng 54,4% trong tổng phương tiện thanh toán, tăng 0,4% so năm trước.
Chia sẻ khó khăn với DN
Về những dự định trong năm 2011, ông Trần Văn Anh cho biết hệ thống ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với DN, hộ sản xuất thông qua việc điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện vừa huy động các nguồn vốn tại địa phương vừa cho vay với lãi suất thị trường chấp nhận được để các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Năm nay, ngành ngân hàng Lâm Đồng sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; các khâu đột phá, các công trình trọng điểm; đầu tư tín dụng cho các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Để làm được điều này, các chi nhánh ngân hàng thương mại cần phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn với chi nhánh Ngân hàng Phát triển để đẩy mạnh việc cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại.
Năm 2011, ngành ngân hàng tỉnh Lâm Đồng phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu định hướng như sau: Huy động vốn theo số dư cuối kỳ tăng 25%-28% so với năm trước. Tổng dư nợ theo số dư cuối kỳ tăng 18%-20% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ đến cuối năm không quá 3%.
Kiểm soát tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ giá theo điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán của hệ thống ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tiếp tục phát triển có hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tăng cường, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành ngân hàng tỉnh Lâm Đồng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2011.
Về kế hoạch tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng sẽ chỉ đạo các đơn vị ngân hàng và Quỹ tín dụng xây dựng kế hoạch tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn của năm 2011 và cả giai đoạn 5 năm 2011-2015 để có cơ sở định hướng thực hiện theo hướng duy trì tốc độ tăng trưởng cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ nói chung. Ngoài ra, ngành ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục thực hiện việc đầu tư tín dụng để phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh, không chỉ đầu tư cho cây cà phê mà còn đầu tư cho các loại nông sản khác như: chè, điều, dâu tằm, rau hoa cũng như các thiết bị, công nghệ chế biến sau thu hoạch.