Nhìn một cách tổng quát ở mọi góc độ khác nhau, Ngành Y tế cách mạng Việt Nam đã làm biến đổi một cách sâu sắc về tất cả các mặt, từ nhận thức tư tưởng cho đến tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, từ y tâm, y thuật cho đến y đức.
Tháng 8-1945, nhân dân ta giành được chính quyền, nhưng đến tháng 12-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ khắp trên cả nước. Trước muôn vàn khó khăn thiếu thốn, Ngành Y tế đã tập trung toàn bộ khả năng về nhân tài, vật lực phục vụ cho tiền tuyến. Cuộc sống và sức khỏe của nhân dân chưa có gì thay đổi so với thời kỳ trước năm 1945. Đói nghèo, bệnh tật, thất học, sinh đẻ nhiều vẫn là cái vòng luẩn quẩn của người Việt Nam.
Trước tình hình đó, Ngành Y tế đã xác định được hướng đi của ngành: tất cả phục vụ cho tiền tuyến, tổ chức và hoạt động của ngành phải hướng về nông thôn nơi sinh sống của 90% dân số, phòng bệnh là chính, tự lực cánh sinh và dựa vào dân. Trong cuộc chiến tranh đầy khó khăn, gian khổ kéo dài suốt 9 năm, Ngành Y tế cách mạng vẫn duy trì và không ngừng phát triển các hoạt động chuyên môn, động viên nhân dân tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh, sử dụng nhiều hình thức thích hợp để tuyên truyền giáo dục cho nhân dân những kiến thức trong việc giữ gìn sức khỏe. Các viện vi trùng học tiếp tục sản xuất các loại vaccin phòng bệnh tả, đậu mùa, thương hàn, đảm bảo tiêm chủng cho toàn dân các vùng tự do, vùng sau lưng địch. Các bệnh viện, trường đại học, trung học, được di chuyển vào sâu trong rừng, sơ tán phân tán vào nhà dân hoặc được xây dựng trong các hang động để không làm gián đoạn công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, công tác đào tạo cán bộ. Các phòng bào chế vẫn tiếp tục sản xuất thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ và các loại thuốc tê, thuốc mê góp phần đáng kể vào việc xử lý vết thương chiến tranh. Một số cơ sở tự sản xuất được bơm tiêm, kim tiêm, kìm, kẹp... Năm 1950 lần đầu tiên những lọ pênixilin được sản xuất từ phòng bào chế Trường Đại học Y khoa ở Việt Bắc đã mang lại nhiều kết quả trong việc chống nhiễm trùng các vết thương. ở chiến trường miền Nam xuất hiện phương pháp trị liệu Filatov, toa thuốc Nam căn bản góp phần to lớn vào việc giải quyết các khó khăn về thuốc.
Điều có ý nghĩa lớn hơn là y tế cách mạng đã gây cho nhân dân lòng tin tưởng vào chế độ xã hội chủ nghĩa, một chế độ coi trọng sức khỏe con người, tạo dựng được mối quan hệ mang tích nhân văn cao cả giữa thầy thuốc và người bệnh, một nền y tế khác biệt hoàn toàn với nền y tế của chế độ cũ trước cách mạng.
Năm 1954, sau chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại ở Việt Nam nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 Miền. ở miền Bắc, Ngành Y tế cách mạng bắt tay xây dựng lại, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước vững vàng đi lên. Trong 10 năm, 1954 - 1964, Ngành Y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở nông thôn làm cho bộ mặt nông thôn ở miền Bắc thay đổi rõ rệt, giải quyết vấn đề phân, nước, rác. Nhiều loại hố xí, giếng nước, nhà tắm được xây dựng tại mỗi hộ gia đình, đặc biệt là loại hố xí hai ngăn ủ phân tại chỗ được nhân dân chấp nhận và được các nhà y học ở các nước đang phát triển đánh giá cao. Năm 1961 lần đầu tiên chúng ta sản xuất được vaccin sabin phòng bệnh bại liệt, rồi vaccin BCG để đến ngày nay chúng ta có quyền tự hào đã thanh toán được bệnh đậu mùa (1987) và bệnh bại liệt (2000).
