TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG, BÁO AN GIANG TIẾP TỤC TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
"…Báo An Giang đã phản ánh kịp thời các sự kiện xã hội quan tâm, các chủ trương của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh qua việc quán triệt, cụ thể hoá và điều hành hàng ngày của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự vận hành của cả hệ thống chính trị địa phương và cuộc sống sinh động cộng đồng…". Đó là lời nhận xét chân tình của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Minh Chiếu về Báo An Giang. Lời nhận xét trên thật xác đáng và đầy khích lệ, tô đậm thêm thành tích và sự trưởng thành sau hơn 30 năm tiếp nối truyền thống báo chí cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến.
Đôi dòng lịch sử:
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ngày 20-5-1975, bộ phận Thông tấn -Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Long Châu Hà cho ra mắt tờ tin đầu tiên với măng -sét " Tin tức Long Châu Hà" gồm 2 trang khổ giấy A4 do ông Trần Thu Đông phụ trách cùng các cộng sự: Lê Nam Thắng, Ngô Thành Lũy, Hữu Sơn, Trương Thanh Hồng. Ngày 19-8-1975, tờ tin " Long Châu Hà" chính thức trở thành tuần báo, với 4 trang khổ 29 x 41 cm. Đây là số báo chuyển tiếp từ giai đoạn chiến tranh sang hòa bình. Ban Biên tập và phóng viên lúc này là các đồng chí làm báo từ chiến khu ra, kết hợp với sinh viên, học sinh yêu nghề tại chỗ, chưa qua trường lớp nghiệp vụ. Trước thực tế đó, ông Trần Thu Đông đã mở lớp nghiệp vụ báo chí chủ yếu hướng dẫn những người làm báo một số kiến thức cơ bản về cách viết tin, bài. Cũng trong năm đó, bà Nguyễn Thụy Vân ( bảy Vân ) Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy tiếp tục mở thêm một lớp nghiệp vụ báo chí tương tự cho lực lượng viết trẻ ở các huyện, thị..
Năm 1976, tờ báo "Long Châu Hà" đổi tên thành Báo An Giang do ông Trần Thu Đông làm Tổng Biên tập, ông Ngô Thanh Phong làm Phó Tổng Biên tập cùng các ủy viên Ban biên tập: Nguyễn Thị Linh Phượng, Lê Ngọc Bích và các phóng viên ảnh: Văn Ngàn, Trần Bình, Thanh Huy; phóng viên viết : Thành Lũy, Hữu Sơn, Nam Thắng. Dù người ít, phương tiện nghiệp vụ còn rất thô sơ lại hoạt động trên địa bàn rất rộng gồm 11 huyện, thị hiện nay và huyện Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Thành A, nhưng báo An Giang đã hoàn thành tốt vai trò thông tin tuyên truyền, phản ánh và định hướng dư luận trong chiến tranh biên giới bảo vệ tỉnh nhà; cải tạo đồng ruộng tăng nhanh sản lượng lương thực để vượt qua cảnh thiếu đói, làm nghĩa vụ tiền tuyến và cả nước, ổn định trật tự phía sau để từng bước xây dựng lại quê hương.
Trên đường phát triển
Giai đoạn chuyển tiếp từ thời kỳ bao cấp sang thời kỳ đổi mới 1986 -1990, nền kinh tế đất nước có nhiều đổi mới sau Đại hội VI của Đảng, nền kinh tế- xã hội của tỉnh nhà cũng chuyển biến tích cực. Báo An Giang đã khởi động với khí thế mới, phản ánh nhiều chiều, phát hành rộng rãi ra dân từ 5.000 tờ/kỳ/tuần tăng lên 10.000 tờ/kỳ, với 2 kỳ/tuần và từ 4 trang trắng đen tăng lên 8 trang, in 2 màu. Từ đó, Báo An Giang đã thực sự trưởng thành và phát triển toàn diện.
Từ 17 cán bộ, phóng viên vào những năm đầu thành lập, hiện nay Báo An Giang đã tăng lên 42 người, trong đó có 20 đảng viên. Từ trình độ chính trị, chuyên môn hạn chế nay đã có nhiều đồng chí có trình độ cử nhân chính trị, đa số phóng viên đều có 1 đến 2 bằng đại học. Báo An Giang hiện có gần 200 cộng tác viên đang hoạt động trong và ngoài tỉnh thường xuyên cộng tác, trong số này có cả các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học nổi tiếng trong nước.
Về hình thức, Báo An Giang từ 4 trang trắng đen đã từng bước nâng lên 8 trang 2 màu, rồi 12 trang (trong đó có 4 trang in 4 màu, 8 trang in 2 màu) phát hành định kỳ từ 1 kỳ/tuần lên 2 kỳ/tuần, 3 kỳ/tuần rồi 4 kỳ/tuần. Số lượng phát hành từ 2.000 tờ/kỳ tăng lên 5.000 tờ, 8.000 tờ, rồi 10.000 tờ/kỳ (năm 2008 báo An Giang phát hành hơn 2.000.000 tờ, là 1 trong 10 tờ báo Đảng của cả nước có số lượng phát hành cao nhất). Đó là chưa kể các số báo đặc biệt hàng năm như : 30-4, Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày sinh Bác Tôn… Cùng với báo An Giang điện tử có số lượng bạn đọc truy cập khá cao, bình quân gần 6.000 lượt bạn đọc truy cập mỗi ngày, báo An Giang in đã góp phần đáng kể vào tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh An Giang.
Với sự phát triển khá đồng đều, có sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các ban ngành và sự điều hành ổn định của Ban Biên tập do đồng chí Ngô Thanh Phong làm Tổng Biên tập ( từ năm 1987 đến tháng 1-2009) và ông Tân Văn Ngữ làm Tổng Biên tập (từ tháng 2-2009 đến nay) Báo An Giang đã trưởng thành vượt bậc.