Với sự hỗ trợ của các nguồn vốn tín dụng ngân hàng, sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có bước phát triển mới. Từ nguồn vốn vay, các đối tượng đã đầu tư có hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình canh tác cây trồng, vật nuôi áp dụng thành công khoa học kỹ thuật tạo ra giống mới có năng suất và sản lượng cao, nhiều loại nông sản đã trở thành các mặt hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường.
Toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 33 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp 1. Hầu hết các ngân hàng này đều đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có 8 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cho vay sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Ngay từ quí 1 năm 2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất để cá nhân, hộ gia đình, tổ chức kinh tế được hưởng chính sách ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung nguồn vốn ưu tiên phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ ở nông thôn. Các trường hợp từ chối không cho vay phải có báo cáo bằng văn bản gửi về Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu để kiểm tra, giám sát.
Việc cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chuyển biến tích cực. Đến tháng 8-2011, tổng dư nợ cho vay đầu tư nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt trên 3600 tỷ đồng. Đã có trên 67 nghìn khách hàng được tiếp cận với nguồn vốn vay, trong đó, cho vay không có tài sản bảo đảm hơn 637 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nông dân các địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện sản xuất kinh doanh có hiệu quả, như: nông dân ở thị xã Bà Rịa đã chuyển đổi thành công mô hình trồng lúa sang nuôi trồng các loài thủy sản nước ngọt, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nông dân ở huyện Xuyên Mộc phát triển nghề trồng rau an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Nông dân ở một số địa phương của huyện Tân Thành đã chuyển đổi từ mô hình trồng lúa sang trồng rau chuyên canh, cho thu nhập từ 180-200 triệu đồng/năm trên 1ha đất trồng rau xanh, lãi cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Các hộ nông dân ở huyện Châu Đực vay vốn để mở trang trại để phát triển sản xuất theo hương hàng hóa.
Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục tăng cường vai trò quản lý, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn với mục tiêu tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng hợp lý, tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, là đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của khu vực nông nghiệp nông thôn với lãi suất ưu đãi, thấp hơn cho vay thông thường khoảng 2%/năm.