Cùng với sự đổi mới, phát triển của hệ thống PT-TH địa phương trong cả nước, Đài PT-TH Nghệ An có một bước phát triển khá toàn diện trong quá trình hội nhập. Với cơ sở vật chất thiết bị kỹ thuật hiện có gồm máy Phát thanh FM 10 KW phủ sóng Phát thanh trên địa bàn tỉnh và máy phát thanh FM 5 KW tại Quỳ Hợp phục vụ cho các huyện miền núi Tây Bắc tỉnh. Hệ thống máy phát hình VTV1 - 5 KW, VTV2 - 500W, VTV3, VTV6, NTV - 10KW và máy phát hình kỹ thuật số, tổng thời lượng phát sóng trên các kênh đạt 107 giờ/ngày. Đồng thời tại các huyện miền núi có 38 máy phát hình công suất từ 300-500 W, 15 trạm phát lại truyền hình do Đài tỉnh quản lý và trên 400 cụm TVRO ở vùng cao, vùng sâu biên giới tiếp phát chương trình Đài Truyền hình Việt Nam. Từ năm 2004, Đài PT-TH Nghệ An đã đầu tư lắp đặt hệ thống sản xuất chương trình Truyền hình kỹ thuật số với thiết bị kỹ thuật hiện đại. Ngoài ra 20 Đài TT-TH huyện, thành phố, thị xã, có 37 máy phát thanh FM, 413 đài, trạm truyền thanh cơ sở. Chương trình Phát thanh địa phương sản xuất, phát sóng đạt trên 7 giờ 30 phút/ngày, Chương trình Truyền hình Nghệ An (NTV) 19giờ30 phút đến 20 giờ/ngày, chương trình truyền hình địa phương Nghệ An (NTV) tự sản xuất đạt 12 giờ/ngày. Toàn tỉnh với 71 vạn máy thu hình, 69 vạn máy thu thanh. Diện phủ sóng phát thanh đạt xấp xỉ 100%, Truyền hình Quốc gia gần 90%, Truyền hình địa phương năm 2009 90%, về trước đích mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVI hơn 2 năm. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, KTV cán bộ công chức toàn ngành 88% có trình độ Cao đẳng, Đại học, trên Đại học (trên Đại học năm 2010 là 9 người). Chất lượng chính trị và chuyên môn với nhiều nhà báo, kỹ thuật viên say sưa tâm huyết với nghề có nhiều đóng góp cho ngành. Với một tập thể đoàn kết, cộng sự, năng động, sáng tạo, nêu cao tính chiến đấu, trên 2 sóng PT-TH tỉnh đã khai thác những nét độc đáo về bản sắc riêng của văn hoá, con người xứ Nghệ. PT-TH Nghệ An đã tạo được dấu ấn đẹp và sự mến mộ của công chúng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí: Phan Đình Trạc – Chủ tịch UBND Tỉnh
thăm và làm việc tại Đài PT-TH Nghệ An. (Ảnh: Trần Duy Ngoãn)
Trước yêu cầu của đổi mới báo chí, nâng cao tính chuyên nghiệp luôn luôn là mục tiêu phấn đấu của đội ngũ những người làm báo PT-TH trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Mỗi người dân xứ Nghệ có cùng tâm huyết là kỳ vọng rất nhiều điều đối với Báo chí tỉnh nhà nói chung và báo chí PT-TH nói riêng. Điều đó cũng có nghĩa với việc có một phong cách mới của Báo chí, nâng cao hưởng thụ của nhân dân. Hiện nay hàng ngày Đài PT-TH Nghệ An sản xuất 7 bản tin thời sự Truyền hình (trong đó có 3 bản tin Quốc tế), 5 bản tin Thời sự Phát thanh, các chương trình Phát thanh tiếng Thái, Truyền hình tiếng Mông. Nghệ An là tỉnh có trên 43 vạn đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là dân tộc Thái và dân tộc Mông thuộc 6 huyện miền núi cao, Đài PH -TH tỉnh đã không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng Chương trình PT-TH tiếng dân tộc Thái, dân tộc Mông gửi phát sóng VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam và phát sóng tại các huyện miền núi dân tộc. Hàng năm đầu tư chiều sâu cho nội dung, các thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh kịp thời và sát thực tế góp phần nâng cao hưởng thụ PT-TH cho đồng bào.