Nhưng năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc vô cùng ác liệt. Trước tình hình đó Ngành Y tế đã xác định được con đường đi thích hợp là phải chuyển hướng và hoạt động của ngành từ thời bình sang thời chiến, làm thế nào để công việc cấp cứu, mổ xẻ được tiến hành ngay tại chỗ. Cơ sở y tế cũng nằm trong mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ nên phải sơ tán, phân tán về nông thôn. Phòng mổ, nhà hộ sinh phải đưa xuống hầm hào dưới mặt đất hoặc vào các hang đá. Đế quốc Mỹ dọa sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá và nhân loại trên thế giới cũng hồi hộp lo âu vì với số lượng bom đạn khổng lồ được các pháo đài bay hiện đại nhất ném xuống sẽ làm tê liệt mọi hoạt động của nhân dân Việt Nam, nhưng thực tế thì các hoạt động vẫn diễn ra bình thường liên tục không một giây gián đoạn.
Để làm được việc đó, Ngành Y tế đã tăng cường cán bộ, phương tiện, đưa những kỹ thuật cơ bản về cho xã, sản xuất huyến thanh tại huyện, phát động phong trào vệ sinh yêu nước chống Mỹ trong cả nước.
Miền Bắc vừa lo giải quyết các vấn đề về cấp cứu phòng không, chống chiến tranh phá hoại, vừa hết lòng chi viện cho miền Nam về cán bộ, thuốc men, trang thiết bị. Rất nhiều cán bộ y tế miền Nam tập kết ra Bắc, tình nguyện trở về Nam phục vụ quê hương, nhiều khoá sinh viên mới tốt nghiệp cũng xung phong vượt Trường Sơn vào phục vụ ở các chiến trường Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ. Hàng trăm nghìn tấn thuốc men, bông băng, dụng cụ y tế được vận chuyển vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh trên đất liền cũng như trên biển cả.
Lực lượng y tế cách mạng ở miền Nam, sau một thời gian dài hoạt động bí mật,đã xuất hiện công khai sau khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập. Với tinh thần tự lực tự cường, với sự chi viện của miền Bắc, mặc dầu phải chịu đựng những hy sinh, tổn thất to lớn về cán bộ và cơ sở vật chất, y tế cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển rộng khắp và đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Ngành Y tế phải đối phó với những tác động của nền kinh tế thị trường, từng bước tháo gỡ khó khăn để thích ứng với cơ chế trị trường, đáp ứng được mong muốn của người dân ngày càng nhiều và càng cao về chăm sóc sức khỏe đã bị giảm sút sau 30 năm chiến tranh. Do xác định được phương châm: đa dạng hoá các hoạt động của ngành, xã hội hoá công tác y tế, nên tuy chỉ mới 15 năm từ khi đổi mới đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến được một bước dài, bao gồm một hệ thống các cơ sở y tế nhà nước, y tế tư nhân, hướng tới việc phục vụ nhân dân với số lượng nhiều hơn và chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn và công bằng hơn. Phương pháp quản lý các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước cũng thay đổi bằng cách thu một phần viện phí của người bệnh, xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế, cho phép mở rộng bệnh viện tư, phòng khám tư, nhà thuốc tư. Nhiều tổ chức cá nhân đứng ra thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo...
Các chỉ tiêu sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, năm sau tiến bộ hơn năm trước. Theo đánh giá của cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nước ta đứng vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP). Năm 2000 chỉ số phát triển con người (HDI) xác định mức độ phát triển con người trên cơ sở kết hợp các chỉ số về thành tựu giáo dục, tuổi thọ và thu nhập, Việt Nam được xếp ở vị trí 108 (tăng 2 bậc so với năm 1999) trong tổng số 174 nước, trong khi đó mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam được xếp ở vị trí 132/174 nước. Chỉ số phát triển theo giới (GDI) được xếp ở vị trí 140 trên 194 nước.
Sáu bệnh truyền nhiễm ở trẻ em trước đây đứng đầu danh sách các bệnh có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao, nay nhờ việc tiêm chủng rộng rãi chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu. Từ việc tiêm phòng 6 loại vaccin do ta tự sản xuất: viêm gan siêu vi trùng và viêm não Nhật Bản, các chương trình phòng chống bệnh sốt rét, bệnh lao, bướu cổ do thiếu Iốt, nhiễm HIV/AIDS, thanh toán bệnh phong đạt kết quả khả quan.
Sức khỏe bà mẹ trẻ em tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ chết mẹ là 20%o (1945) nay chỉ còn 0,8%o, tỷ lệ chết chu sinh từ 40%o (1945) nay chỉ còn 39%o, tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500 gam từ 18% (1989) giảm xuống còn 8% (2000), tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng ngày càng giảm. Tuổi thọ người dân tăng đáng kể từ 38 (1945) lên đến 64,9 nam, 69,6 nữ (1999). Tỷ lệ chết chung từ 26%o (1945) xuống còn 5,56%o (1999).
