Người Việt bắt đầu đến vùng đất An Giang từ lúc nào, đến nay chưa thấy sử sách ghi chép rõ ràng. Tuy nhiên theo truyền thuyết dân gian và một số vết tích còn lại, thì đã có một số nhóm người Việt gốc miền Trung vào đây từ rất lâu.
Mặc dù cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng họ vẫn kiên trì tìm đất sống. Họ ở rải rác dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu.
Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đã thấy có người Việt ở vùng Bình Mỹ (Châu Phú), vùng Châu Đốc và vùng cù lao Cây Sao (cù lao Ông Chưởng). Tương truyền khi thuyền quân xuôi dòng Cửu Long (1700), Nguyễn Hữu Cảnh ghé lại những nơi có người Việt ở để thăm hỏi và khích lệ mọi người giữ tình thân thiện dù không cùng chủng tộc. Ông cũng cho phép một số binh phu được ở lại theo ven sông vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Chợ Mới cày cấy làm ăn .
Lưu dân ở vùng Cù lao Ông Chưởng được gọi là dân “hai huyện” (Phước Long và Tân Bình). Họ được xem là mẫu mực về thuần phong mỹ tục, giữ vững được nếp ăn, nếp nghĩ của người Việt. Từ Chợ Mới đến Cái Hố theo lòng rạch Ông Chưởng, ta gặp một số gia đình cố cư, ông bà của họ đến đây cư ngụ từ đời Gia Long, Minh Mạng hoặc lâu hơn (6 đời).
Ở Cù lao Giêng, có một địa danh xưa là bến đò Phủ Thờ. Phủ Thờ này là của họ Nguyễn từ Bình Định vào, con cháu ngày nay ở vào đời thứ 7, thứ 8, cư ngụ kề nhau đông đúc.Người Việt đi vào phương Nam lập nghiệp với cả gia đình cha mẹ, vợ con, và khi đã đến thì không thể về, vì quá xa.
Nhờ các chính sách của Chúa Nguyễn mà công cuộc khai hoang mở mang bờ cỏi phương Nam của dân Việt ngày càng nhanh chóng.
Khi tỉnh An Giang mới thành lập, dọc theo hữu ngạn sông Tiền, dân cư khá đông, tập trung ở cù lao Ông Chưởng. Một số thôn, xã được thành lập. Riêng cù lao Giêng tuy không rộng lắm, nhưng sanh kế dễ dàng, nên qui tụ được 4 thôn.
Phía hữu ngạn sông Hậu, dân cư thưa thớt. Từ biên giới Việt – Miên xuống Long Xuyên chỉ có các làng Bình Thạnh Tây (đối diện Bình Thạnh Đông bây giờ), Bình Đức, Mỹ Phước.
Vùng An Giang gồm 2 khu vực mới và cũ riêng biệt :
- Phía Tân Châu, Ông Chưởng, Chợ Mới dễ canh tác, dân đông, làng cũ vì đã lập từ lâu .
- Phía hữu ngạn sông Hậu, là vùng rừng núi hoang vu, đất khó canh tác, dân thưa thớt, làng mới lập .
Việc di dân lập ấp ở An Giang có công đóng góp rất lớn của Thoại Ngọc Hầu, bắt đầu từ năm Đinh Sửu 1817. Lúc bấy giờ nhiều nhà cửa của nông dân đã được dựng lên, các đình chùa cũng bắt đầu xây cất. Năm 1818, theo lệnh triều đình, Nguyễn Văn Thoại đốc suất đào kinh Đông Xuyên ra đến Rạch Giá, tạo điều kiện canh tác thuận lợi cho dân khẩn hoang 2 bên bờ kênh.
Đào kênh Vĩnh Tế xong, Nguyễn Văn Thoại cho đắp con đường từ Châu Đốc đến núi Sam, nhờ đó mà dân từ Châu Đốc vào núi Sam khẩn ruộng, lần hồi tiến đến khai phá vùng Tịnh Biên .
Đầu thế kỷ XIX đã nhiều lần quân Xiêm xâm lấn nước ta. Hà Tiên, Châu Đốc là những vùng bị thiệt hại trước tiên và nặng nề nhất. Năm 1833, giặc Xiêm tàn phá dọc kênh Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và tràn qua Tân Châu. Nhưng chỉ 5 năm sau dân cư đã quy tụ trở lại, thành lập hàng chục thôn rải rác từ núi Sam dọc theo 2 bờ kênh Vĩnh Tế về phía Hà Tiên .
Vùng Châu Đốc là biên cương hiểm trở, vừa sản xuất vừa phải đối phó với ngoại xâm. Mỗi người dân khẩn hoang là một lính thú biên cương.
