Tân Kỳ là một huyện miền núi phía tây của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 90 km. Huyện có đường Trường Sơn đi ngang qua. Huyện lỵ là thị trấn Tân Kỳ.
Địa lý - Dân cư
Diện tích 725,7 km2. Địa hình đồi, xen kẽ núi thấp, đất đỏ vàng đồi núi. Điểm cao nhất là đỉnh Phu Loi (1100 m). Có sông hiếu chảy qua.
Dân số 133.300 người (2003) gồm các dân tộc Kinh, Thổ,Thái
Lịch sử
Tân Kỳ là huyện mới được tách ra từ hai huyện, là huyện Anh Sơn và huyện Nghĩa Đàn ngày 19/4/1963. Đến năm 2010 này, huyện Tân Kỳ mới 47 tuổi.
Tân Kỳ tự hào có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua, nổi bật nhất là Cột mốc số 0, điểm đầu của con đường anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ.
Hành chính
Gồm 1 thị trấn: Tân Kỳ - huyện lỵ (còn gọi là thị trấn Lạt), 21 xã bao gồm: Tân Phú, Tân Hợp, Tân Xuân, Nghĩa Bình, Giai Xuân, Nghĩa Thái, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hợp, Đồng Văn, Nghĩa Phúc, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Dũng, Tiên Kỳ, Nghĩa Hành, Hương Sơn, Kỳ Sơn, Kỳ Tân, Phú Sơn, Tân Long, Tân An và Tân Hương.
Kinh tế
Nông nghiệp: Trồng trọt: lúa, ngô (bắp), sắn; Cây ăn quả (cam, chanh, vải, mít, dưa hấu); Cây công nghiệp tiêu, mía đường, cao su (gần đây phát triển khá mạnh), dâu tằm. Chăn nuôi: trâu, bò, lợn, gà, ba ba, rắn.
Khai thác khoáng sản: Đá vôi.
Công nghiệp: Chế biến nông sản, mía đường, bia hơi, phân vi sinh.
Dù kinh tế còn nghèo nhưng Tân Kỳ có nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là kể từ khi đường mòn Hồ Chí Minh làm xong.
Giao thông
Huyện có quốc lộ 15 chạy qua, trước đây thuộc tỉnh Nghệ An; từ 1975, thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh; từ 20.6.1991, trở lại tỉnh Nghệ An
Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), ông Nguyễn Duy Thuỷ, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã và đang xây dựng được một “nền móng” thật chắc chắn, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm tới.
Cũng theo ông Thuỷ, thời gian qua mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, giám sát của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, sự điều hành của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, vì vậy đã thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời xác định rõ tiềm năng và thế mạnh của mình để tạo bước đột phá vươn lên phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Nhờ đó nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn giữ ổn định, trong đó có nhiều lĩnh vực tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân được đảm bảo.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, UBND huyện chỉ đạo thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đồng thời vận hành đúng quan điểm, chủ trương, chỉ đạo các ban ngành liên quan vận dụng, sáng tạo, để rồi từ đó cho kết quả cao. Thời gian qua, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên, UBND huyện đã chỉ đạo áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ, bên cạnh đó là đưa các loại giống cây phù hợp, vì vậy một số diện tích sản xuất đã được khai thác triệt để, đưa năng suất cũng như chất lượng được nâng lên một cách toàn diện và hiệu quả.
Báo cáo của UBND huyện về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2010 cho biết, sản xuất nông nghiệp tiếp tục "được mùa". Diện tích lúa đạt kế hoạch, năng suất tăng. Diện tích và sản lượng lạc, đậu và các cây rau màu đều được giữ ổn định. Và dự báo, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm nay ước đạt 367,6 tỷ đồng, tăng 4,2%, trong đó, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu với 65,7%, tiếp đó là chăn nuôi 31,2% và dịch vụ nông nghiệp đang chiếm với tỷ lệ khiêm tốn 3,1%. Sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 58.350 tấn, tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 4,45%. Ngoài ra, Tân Kỳ cũng chú trọng phát triển một số cây công nghiệp ngắn và dài ngày có giá trị kinh tế khác cao như cây mía, sắn, lạc, cao su và các loại cây ăn quả... cũng đang cho thu nhập khá và góp phần quan trọng trong việc thu nhập của nhân dân.
Trụ sở UBND huyện Tân Kỳ. Ảnh: Danh Tiến Hoà
Lĩnh vực chăn nuôi bước đầu có chuyển biến tích cực, chất lượng đàn gia súc gia cầm trên địa bàn được tăng lên. UBND huyện cũng đã chỉ đạo tiến hành quy hoạch vùng sản xuất giống và trồng cỏ, chuồng trại, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như vấn đề con giống (Bò lai Sind, lợn lai hướng nạc...); xây dựng và thực hiện đề án chăn nuôi đại gia súc, phát triển trang trại, tổ chức mạng lưới thú y phòng chống dịch bệnh... Cho nên, mặc dù dịch bệnh thường xuyên đe doạ, giá cả đầu ra không ổn định, tổng số lượng đàn tăng chỉ ở mức 9% nhưng sản lượng xuất chuồng lại tăng cao, tăng đến 17,3% so với năm 2005.
