Cùng với sự ra đời của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành trong cả nước, BHXH tỉnh Sông Bé được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/1995 với chức năng nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện chế độ, chính sách BHXH cho người lao động có tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh.
Đến ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Dương được tái lập, từ đó BHXH tỉnh Sông Bé được đổi tên thành BHXH tỉnh Bình Dương.
Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy của Chính Phủ, ngày 24/01/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam sang BHXH Việt Nam và Chính phủ ban hành Nghị định 100/2002/NĐ-CP ngày 06/12/2002 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Trên cơ sở pháp lý nầy, cùng với cả nước, từ tháng 01/2003, ngoài việc bảo đảm thực hiện các chế độ BHXH được quy định tại Chương XII Bộ Luật lao động, Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Thủ tướng, BHXH tỉnh Bình Dương còn được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia.
CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN BHXH TỈNH BÌNH DƯƠNG :
1- Chức năng :
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Dương là cơ quan sự nghiệp nhà nước trực thuộc BHXH Việt Nam (là cơ quan sự nghiệp trực thuộc Chính phủ), đặt tại tỉnh nằm trong hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam, có chức năng giúp Tổng giám đốc tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT) và quản lý quỹ BHXH,BHYT, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam; chịu sự quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn lãnh thổ của UBND tỉnh Bình Dương.
BHXH tỉnh có tư cách pháp nhân, có trụ sở đặt tại tỉnh lỵ, có dấu, tài khoản riêng.
2- Nhiệm vụ, quyền hạn :
- Tổ chức xét duyệt hồ sơ, giải quyết các chính sách, chế độ BHXH; cấp các loại sổ, thẻ BHXH, BHYT;
- Tổ chức thực hiện thu các khoản đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện;
- Tổ chức quản lý, phát triển và lưu trữ hồ sơ các đối tượng tham gia BHXH;
- Tổ chức hợp đồng với cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp để phục vụ người có sổ, thẻ BHXH theo quy định;
- Tổ chức thực hiện công tác giám định chi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo khám chữa bệnh của người có sổ, thẻ BHXH;
- Tổ chức thực hiện chi trả các chế độ BHXH cho đối tượng đúng quy định;
- Thực hiện quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí; chế độ kế toán, thống kê theo quy định của nhà nước, của BHXH Việt Nam và hướng dẫn BHXH cấp huyện thực hiện;
- Kiểm tra việc thực hiện các chế độ thu, chi BHXH đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động, cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; kiến nghị với cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan cấp trên của đơn vị sử dụng lao động hoặc cơ sở khám chữa bệnh để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về các chế độ BHXH;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức và cá nhân theo thẩm quyền;
- Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ BHXH trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ BHXH;
- Tổ chức ứng dụng khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động BHXH tỉnh;
- Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, tài chính và tài sản thuộc BHXH tỉnh theo phân cấp của BHXH Việt Nam;
- Thực hiện chế độ báo cáo với BHXH Việt Nam và UBND tỉnh Bình Dương theo quy định.