Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có độ dài khoảng 5km, độ cao gần 70m, trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, hay còn gọi là đường 30, chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “tuyến đường độc đạo” nối liền mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi đây ngày 31/10/1968, 13 chiến sỹ TNXP của tiểu đội thép, tiểu đội cảm tử thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông...
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, đất nước đang từng ngày đổi mới, nhưng sâu thẳm trong lòng dân tộc vẫn đang là nỗi đau nhức nhối bởi những hậu quả, vết thương chiến tranh… Thế hệ trẻ của ngày hôm nay là thế hệ của hòa bình, độc lập, của những giảng đường đại học; của những công trường, xưởng máy… với khát khao hiện thực mong ước của Bác Hồ đưa Việt Nam cùng sánh vai với các cường quốc năm châu. Cũng là thế hệ trẻ, nhưng, trong suốt những năm đánh Mỹ, trong sự chia cắt của hai miền, lại là thế hệ của trường kỳ kháng chiến, với lý tưởng “Vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất nước nhà”. Đáp lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong lớp lớp thanh niên ngày ấy được phát huy cao độ, với ý chí quật cường “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tinh thần ấy, ý chí quyết tâm được thể hiện trên mỗi chiến trường, mỗi trận đánh, trong mỗi trái tim của những người ra trận, tạo thành một sức mạnh thần kỳ đánh tan đế quốc xâm lược.
Nghệ An là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến, là cửa ngõ vào Quân khu IV, địa bàn triển khai lực lượng trước khi bước vào chiến đấu. Nằm trên vùng tuyến lửa Khu IV, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, Truông Bồn trở thành một trọng điểm đặc biệt quan trọng trên mặt trận giao thông vận tải. Với tầm nhìn chiến lược, chúng ta đã kịp thời xây dựng tuyến đường chiến lược và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho các chiến trường.
Bởi vị trí hết sức quan trọng về mặt quân sự, nên nơi đây đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ từ cuối năm 1965, nhất là từ đầu năm 1967 đến tháng 10 năm 1968. Sau khi đánh phong tỏa và hủy diệt các đầu mối giao thông vận tải qua địa bàn Nghệ An bằng cách đánh tắc cầu Cấm và các bến vượt phía ngoài Vinh, "bịt" Bến Thủy, Mỹ đã dùng một lực lượng không quân khổng lồ với nhiều thủ đoạn nham hiểm đánh vào trọng điểm Truông Bồn hòng phong tỏa tuyệt đối tuyến đường chi viện vào Nam qua địa bàn Nghệ An.
Đặc biệt, trong 7 tháng ném bom hạn chế (từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968), khi các tuyến đường thủy, đường sắt bị địch phong tỏa, đường 1A, đường 7 bị địch tập trung đánh phá ác liệt và khống chế thì Truông Bồn trở thành “yết hầu” giao thông, nơi duy nhất để các tuyến hàng vượt qua địa bàn Nghệ An, tiến vào Ngã ba Đồng Lộc, rồi từ đó tạo lập chân hàng cho tuyến đường Trường Sơn vào Nam và sang nước bạn Lào. Có thể nói, chưa bao giờ vùng đất Đô Lương nói chung và vùng Truông Bồn nói riêng phải trải qua những thử thách ác liệt như thời kỳ giặc Mỹ "ném bom hạn chế". Chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1968, địch đã ném xuống Truông Bồn hơn 2.692 quả bom các loại... Truông Bồn vừa là điểm ghi tội ác của đế quốc Mỹ, đồng thời là điểm ghi dấu sức chiến đấu và sự hi sinh oanh liệt của quân và dân ta, của các chiến sỹ TNXP Nghệ An.
Trong những năm tháng khói lửa ấy, núi Cột Cờ, dốc Kỳ Lợn, đồi Si, đồi Lạn… trên tuyến đường 15A đã ghi sâu tội ác của kẻ thù. Khẩu hiệu “Vì miền Nam ruột thịt”; “Đường chưa thông không tiếc máu xương” đã đi vào tiềm thức của tất cả mọi người, tạo thành một xung lực mạnh mẽ thôi thúc họ chiến thắng bom đạn của kẻ thù. 5 tháng chiến đấu chống “ném bom hạn chế” của đế quốc Mỹ là thời gian quân dân xã Mỹ Sơn, các lực lượng ở Truông Bồn đã huy động tất cả những gì có thể để đảm bảo thông đường, chống ùn tắc, từ những “cọc tiêu sống” của Tiểu đội cảm tử 14 TNXP thuộc Đại đội 317, đến sử dụng những đoàn xe thồ, những phương tiện vận tải thô sơ nhất để vận chuyển hàng hóa, vũ khí… Vẫn còn đó những cái tên như tiểu đội TNXP phá bom cảm tử do Nguyễn Tâm Cớn chỉ huy, và đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 - Đội 65, ngày 31/10/1968, đã khắc sâu trong tâm trí của các thế hệ hôm nay và mai sau!
