Quá trình hình thành và phát triển của Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà từ khi thành lập đến nay có thể chia thành 2 giai đoạn như sau:
• Giai đoạn 1: từ năm 1992 đến năm 2001
Sau khi công trình thủy điện Hòa Bình được xây dựng xong, để giải quyết nguồn nhân lực còn dôi dư hoặc không có điều kiện chuyển đi công tác nơi khác, lãnh đạo Tổng công ty xây dựng thủy điện Sông Đà quyết định xây dựng Nhà máy xi măng Sông Đà lò đứng với dây chuyền thiết bị, công nghệ nhập từ Trung Quốc, công suất thiết kế 8,2 vạn tấn xi măng/ năm.
Nhà máy được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 02 năm 1993 với tổng diện tích đất đai là 35.333 m2, trong đó diện tích nhà xưởng là 32.600 m2, diện tích sân bãi là 2.733 m2. Các phân xưởng được bố trí linh hoạt, phù hợp với diện tích đất đai và phù hợp với dây chuyền công nghệ. Đến tháng 10 năm 1994, nhà máy được xây dựng xong và bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Dây chuyền thiết bị tương đối hoàn chỉnh và hiện đại kể từ khâu nghiền sấy phối liệu cho đến khâu đóng bao xi măng.
Địa hình nơi Nhà máy xây dựng có nhiều thuận lợi cho việc cung cấp nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Một bên Nhà máy nằm sát Sông Đà thuận tiện cho giao thông đường thủy, một bên Nhà máy nằm gần với Quốc lộ 6 thuận tiện cho việc vận chuyển, chuyên chở bằng đường bộ.
Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sẵn có ở địa phương như đá vôi, đất sét và nguồn nhân lực...
Sau gần một năm kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm xi măng của đơn vị đã được Tổng cục đo lường chất lượng chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và sản phẩm đã được đưa vào xây dựng các công trình dân dụng, một số các công trình trọng điểm tại địa phương. Tuy bước đầu Nhà máy còn gặp nhiều khó khăn về sản xuất và địa bàn tiêu thụ sản phẩm song với đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ và tay nghề được đào tạo thường xuyên kết hợp với sự ủng hộ của Tổng công ty Sông Đà, công suất máy móc thiết bị ngày càng được nâng cao, chất lượng sản phẩm ngày càng ổn định và sản phẩm của đơn vị đã chiếm được phần lớn thị trường khu vực Tây Bắc, khu vực Hà Nội, Hà Tây.
Đến tháng 6 năm 1996, sản phẩm của đơn vị tiếp tục được cấp dấu chất lượng hợp chuẩn và công suất thực tế đã khai thác đạt khoảng 80% so với công suất thiết kế. Tháng 3 năm 1998, sản phẩm của Nhà máy đạt Huy chương Bạc về chất lượng xi măng quốc gia, đạt 100% công suất thiết kế và tiêu thụ. Năm 2000, Tổng công ty Sông Đà giao kế hoạch sản xuất và tiêu thụ 75.000 tấn xi măng/năm, thực tế đã sản xuất và tiêu thụ đạt 85.000 tấn.
Tháng 10 năm 2001, Nhà máy được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2000. Hiện nay, Công ty vẫn duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ngày càng phù hợp. Năm 2001, 100% sản phẩm của Nhà máy sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn quốc gia và được khách hàng tín nhiệm. Mẫu mã, bao bì được cải tiến phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Năm 2001, Nhà máy đã sản xuất và tiêu thụ đạt 89.000 tấn xi măng.
• Giai đoạn 2: từ năm 2002 đến nay
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc chuyển các doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần (theo Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 18/6/2002 của Chính phủ), Nhà máy Xi măng Sông Đà là đơn vị thành viên của Công ty Sông Đà 12 thuộc Tổng công ty Sông Đà đã trở thành Công ty cổ phần xi măng Sông Đà hoạt động theo Luật doanh nghiệp theo Quyết định số 1461 QĐ/BXD ngày 01/11/2002 với số vốn Điều lệ khi thành lập là 17 tỷ đồng (trong đó Tổng công ty Sông Đà giữ cổ phần chi phối chiếm tỷ lệ 52,7%). Công ty tiếp tục hoạt động trên cơ sở máy móc, dây chuyền thiết bị công nghệ và nguồn nhân lực hiện có. Công ty có tư cách pháp nhân đầy đủ theo quy định của Pháp luật Việt Nam, có con dấu riêng và độc lập về tài sản, có Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty.
Năm 2002, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ đặt ra là 90.000 tấn xi măng/ năm, thực tế đã sản xuất và tiêu thụ 110.000 tấn, đạt 122% so với kế hoạch và đạt 134% so với công suất thiết kế. Từ năm 2003 cho đến nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ luôn được giữ vững, đạt từ 100.000 tấn đến 110.000 tấn/ năm.
Năm 2005, Công ty cổ phần xi măng Sông Đà đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng III cho những đóng góp của đơn vị trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ một đơn vị hạch toán phụ thuộc, hoạt động chính là sản xuất xi măng, sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà đi vào hoạt động độc lập theo Luật doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất kinh doanh đang từng bước được mở rộng.
STT |
Loại cổ đông |
Số lượng cổ phần |
Tỷ lệ nắm giữ |
1 |
Nhà nước |
1.132.840 |
57,21% |
2 |
Người lao động trong công ty |
454.870 |
22,98% |
3 |
Cổ đông ngoài công ty |
392.290 |
19,81% |
|
Tổng số |
1.980.000 |
100% |