Chúng tôi có dịp tới thăm trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân xã Yên Thắng vào một ngày cuối tháng 8, khi thầy và trò nhà trường đang bước vào năm học mới, được tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất ngày càng khang trang, đẹp đẽ mới thấy được sự nỗ lực cố gắng sau nhiều năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành của nhà trường.
Gặp gỡ với cô giáo Bùi Thị Khuê - Hiệu trưởng nhà trường được biết: Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân được chia tách từ trường PTCS xã Yên Thắng cũ từ năm học 1999 - 2000. Những ngày đầu mới thành lập với bao bộn bề khó khăn, nhà trường chỉ có 2 phòng học bằng tranh tre, nứa lá trên một bãi đất hoang rậm rạp, trong khi có trên 370 học sinh với 15 lớp, 24 cán bộ, giáo viên, không nhà hiệu bộ, không có nhà ở giáo viên, không có các phòng chức năng, học lực của học sinh thì yếu, nhiều học sinh lớp 4, 5 vẫn chưa đọc thông viết thạo. Đội ngũ cán bộ giáo viên chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế về trình độ và cơ cấu. Làm thế nào để vực dậy phong trào dạy và học của nhà trường? Đây là nỗi trăn trở không chỉ của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, Ban giám hiệu mà trực tiếp là cô giáo Bùi Thị Khuê - Hiệu trưởng nhà trường mới về tiếp quản công tác quản lý nơi đây.
“Vạn sự khởi đầu nan”, với 2 phòng học thì nhà trường chỉ có thể tổ chức cho 2 lớp học 2 buổi/ngày, còn 11 lớp phải học nhờ tại Trường THCS. Để có phòng học phục vụ cho việc giảng dạy và học tập của học sinh, nhà trường đã tích cực tham mưu cho Đảng uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện việc xã hội hoá giáo dục. Huy động nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, vật liệu, ngày công lao động, rồi vay mượn thêm để xây dựng 1 nhà làm việc cho giáo viên, 8 phòng học tạm, mua sắm thêm bàn ghế… Năm 2001 từ nguồn dự án giáo dục Tiểu Học, nhà trường được nhà nước đầu tư xây dựng 6 phòng học xây kiên cố, cùng với số phòng học tạm đã có, bước đầu đảm bảo phục vụ cho học sinh học toàn trường học 2 buổi/ngày. Đến năm 2008 nhà trường tiếp tục được đầu tư xây dựng 4 phòng học, 1 nhà hiệu bộ. Nâng tổng số phòng học, phòng chức năng của nhà trường được kiên cố hoá đến nay lên 19 phòng.
Đi đôi với việc hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, nhà trường trú trọng tới việc ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trước hết là ổn định nề nếp, tác phong giáo dục, đề ra nhiều giải pháp trong giảng dạy, học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trọng tâm là sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên và toàn thể các em học sinh trong toàn trường khắc phục mọi khó khăn, thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, thông qua các việc làm cụ thể, thiết thực như tổ chức các đợt thi đua ngắn ngày, thi “Giữ vở sạch- Viết chữ đẹp”, “Nét đẹp đội viên” sáng tạo kỹ thuật đồ dùng dạy học, tổ chức các chuyên đề về chuyên môn. Tổ chức hội thi dạy giỏi cấp trường, tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh…
Hiện nay 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đều có trình độ đạt chuẩn, trong đó trên 50% giáo viên có trình độ trên chuẩn, song vấn đề nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên luôn được chú trọng hàng đầu, bởi chất lượng giáo viên sẽ quyết định chất lượng học sinh. Đối với giáo viên, nhà trường luôn có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Duy trì thường xuyên việc dự giờ thăm lớp, sinh hoạt chuyên môn giữa các tổ giáo viên nhằm trao đổi kinh nghiệm trong việc tìm ra các phương pháp giảng dạy hay, tích cực để áp dụng trong thực tế. Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp cùng với các giáo viên giành thời gian ngoài giờ để giúp đỡ các em học sinh yếu kém, học sinh cá biệt. Đối với học sinh, sau khi đánh giá học lực, nhà trường đã có nhiều giải pháp để các em tiếp thu kiến thức tốt nhất như bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Nhờ những nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn trường mà hàng năm tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt trong toàn trường luôn đạt 100%, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh chuyển lớp trên 97%, chuyển cấp đạt 100%. Đặc biệt là 3 năm trở lại đây tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 50%, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp đạt 100%, nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến cấp cơ sở. Năm học 2008 - 2009 tỷ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường chiếm 51%, học sinh yếu chỉ còn 0,75%, không còn tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Đây là kết quả dạy thực, học thực, kiểm tra, đánh giá kết quả thực của nhà trường trong thời gian qua.
Năm học này trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Xã Yên Thắng - huyện Lục Yên) có 10 lớp học, với 260 học sinh, 23 cán bộ giáo viên. Với chủ đề của năm học: “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” và được ngành giáo dục xác định là năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới được nhà trường triển khai ngay sau khi kết thúc năm học 2008 - 2009, đề ra các mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động học sinh đi học chuyên cần, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp để thu hút học sinh. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ; đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh, đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục một cách thực chất , từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với yêu cầu đổi mới hiện nay. Xây dựng các tiêu chí cụ thể để thực hiện trong năm học để đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia trong năm học 2009 - 2010, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng dạy và học, thông qua các hoạt động chuyên môn như: Dự giờ, thăm lớp, hội giảng, thực hiện các chuyên đề và có kế hoạch giúp đỡ học sinh yếu kém, học sinh khuyết tật giúp các em hoà nhập với các bạn. Khuyến khích giáo viên chủ động sáng tạo trong giảng dạy, nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn, sáng tạo đồ dùng dạy học phục vụ cho các giờ học thêm phong phú, sinh động...
Theo lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong năm học 2009 -2010 nhà trường phấn đấu đạt chuẩn. Một trong những tiêu chí quan trọng đó là công tác xã hội hoá giáo dục. Nhà trường tổ chức và xây dựng các chi hội phụ huynh hoạt động có hiệu quả, phối kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong công tác quản lí, giáo dục và đào tạo học sinh. Hầu hết các phong trào, hoạt động của nhà trường đều được Hội phụ huynh học sinh nhiệt tình hưởng ứng và tạo điều kiện thuận lợi, với những đóng góp ủng hộ thiết thực về vật chất. Cùng với đó, nhà trường đã tạo dựng và duy trì mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, được địa phương hỗ trợ về cơ sở vật chất, quan tâm và ủng hộ các phong trào, hoạt động do nhà trường tổ chức. Mối quan hệ giữa Nhà trường - gia đình - xã hội ngày càng được xây dựng và củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho công tác xây dựng và duy trì chuẩn của trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân.
Với việc chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, chính quyền địa phương, sự quan tâm về chuyên môn của phòng giáo dục, cùng với sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các bậc phụ huynh học sinh – Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân sẽ bước vào năm học mới với nhiều thuận lợi và đạt được nhiều thành tích trong phong trào thi đua “Hai tốt”.