Được xem là một trong 3 cơ sở sản xuất đường, cồn lớn nhất của miền Bắc XHCN trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhà máy Đường Sông Lam có tổng diện tích gần 80.000m2, nằm ven tả ngạn sông Lam, dựa lưng vào lưng núi Thành (nơi căn cứ địa cách mạng và có nhiều kỳ tích biểu hiện sự tàn khốc và oanh liệt của một vùng đất có nhiều dấu ấn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược).
Phía Tây của nhà máy giáp xã Hưng Lam, nhà ga xe lửa và cầu Yên Xuân, phía Đông giáp xã Hưng Khánh và bến phà chợ Tràng, kế cận là trục đò ngang và trục đê 42, phía Nam giáp ngã ba Phủ, tạo nên một vị trí thuận lợi về cả đường thủy lẫn đường bộ.
Mía đường Nghệ An
Nhà máy đường Sông Lam – Nghệ An là công trình sản xuất cơ giới hiện đại, được nước bạn Trung Quốc viện trợ và xây dựng ở vùng Thanh – Nghệ Tĩnh trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Là hạt nhân công nghiệp đầu tiên của chủ nghĩa xã hội miền Bắc, có quan hệ gắn bó máu thịt với đời sống của hầu hết bà con nông dân vùng trồng mía 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, lưu lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong tâm thức của đồng bào quê hương xô viết anh hùng.
Nhiệm vụ chính trị xuyên suốt qua các thời kỳ của Nhà máy là sản xuất đường và cồn, đảm bảo tốt yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và quốc kế dân sinh.
Trải qua một thời gian dài xây dựng và phát triển, cán bộ công nhân và các lực lượng lao động của đơn vị (cùng với sự góp công góp sức của đồng bào 2 tỉnh) đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần lao động quên mình, cần cù sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn gian khổ thiếu thốn cùng phấn đấu phát triển nhà máy lên một tầm cao mới với nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Trong thời kỳ kháng chống Mỹ, cán bộ công nhân viên nhà máy vừa nỗ lực tập trung sản xuất vừa chiến đấu hết sức dũng cảm, kiên cường, dám đương đầu với bom đạn, bất chấp mọi hiểm nguy cận kề để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với tinh thần “Tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược”, cán bộ công nhân viên nhà máy đã ngày đêm lên ca xuống kíp “tay búa. tay súng” để có thể giữ được tiếng còi tầm rền vang đều đặn 3 ca (24h/24h) trong ngày, mặc cho 1500 tấn bom đạn của giặc Mỹ dội xuống nhà máy làm 67 đồng chí tự vệ hy sinh, 62 đồng chí bị thương, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tài sản giữ vững sản xuất hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao hàng năm.
Những tấm gương anh hùng cao đẹp trong sản xuất và chiến đấu, quên mình vì sự nghiệp cách mạng của cán bộ công nhân nhà máy đã làm nên truyền thống quý báu và tốt đẹp để lưu truyền, bồi đắp và phát huy cho các thế hệ sau.
Thống nhất đất nước với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhà máy đã thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (1986-1996), sớm nắm bắt và vận dụng phù hợp vào điều kiện đang có, không ngừng kế tục và phát huy truyền thống cách mạng để nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục ổn định và giữ vững sản xuất, từng bước tạo dần thế và lực trên thị trường.
Qua nhiều năm đổi mới, trong điều kiện cơ chế thị trường khó khăn với những trang thiết bị cũ kỹ lỗi thời chưa được thay thế, Nhà máy đường Sông Lam Nghệ An vẫn đứng vững và ngày càng có nhiều nét khởi sắc, kinh tế phát triển năm sau cao hơn năm trước, tăng trưởng bình quân đạt 20% mỗi năm, hằng năm luôn vượt chỉ tiêu ngân sách của nhà nước giao (bình quân 1 tỷ đồng/năm), thu nhập bình quân đầu người tương đối cao, công tác quốc phòng an ninh được giữ vững, lực lượng tự vệ của nhà máy được tổ chức chặt chẽ và hoạt động có nề nếp. Những thành tích đó đã khẳng định nhà máy đường sông Lam xứng đáng là một trong những nhà máy luôn giữ vững lá cờ đầu trong sản xuất và phát triển của ngành công nghiệp tỉnh nhà.
Truyền thống qúy báu tốt đẹp về “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong chiến đấu và sản xuất của các cán bộ, công nhân nhà máy như những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập nhà máy (1958 -2013), Ban lãnh đạo Nhà máy đường Sông Lam Nghệ An đã cho ra mắt cuốn “Lịch sử nhà máy đường Sông Lam”. Ban lãnh đạo nhà máy hy vọng cuốn lịch sử này sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với những ai có sự quan tâm.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Sở Công thương Nghệ An, 2 đồng chí Nguyễn Tuấn Liệp và Nguyễn Phái (nguyên là những giám đốc qua các thời kỳ của nhà máy) cùng một số người liên quan đã tham gia góp ý, thẩm định, và hoàn thành cuốn“Lịch sử nhà máy đường Sông Lam” này.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành cuốn lịch sử này, song chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Ban biên tập rất mong nhận được sự thông cảm và góp ý chân thành của bạn đọc.
CÔNG TY CỔ PHẦN MÍA ĐƯỜNG SÔNG LAM
Địa chỉ: Xóm 3 – Đỉnh Sơn – Anh Sơn - Nghệ An