Là huyện miền núi, diện tích nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu từ các hồ đập và một số sông suối chảy qua nên diện tích và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đang còn chiếm tỷ lệ thấp trong tổng giá trị toàn ngành (khoảng 2,5%). Tuy nhiên, trong những năm qua huyện đã chú trọng bảo vệ và phát triển diện tích mặt nước hồ đập hiện có để phát triển nuôi trồng thuỷ sản, cung cấp một phần nhu cầu thực phẩm tại chỗ với sản lượng ước đạt 1.214 tấn.
Bên cạnh nông nghiệp thì tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ - thương mại cũng được đầu tư phát triển nhằm cải thiện thu nhập cho bà con vừa phát triển toàn diện kinh tế nông thôn trong thời kỳ hội nhập. Tổng giá trị sản xuất CN – XD năm 2010 ước đạt 603 tỷ đồng, tăng bình quân 18,7% và bằng 101% kế hoạch. Trong đó, giá trị ngành xây dựng tăng nhanh đạt 196% KH. Đây là kết quả của việc thực hiện thành công chính sách kích cầu đầu tư trên địa bàn. Trên địa bàn huyện có 3 khu công nghiệp nhỏ tại 3 vùng kinh tế tại các xã như: Khu CN xã Đồng Văn với diện tích 19,5 ha; khu CN xã Nghĩa Dũng diện tích 14,5 ha; Cụm KCN tại xã Tân Phú 7ha, xã Giai Xuân 10 ha, xã Tân Hợp 10 ha.
Hiện nay Tân Kỳ đang đầu tư xây dựng hạ tầng Khu CN xã Đồng Văn và tiếp tục mở rộng cửa với những chính sách ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư tăng cường đầu tư để đưa CN – XD tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó thì các ngành CN - TTCN như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông – lâm – thuỷ sản tiếp tục được duy trì và mở rộng hoạt động hiệu quả đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành dịch vụ cũng có bước đột phá. Các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tăng nhanh: Năm 2005 trên địa bàn huyện có 1.437 cơ sở kinh doanh cá thể thì đến 2010 đã có đến 1.984 cơ sở; hệ thống chợ ngày càng được củng cố và phát triển, trong thời gian tới huyện đang có kế hoạch xây thêm một số chợ, đặc biệt là ở những xã chưa có chợ để mở rộng môi trường giao lưu buôn bán, lưu thông hàng hoá tăng giá trị sản xuất dịch vụ trên địa bàn.
Có thể thấy rằng kinh tế Tân Kỳ những năm gần đây tiếp tục tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006 – 2010 ước đạt 10,23%, giá trị sản xuất tăng bình quân 11,6% KH. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng CN – XD tăng từ 22,4% năm 2005 lên 32,6% năm 2010, tỷ trọng nông – lâm – thuỷ sản giảm từ 49,7% xuống 39,3%, tỷ lệ các ngành dịch vụ tăng nhẹ từ 27,9% lên 28,2%...
Cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Danh Tiến Hoà
Được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều mặt của cấp trên, UBND huyện đã tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý đất đai. Một mặt, địa phương cũng đã chỉ đạo tốt việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị. Với phương châm tăng cường huy động mọi nguồn lực trong dân, đồng thời tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của dự án trợ giúp, trên địa bàn huyện đã thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm quan trọng. Nhiều công trình sau khi hoàn thành đã đưa vào sử dụng với chất lượng cao, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Trong đó, trọng điểm là xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã và cải tạo hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu trên toàn địa bàn huyện.
Đồng thời làm tốt việc nâng cấp công suất điện lưới và xây dựng các công trình nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng xã hôi như trường học, trạm y tế và các điểm hoạt động văn hoá, vui chơi, TDTT cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay hầu hết trường học đã được kiên cố hoá, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được hoàn thiện; Bệnh viện, trạm y tế được đầu tư cả cơ sở vật chất và con người để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bênh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
Song song với việc phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội cũng đã được coi trọng. Công tác giáo dục đào tạo luôn luôn được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Đội ngũ giáo viên từng bước được bổ sung cả về số lượng và chất lượng (GV đạt chuẩn đạt 97,4% 2005 tăng lên 98% năm 2010 ); tiếp tục duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS ; các trung tâm học tập cộng đồng của các xã được thực hiện có hiệu quả góp phần xây dựng xã hội học tập; tỷ lệ tốt nghiệp các cấp phổ thông của huyện hằng năm đạt khá cao. Năm học 2008 – 2009 tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98% và THPT đạt 82%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cũng đạt khá. Đến nay toàn huyện có đến 29 trường, chiếm 39%; lực lượng lao động qua đào tạo cũng tăng dần qua các năm. Công tác văn hoá - thông tin - thể dục thể thao được nâng cao chất lượng. Chính sách xã hội - xoá đói giảm nghèo được thực hiện một cách đồng bộ. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được giữ vững và không ngừng ổn định...
Bước vào kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, huyện Tân Kỳ được thừa hưởng những thành quả do công cuộc đổi mới mang lại, một số dự án đầu tư và các đề án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn trước được phát huy hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện tốt hơn. Đặc biệt, kinh tế trong những năm qua phát triển nhanh chóng, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng vững chắc là nền tảng tạo thế và lực mới trong những năm tiếp theo.