Hội Lương Thực Thực Phẩm TP.HCM là một tổ chức phi chính phủ, tập hợp các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh – chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống.
Đại hội thành lập nhiệm kỳ đầu tiên được tổ chức vào ngày 10/01/1998, bầu ra 15 Ủy viên Ban chấp hành. Đại hội nhiệm kỳ II (2003-2008) được tổ chức vào ngày 17/01/2003, đã bầu ra 19 Ủy viên Ban Chấp hành và 3 ủy viên Ban Kiểm tra. Ban Chấp hành bầu ra Ban Thường vụ có 7 ủy viên (trong đó: 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 1 Tổng Thư ký và 2 Ủy viên thường vụ).
Phương châm hoạt động của Hội Lương thực-Thực phẩm là “Đại đoàn kết, tập hợp đông đảo doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào tổ chức Hội để giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, ổn định và phát triển doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh từ đó phát huy vai trò, vị trí và tiếng nói chung của ngành trước công luận và công quyền”. Hội Lương thực – Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, tên giao dịch tiếng Anh là Food and Foodstuff Association HCMC (FFA) được thành lập theo Quyết định số 22/QĐ-UB-NC của Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM ngày 03/01/1998. Là Hội thành viên của Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM
Hội Lương Thực Thực Phẩm hoạt động theo 5 chương trình mục tiêu, cụ thể:
1. Chương trình thông tin:
Phát hành phổ biến thông tin đến từng hội viên bằng các tài liệu liên quan như: Bản tin Lương thực-Thực phẩm phát hành 01 kỳ vào ngày 15 hàng tháng giúp Doanh nghiệp hội viên nắm bắt các thông tin kinh tế, thị trường, ứng dụng công nghệ mới, quản trị doanh nghiệp cũng như quảng bá thương hiệu trên website của Hội một cách hiệu quả, từng bước hình thành hoạt động thương mại điện tử trên mạng.
Hội thường xuyên cung cấp các văn bản pháp luật, các ấn phẩm, kỷ yếu Hội rộng rãi đến từng hội viên và các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế.
2. Chương trình nâng cao năng lực hoạt động cho doanh nghiệp:
2.1- Đào tạo – hội thảo:
Hội hợp tác với các tổ chức đào tạo trong nước và quốc tế tổ chức những chương trình đào tạo ngắn hạn với hình thức linh hoạt, giúp DN áp dụng thành công vào sản xuất kinh doanh. Các chủ đề thường tập trung vào: Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm; kỷ thuật – công nghệ trong chế biến, đóng gói; kỷ thuật tổ chức và tham gia hội chợ quốc tế v.v…
2.2- Xúc tiến thương mại – đầu tư:
Phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức hội chợ-triển lãm quy tụ các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tạo cơ hội ký kết hợp đồng mua bán, tìm đối tác và cơ hội hợp tác đầu tư.
3. Chương trình doanh nhân và pháp luật:
Phát huy vai trò tiếp nhận và triển khai các chính sách, chủ trương của Nhà nước đến từng DN hội viên, kịp thời phản ánh những khó khăn bức xúc của hội viên đến các cơ quan chức năng, chính quyền Thành phố và Chính phủ.
Chương trình “Doanh nhân và pháp luật” là diễn đàn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trực tiếp gặp gỡ các cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nguyện vọng và được thông tin về pháp luật.
4. Chương trình Doanh nhân gặp gỡ:
Để chia sẽ, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời tạo không khí giao lưu, đoàn kết , hợp tác cùng phát triển giữa DN với DN nhằm phát huy nội lực, từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới.
5. Chương trình thực phẩm với sức khỏe cộng đồng:
Góp phần thực hiện chương trình thực phẩm an toàn của thành phố, Hội LT-TP TP tổ chức giới thiệu những sản phẩm thực phẩm an toàn do các DN hội viên sản xuất đến cộng đồng để tôn vinh hàng nội địa, phát triển thương hiệu, tăng sức cạnh tranh hàng nội, đồng thời khuyến khích các DN sản xuất kinh doanh đúng luật pháp và vì sức khỏe cộng đồng