Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa danh Truông Bồn (thuộc xã Mỹ Sơn; huyện Đô Lương; Nghệ An) đã đi vào huyền thoại, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nơi đây đã lưu danh 13 chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) thuộc tiểu đội 2, đại đội 317- TNXP Nghệ An.
Họ đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của đất nước.
“Tiểu đội thép”
Trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại, nhiều tuyến đường giao thông đã trở thành tiêu điểm bắn phá của giặc Mỹ. Trong đó có tuyến đường 15A, ngang qua địa danh Truông Bồn dài trên 15 km, một trong những tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Bởi thế Truông Bồn trở thành túi bom, cửa tử, là nơi oanh tạc của không quân Mỹ. Chỉ trong vòng 5 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10/1968, giặc Mỹ đã trút xuống nơi đây 2.692 quả bom, gây thiệt hại nặng nề cho quân và dân ta.
|
Biểu tượng Truông Bồn chiến thắng |
Ngày 19/2/1967, 12 cô gái và hai chàng trai thuộc Tiểu đội 2, được mệnh danh là “Tiểu đội thép” của đại đội 317 đã nhận nhiệm vụ lên đường ứng cứu cho Truông Bồn. Họ ngày đêm rà phá bom mìn, san lấp hố bom, đảm bảo lưu thông liên tục trên tuyến đường giao thông huyết mạch.
Với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đờng thì không thể tắc”, đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông. 14 chiến sĩ “thép” vừa làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 vừa cùng đơn vị san lấp hố bom. Ban đêm họ thức trắng, dùng bẹ chuối trắng rải theo làn xe và mặc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho trùng điệp xe qua, ứng cứu, giải tỏa, bốc dỡ hàng trung chuyển khi xe sa lầy hố bom….
4h sáng ngày 31/10/1968, sau nhiều trận bom phá nát tuyến đường, mạch máu giao thông bị ách tắc, yêu cầu thông đường trở nên cấp bách. Tổ trực chiến thuộc tiểu đội 2 với những cô gái, chàng trai xuất thân từ quê lúa Yên Thành, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu đã được lệnh phải bằng mọi giá san lấp hố bom cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn trước khi trời sáng.
Với sự khẩn trương và lòng quyết tâm quả cảm, đến 6h10 phút sáng ngày 31/10, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ trên bầu trời máy bay Mỹ trút xuống hai loạt với 238 quả bom phá. Truông Bồn chìm trong biển khói mù mịt, cả đại đội 317 và nhân dân Mỹ Sơn dồn sức đào bới tìm kiếm nhưng chỉ còn duy nhất mình tiểu đội trưởng Trần Thị Thông may mắn thoát chết. Còn lại 11 cô gái và hai chàng trai đã vĩnh viễn ra đi khi vừa tròn mười tám, đôi mươi, trong đó có bảy người không tìm được thi thể.
40 năm, sau ngày ấy… Người viết bài này vừa có dịp theo chân đoàn cựu TNXP phường Đội Cung, TP Vinh về Truông Bồn thắp nén hương tưởng nhớ các chị, các anh- những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Truông Bồn hôm nay, những hố bom đã được lấp đầy. Con đường dốc năm xưa nay đã trải thảm nhựa. Điện đã về chiếu sáng những làng quê. Người dân bám đường làm ăn, phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng ấm no, quần tụ. Mộ phần của các chị, các anh thêm khang trang sạch sẽ, những đồng đội còn sống vẫn lui tới viếng thăm, kể chuyện chia sẻ vui buồn cuộc sống thường nhật…
Được biết, để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với sự hi sinh anh dũng của 13 liệt sĩ Tiểu đội 2 TNXP đại đội 317 ở Truông Bồn, Tỉnh ủy, UBND, Tỉnh đoàn, Hội cựu TNXP tỉnh Nghệ An đã có Tờ trình gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương và các bộ ngành liên quan về việc xét tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể 13 liệt sĩ TNXP đại đội 317 - Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hạnh – Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương bộc bạch: “Từ lâu Truông Bồn đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi giáo dục truyền thống với thế hệ trẻ. Truông Bồn cần được biết đến nhiều hơn và nâng lên tầm quốc gia…”
Xin được mượn lời của mẹ Nguyễn Thị Vinh. 81 tuổi, người hơn 20 năm qua tự nguyện chăm lo, quét dọn mộ phần của các anh, chị để kết thúc bài viết này: “Mẹ chăm lo giấc ngủ của các con, các con là con của cả dân tộc. Hình ảnh anh dũng đó nhân dân, đất nước mãi mãi khắc ghi”./