Yên Bình là huyện miền núi nằm ở phía đông nam tỉnh Yên Bái. Trung tâm huyện cách thành phố Yên Bái 8Km về phía đông nam, cách thủ đô Hà Nội 170Km về phía tây bắc, phía đông nam giáp huyện Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ, phía tây nam giáp thành phố Yên Bái, phía tây bắc giáp thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và Huyện Văn yên, phía đông bắc giáp huyện Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang, phía bắc giáp huyện Lục Yên. Trên địa bàn có tuyến quốc lộ 70 từ Hà Nội đi Yên Bái và đi Lào Cai chạy qua trung tâm và một số xã của huyện. Huyện Yên Bình có tổng diện tích tự nhiên là 77.319,67 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp có 57.690,43 ha chiếm 74,61% tổng diện tích tự nhiên. Yên Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,90C. Lượng mưa bình quân hàng năm là 2.121,2mm, số ngày mưa trung bình là 136 ngày, tập trung từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Độ ẩm trung bình là 37% và không có sương muối. Do đặc điểm là huyện có diện tích mặt nước nhiều (hồ Thác Bà trên 15.000 ha) nên khí hậu vùng này mang tính chất vùng hồ: mùa đông ít lạnh, mùa hè mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu; trồng cây công nghiệp chè, cao su, cây ăn quả và là tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch dịch vụ.
Đặc điểm đất đai thổ nhưỡng của Yên Bình là nhiều loại đất, nhóm đất đỏ vàng (Feralit) là nhóm đất chiếm phần lớn diện tích trong huyện (61%) gồm nhiều loại đất có khả năng phát triển cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su, cây ăn quả), cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày (mía...) và phát triển đồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc. Nhóm đất dốc tự phân bổ rải rác ở các thung lũng sông suối có khả năng cải tạo thâm canh trồng cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhóm đất phù sa phân bố dọc hai bên bờ sông Chảy có đặc tính độ phì cao của phù sa đáp ứng được yêu cầu của các loại cây màu và cây lương thực.
Các tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng còn kể đến một số khoáng sản: đá vôi hoa hoá có độ trắng cao, đá vôi vật liệu xây dựng, chì, kẽm, pyrit, cao lanh, fenpat; ngoài ra có đá quý, bán đá quý và các loại cát, quặng vàng, than nâu...những loại tài nguyên này đều có trữ lượng khá lớn.
Là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của Tỉnh Yên Bái và Lào Cai với Hà nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc,đó là thuận lợi quan trọng để phát triển kinh tế dịch vụ. Huyện có nhiều tiềm năng về khoáng sản, có thể phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp: đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn quả có múi, cây lương thực và có nhiều điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thuỷ sản.
Đặc điểm kinh tế - xã hội:
Yên Bình có dân số là 107.398 người, lực lượng lao động xã hội 45.037 người, trong đó lực lượng lao động nông thôn chiếm 76,5%. Trên địa bàn huyện có 5 dân tộc chính là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao lan (Sán chay) sống xen kẽ với nhau từ lâu đời. Mật độ dân cư bình quân toàn huyện là 139 người dân/Km2, nhìn chung sự phân bố dân cư không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các xã hạ huyện và thị trấn huyện lỵ, riêng xã vùng cao Xuân Long chỉ có 49,1 người/Km2. Đồng bào các dân tộc trong huyện đoàn kết, cần cù lao động, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Yên Bình có 26 đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm 24 xã và 2 thị trấn (1 thị trấn trung tâm huyện lỵ), trong đó có 1 xã vùng cao và 6 xã đặc biệt khó khăn. Các đơn vị này được phân bố thành 4 vùng: Vùng trung tâm huyện có 4 xã và Thị trấn Yên Bình; Vùng Tây hồ gồm 9 xã dọc quốc lộ 70 ; vùng hạ huyện có 6 xã và thị trấn Thác Bà; vùng thượng huyện có 9 xã nằm ở phía Đông và đông bắc hồ Thác bà.
Hiện nay, toàn huyện có 79 trường học với gần 900 lớp học từ ngành học mầm non đến phổ thông trung học, tổng số học sinh hàng năm có khoảng 25.000 em, chiếm tỷ lệ 24% so với dân số. Năm 1995 toàn huyện đã cơ bản hoàn thành xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Hiện có 25/26 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vè phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 26/26 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở .
Huyện có một bệnh viện trung tâm, 3 phân viện – phòng khám khu vực (Thác Bà, Cẩm Nhân và Cẩm Ân) và 26 trạm y tế cơ sở xã, thị trấn, bình quân 1 vạn dân có 3,2 bác sỹ.
Về tình hình kết cấu hạ tầng nông thôn, toàn huyện có 422 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ đang sử dụng khai thác, trong đó có 107 công trình kiên cố, 35 công trình tạm hàng năm đáp ứng khoảng 75% nhu cầu tưới tiêu. Trên địa bàn có 56 Km đường quốc lộ, 93,5 Km đường tỉnh lộ và gần 400Km đường liên xã, liên thôn. 100% số xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các tuyến đường thuỷ quan trọng trên lòng hồ Thác bà, nối liền các xã, thị trấn ven hồ. Mạng lưới điện quốc gia đã được phủ hầu hết 26/26 xã, thị trấn. Về thông tin liên lạc, hiện tại trên địa bàn huyện đã có 26/26 xã có điện thoại, 26/26 xã đã xây dựng được điểm bưu điện văn hoá. Bình quân 10 máy điện thoại cố định/100 người dân.Toàn huyện có trên 99 % số dân được sử dụng điện; 96% diện tích được phủ sóng phát thanh truyền hình. Tỷ lệ hộ nghèo còn 17%.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế xã hội, song huyện còn nhiều khó khăn: Kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, giao thông đi lại khó khăn do bị chia cắt bởi Hồ Thác Bà. Diện tích đất canh tác nông nghiệp có ít, công nghiệp địa phương phát triển chưa mạnh. Trình độ dân trí còn thấp không đồng đều giữa các dân tộc, tập quán canh tác, tập quán sinh hoạt vẫn còn lạc hậu, đời sống của một bộ phân nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.