Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía Bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vị trí địa lý
Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối.
Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới, chia làm 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và thị xã Hà Giang.
Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, công, trĩ, tê tê, và nhiều loại loại chim thú khác.
Dân số
Dân số tỉnh Hà Giang theo điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 2009 là 724.353 người.
Hành chính
Tỉnh Hà Giang bao gồm 1 thị xã và 10 huyện:
-
Thị xã Hà Giang 5 phường và 3xã
-
Huyện Bắc Mê 1 thị trấn và 12 xã
-
Huyện Bắc Quang 2 thị trấn và 21 xã
-
Huyện Đồng Văn 2 thị trấn và 17 xã
-
Huyện Hoàng Su Phì 1 thị trấn và 25 xã
-
Huyện Mèo Vạc 1 thị trấn và 17 xã
-
Huyện Quản Bạ 1 thị trấn và 12 xã
-
Huyện Quang Bình 15 xã
-
Huyện Vị Xuyên 2 thị trấn và 22 xã
-
Huyện Xín Mần 1 thị trấn và 18 xã
-
Huyện Yên Minh 1 thị trấn và 17 xã
Tỉnh Hà Giang có 196 đơn vị cấp xã bao gồm 5 phường, 12 thị trấn và 179 xã
Lịch sử
Đất Hà Giang xưa thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Về sau, Hà Giang nằm trong phạm vi thế lực của ba Tộc tướng xứ Thái. Trong giai đoạn Minh thuộc đầu thế kỷ 15, được gọi là huyện Bình Nguyên, đổi thành châu Bình Nguyên từ năm 1473, sau lại đổi tên thành châu Vị Xuyên.
Vào cuối thế kỷ 17, tộc trưởng người Thái dâng đất cho Trung Hoa, đến năm 1728, Trung Hoa trả lại cho Đại Việt một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô. Năm 1895, ranh giới Hà Giang được ấn định lại như trên bản đồ ngày nay.
Trước năm 1975, Hà Giang có các huyện Đồng Văn, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Thanh Thủy và Quản Bạ.
Thắng cảnh và Di tích
-
Hang Phương Thiện: cách thị xã Hà Giang 7 km (4,38 dặm) xuôi về phía nam. Đây là nơi có nhiều phong cảnh, nhiều hang động tự nhiên. Các loại quả đặc sản: mận, lê, cam, táo và các loại chè tuyết san cổ thụ mọc trên độ cao 900 m (2.700 ft).
Hang Chui: cách thị xã Hà Giang 7 km (4,38 dặm) về phía nam. Hang ăn sâu vào lòng núi khoảng 100 m (300 ft). Cửa hang hẹp phải lách người mới qua được. Vào trong lòng hang mở rộng, vòm hang cao vút, nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt hang có nhiều dơi, có dòng suối dâng cao đổ xuống thành thác.
-
Động Tiên và Suối Tiên: Động cách thị xã Hà Giang 2 km (1.25 dặm). Động có Suối Tiên rất đẹp. Tương truyền xưa, các tiên nữ vẫn thường xuống động này để tắm vào dịp Tết nên được đặt tên là Động Tiên. Nhân dân quanh vùng vẫn thường đến Động Tiên lấy nước và cầu may mắn vào lúc giao thừa.
-
Động Én: Động cách thị xã Hà Giang 60 km (37,5 dặm) thuộc địa phận huyện Yên Minh. Từ thị xã Hà Giang qua cổng trời Quản Bạ, qua những cách rừng thông sẽ tới động Én. Hang động còn mang nhiều nét hoang sơ nhưng đẹp.
-
Đồng Văn - "Cổng Trời": Là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang. Độ cao vùng khoảng 1.000 m (3.000 ft) so với mặt biển, địa hình hầu như chỉ thấy núi đá. Huyện lỵ cách thị xã Hà Giang 146 km (91,25 dặm) giao thông rất khó khăn. 9 trong 19 xã thuộc huyện có đường biên giới với Trung Quốc. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1 °C, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24 °C. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu: "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày" và "đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng". Đồng Văn có điểm cực bắc của Việt Nam tại xã Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Đồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cuối mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Đồng Văn nổi tiếng về trái ngon quả ngọt: đào, mận, lê, táo, hồng... về dược liệu: tam thất, thục địa, hồi, quế... Đồng Văn còn nổi riếng về phong cảnh như núi non, hang động, những rừng hoa đủ sắc màu...
