Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập từ năm 1995 trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Nông nghiệp-Công nghiệp thực phẩm; Lâm nghiệp và Thuỷ lợi.
A.THỜI KỲ TỪ NĂM 1987 ĐẾN NĂM 1995:
I. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trước đây được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ: Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp thực phẩm.
Năm 1987, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp Việt Nam gắn với chế biến, tiêu thụ theo một quy trình khép kín từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ, Hội đồng Nhà nước đã có Nghị quyết số 782 NQ HĐNN 7, ngày 16/2/1987 về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ: Nông nghiệp, Lương thực, Công nghiệp thực phẩm.
Ngày 5/3/1987 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 46-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. “Bộ Nông Nghiệp và Công Nghiệp Thực phẩm là Cơ quan của Hội đồng bộ trưởng, có trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà Nước về nông nghiệp, lương thực và công nghiệp thực phẩm trong phạm vi cả nước, theo đường lối, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà Nước, bảo đảm nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân, cho quốc phòng, nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản xuất khẩu”.
1. Bộ Nông nghiệp được hình thành và phát triển bắt đầu từ Bộ Canh nông (thành lập ngày 14/11/1945); tháng 2/1955 thành lập Bộ Nông lâm; cuối năm 1960 tách Bộ Nông lâm thành 4 tổ chức: Bộ Nông nghiệp, Bộ Nông trường; Tổng cục thuỷ sản và Tổng Cục Lâm nghiệp. Ngày 1/4/1971, thành lập Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương trên cơ sở sáp nhập Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông trường và Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Năm 1976, Uỷ ban đổi tên thành Bộ Nông Nghiệp.
2. Bộ Lương thực được thành lập theo Nghị quyết ngày 22/1/1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
3. Bộ Công nghiệp thực phẩm được thành lập theo Nghị quyết 22/1/1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi thành lập và sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm gồm có:
- 46 Cục, Vụ, Ban, Văn phòng quản lý nhà nước.
- 26 viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ.
- 13 trường quản lý, kỹ thuật và công nhân.
- 53 đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc Bộ cấp Công ty, Tổng công ty, Liên hiệp các xí nghiệp, Xí nghiệp liên hợp (quản lý trên 400 đơn vị kinh tế cơ sở)
- 9 nhà máy, xí nghiệp trực thuộc Bộ.
Ngày tháng 3 năm 1990, Hội đồng Nhà nước quyết định kiện toàn một bước cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, trong đó giao chức năng quản lý Nhà nước đối với ngành cao su cho Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Phê chuẩn giải thể Tổng cục cao su.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm theo Khung 1.
Khung 1: Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và CNTP
- Căn cứ vào đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch (dài hạn, 5 năm, hàng năm) về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, thu mua, phân phối lương thực trong cả nước trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định và tổ chức chỉ đạo thực hiện.
- Xây dựng các dự án pháp luật, các chính sách, chế độ, thể lệ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình, quy phạm về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, về thu mua, bảo quản, chế biến, phân phối lương thực trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc tự quyết định theo thẩm quyền của Bộ.
- Xây dựng các dự đoán về phát triển khoa học và kỹ thuật của ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, thống nhất quản lý việc thực hiện đường lối, chính sách về khoa học và kỹ thuật, về công tác nghiên cứu, phát triển khoa học và kỹ thuật; chỉ đạo việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, lương thực và, nông sản, thực phẩm.
- Tổ chức chỉ đạo thực hiện việc cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thực phẩm ở các tổ chức quốc doanh, tập thể và các thành phần kinh tế khác. Tổ chức cải tạo và quản trình lý thị trường lương thực.
- Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hợp tác quốc tế về kinh tế và khoa học kỹ thuật. xuất, nhập khẩu nông sản, lương thực. thực phẩm, nhận vật tư thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, bảo quản và chế biến lương thực theo đường lối chính sách và những quy định của Nhà nước trong quan hệ với nước ngoài.
- Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hệ thống tổ chức bộ máy quản lý ngành từ trung ương đến địa phương.
- Trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc tự ban hành các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công nhân viên chức, các chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức của ngành.
- Tổ chức và chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công nhân viên chức của ngành theo sự phân công, phân cấp quản lý của Hội đồng Bộ trưởng.
- Tổ chức chỉ đạo việc sản xuất, nhập khẩu và cung ứng vật tư kỹ thuật, thiết bị chuyên dùng trong sản xuất nông nghiệp, trong chế biến nông sản, thực phẩm, trong thu mua, bảo quản, chế biến và phân phối lương thực (theo danh mục Nhà nước phân công). Hướng dẫn các ngành, các địa phương xây dựng cơ sở vật chất chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, thu mua, bảo quản, chế biến và phân phối lương thực theo quy hoạch, kế hoạch Nhà nước.
- Phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh của các cơ sở. Chỉ đạo và kiểm tra các đơn vị trực thuộc nhằm bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ và kế hoạch Nhà nước; sử dụng có hiệu quả cán bộ, lao động, tiền vốn, vật tư, thiết bị được Nhà nước giao.
- Hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các địa phương, các cơ sở trong cả nước về những vấn đề thuộc chức năng quản lý Nhà nước của ngành nông nghiệp, lương thực và công nghiệp thực phẩm nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất những công việc thuộc nôi dung quản lý của Ngành.
II. Bộ Thuỷ lợi:
- Ngày 1 1/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 63-CP về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của.Bộ Thuỷ lợi 4 thay thế Nghị định số 88-CP ngày 6/3/1979 Nghị định 63-CP xác định: “Bộ Thuỷ lợi là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước (trừ nước nguyên liệu khoáng và nước địa nhiệt); về quản lý khai thác công trình thuỷ lợi và công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều trong cả nước”.
Bộ máy tổ chức của Bộ thuỷ lợi theo Nghị đinh 63-CP gồm:
1. Tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, gồm: Vụ Kế hoạch; Vụ Khoa học - kỹ thuật; Vụ Tài chính - kế toán và Thống kê; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra; Vụ hợp tác Quốc tế; Vụ Quản lý xây dựng công trình thuỷ lợi; Văn phòng Bộ; Cục Quản lý nước và khai thác công trình thuỷ lợi; Cục Phòng, chống lụt bão và quản lý đê điều
2. Các tổ chức sự nghiệp: viện Quy hoạch thuỷ lợi; Viện Nghiên cứu khoa học và kinh tế thuỷ lợi; Viện Nghiên cứu khoa học thuỷ lợi Nam Bộ (thành lập trên cơ sở Phân viện Khoa học thuỷ lợi Nam Bộ); Trường Đại học Thuỷ lợi; Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý; Trung tâm Thông tin thuỷ lợi (kể cả tạp chí thuỷ lợi). Các đơn vị sự nghiệp khác do Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi cùng Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các Bộ có liên quan nghiên cứu, sắp xếp và quyết định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thuỷ lợi theo Khung 2.
Khung 2: Nhiêm vụ, quyền hạn của Bộ Thủy lợi
Bộ thuỷ lợi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý định tại Nghị định số 15- CP ngày 2-3-1993 của chính phủ và các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Xây dựng trình chính phủ chiến lược, quy hoạch tổng thể và khu vực về phát triển nguồn nước; về xây dựng quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi và phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều theo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và chỉ đạo kiểm tra thực hiện;
2. Xây dựng trình chính phủ ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp quy, các chính sách, chế độ, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn nước, các công trình thuỷ lợi và phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê điều;
3. Trình Chính phủ xét duyệt hoặc xét duyệt theo thẩm quyền luận chứng kinh tế - kỹ thuật các dự án đầu tư xây dựng công trrình thuỷ lợi, đồ án thiết kế, thi công và nghiệm thu các công trình thuỷ lợi theo quy định hiện hành của Chính phủ về quản lý xây dựng cơ bản;
4. Tổ chức việc cấp hoặc thu hồi các loại giấy phép xây dựng, khai thác, sử dụng nước, môi trường nước an toàn công trình thuỷ lợi;
5. Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt Trung ương và trực tiếp chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống lụt bão trong cả nước;
6. Chỉ đạo việc vận hành điều tiết các công trình thuỷ lợi lớn, sử dụng tổng hợp, công trình liên tỉnh;
7. Thực hiện nhiệm vụ Thường trực Uỷ ban quốc gia Mê Công của Việt Nam và chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến việc quản lý, khai thác sông Mê Công;
8. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chế độ về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn nước, công trình thủy lợi và công tác phòng, chống lụt bão, bảo vệ đê điều trong cả nước. Trích: Nghị định số 63-CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ.
