Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Hải Phòng thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội
Hoạt động ngân hàng trong năm 2009 diễn ra trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, làm ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất, đời sống xã hội. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã nỗ lực duy trì ổn định và tiếp tục phát triển các mặt hoạt động, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố và đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2009, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 26%, dư nợ cho vay các thành phần kinh tế tăng 40% so với năm trước. Chất lượng tín dụng cơ bản được đảm bảo, nợ xấu ở mức độ cho phép. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ và dịch vụ ngân hàng được mở rộng và ngày càng phục vụ tốt hơn. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất trên địa bàn được tiến hành khẩn trương, quyết liệt và đạt kết quả tích cực, đã cho 56.386 khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất vay vốn với doanh số cho vay là 24.575 tỷ đồng; dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm là 10.424 tỷ đồng (chiếm 24,5% so với tổng dư nợ cho vay) và số lãi tiền vay đã hỗ trợ cho khách hàng 291 tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư tín dụng từng bước điều chỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chú trọng tới doanh nghiệp sản xuất, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, hạn chế đầu tư vào lĩnh vực có rủi ro cao. Thị trường tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp mục tiêu quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất biến động phù hợp cung - cầu. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn được phát huy, tăng cường hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Tốc độ tăng tín dụng ở mức cao trong khi nguồn vốn tăng chậm hơn, tạo sức ép tăng lãi suất thị trường. Công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động nghiệp vụ tại một số chi nhánh chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm văn bản pháp quy của ngành. Công tác thông tin báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.
Năm 2010, ngành ngân hàng định hướng điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát do Quốc hội đề ra; đảm bảo khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và áp dụng lãi suất, tỷ giá ở mức hợp lý phù hợp với diễn biến tình hình. Các giải pháp chủ yếu: triển khai và tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban nhân dân thành phố về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Tăng cường các biện pháp đẩy mạnh huy động vốn để phục vụ phát triển kinh tế; Mở rộng tín dụng phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô, đáp ứng có hiệu quả nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế thành phố. Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tuân thủ quy trình nghiệp vụ, ngăn chặn rủi ro, đảm bảo an toàn. Tổ chức tốt công tác điều hoà lưu thông tiền mặt đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Mở rộng các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, tiếp nhận và triển khai kịp thời các ứng dụng công nghệ tin học thực hiện hiện đại hoá công nghệ Ngân hàng. Tăng cường các biện pháp quản trị điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh bảo đảm an toàn trong hoạt động. Đẩy mạnh và tăng cường hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng. Tăng cường công tác quản lý ngoại hối. Tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đảm bảo hoạt động ngân hàng phát triển vững chắc, an toàn. Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy các ngân hàng trên địa bàn, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, giáo dục phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu hoạt động ngân hàng trong điều kiện hội nhập quốc tế./.