Địa danh Truông Bồn đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 51/QĐ-BT ngày 12/01/1996, của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin; được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Truông Bồn, thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An (trong đó 13 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh) tại Quyết định số 1340/QĐ-CTN ngày 23/9/2008.
Các em học sinh Trường TH Mỹ Sơn biểu diễn văn nghệ tại Tượng đài Chiến thắng Truông Bồn. Ảnh: Đào Tuấn
Các em học sinh Trường TH Mỹ Sơn biểu diễn văn nghệ tại Tượng đài Chiến thắng Truông Bồn. Ảnh: Đào Tuấn
Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 19/4/2010, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Và cùng với tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đầu tư một số hạng mục công trình nhằm phát huy truyền thống TNXP tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.
Đến nay, Khu di tích đã hoàn thành một số hạng mục chính: Nhà che mộ 13 liệt sỹ, Khu tưởng niệm, khu Đài chiến thắng, sân vườn, hệ thống điện, thoát nước, nhà đón tiếp khách, nhà bán hàng lưu niệm, nhà dịch vụ (phía Nam), nhà dịch vụ (phía Bắc), nhà ban quản lý khu di tích,…
Sắp tới, “Địa chỉ đỏ” Truông Bồn sẽ là nơi tổ chức các hoạt động, phục vụ đông đảo nhân dân, thanh thiếu nhi đến tham quan, tưởng niệm; qua đó góp phần làm tốt công tác giáo dục thanh thiếu nhi về lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc của lực lượng TNXP; đồng thời đây cũng là nơi để tuổi trẻ tỉnh nhà thể hiện tình cảm và lòng tri ân, trách nhiệm của mình trước những đóng góp to lớn đối với sự cống hiến và hy sinh cao cả của lực lượng TNXP, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 đã làm nên một Truông Bồn huyền thoại!
Tự hào và tiếp nối những trang sử hào hùng của quê hương, tuổi trẻ Nghệ An luôn nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Trong thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong tỉnh.
Thế hệ trẻ đến thắp hương tưởng nhớ tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: N.S
Thế hệ trẻ đến thắp hương tưởng nhớ tại Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: N.S
Trong chương trình công tác, trong các kế hoạch hoạt động cụ thể của tuổi trẻ, một trong những nội dung giáo dục được các cấp bộ Đoàn chú trọng là hướng đến giáo dục truyền thống cho thanh niên thông qua các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", tổ chức cho thanh niên gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu các di tích lịch sử... Gắn với tổ chức Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, hoạt động góp ngày công xây nhà cho cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và giúp tu sửa nhà cho các đối tượng chính sách được các cấp bộ Đoàn quan tâm thực hiện gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cụ thể là cuộc vận động "Tuổi trẻ Nghệ An học tập và làm theo lời Bác".
Hướng tới kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 – 31/10/2013), các cấp bộ Đoàn đã và đang triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh về giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về quá khứ gian khổ, đau thương nhưng anh dũng và vinh quang của dân tộc, của Đảng, trong đó có lượng TNXP Nghệ An, đặc biệt là lực lượng TNXP tại Truông Bồn và sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Tiểu đội thép Đại đội 317 anh hùng đã góp phần xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động được diễn ra như: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Khu di tích lịch sử Truông Bồn, giao lưu các nhân chứng lịch sử, các hoạt động về nguồn; tổ chức đợt tuyên truyền, sưu tầm, vận động nhân dân, các nhân chứng lịch sử hiến tặng các hiện vật, kỷ vật chiến tranh liên quan đến Truông Bồn để trưng bày tại Khu di tích, qua đó nêu cao lòng tự hào dân tộc, góp phần tạo niềm tin, lý tưởng cách mạng, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ hôm nay...
Chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm xưa. Truông Bồn ngày nay tràn đầy sức sống và là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả; là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nơi đây, ngày ngày luôn ngát thơm hương hoa của hàng trăm người tới thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ TNXP. Truông Bồn đã và sẽ mãi là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Đình Hùng |