-
Thung lũng Quản Bạ
-
Núi đá Mèo Vạc
-
Thị xã Hà Giang: Thị xã Hà Giang là một thị xã đẹp nằm trong một thung lũng, bốn bên là núi, có dòng sông Lô chảy qua thị xã. Thị xã Hà Giang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. Thị xã có khu di chỉ khảo cổ học Đồi Thông nằm ngay trong lòng thị xã, nơi đây đã tìm thấy hàng ngàn di vật từ thời tiền sử và được xác định là một trong những vùng văn hóa sớm nhất của Việt Nam.
-
Dinh Họ Vương: Tại huyện Đồng Văn hiện có một điểm du lịch là dinh họ Vương (Vương Chí Sình) thuộc địa phận xã Sà Phìn. Quy mô của dinh không lớn nhưng đây là một công trình kiến trúc đẹp hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này. Đoạn đường dẫn vào dinh chỉ dốc thoai thoải, được lát bằng những phiến đá lớn vuông vức, phẳng lỳ. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Vòng thành ngoài là một bức tường dày khoảng 40 cm, cao khoảng 2 m (6 ft). Vòng thành trong dày và kiên cố hơn vòng thành ngoài. Cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai. Giữa hai vòng thành là một dải đất rộng khoảng 50 m (150 ft), trồng toàn trúc. Dinh có ba ngôi nhà sàn. Ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba ngôi nhà được làm bằng gỗ, từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều làm bằng gỗ quý. Ngôi nhà chính là nơi ở của "vua" họ Vương, ở đó hiện vẫn còn bức hoàng phi với bốn chữ "Biên chinh khả phong" được vua Nguyễn ban cho. Hai ngôi nhà kia dành cho những người phục vụ và lính bảo vệ.
-
Chợ tình Khâu Vai: Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Truyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái thuộc hai bộ lạc yêu nhau. Người con gái rất xinh đẹp, bộ lạc của cô không muốn cô lấy chồng sang bộ lạc khác; còn bộ lạc bên chàng trai lại muốn cô về làm dâu bộ lạc của mình. Chính vì vậy mà hiềm khích giữa hai bộ lạc xảy ra. Mối thù của hai bộ lạc càng nhân lên khi tình yêu của họ càng thắm thiết. Một ngày kia, khi người con trai đang ngồi với người yêu của mình trên núi thì nhìn thấy cảnh tượng hai bộ lạc đang đánh nhau rất quyết liệt ở phía dưới. Họ biết tình yêu của họ là nguyên nhân chính. Để tránh đổ máu giữa hai bộ lạc, hai người đau đớn quyết định chia tay và hẹn sẽ gặp nhau mỗi năm một lần đúng vào ngày ấy. Địa điểm gặp nhau tại nơi họ vẫn thường hò hẹn - Khâu Vai. Dần sau đó, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho tất cả những người yêu nhau trong vùng. Chợ Khâu Vai ban đầu họp không có người mua, không có người bán. Khoảng mười năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày chợ họp ngoài việc hò hẹn, gặp gỡ, người ta mang cả hàng hóa đến bán ở chợ. Do vậy đến chợ Khâu Vai, người ta cũng có thể mua, bán, trao đổi những sản vật.
-
Tiểu khu Trọng Con
Cách đường quốc lộ số 2, 20 km về phía Đông Nam, cách Thị xã Hà Giang khoảng 60 km về phía Bắc ở tại Xã Bằng Hành, Huyện Bắc Quang, Tỉnh Hà Giang (đã được Nhà nước xếp hạng năm 1996). Năm 1945, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí: Lê Quảng Ba, Bế Triều, Nam Long cùng đội vũ trang tuyên truyền tiến về tổng Bằng Hành xây dựng lực lượng cách mạng đặt tên là Tiểu Khu Trọng Con. Tiểu Khu Trọng Con là cái nôi của phong trào cách mạng ở Hà Giang. Từ đây phong trào cách mạng được nhân lên, lan rộng khắp các địa bàn của Tỉnh Hà Giang, từ vùng thấp đến các huyện vùng cao, Tiểu khu Trọng Con đã góp phần vào sự thắng lợi của Cách mạng, giải phóng Hà Giang trong thời gian ngắn, đưa nhân dân thoát khỏi cuộc sống kìm kẹp của thực dân Pháp, Phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai. Tạo tiền đề cho sự phát triển tốt đẹp của phong trào cách mạng ở Hà Giang trong những thời kỳ lịch sử sau này.
