Kỳ thi tuyển sinh năm học 2008-2009, với 270 chỉ tiêu nhưng số thí sinh dự thi vào trường THPT Chuyên Bắc Ninh lên hơn 2.400, cao nhất từ trước đến nay. Kết thúc kỳ thi, cùng việc công bố các điểm chuẩn, Sở GD-ĐT tuyển được 278 học sinh (lấy dư 8) cho 9 lớp Chuyên. Đây hầu hết là những gương mặt xuất sắc cần tiếp tục được ươm mầm phát triển. Tuy nhiên cái khó là làm sao giữ chân được những tài năng trẻ ấy theo học hết cấp tại ngôi trường trọng điểm này của tỉnh?
Năm nào cũng vậy, trong hướng dẫn của Ban tuyển sinh trường THPT Chuyên Bắc Ninh đều nhấn mạnh: Học sinh trúng tuyển không được dự thi vào các trường THPT khác. Đây là điều không thể thực hiện được. Bởi 2 kỳ thi tuyển sinh vào THPT Chuyên và THPT đại trà chỉ cách nhau nửa tháng. Thời điểm trường Chuyên công bố điểm chuẩn thì các trường đại trà cũng gần kết thúc hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Học sinh không chắc chắn đỗ (chiếm đa số) tất nhiên phải cùng lúc đăng ký vào 2 nơi. Điều này cả trường THPT Chuyên và Sở GD-ĐT đều không thể kiểm soát được. Từ những quy định lỏng lẻo ấy phát sinh nghịch lý trong nhiều năm qua. Đó là cực kỳ khó để thi đỗ vào Chuyên, nhưng khi đỗ lại có nhiều học sinh bỏ Chuyên. Điển hình năm học 2007-2008, danh sách trúng tuyển là 264 nhưng thực học chỉ có 177, bỏ 87 chiếm 1/3 tổng chỉ tiêu được tuyển.
Xem kết quả thi tuyển sinh năm học 2008-2009.
Ông Trịnh Khôi, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Bắc Ninh lý giải, học sinh bỏ Chuyên cơ bản do gia đình khó khăn. Nhất là ở 3 huyện nam sông Đuống. Nuôi một học sinh Chuyên tốn không kém sinh viên ĐH vì các em phải độc lập tất cả từ trọ học đến mọi sinh hoạt thường ngày. Trong khi đó học bổng dành cho đối tượng đặc biệt này hiện quá thấp. Cụ thể là 60.000/đồng/người/tháng mà không phải tất cả đều được hưởng như nhau. Theo ông Khôi, một trong những giải pháp tích cực giữ chân các tài năng trẻ là nâng cao chế độ đãi ngộ, chí ít cũng được như các tỉnh lân cận để động viên, khuyến khích học sinh trúng tuyển. Nhất là học sinh 3 huyện nam sông Đuống theo học hết cấp tại đây. Theo tìm hiểu của chúng tôi còn không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh đỗ rồi lại bỏ trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Cụ thể trước đây học sinh phấn đấu vào Chuyên là để có cơ hội thi học sinh giỏi Quốc gia, đạt giải là được ưu tiên vào thẳng đại học (ĐH) đúng nguyện vọng. Tiêu chí này hiện đã hết giá trị nên rất khó thu hút và giữ chân học sinh. Riêng huyện Từ Sơn, sở dĩ học sinh ít chọn thi và học ở Chuyên Bắc Ninh ngoài lý do có trường THPT Lý Thái Tổ chất lượng cao, còn bởi quãng đường từ thị trấn Từ Sơn sang Hà Nội và đến trung tâm tỉnh lỵ tương đương nên nhiều em quyết định học các trường Chuyên ở Hà Nội vì cho rằng học ở thủ đô tốt hơn. Cũng có những học sinh khả năng khó đỗ vào các trường THPT số 1, nên chọn thi các lớp Chuyên điểm chuẩn thấp như Sử, Địa, Văn. Trúng tuyển lại chuyển về trường THPT số 1. Vậy phải chăng chất lượng đầu vào một số môn xã hội của trường Chuyên Bắc Ninh hiện rất thấp? Ông Trịnh Khôi thừa nhận, có năm các lớp Chuyên Sử, Địa, Văn tỷ lệ đỗ ĐH chỉ đạt 50%-60%. Đây quả thực là con số đáng báo động về kết quả dạy và học môn xã hội ở ngôi trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh.
Năm học 2008-2009, trong số hơn 2.400 thí sinh dự thi, trường THPT Chuyên Bắc Ninh đã tuyển được 278 chỉ tiêu (lấy dư 8) cho 9 lớp Chuyên. Đặc biệt trong đó có gần 1/2 số đỗ từng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Theo nhận định của nhiều người, chất lượng đầu vào năm nay của trường Chuyên là rất cao. Nhưng điều lo ngại nhất hiện nay là cả Sở GD-ĐT và trường vẫn chưa có giải pháp khả thi giữ chân các tài năng trẻ, nhất là ở các môn khoa học tự nhiên theo học hết cấp tại đây. Từ lâu nay, chúng ta vẫn tự hào về mảnh đất Bắc Ninh hiếu học và khoa bảng. Nhưng ít ai biết rằng chất lượng thi học sinh giỏi Quốc gia ở trường THPT Chuyên Bắc Ninh năm 2007 xếp… cuối bảng trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ; nhiều năm không có học sinh đạt giải Nhất Quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chúng ta để chuội đi nhiều tài năng trẻ. Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương Trang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng Ban tuyển sinh vào trường THPT Chuyên Bắc Ninh lo lắng: “Nếu vẫn tiếp tục tình trạng chảy máu chất xám như hiện nay, chắc chắn chất lượng toàn diện ở ngôi trường trọng điểm này của tỉnh sẽ ngày càng giảm sút. Như vậy có nghĩa là cả trường và ngành đều chưa hoàn thành tốt trách nhiệm tỉnh giao…”.