Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên: Ông Nguyễn An Điềm
Tổng Giám Đốc: Ông Lê Văn Hồng
Địa chỉ: 198 Trần Hưng Đạo, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Điện thọai: 056.3821874/3827049 Fax: 056.3821862
Mã số Doanh nghiệp: 4100258987
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam: 43520
Năm thành lập: 1985
Vốn điều lệ: 221,343 tỷ đồng
Nhân viên: 5.000 nhân viên
Nghành nghề Kinh Doanh
- Trồng và khai thác rừng; Tư vấn thiết kế công trình lâm sinh; Kinh doanh nguyên liệu giấy; Khai thác, chế biến và mua bán hàng nông, lâm, thủy sản;
- Sản xuất và mua bán hàng công nghiệp thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, may mặc, giày da;
- Thăm dò, khai thác, chế biến mua bán tài nguyên khoáng sản các loại;
- Mua bán máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên phụ liệu cho ngành nông, lâm, thủy sản và vật liệu xây dựng;
- Mua bán máy móc, phương tiện vận tải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu;
- Kinh doanh truyền hình cáp và vật tư, thiết bị viễn thông;
- Kinh doanh dịch vụ Cảng biển;
- Kinh doanh khách sạn và dịch vụ ăn uống;
- Dịch vụ cho thuê kho, bãi, giao nhận và bảo quản hàng hóa; Sản xuất các loại bao bì, sản phẩm tiêu dùng từ chất dẻo;
- Đầu tư hạ tầng; Xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và kinh doanh bất động sản;
- Đầu tư tài chính vào các Doanh nghiệp.
I/ Giai đoạn 1985-1989:
Tổng Công ty Sản xuất Đầu tư Dịch vụ XNK Bình Định (tiền thân là Công ty Hợp Tác Khai Thác Chế Biến Lâm Sản xuất khẩu Bình Định – Ratanakiri-CPC) được thành lập từ năm 1985.
Nhìn lại chặng đường đã qua, trong những năm đầu mới thành lập, Công ty hợp tác khai thác chế biến lâm sản XK Bình Định- Ratanakiri với số vốn ban đầu chỉ có 3 triệu đồng, cơ sở vật chất nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, lại hoạt động chủ yếu ở tỉnh Ratanakiri- Campuchia, đất nước còn đang chiến tranh, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, bệnh tật đe dọa; Bên cạnh đó, vấn đề giao tiếp ngôn ngữ, phong tục tập quán bất đồng, kể cả việc vừa lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu cũng là thử thách khốc liệt… Có thể nói, điều kiện hoạt động của Tổng Công ty PISICO lúc đó rất khó khăn. Tuy nhiên, Đơn vị vẫn không ngừng phấn đấu, duy trì hoạt động, bám sát chủ trương chỉ đạo của Tỉnh để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời với nhiệm vụ khai thác chế biến gỗ, Công ty đã xây dựng và bàn giao một số công trình giao thông tại thị xã Bung Lung và các cơ sở công trình thiết yếu tại các huyện Pokeo, Odada, Lâm Phát như bệnh viện, cơ quan huyện đội, công an huyện, trường học,… đến nay các công trình vẫn phát huy hiệu quả sử dụng và để lại dấu ấn tình cảm đạm đà trong lòng nhân dân tỉnh Ratanakiri-Campuchia. Tuy vậy, hoạt động của Tổng Công ty PISICO tại nước bạn cũng chỉ duy trì đến năm 1989 do tình hình chính trị của Campuchia bất ổn, Công ty đã chuyển dần hoạt động sản xuất kinh doanh về trong nước, đánh dấu một bước quan trọng đối với mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
II/ Giai đoạn 1990 – 1995:
Đầu năm 1990, thực hiện quyết định của UBND tỉnh Bình Định, Công ty hợp nhất với Công ty Lâm Đặc sản xuất khẩu Bình Định, đổi tên là Công ty Xuất khẩu Lâm Đặc sản Bình Định. Vấn đề đặt ra là, đơn vị phải làm gì để tiếp tục tồn tại và phát triển khi không còn hiện trường khai thác gỗ, chưa có mặt bằng nhà xưởng để sản xuất, các điều kiện cần thiết để hoạt động kinh doanh ở trong nước từ trước hầu như bị cắt đứt,…Trước tình hình bức xúc đó, Tổng Công ty đã đề ra giải pháp “ Chuyển rừng về Việt Nam”, tập trung chủ yếu vào các mục tiêu cụ thể như:
Trồng rừng kinh tế tại Bình Định bằng nguồn vốn tích lũy qua các năm được UBND Tỉnh cho phép để lại cho doanh nghiệp và một phần vay ngân hàng, nhiệm vụ do Ban quản lý trồng rừng của công ty thực hiện (tiền thân của Công ty lâm nghiệp Hà Thanh hiện nay), là đơn vị đầu tiên của Tỉnh thực hiện công tác trồng rừng vì mục đích kinh doanh thương mại (khác với các tổ chức kinh tế trước đó là chủ yếu dùng vốn ngân sách cho đầu tư trồng rừng).
Thực hiện nhiệm vụ khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản do Xí Nghiệp khai thác vận chuyển lâm sản thuộc Tổng Công ty đảm nhận.
Tiến hành xây dựng, củng cố cơ sở chế biến gỗ tại Quy Nhơn - tiền thân của XNCB gỗ XK Quy Nhơn trực thuộc Tổng Công ty hiện nay; Đồng thời, tiếp nhận thêm 2 Xí nghiệp chế biến gỗ theo quyết định của UBND Tỉnh, là một trong những đơn vị tổ chức chế biến gỗ sơ và tinh chế xuất khẩu đầu tiên của Tỉnh, mở ra hướng chế biến gỗ xuất khẩu ở địa phương.