Từ con số 47 bệnh viện từ thời Pháp để lại, đến nay trong cả nước đã có 876 bệnh viện, 75 khu điều dưỡng phục hồi chức năng, trên 1000 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực, số giường bệnh tăng lên từ 11,6 giường cho 100.000 dân (1954) đến nay là 169 giường cho 100.000 dân (1999). Tỷ lệ giường bệnh so với dân số nước ta tuy còn thấp so với nhiều nước song điều đángghi nhận là chấtlượng dịch vụkhám chữa bệnh không ngừng được nâng cao, ở các tỉnh, thành phố, bệnh viện đều được trang bị các loại máy móc dùng trong chẩnđoán và điều trị rất hiện đại như máy cộng hưởng từ, máy CT Scanner, máy chụp mạch máu, máy tán sỏi ngoài cơ thể, máy cô ban, máy siêu âm màu, máy xét nghiệm nhanh... Các công nghệ mũi nhọn của y học thế giới cũng đang được ứng dụng ở nước ta như ghép tạng, mổ nội soi, mổ tim, mổ tách trẻ song sinh, thụ tinh nhân tạo...
Bên cạnh các cơ sở y tế Nhà nước đã bắt đầu hình thành một hệ thống y tế tư nhân bao gồm 19.895 cơ sở hành nghề y, 14.048 cơ sở hành nghề dược, 7.015 cơ sở hành nghề y học cổ truyền, 5 bệnh viện tư có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần làm giảm bớt sự quá tải ở các bệnh viện Nhà nước.
Về đào tạo chúng ta đã có một hệ thống các trường đại học y, dược phân bổ trên cả nước. Mỗi năm có khoảng 2.500 bác sĩ, 200 dược sĩ đại học tốt nghiệp ra trường. Chúng ta đã mở trường đào tạo kỹ thuật viên trung học y, dược, nha và trong vòng mấy năm trở lại đây đã đào tạo ở trong nước cán bộ có trình độ cử nhân, chuyên khoa I và II, bảo vệ luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Từ vài trăm cán bộ y tế vào những ngày đầu thành lập nước, đến nay đã có 25 vạn người, trong đó có 47 nghìn cán bộ đại học các loại và trên 1000 cán bộ trên đại học.
Số bác sĩ tính theo dân số hiện nay là 1 bác sĩ cho 2.600 dân (1999) so với năm 1945 là 1 bác sĩ cho 220.000 dân. Tỷ lệ này chưa cao nhưng điều đáng kích lệ là đến cuối năm 2000, dự kiến sẽ có 40% số xã có bác sĩ. Một việc khác mà 55 năm về trước chúng ta còn mơ ước nay đã trở thành sự thật là cán bộ y tế xã được hưởng trợ cấp hàng tháng do Nhà nước đài thọ.
Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại cũng đạt được nhiều thành tựu, trước hết là quan điểm chỉ đạo của ngành xuyên suốt 55 năm qua trong mọi lĩnh vực hoạt động. Chúng ta kế thừa và phát huy được nhiều bài thuốc, phương thuốc dân gian có hiệu quả, thành lập được 2 viện và 42 bệnh viện y học cổ truyền, 262 khoa học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa, 8000 cơ sở hành nghề tư nhân về y học cổ truyền, khám và chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho khoảng 30% bệnh nhân đến bệnh viện, đào tạo được hàng nghìn bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền, từng bước hiện đại hoáy học cổ truyền, trồng và di thực được nhiều cây thuốc quý, đóng góp nhiều kinh nghiệm cho các nước trên thế giới và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc mở một trường đại học y học cổ truyền.
Ngành Dược và ngành Trang thiết bị cũng đã trở thành ngành kinh tế kỹ thuật. Chúng ta đã có những nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, thị phần thuốc trong nước tăng nhanh, mức sử dụng thuốc khoảng 6 USD/ đầu người (1999). Tổng giá trị xuất khẩu thuốc và dược liệu đạt 15 triệu USD (1999). Về sản xuất trang thiết bị, các nhà máy của ta đã liên doanh liên kết với các nước sản xuất dụng cụ y tế thông thường, dụng cụ bằng cao su, chất dẻo và lắp ráp một số máy móc hiện đại.
Nhưng thành tựu có ý nghĩa nhất là chúng ta đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, từ đồng bằng trung du, các vùng xa xôi hẻo lánh đến tận biên giới hải đảo và đang mở rộng khắp thôn xóm bản làng với hơn 10.000 trạm y tế xã, y tế cơ quan xí nghiệp. Nhờ mạng lưới đó nước ta đã thực hiện được mục tiêu của tổ chức y tế thế giới đề ra là: sức khỏe cho mọi người năm 2000.
