Từ những năm của thế kỷ 15 –16, theo chân những đoàn lưu dân nền văn minh sông Hồng, sông Mã mở đất về phương Nam, nhiều nghề thủ công truyền thống đã ra đời và phát triển mạnh mẻ trên đất Hội An. Cha truyền con nối trải qua hàng trăm năm, sản phẩm của những nghệ nhân các làng nghề Hội An không dừng ở phạm vi phục vụ nhu cầu cuộc sống thường nhật, mà sự sáng tạo của họ đã đạt đến mức điêu luyện, đóng góp một phần không nhỏ cho sự phồn thịnh của cảng thị Hội An trong những thế kỷ trước.
Phủ biên tạp lục của nhà Bác học Lê Quý Đôn miêu tả các nghề truyền thống của Hội An trong thời kỳ này có viết: Thuyền từ Thuận Hoá (Huế) về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam ( thương cảng Hội An) không thứ gì không có... Hàng thủ công Hội An xuất khẩu đi các nước có tơ lụa, hàng gốm, hàng mộc... gốm Cochi (Giao Chỉ) mà người Nhật Bản ưa chuộng và đưa về nước có phần là gốm Thanh Hà xứ Quảng. Đặc biệt người thợ mộc Kim Bồng làng Cẩm Kim và nghề gốm Thanh Hà còn thành danh với những công trình kiến trúc gỗ tuyệt mỹ hiện còn lưu lại trên từng mái nhà, góc phố Hội An. Không dừng lại đó bàn tay tài hoa của họ còn góp phần chính làm nên sự diễm lệ của Kinh thành Huế.
Những năm của thế kỷ 20, cuộc cách mạng cơ khí, cùng sự sa sút và nhường vai trò cảng thị cho Đà Nẵng, một thời gian dài không ít nghề thủ công Quảng Nam, trong đó có Hội An lâm vào cảnh suy vi. Các làng nghề Hội An cũng không tránh khỏi sự mai một. Coi đây là một giá trị văn hoá phi vật thể hiếm có của dân tộc cần phải bảo tồn, Trung tâm Văn hoá – Thể thao Hội An và Công ty Cổ phần Lao Động đã hợp tác xây dựng Xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hội An (Làng nghề Hội An ) tại nhà cổ Phi Yến, số 9 Nguyễn Thái Học – Hội An. Đây là diểm tham quan chỉ định trong chương trình tham quan Khu phố cổ Hội An.
Sau nhiều thời gian sưu tầm, tuyển lựa, hiện tại làng nghề có 12 ngành nghề chính đang hoạt động gồm: Mộc, gốm mỹ nghệ, lồng đèn nghệ thuật, đan lát mây tre, chằm nón, đệt chiếu, quay xa dệt vải, thêu thùa, may mặc, sơn mài, chạm khảm gỗ ... Tất cả các sản phẩm đều dược sản xuất tại chỗ với chất lượng cao và cung ứng cho thị trường hàng hoá lưu niệm của Hội An, Đà Nẵng và một số trung tâm lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Một số ngành nghề như lồng đèn, chân đèn sáp trang trí, sơn mài đã tìm được thị trường ở các nước Châu Âu và Mỹ.
Đến thăm làng nghề, du khách có thể tham gia một số công đoạn sản xuất đơn giản để ghi dấu ấn kỷ niệm phố cổ và mang sản phẩm đó về nhà. Ngoài ra tại đây du khách còn có thể sống trong không khí của một làng quê Việt Nam thu nhỏ với phong cảnh, sinh hoạt văn nghệ dân gian do chính bản thân các nghệ nhân làng nghề thực hiện.