Mặt khác, để đẩy mạnh và mở rộng hoạt động thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, Công ty thành lập Chi nhánh tại TP HCM, làm đầu mối quan hệ giao dịch giữa Công ty với khách hàng và thực hiện ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp, triển khai thành lập Công ty nguyên liệu giấy (năm 1993) và thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu 100% vốn của Nhật Bản.
Đến cuối năm 1995, Công ty đã có 6 đơn vị trực thuộc, sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Kết quả sản xuất kinh doanh trên các chỉ tiêu chính chủ yếu (như: Doanh thu, Kim ngạch XNK và lợi nhuận) đều tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 1985 – 1989.
III/ Giai đọan 1996-2000:
Trên cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty ngày càng mở rộng, phát triển đi lên, được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định, sự hỗ trợ của các Ban Ngành, Công ty được thí điểm xây dựng theo mô hình Tổng Công ty Nhà nước. Đầu năm 1996, UBND Tỉnh ra quyết định thành lập Tổng Công ty Sản xuất Đầu tư Dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định, viết tắt là PISICO. Tổng Công ty bắt đầu phát triển đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề, kinh doanh tổng hợp, bổ sung thêm một số ngành nhề như: may thêu xuất khẩu, chế biến dừa, bao bì nhựa,... Điểm nổi bật của giai đoạn này là phát triển quy mô sản xuất, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, Tổng Công ty đã sử dụng số lao động gấp 3 lần giai đọan 1990-1995, với 10 đơn vị trực thuộc. Các đơn vị mới hoạt động, sản xuất kinh doanh từng bước đi vào ổn định, có hiệu quả, đóng góp vào hiệu quả chung của toàn Tổng Công ty.
Tuy nhiên, vì đầu tư phát triển quá nóng, thị trường trong nước và thế giới biến động, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, những năm cuối của giai đoạn này, một số đơn vị xuất hiện yếu tố tiềm ẩn rủi to, bất lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà Tổng Công ty cần phải tập trung giải quyết, để đột phá đi lên, giữ vững thế mạnh.
IV/ Giai đọan 2001-2006:
Đây là giai đoạn sắp xếp, củng cố hệ thống các đơn vị trực thuộc, chuyển giao hoặc giải thể một số đơn vị có hiệu quả thấp; Ưu tiên phát triển ngành nghề truyền thống có lợi thế của địa phương và của doanh nghiệp. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ mới, hiện đại cho ngành chế biến gỗ, đưa năng lực sản xuất lên gấp 5 lần giai đoạn trước liền kề; Giữ vững và phát triển lĩnh vực chế biến dăm làm nguyên liệu giấy, góp vốn liên doanh hình thành thêm 5 nhà máy trên địa bàn các tỉnh Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa,… tạo thành một hệ thống hợp tác vững mạnh, bảo đảm lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành trong cả nước.
Ngoài ra, Tổng Công ty còn tham gia mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực khác như: kinh doanh dịch vụ hạ tầng các cụm công nghiệp, các dự án chế biến hàng nông sản phục vụ nông nghiệp và nông thôn như chế biến thực phẩm xuất khẩu, chế biến tinh bột sắn,...
Trong giai đoạn này, Tổng Công ty PISICO đã hình thành thế mạnh truyền thống với hai mũi nhọn là chế biến gỗ và dăm gỗ nguyên liệu giấy xuất khẩu, có khả năng đáp ứng thị trường với vị thế cạnh tranh cao. Giai đoạn này, Tổng Công ty hoàn toàn chủ động được nguồn vốn, lành mạnh công tác quản lý tài chính, tạo được bước đột phá về tăng trưởng đi lên, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, các chỉ tiêu chính: Doanh thu, kim ngạch XNK, Lợi nhuận tăng gấp 2 lần giai đoạn (1996 – 2000), tạo tiền đề hình thành và phát triển Tổng Công ty theo mô hình mới ở giai đoạn tiếp theo.
V/ Giai đọan từ 2007 - nay:
Từ giữa năm 2006, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định số 61/2006/QĐ-UBND về việc áp dụng mô hình Công ty mẹ – Công ty con đối với Tổng Công ty. Sau một thời gian chuẩn bị, năm 2007 là năm đầu tiên Tổng Công ty PISICO chính thức thực hiện quản lý điều hành sản xuất kinh doanh theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Toàn hệ thống PISICO có 22 đơn vị trực thuộc, với 3 loại hình: Đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ, Các công ty con (do Tổng Công ty sở hữu cổ phần chi phối >50% VĐL), Các đơn vị thành viên liên doanh liên kết (Tổng Công ty sở hữu cổ phần ≤ 50% VĐL), sản xuất kinh doanh rất đa dạng, phân bổ trên địa bàn rộng. Trong giai đọan này, Tổng Công ty tập trung xây dựng đơn vị thật sự mạnh, có cơ sở nguồn lực vững chắc, với quy mô lớn, đóng góp một phần quan trọng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, thực hiện nộp ngân sách ngày càng tăng và đúng luật, tạo việc làm ổn định, cải thiện nâng cao đời sống cho người lao động trong toàn hệ thống PISICO.
Thực hiện Quyết định số 815/QĐ-TTg ngày 28/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới Công ty 100% vốn Nhà nước thuộc UBND tỉnh Bình Định giai đoạn 2007 - 2010. Theo đó, Tổng Công ty Sản xuất Đầu tư Dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO) được Ủy Ban Nhân dân tỉnh Bình Định ra quyết định số 265/QĐ-UBND ngày 23/6/2010 về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi Tổng Công ty Sản xuất Đầu tư Dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm Chủ sở hữu 100% và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ ngày 01/7/2010.