Nền y tế cách mạng còn làm biến đổi nhận thức tư tưởng của cán bộ. Từ những người cán bộ y tế của chế độ cũ mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tự cao, tự đại, coi thường quần chúng, xa rời người lao động, chỉ biết làm giàu trên tính mạng người bệnh, ngày nay những người cán bộ y tế của chế độ xã hội chủ nghĩa đã mang hết tâm trí nghị lực để chăm lo sức khỏe cho người dân, thương yêu quý trọng người bệnh và sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì sức khỏe nhân dân. Nền y tế cách mạngcòn làm thay đổi tác phong, phản xạ, suy luận, hành động, tư duy của chế độ cũ còn rơi rớt lại trở thành những tập quán tốt của những thầy thuốc, dược sĩ cách mạng. Nhà nước ta đánh giá cao thành tựu của Ngành Y tế và đã tặng cho toàn ngành Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Rất nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình được Nhà nước phong tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý, có hơn 12.000 huân chương, huy chương các loại, 21 tập thể anh hùng, 27 anh hùng lao động, hàng trăm chiến sĩ thi đua toàn quốc, 40 thầy thuốc nhân dân, 796 thầy thuốc ưu tú, 35 nhà giáo nhân dân, 147 nhà giáo ưu tú, 16 giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, 15 giải thưởng Nhà nước, 5 cá nhân và 2 tập thể nữ được giải thưởng quốc tế Kovalepskaia...
Đạt được những thành tựu to lớn trong 55 năm qua, trước hết là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng đã đưa ra những quan điểm về y tế và đã trở thành những phương châm nguyên tắc chỉ đạo của ngành; sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của nhân dân vì Ngành Y tế luôn gắn bó mật thiết với dân, mang đến cho dân những kiến thức cơ bản về y học và những lợi ích thiết thực trong việc chăm sóc sức khỏe, những cố gắng vượt bậc, hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ y nước nhà. Một bài học kinh nghiệm quý báu nữa đó là Ngành Y tế đã định ra được nhiệm vụ chiến lược của ngành trong từng thời kỳ và tìm ra được con đường đi của ngành phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội của đất nước, sự phối hợp chặt chẽ với Công đoàn Y tế Việt Nam, với các Hội Chữ thập đỏ, Hội Y học cổ truyền, Tổng hội Y Dược học Việt Nam, sự kết hợp với Quân Y...
Con đường mà Ngành Y tế đã đi trong 55 năm qua cũng là con đường mà dân tộc ta đã trải qua, nó không phải là con đường thẳng tắp chỉ toàn là hoa hồng và cỏ xanh mà phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn nhọc nhằn, phải đổ mồ hôi nước mắt và cả xương máu nữa mới có thể giành được những thành tựu ngày hôm nay.
Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương (người đứng thứ ba ở hàng đầu từ phải sang) đến thăm và làm việc tại bệnh viện miễn phí huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh
Chúng ta vô cùng biết ơn nhiều chiến sĩ áo trắng đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh mà tên tuổi còn được lưu danh đến mãi các đời sau. Hiện nay một bia tưởng niệm khắc tên các đồng chí đã hy sinh ở chiến trường miền Nam được đặt tại đồi 82, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh và ở trong đền tưởng niệm liệt sĩ ở Bến Dược, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng không quên công lao của các thế hệ đi trước đã xây nền đắp móng cho Ngành Y tế cách mạng trong những ngày đầu đầy khó khăn và gian khổ để có được những di sản quý giá mà thế hệ hôm nay và mai sau được thụ hưởng.
Bước vào thế kỷ XXI, nền y tế cách mạng nước ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn và thách thức, đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu của người dân về các dịch vụ sức khỏe với khả năng của nền kinh tế còn hạn hẹp, là phải giải quyết vấn đề công bằng trong việc chăm sóc sức khỏe và hiệu quả đạt được trong nền kinh tế thị trường có sự phân tầng xã hội, vấn đề phục vụ sức khỏe cho nhân dân các vùng sâu, vùng xa. Chúng ta phải tìm cho ra con đường đi thích hợp, biết đón trước những thành tựu về khoa học công nghệ của thế kỷ XXI để có thể tiến kịp các nước trong khu vực, hội nhập với nền y tế của thời đại xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân đã dành cho Ngành Y tế cách mạng Việt Nam