Bên cạnh đó, Đài còn sản xuất 38 chuyên mục, chuyên đề, tuyên truyền phổ biến pháp luật, trang PT-TH các ngành và một số huyện, sân chơi, giải trí,... Trong điều kiện kinh tế của Nghệ An còn nghèo nên việc đầu tư ngân sách hàng năm cho Báo chí Phát thanh - Truyền hình tỉnh hạn chế. Bằng sự nỗ lực vươn lên, những năm qua Đài PT-TH Nghệ An đã tích cực thực hiện mục tiêu xã hội hoá trong sản xuất chương trình PT-TH. Đây là một bước đột phá của Đài PT-TH Nghệ An. Thông qua hợp tác với các doanh nghiệp, ngành, cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn để nâng cao hưởng thụ của nhân dân, đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: Chương trình “Vượt lên chính mình” 3 năm qua đó giúp đỡ 27 gia đình nghèo trên 750 triệu đồng, Chương trình “Gia đình - Xã hội”, “Chuyện không của riêng ai”, “Thị trường trong ngày” , “ Khoảnh khắc và sự kiện”, chương trình “Điện ảnh thứ Bảy”, Chương trình Truyền hình thực tế “Chinh phục Đỉnh Everets”, “ Kết nối những trái tim”, Chương trình “Giai điệu quê hương”, “Miền Tây xứ Nghệ”, “ Vinh hướng tới Trung tâm kinh tế, văn hoá Bắc miền Trung”, “ Học bổng niềm hy vọng”... Bằng mở rộng hợp tác, giao lưu với các Đài PT-TH địa phương trong nước Đài PT-TH Nghệ An đã trao đổi chương trình “Nhìn ra tỉnh bạn” với các Đài PT-TH khu vực Bắc miền Trung và phối hợp với Đài PT-TH Lâm Đồng, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hà Tây, Thái Bình, Sơn La, Bắc Cạn, Điện Biên... tổ chức giao lưu truyền thống hàng năm chương trình “Đượm tình khúc hát dân ca nối vòng tay biển”. Kết nghĩa với Đài Truyền hình Quốc gia Lào trong chương trình“Đượm tình Lăm vông” , giúp đài PT-TH tỉnh Bôlikhămxay (Lào) trao đổi nghiệp vụ, hợp tác tuyên truyền phục vụ đồng bào trên tuyến biên giới hai nước. Năm 2009, theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị và các sự kiện quan trọng, Đài đã thực hiện 229 cuộc truyền hình trực tiếp, đây cũng là nhu cầu thường xuyên của khán thính giả mà đài đáp ứng được. Nhiều chương trình để lại ấn tượng trong công chúng như: “Bài ca người lính", Lễ hội “Uống nước nhớ nguồn”, và các chương trình ca nhạc “Tình Bác -Tình quê” (phối hợp với Đài PT-TH Hà Nội), “Một giải Lam Hồng” (phối hợp với Đài PT-TH Hà Tĩnh), “Hẹn hò những dòng sông” (phối hợp với Đài PT-TH Bắc Ninh). Chương trình “Nhịp cầu Chôm Lôm” đã kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ trên 5,9 tỷ đồng xây dựng Cầu Chôm Lôm (huyện Con Cuông). Phối hợp UBMT Tổ quốc tỉnh, VP UBND tỉnh thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Vòng tay nhân ái” ủng hộ quỹ vì người nghèo trên 3 tỷ đồng, cùng UBDSGĐ trẻ em thực hiện chương trình “Trung thu nhớ Bác”, “Chắp cánh ước mơ”,“ Trái tim nhân ái”, “ Chung tay góp sức vì trả em nghèo”… đã ủng hộ quỹ bảo trợ Trẻ em gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, Đài đã phối hợp với các ngành như: Công an Nghệ An truyền hình trực tiếp “Những con số, những tấm lòng” nhằm xây dựng quỹ vì người nghèo, xoá nhà tranh tre dột nát gần 1,7 tỷ đồng, phối hợp với Quĩ bảo trợ Trẻ em, Công ty Na tếch, Công ty bia Huế, Viễn Thông Nghệ An… vận động xã hội hoá Quỹ nạn nhân chất độc da cam, quĩ vì người nghèo, đồng bào bị bão lụt, “Tết ấm miền tây”, “Tết cho người nghèo”…ủng hộ tiền và hiện vật trên 5 tỷ đồng. Ngoài chương trình thời sự hàng ngày cập nhật, các chương trình chuyên đề, chuyên mục, giải trí liên tục được đổi mới đáp ứng với niềm tin, sự mến mộ của quý khán thính giả trong và ngoài tỉnh.