Gia tộc Lê Công gốc Thanh Hóa là một trong những nhóm di dân đến khai phá vùng Châu Đốc (khoảng năm 1785 – 1837). Hiện con cháu đời thứ 7 còn cư ngụ ở đây .Gia tộc thứ 2 cũng có công khai phá vùng Châu Đốc là dòng Nguyễn Khắc, thuộc con cháu của Nguyễn Văn Thoại .
Dưới đời vua Minh Mạng, tội phạm lưu đày phần lớn gom về vùng Vĩnh Tế để lập các xóm dọc bờ kênh, dần dần hình thành vùng dân cư .
Nguyễn Tri Phương, khi làm kinh lược sứ ở miền Nam, đã có sáng kiến lập đồn điền biên giới nhằm ngăn giặc, yên dân, tập trung ở vùng Châu Đốc, Hà Tiên. Năm 1854, Nguyễn Tri Phương báo cáo đã thành lập được 21 cơ đồn điền. Hai năm sau, tỉnh An Giang và Hà Tiên đã chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp .
Trong thời gian này, người Chăm ở ngang chợ Châu Đốc (Đa Phước, Châu Phong) cũng gom lại từng đội, do 1 viên Hiệp quản đứng đầu. Từ bên Chân Lạp, người Chăm rút về nương náu trong lãnh thổ Việt Nam để tránh loạn lạc nội chiến bên Chân Lạp, rồi định cư luôn ở Tân Châu, An Phú . . . . .
Cùng thời đó, người theo đạo Thiên Chúa lánh nạn kỳ thị tôn giáo của vua quan nhà Nguyễn từ miền ngoài đến khá sớm ở cù lao Giêng (1778), Bò Ót (1779) và Năng Gù (1845) đã làm tăng thêm dân số vùng đất An Giang.
Tư liệu trước đây nói về nguồn gốc các dân tộc thiểu số ở An Giang như :
- Người Khmer: Là dân bản địa kì cựu, hầu hết đều sinh ở Việt Nam nên gọi là người Việt gốc Khmer, tập trung nhiều nhất ở các quận Tri Tôn và Tịnh Biên. Phong tục và tiếng nói của họ cũng không khác người Khmer ở chánh quốc. Họ sùng bái đạo Phật, tôn kính các sư sãi và sẵn sàng dâng cúng cho chùa những huê lợi do họ làm ra để cầu phúc.- Người Chăm và người Mã Lai đến ở vùng Châu Đốc từ năm 1840. Trước kia họ sống ở Cao Miên.
- Người Hoa: Theo dụ số 48 ngày 21/8/1956 của chính quyền Ngô Đình Diệm sửa đổi bộ luật quốc tịch Việt Nam, thì những người Hoa sinh đẻ tại Việt Nam kể như dân Việt Nam.Đến An Giang còn có những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Lực lượng này gồm dân các tỉnh chung quanh (Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long…) theo về với đạo, phần lớn tập trung khai phá vùng Thất Sơn, rừng núi hoang vu.
- Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do cụ Đoàn Minh Huyên sáng lập, chia nhiều đoàn tín đồ đến khai khẩn nhiều nơi:
● Đoàn 1 vào Thất Sơn , bên chân núi Két, do cụ Bùi Văn Thân, tức tăng chủ Bùi Thiền sư và cụ Bùi Văn Tây, tức Đình Tây hướng dẫn, lập nên các trại ruộng Hưng Sơn và Xuân Sơn, sau này hợp thành xã Thới Sơn (Tịnh Biên).
● Đoàn 2 do cụ Quản cơ Trần Văn Thành chỉ huy, đến Láng Linh, vùng đầm lầy khai hoang, lập đồn, tụ nghĩa binh chống Pháp.
● Đoàn 3 do cụ Nguyễn Văn Xuyến (tức đạo Xuyến) đưa tín đồ về Cái Dầu-Bình Long (Châu Phú).
- Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do cụ Ngô Lợi khởi xướng, cũng đã đưa hàng trăm tín đồ từ khắp nơi về vùng núi Tượng, núi Dài khai hoang, lập làng , giáo huấn tứ ân.Theo Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1847 tỉnh An Giang, số đinh theo báo cáo của Bộ Hộ có 22.998 người (cả nước Việt Nam khi đó số đinh chỉ có 1.024.388 người).
Đến năm 1930, chấm dứt các chính sách di dân khẩn hoang vào miền Nam. Qua số liệu niên giám thống kê của Pháp năm 1921, dân số 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cộng lại đông đứng thứ nhất đồng bằng sông Cửu Long.