Ban Kế hoạch tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Thông tư 603/TTg, ngày 15/10/1955 của Thủ tướng Chính phủ, với chức năng, nhiệm vụ ban đầu là cơ quan tham mưu giúp UBHC tỉnh xây dựng các kế hoạch khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh ở địa phương. Qua nhiều thời kỳ, Ngành đã có sự thay đổi về chất, một số chức năng, nhiệm vụ đã được bổ sung thêm, tổ chức bộ máy được tăng cường, có thể điểm qua các mốc lịch sử đáng ghi nhớ như sau : - Tháng 10/1961 Ban Kế hoạch được đổi tên thành UBKH tỉnh theo Nghị định 158/CP của Hội đồng Chính phủ và tiếp đến tháng 3/1974 lại được Chính phủ phê chuẩn Điều lệ về tổ chức và hoạt động của UBKH nhà nước và các cấp theo Nghị định 49/CP. - Năm 1988, UBND tỉnh quyết định sát nhập Ban Phân vùng Kinh tế vào UBKH và bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ tổng hợp xây dựng quy hoạch phát triển KT - XH. - Tháng 9/1994, UBND tỉnh quyết định giải thể Trọng tài Kinh tế tỉnh, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh về thành lập DN và đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp. - Tháng 5/1996, UBND tỉnh quyết định giải thể Ban Kinh tế Đối ngoại. chuyển nhiệm vụ hợp tác đầu tư về UBKH tỉnh và đổi tên thành Sở Kế hoạch và Đầu tư . - Tháng 5/2000, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Nghị quyết giải thể Ban Kinh tế Tỉnh uỷ, chuyển một số nhiệm vụ của Ban Kinh tế Tỉnh uỷ về Sở Kế hoạch và Đầu tư . Hiện nay, theo quyết định 162-QĐ/UB của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quản lý đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại địa phương, làm đầu mối phối hợp giữa các Sở, Ngành thuộc tỉnh, dưới sự chỉ đạo về nghiệp vụ, chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được cụ thể hoá bằng 19 nhiệm vụ. Trong thời kỳ đầu thực hiện chủ trương khôi phục và cải tạo kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc, Ngành đã tích cực tham mưu giúp UBHC tỉnh xây dựng kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế văn hoá ở địa phương, tập trung vào chống nạn đói, nạn dốt, cải tạo công nghiệp, hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục các cơ sở sản xuất, cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, tiến hành hợp tác hoá trong nông nghiệp, TTCN, thương nghiệp, tín dụng... Chỉ sau một thời gian ngắn, toàn tỉnh đã khôi phục và phát triển sản xuất, khắc phục cơ bản nạn đói, nạn dốt, ổn định đời sống nhân dân, động viên phong trào thi đua sản xuất giỏi, các cơ sở sản xuất hoạt động bình thường trở lại, hệ thống trường học, bệnh viện được hình thành, năm 1960 các huyện đều có bệnh viện và trường cấp 2, hầu hết các xã có trường hoặc lớp cấp 1 v.v... Thời kỳ chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Ngành đã tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thời chiến, củng cố hậu phương vững chắc, chi viện sức người sức của cho miền nam, thực hiện: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", tăng cường ổn định và phát triển sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng CHXH ở miền Bắc và chi viện đắc lực cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Thời kỳ thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Ngành đã sớm tiếp thu các quan điểm và đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng vào tình hình cụ thể của địa phương, triển khai, cụ thể hoá thành các kế hoạch và chương trình hành động, đổi mới nội dung và phương pháp kế hoạch hoá, chuyển dần từ cơ chế kế hoạch tập trung với các chỉ tiêu pháp lệnh sang kế hoạch mang tính định hướng với các chỉ tiêu mang tính hướng dẫn là chủ yếu. Phối hợp cùng các Ngành chức năng tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, cụ thể hoá một số cơ chế, chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần nhằm phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế, chuyển từ cơ chế quản lý tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN, cụ thể như: Triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 217/HĐBT về việc đổi mới quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước, giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh; Tổ chức xây dựng các đề án thực hiện 3 chương trình kinh tế: Chương trình lương thực, thực phẩm; Chương trình sản xuất hàng tiêu dùng; Chương trình xuất khẩu. v.v. |