Chương trình Trái tim nhân ái, một trong những chương trình vì người
nghèo do Đài PT-TH Nghệ an thực hiện.(Ảnh:Trần Duy Ngoãn)
Trong thời đại bùng nổ thông tin, các Đài PT-TH địa phương phải đổi mới phương tải thông tin để người dân dễ dàng thu được các thông tin mới. Với sự phát triển hình thức PT-TH trực triếp đã mở ra một thời cơ mới trong xu thế hội nhập, làm cho các nhà đầu tư hiểu rõ “Tiềm năng về nguồn nhân lực, về tài nguyên, về cơ chế chính sách của Nghệ An” để các công ty doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vào Nghệ An. Không chỉ giới thiệu điển hình nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực, mà nhiệm vụ tuyên truyền đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội cũng được Đài phản ánh hết sức trung thực khách quan, mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2011, Người làm báo PT-TH Nghệ An sẽ kỷ niệm 55 năm phát sóng Phát thanh Nghệ An và 35 năm phát sóng Truyền hình Nghệ An. Khi mà sóng Phát thanh và sóng Truyền hình Nghệ An được phát từ vệ tinh VINASATS 1 ra toàn quốc và khu vực, là một thách thức lớn về tính chuyên nghiệp. Trước thời cơ thách thức mới, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, những người làm báo hình, báo nói Nghệ An cần phải tạo ra nét đặc trưng riêng cho PT-TH Nghệ An trong sự nghiệp CNH - HĐH để “Đài Nghệ” có một vị trí xứng đáng với đài địa phương trong khu vực Bắc miền Trung và cả nước.
Trước những khó khăn lớn trong quá trình đầu tư sản xuất chương trình Phát thanh - Truyền hình, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn để có nội dung hay, mới, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị và yêu cầu ngày càng cao của khán thính giả. Đây là một trong những thách thức lớn cho tập thể lãnh đạo phóng viên, kỹ thuật viên của đài PT-TH Nghệ An trước mắt cũng như lâu dài. Sự đổi mới nội dung, hình thức trên sóng PT-TH đòi hỏi Đài phải tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất thiết bị kỹ thuật, nâng cấp máy thu công suất lớn tăng diện phủ sóng lên các huyện miền núi dân tộc. Bước đột phá quan trọng mà Đài Nghệ thực hiện là áp dụng công nghệ hiện đại qua vệ tinh Vinasat1 từ năm 2009, đưa chương trình Truyền hình Nghệ An (NTV) và Phát thanh Nghệ An phát sóng kỹ thuật số VTC và truyền lên vệ tinh VINASAT 1 để quảng bá hình ảnh của Nghệ An đến đồng bào cả nước, làm tiền đề để PT-TH Nghệ An mở thêm kênh mới khoa giáo, thông tin quảng cáo, giải trí (NTV2) giai đoạn 2010-2015.Những người làm báo PT-TH trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tự đặt cho mình một trọng trách lớn lao, đó là “Người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng”. Đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực chủ quan của tập thể cán bộ phóng viên CNVC toàn ngành mà còn sự quan tâm đầu tư một cách toàn diện đồng bộ của tỉnh ủy, UBND, các ngành đoàn thể cấp tỉnh và nhân dân trong tỉnh. Cùng với chương trình 147 về phát triển kinh tế xã hội miền Tây bắc tỉnh, chương trình 30A của Chính phủ, ngành PT-TH Nghệ An đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành tích cực hỗ trợ đầu tư về nguồn ngân sách hàng năm để hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, là bước phát triển mới vững chắc hơn trong năm 2010 và những năm tiếp theo. Lãnh đạo Đài PT-TH Nghệ An đoàn kết, quyết tâm đổi mới toàn diện, đẩy lùi tư tưởng bảo thủ, trì trệ.
Trước yêu cầu và thách thức mới, đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục tập trung nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quay phim, phát thanh viên, kỹ thuật viên. Xây dựng phong cách những người làm báo PT-TH có nghề, tính chuyên nghiệp cao, tận tuỵ trước công việc, trách nhiệm với với nhân dân. Luôn trau dồi đạo đức, nghề nghiệp người làm báo, luôn luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, lương tâm nghề nghiệp trong sáng để tiếng nói, hình ảnh của Đài có sức thuyết phục và lan toả mạnh mẽ trong công chúng. Đặc biệt thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trách nhiệm người làm báo hình, báo nói trên quê hương Bác Hồ càng nặng nề, làm theo tấm gương Bác viết: nói trung thành, chân thật để dân tin, dân yêu. Hơn bao giờ hết, lực lượng làm báo nói, báo hình Nghệ An luôn tiên phong trong thực hiện “Làm theo tấm gương Đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và tuyên truyền mạnh mẽ hiệu quả nhất của cuộc vận động quan trọng này. Kỳ vọng với chặng đường mới, cán bộ phóng viên ngành PT-TH Nghệ An sẽ khắc phục nhược điểm, tồn tại và yếu kém, vươn lên mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để xây dựng Đài PT-TH Nghệ An thực sự là “Tiếng nói của Đảng, chính quyền, diễn đàn tin cậy của nhân dân” trên quê hương Bác Hồ kính yêu trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới./.