-
Chuông chùa Bình Lâm
Di tích nằm ở Trung tâm Thị xã Hà Giang, nơi đây ngày 27/3/1961 đồng bào các dân tộc Hà Giang đã vinh dự được đón Bác Hồ thăm và nói chuyện thân mật. Di tích Kỳ Đài không những là công trình văn hóa, mà còn là nơi ghi dấu, gìn giữ những kỷ niệm về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang, động viên khích lệ nhân dân Hà Giang làm theo lời Bác Hồ căn dặn, hăng hái tham gia sản xuất, đoàn kết một lòng theo Đảng xây dựng và bảo vệ quê hương Hà Giang ngày càng phát triển. Bia và Chuông chùa Sùng Khánh
Di tích lịch sử nghệ thuật chùa Sùng Khánh cách Thị xã Hà Giang 9 km về phía Nam thuộc thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, Huyện Vị Xuyên, Tỉnh Hà Giang (đã được nhà nước xếp hạng năm 1993). Cách Thị xã Hà Giang 09 km về phía Tây Nam theo trục đường quốc lộ số 2. Chùa nằm trong Thôn Nùng thuộc xã Đạo Đức, địa thế ngôi chùa rất đẹp, phía sau lưng dựa vào dải núi, phía trái có núi hình Rồng Chầu, phía phải có núi hình Hổ Phục, mặt quay về hướng Đông có cánh đồng rộng và dòng suối trong "Thích Bích" chảy qua, xa xa là dòng Sông Lô uốn mình cùng với trục đường quốc lộ số 2. Chùa Sùng Khánh được xây dựng thời Triệu Phong (1356), do thời gian, chùa bị hư hại, đến năm 1989 được nhân dân xây dựng trên nền chùa cũ. Ở đây còn lưu giữ hai di vật: Bia đá thời Trần (1367) ghi lại công lao của người sáng lập ra chùa và một quả Chuông cao 0.90 m, đường k ính 0.67 m, đươc đúc thời Hậu Lê (1705). Nghệ thuật khắc trên đá, trên Chuông đồng và kỹ thuật đúc Chuông là một bằng cứ nói lên bàn tay tinh sảo của các nghệ nhân vùng biên giới phía Bắc này, và từ đó biết thêm lịch sử phát triển thời Trần và Lê tới tận vùng biên ải Hà Giang.
Chùa Bình Lâm thuộc địa phận thôn Tông Mường xã Phú Linh, Thị xã Hà Giang. Chùa còn có tên gọi chữ Hán là "Bình Lâm Tự". Do thời gian ngôi chùa không còn, nhân dân làm một ngôi nhà bảo vệ và lưu giữ một quả chuông thời Trần được đúc vào tháng 3 năm Ất Mùi (1295) chuông có chiều cao 103 cm, đường kính miệng 65 cm, quai được cấu tạo bởi hai hình rồng, trên chuông có khắc bào Minh bằng chữ Hán gồm 309 chữ năm Bính Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 4 (1296). Đây là quả chuông được coi là duy nhất và sớm nhất tìm thấy ở nước ta hiện nay, trên quả chuông ta bắt gặp tiêu bản rồng nổi trên chất liệu đồng (thế kỷ 13). Cùng với quả chuông, tại chùa Bình Lâm còn phát hiện được một số di vật như Tháp đất nung, mái ngói có hoạ tiết hoa chanh....là những nét quen thuộc và tiêu biểu của văn hoá thời Trần. (Hiện di tích đang được hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận). Khu nhà Dòng họ Vương
Di tích kiến trúc nghệ thuật dòng họ Vương (dân tộc Mông) ở xã Sà Phìn, Huyện Đồng Văn, Tỉnh Hà Giang (đã được nhà nước xếp hạng năm 1993). Đầu thế kỷ XX, Vương Chính Đức được phong làm Bang Tá đã xây dựng khu nhà của mình thành một dinh cơ phú cường và độc đáo để ở và làm việc. Khu nhà được xây dựng theo kiến trúc cổ Trung Hoa (cuối thời Thanh), tổng thể khu chia ba phần chính: Khu tiền dinh, trung dinh và hâu dinh, gồm bốn nhà ngang, sáu nhà dọc, hai tầng với 64 phòng với diện tích sử dụng là 1120 m2. Bao bọc khu nhà là hệ thống tường đá dày từ 0,6 đến 0,9 m; Cao 2,5 đến 3m. Là di