I. Lịch sử:
Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899 do tách từ tỉnh Hà Tiên ra, gồm 7 tổng: Long Thủy, Quản Xuyên, Quản Long, Quản An, Thạnh Hòa, Thạnh Hưng, Long Thới. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chia tỉnh Bạc Liêu thành 2 tỉnh là Bạc Liêu và An Xuyên. Tỉnh Bạc Liêu nhỏ này gồm 4 quận: Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu, với 19 xã, 218 ấp, dân số năm 1965 là 76.630 người.
Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên lại hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
II. Văn Hoá:
Bạc Liêu xưa kia nổi tiếng là đất ăn chơi với nhiều giai thoại về "công tử Bạc Liêu", bởi người dân xứ này có tư duy khoáng đạt, thích giao lưu tìm bạn qua hội hè và qua sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Do cởi mở và có phần sành điệu nên đất Bạc Liêu không chỉ giữ được đôi chân phiêu lãng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang bất hủ, mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với tầng lớp đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, buộc họ phải đến đây xả túi xây cất dinh thự.
Bởi thế, nhiều người tới thị xã Bạc Liêu ngày nay đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại nơi đất chua phèn ngập mặn tận cùng của đất nước lại có những dãy nhà Tây sang trọng và đường bệ, khác hẳn những biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Đáng chú ý là những vật liệu chủ yếu trang trí nội thất các biệt thự này như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều được các đại điền chủ bỏ công tốn của sang tận Paris mua về.