Bộ Thuỷ lợi được hình thành ban đầu từ chức năng Thuỷ lợi thuộc Bộ Giao thông Công chính (năm 1945); Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Công chính ngày 30/4/1953; Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc thành lập tháng 9/1955; tháng 4/1958 thành lập Bộ Thuỷ lợi; cuối năm 1960 đổi tên Bộ Thuỷ lợi thành Bộ Thuỷ lợi và điện lực; tháng 12/1962 đổi tên Bộ Thuỷ lợi và Điện lực thành Bộ Thuỷ lợi .
III. Bộ Lâm nghiệp:
- Tổng quan từ năm 1976 đến trước năm 1994, Bộ Lâm nghiệp đã quản lý toàn ngành theo quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ quy định cho Tổng cục Lâm nghiệp.
- Năm 1976 Quốc hội thống nhất nghị quyết về chính phủ thống nhất trong thành phần có Bộ Lâm nghiệp được thành lập trên cơ sở Tổng cục Lâm nghiệp.
- Năm 1991, Quốc hội ban hành luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
- Ngày 1/2/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 08CP về nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy của Bộ Lâm nghiệp.
Vị trí chức năng của Bộ Lâm nghiệp được xác định: "Bộ Lâm nghiệp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quản lý, bảo vệ, xây dựng, phát triển rừng, sử dụng rừng, có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng".
Tổ chức bộ máy của Bộ Lâm nghiệp gồm:
- Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước: Vụ Lâm sinh; Vụ Công nghiệp rừng; Cục Kiểm lâm; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ hợp tác quốc tế; Thanh tra Bộ; Vụ Kế hoạch - Thống kê; Vụ Tài chính - Kế toán; Vụ Tổ chức - Lao động; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ.
- Các tổ chức sự nghiệp: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam; Viện Điều tra quy hoạch rừng; các Vườn Quốc gia; Trường Đại học Lâm nghiệp; Trường Cán bộ quản lý Lâm nghiệp; các Trường Trung học và Công nhân hiện có do Bộ Lâm nghiệp cùng Ban Tổ chức-cán bộ Chính phủ nghiên cứu sắp xếp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Tạp chí Lâm nghiệp; 3 Trung tâm kỹ thuật bảo vệ rừng số I, II, III.
Bộ Lâm nghiệp được hình thành và phát triển từ Nha Lâm chính thuộc Bộ Canh nông (tháng 11/1945); Tổng cục Lâm nghiệp (năm 1960); Bộ Lâm nghiệp thành lập năm 1976.
Thời điểm này trực thuộc Bộ lâm nghiệp có 6 Trường Công nhân kỹ thuật (dạy nghề lâm nghiệp): Trường CNKT chế biến gỗ (Hà Nam Ninh); Trường CNKT lâm nghiệp TW 1 (Lạng Sơn); Trường CNKT lâm nghiệp TW II (Bình Định); Trường CNXT lâm nghiệp TW III (Bình Dương); Trường CNKT lâm nghiệp TW IV (Phú Thọ); Trường CN cơ khí lâm nghiệp (Hà Nội); 3 Trường Trung học lâm nghiệp I (Quảng Ninh), II (Đồng Nai)và Tây Nguyên (Gia Lai). Về sau hệ thống các trường này nằm trong cơ cấu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Lâm nghiệp theo Khung 3.