tích hiếm có ở vùng miền núi phía Bắc của một dòng họ người Mông ở Hà Giang, với kiến trúc đẹp, những bức phù điêu trạm trổ trên đá được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ các khung cửa sổ bằng gỗ được trạm trổ khá tinh xảo, mái nhà được lợp bằng ngói máng. Công trình khu nhà dòng họ Nhà Vương là công trình nghệ thuật - Một di sản văn hoá, qua đây chứng tỏ nước ta và Trung Quốc có sự giao lưu kiến trúc trong xây dựng, cảnh quan nơi đây đẹp, mát mẻ, có núi cao đồng rộng thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch khi đến với Hà Giang; Khu nhà Dòng họ Vương cách Thị xã Hà Giang 145 km về phía Tây Bắc, cách Trung tâm huyện Đồng Văn 24 km về phía Tây Nam. (Theo sách Hà Giang thành tựu trong công cuộc đổi mới - Báo Đối ngoại Việt Nam 2004)
Lễ hội
Hà Giang là nơi có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc, một địa danh du lịch đáng nhớ bởi cảnh quan thiên nhiên và con người ở đây. Không giống với bất kỳ một nơi du lịch nào ở Việt Nam, đến Hà Giang, du khách có thể thấy được những sản phẩm kết tinh từ truyền thống văn hóa độc đáo của đồng bào miền núi, đó là các loại khăn thêu, túi vải, áo váy với các loại hoa văn rực rỡ. Du khách sẽ tham dự những phiên chợ vùng cao đầy thơ mộng.
Lễ mừng nhà mới dân tộc Lô Lô: Lễ mừng nhà mới kéo dài khoảng 2 ngày 2 đêm ở ngôi nhà mới của người dân tộc Lô Lô. Cả bản kéo tới ăn mừng cho ngôi nhà mới. Thầy cúng đi hát, sau đó cùng ăn uống vui chơi, hòa tấu kèn sáo và hát giao duyên nam nữ.
Lễ hội mùa xuân: Đây là lễ hội vui xuân của dân tộc H'mông và dân tộc Dao, thường được tổ chức vào những ngày sau Tết Nguyên Đán và kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Lễ hội mang tính chất tổng hợp mừng công, cầu mưa, cầu con trai. Lễ hội có thi bắn nỏ, hát giao duyên, ném pa páo, uống rượu, mở tiệc đãi khách.
Kinh tế
Hà giang là vùng miền núi nên dân số trong tỉnh không đông, đồng bào Kinh chiếm đa số, còn lại là đồng bào các sắc dân Thổ, Mèo, Tày, Dao, Mán, Nùng, Giấy và Lô Lô. Phần đông đều thờ cúng tổ tiên, thần linh; và đều có những sắc thái văn hóa đặc thù.
Một trang trại ở Hà Giang, tiêu biểu cho mô hình nông-lâm kết hợp.Cũng vì địa thế toàn rừng núi nên kinh tế Hà Giang tương đối kém phát triển. Lâm sản chính là vài loại gỗ quý như lát hoa, lát da đồng; và các loại gỗ cứng như lim, sến, trai, táu, đinh. Củ nâu, vầu, nứa ở đâu cũng có. Nông sản gồm lúa, ngô, khoai và các loại đậu đỗ. Vùng chân núi Tây Côn Lĩnh trồng nhiều trà. Dân chúng cũng trồng cây ăn trái, mận và lê ở vùng Đồng Văn, Hoàng Su Phì rất nổi tiếng. Nghề nuôi ong lấy mật khá thịnh hành. Rừng Hà Giang có nhiều động vật hoang dã như phượng hoàng, trăn, rắn, công, trĩ...
Khoáng sản có mỏ chì, đồng, thủy ngân và cát trộn vàng. Sông Năng và Bảo Lạc có các kỹ nghệ lọc vàng nhưng vẫn còn thô sơ, ngoài ra chỉ toàn những tiểu công nghệ sản xuất vật dụng hàng ngày. Nền thương mại Hà Giang chỉ giới hạn ở sự trao đổi lâm sản với miền xuôi và với Trung Quốc.
Các vùng núi thấp như Vị Xuyên, Bắc Quang có kinh tế phát triển hơn vùng núi. Dựa vào sông Lô và lượng mưa lớn, các ngành nông nghiệp ở khu vực này rất phát triển, không kém gì vùng núi trung du. Nơi đây có vùng trồng cam sành nổi tiếng, những cánh đồng phì nhiêu...