Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) được thành lập năm 1989, là một tổ chức của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. HHDN TP.HCM hoạt động nhằm mục đích đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, hỗ trợ hội viên bằng cách cung cấp các hoạt động dịch vụ trong diện rộng, hoặc các điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Lịch sử hình thành và phát triển:
Năm 1975 : thành lập Ban Liên lạc Công thương TP. HC
Năm 1989 : được đổi tên thành Hội Công Kỹ Nghệ Gia TP. HCM (QĐ số 129/ QĐ-UB ngày 24/03/1989);
Năm 1993 : được đổi tên thành Hiệp hội Công Kỹ Nghệ Gia TP. HCM (QĐ số 756/ QĐ-UB ngày 14/05/1993);
Năm 1994 : được đổi tên thành Hiệp hội Công Thương TP. HCM ( QĐ số 1324/ QĐ-UB ngày 05/05/1994);
Năm 2004 : được đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (QĐ số 2596/ QĐ-UB ngày 07/06/2004).
Chức năng và nhiệm vụ:
Tập hợp ý kiến và các vấn đề doanh nghiệp quan tâm để đề xuất với Chính quyền nhằm xây dựng các chính sách có hiệu quả nhất, tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hội viên phát huy khả năng cạnh tranh, tồn tại và phát triển trong tình hình kinh tế mới;
Tổ chức thực hiện liên kết và hỗ trợ giữa các hội viên để thỏa thuận điều hòa giá cả, chất lượng sản phẩm và phân công thị trường; là tổ chức trung gian nghiên cứu khảo sát, điều tra thị trường, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm và phát triển thị trường;
Cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về các lĩnh vực kinh tế, các tiến bộ kỹ thuật; huấn luyện kỹ năng quản trị doanh nghiệp để nâng cao trình độ cán bộ quản lý và tay nghề cho công nhân của doanh nghiệp;
Hoạt động dựa trên cơ sở điều lệ được Ủy ban Nhân dân TP. HCM phê duyệt, HHDN TP. HCM có mối quan hệ tích cực với các Hiệp hội, đơn vị, tổ chức khác để hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam.
Các đơn vị trực thuộc:
Báo Doanh nhân Sài Gòn (năm 1994: thành lập Bản tin Công thương (QĐ số 3321/ QĐ-UB ngày 05/01/1994); đến năm 2003: Bản tin Công thương được đổi tên thành Tuần Báo Doanh nhân Sài Gòn (QĐ số 5307/ QĐ-UB ngày 05/12/2003));
Trung tâm Tư vấn Pháp luật (năm 1994: thành lập Văn phòng Tư vấn Pháp luật (QĐ số 02/STP ngày 13/01/1994); đến năm 2004: đổi tên thành Trung tâm Tư vấn Pháp luật (VB ngày 08/10/2004 của Sở Tư Pháp TP. HCM));
Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và vừa: được thành lập năm 2001 (QĐ số 3161/ QĐ-UB ngày 29/05/2001).
Các hoạt động chính:
Đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương chính sách Pháp luật: thường xuyên thảo luận với các doanh nghiệp hội viên, nắm bắt những vấn đề khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kết hợp với ý kiến của các Chuyên gia để phản ánh đến Chính quyền và các cơ quan chức năng tìm giải pháp tháo gỡ và có chính sách hiệu quả tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh.
Tìm kiếm, phát triển thị trường và hoạt động thương mại: tổ chức Hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm; tổ chức gặp gỡ giữa người bán, người mua và tích cực tham gia với tư cách đại biểu thương mại tại các hội chợ trong nước và ngoài nước, nhằm xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài nước, nhằm xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và cung cấp thông tin về thị trường tiềm năng, hoặc để trao đổi thầu phụ.
Huấn luyện đào tạo: Đào tạo kỹ năng quản trị Doanh nghiệp, kỹ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và tay nghề của công nhân. Xây dựng chuẩn hóa giáo trình đào tạo phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tư vấn: cung cấp Chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực như: luật pháp, thuế, tài chính, kỹ thuật, lao động, môi trường và hướng dẫn các tiêu chuẩn Quốc tế về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh.
Thông tin và liên kết:
Thường xuyên cung cấp văn bản pháp luật: tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các Hội ngành nghề, Câu lạc bộ Doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp xúc thương mại điện tử và Web-site; xuất bản báo tuần để cung cấp các thông tin cần thiết cho sự phát triển của Doanh nghiệp như tài chính, thuế, thương mại, chủ trương chính sách của Cính phủ; xây dựng các dữ liệu về hội viên, xuất bản kỷ yếu và các ấn phẩm liên quan.
Hướng dẫn Doanh nghiệp vay ngắn hạn và hỗ trợ Doanh nghiệp thông qua Quỹ hỗ trợ tương hỗ; kêu gọi sự hợp tác tài chính nhằm thực hiện những dự án mà từng doanh nghiệp khó thực hiện nổi. (Hiệp Hội Doanh Nghiệp TPHCM)