Được chính thức thành lập vào ngày 10/6/1982
Tên ban đầu: (1982-1992)
Cơ quan chủ quản trực tiếp : Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Cơ quan quản lý về chuyên môn: Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch
Cơ quan phối hợp trong quan hệ đối tác với UNESCO: Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam
Tư vấn và phối hợp quốc tế trong công tác quản lý bảo tồn di sản: Văn phòng UNESCO tại Hà Nội
Ban Giám đốc :
1. Phùng Phu (Kiến trúc sư): Giám đốc
2. Mai Xuân Minh( Cử nhân Kinh tế) : Phó Giám đốc.
3. Phan Thanh Hải (Tiến sĩ Sử học): Phó Giám đốc
4. Phan Văn Tuấn (Kỹ sư Xây dựng):Phó Giám đốc
Cơ cấu nhân sự : gồm 11 phòng ban với tổng số nhân sự là 710 người. Trong đó có hơn 300 cán bộ có bằng cử nhân và trên đại học.
Chức năng chính:
Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế (được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1993), giá trị Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể Đại diện của Nhân loại năm 2003), và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích.
Những năm qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ, của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là sự phát huy nội lực của bản thân, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã gặt hái được nhiều thành tích đáng kể. Gần 100 công trình di tích và hạ tầng cơ sở ở các mức độ khác nhau được tu bổ hoàn nguyên và từng phần; Tổ chức thành công trên 20 hội thảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; Xuất bản gần 30 đầu sách và kỷ yếu hội thảo; Thực hiện được nhiều đề tài nghiên cứu cấp bộ, ngành khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong lĩnh vực bảo tồn; Tổ chức hàng trăm cuộc biểu diễn Nhã nhạc, hàng chục cuộc trưng bày triển lãm về di sản văn hóa Huế trong nước và quốc tế; Thực hiện thành công hai bộ hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận quần thể di tích Huế là "Di sản văn hóa thế giới" (được công nhận ngày 11/12/1993) và Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam là "Di sản Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại" năm 2003; Hợp tác với hàng chục tổ chức, học viện và trường đại học trong và ngoài nước về nghiên cứu và đào tạo; Hợp tác và phối hợp với các tổ chức bảo tồn quốc tế thực hiện hàng chục dự án bảo tồn, tu bổ di tích và các tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao. Ngoài ra, Trung tâm còn ra tờ tin chuyên đề theo định kỳ hàng quý từng năm.
Để phục vụ đắc lực cho công tác phục hồi và trùng tu di tích, các ngành nghề thủ công truyền thống phục vụ cho công tác tu bổ đã được phục hồi. Xưởng Sản xuất vật liệu truyền thống của TTBTDTCĐ Huế (nay là Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế) đến nay đã sản xuất thành công và cung cấp ngói tráng men Thanh lưu ly và Hoàng lưu ly cho hơn 35.000m2 mái lợp các cung điện. Các ngành nghề khác như: sơn thếp, nề ngoã, hội họa, lắp ghép sành sứ, mộc, sản xuất pháp lam, đúc đồng truyền thống và các nghệ nhân nghề thủ công của địa phương cũng đã được hỗ trợ, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển theo định hướng bảo tồn, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh việc bảo tồn các tài sản văn hóa vật thể, công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể cũng từng bước được khẳng định. Kể từ khi thành lập (1994), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đến nay đã có gần 100 diễn viên, nhạc công đã qua đào tạo chuyên ngành; có đội ngũ cán bộ, chuyên viên am hiểu nghệ thuật; có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín và giàu kinh nghiệm... Nhiều năm qua, Nhà hát đã sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn trên dưới 40 bài nhạc lễ; xây dựng nhiều điệu múa cung đình đặc sắc. Bên cạnh đó, Nhà hát còn tham gia nhiều Festival, liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước được dư luận đánh giá cao.
Việc xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Huế cũng được đẩy mạnh bằng các cuộc thi tìm hiểu về di tích Huế trong học đường, và cho các đoàn viên thanh niên thuộc các cơ quan nhà nước trong Tỉnh, thi thiếu nhi vẽ tranh về di tích Huế, khuyến khích sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến di tích, ghi băng hình các nghệ nhân hoặc thu thập thông tin từ các nhân chứng sống đã từng làm việc tại các di tích Huế... Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện phương án mở cửa miễn phí các điểm di tích cho khách tham quan vào ngày Quốc khánh Nước Cộng Hoà Xã hội chủ Nghĩa Việt Nam (2-9) và ngày mồng Một tết Âm lịch hàng năm để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho đông đảo công chúng. Nhà hát Nghệ thuật Hoàng gia Duyệt Thị Đường cũng được mở cửa các ngày trong tuần với những chương trình âm nhạc truyền thống đặc sắc do các diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Cung Đình Huế biểu diễn phục vụ cho khách du lịch, góp phần làm phong phú thêm nội dung tham quan. Nhân dịp Festival Huế 2006 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức "Đêm Hoàng cung" ở Đại Nội Huế và hướng tới tổ chức định kỳ vào một số ngày trong tháng; Lễ hội Nam giao và Lễ hội Truyền lô cũng đã lần đầu tiên được tái hiện sau gần 100 năm. Đó cũng là 3 chương trình trọng điểm trong Festival Huế vừa qua được dư luận đánh giá rất cao.
Là một đơn vị lớn mạnh trên lĩnh vực quản lý bảo tồn và trùng tu di sản văn hoá, được UBND Tỉnh giao nhiệm vụ tự hạch toán thu chi ngân sách hàng năm doanh thu từ vé tham quan di tích, hàng năm, ngoài nguồn vốn Trung ương cấp và vốn kêu gọi tài trợ từ các tổ chức quốc tế, Trung tâm trích thêm một khoảng 40% trong tổng doanh thu của đơn vị (trên dưới 20 tỷ đồng) cho công tác bảo tồn và tu bổ di tích.
Những nỗ lực của Trung tâm BTDTCĐ Huế đã mạng lại những thành quả đáng kể. Lượng khách đến thăm di tích Huế tăng đều qua các năm. Năm 1993 di tích Huế chỉ đón 243.000 lượt người tham quan, thì năm 2002 tăng lên đến 1,3 triệu lượt người, tổng doanh thu thu được lên tới 33,7 tỷ đồng; năm 2005 đón gần 1,4 triệu lượt khách, doanh thu đạt 49 tỷ đồng (tăng 16,2% so kế hoạch), tính đến tháng 11 năm 2007 đón gần 1.550.000 lượt khách, doanh thu hơn 70 tỷ đồng (tăng hơn 20% so với năm ngoái).