Khung 3: Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lâm nghiệp
Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiệ việc quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định tại Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ và các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ quy hoạch, kế hoạch quản lý và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, quy hoạch và kế hoạch khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý lâm sản, đặc sản, động vật rừng, các chương trình, dự án quốc gia và liên tỉnh về lâm nghiệp, bao gồm cả trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc, về bảo vệ, phát triển động vật, thực vật quý hiếm, và theo dõi, chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án nói trên sau khi đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Trình Chính phủ quyết định kế hoạch khai thác gỗ và lâm sản đặc sản hàng năm, các chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng và đất trồng rừng, tổ chức thực hiện kế hoạch, chính sách, chế độ đó.
3. Xây dựng và ban hành quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật về trồng rừng, nuôi rừng, khai thác, chế biến lâm sản, việc đóng, mở cửa rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản.
4. Xác định cơ cấu cây, con trong lâm nghiệp phù hợp với cơ cấu kinh tế lâm nghiệp, đặc điểm sinh thái từng vùng; tổ chức chỉ đạo công tác khuyến lâm. Thống nhất quản lý giống cây rừng và động vật rừng; phối hợp với các ngành có liên quan về việc quản lý xuất nhập khẩu giống con, giống cây rừng theo quy định của chính phủ.
5. Tổ chức chỉ đạo công tác kiểm lâm theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng và quy định của Chính phủ về công tác kiểm lâm.
6. Tổ chức chỉ đạo công tác thanh tra chuyên ngành về lâm nghiệp, về quản lý và bảo vệ rừng, về quản lý sử dụng lâm sản.
( Trích: Nghị định số 08CP ngày 1/2/1994 của Chính phủ)
B.THỜI KỲ TỪ NĂM 1995 ĐẾN NAY:
Kế thừa và phát huy thành tựu 10 năm đổi mới tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ đã có định hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang mô hình Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có chức năng gần giống nhau, giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và phát triển nông thôn.
Từ ngày 3/10-28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá 9 thông qua Nghị định về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Thuỷ lợi.
Nhiệm vụ chính trị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đặt ra không chỉ là nhiệm vụ của các ngành trước đây về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi một cách riêng rẽ mà còn là sự đòi hỏi cao hơn về việc phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn một cách bền vững, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất - nước rừng, gắn chặt hơn nữa sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi với việc phát triển nông thôn với đối tượng phục vụ chủ yếu hơn 60 triệu dân sống ở nông thôn, chiếm gần 78 phần trăm dân số cả nước.
Ngày 01/11/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội khoá XII đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII, trong đó Quốc hội đã thông qua việc hợp nhất Bộ Thuỷ sản vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 03 tháng 01 năm 2008 Chính phủ ban hành Nghị định số: 01/2008/NĐ-CP về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nghị định số: 01/2008/NĐ-CP quy định vị trí, chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi và phát triển nông thôn trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ”.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm:
1. Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước:
- Vụ Kế hoạch.
- Vụ Tài chính.
- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
- Vụ Hợp tác quốc tế.
- Vụ Pháp chế.
- Vụ Tổ chức cán bộ.
- Thanh tra Bộ.
- Văn phòng Bộ.
- Cục Trồng trọt.
- Cục Bảo vệ thực vật.
- Cục Chăn nuôi.
- Cục Thú y.
- Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối.
- Cục Lâm nghiệp.
- Cục Kiểm lâm.
- Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
- Cục Nuôi trồng thuỷ sản.
- Cục Thuỷ lợi.
- Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt, bão.
- Cục Quản lý xây dựng công trình.
- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.
- Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản.
2. Các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ:
- Trung tâm Tin học và Thống kê.
- Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
- Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia.
- Báo Nông nghiệp Việt Nam.
- Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.