Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, ngày 15/1/1960 Bộ Văn hoá ra Quyết định số 106-VP/QĐ cho phép hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh xây dựng nhà trưng bày thường trực những tư liệu hiện vật về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời và được đặt trong thành cổ Vinh, khu vực giam cầm các chiến sỹ cách mạng dưới thời thuộc Pháp. 49 năm qua, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trải qua những giai đoạn phát triển khó khăn vất vả để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên mặt trận văn hoá.
1. Từ năm 1960-1964:
Ra đời năm 1960 trên cơ sở số lượng hiện vật về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh do đóng góp của các đảng viên 1930-1931 và các gia đình cách mạng cùng với công tác thu thập tài liệu hiện vật của sinh viên trường Đại học Sư phạm Vinh.
Bước vào xây dựng bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không những thiếu về kinh phí xây dựng mà thiếu về tổ chức cán bộ. Số lượng cán bộ ít, chưa có nghiệp vụ chuyên môn. Chủ trương bước đầu xây dựng kho bảo quản hiện vật hai tầng và sau đó xây dựng nhà trưng bày 3 tầng ở phía trước. Nhân dân Nghệ An phấn khởi trước việc xây dựng nhà trưng bày thường trực về Xô Viết Nghệ Tĩnh nên đã đóng góp sức người sức của. Đảng viên 1930-1931trên địa bàn thành phố Vinh góp công lao động san lấp mặt bằng; các gia đình tự nguyện đóng góp tiền tuỳ theo điều kiện. Sau 3 năm xây dựng, trước yêu cầu phục vụ kỷ niệm 33 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh(12/9/1963), bảo tàng tổ chức trưng bày về chuyên đề Xô Viết Nghệ Tĩnh tại nhà ngôi nhà vừa xây dựng xong. Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Minh Giám đã cắt băng khánh thành và mở cửa đón khách tham quan; Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm bảo tàng năm 1964.
Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Lời Đề tựa” cho bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Người đánh giá cao ý nghĩa của Xô Viết Nghệ Tĩnh và căn dặn “ Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và toàn thể đồng bào Nghệ Tĩnh cần đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi thi đua xâydựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng”.
2. Từ năm 1965-1980:
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, thành phố Vinh trở thành tâm điểm đánh phá của kẻ thù, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đóng cửa nhà trưng bày, đi sơ tán và chuyển sang giai đoạn phục vụ thời chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, 3 ngôi nhà cấp 4 được xây dựng dùng để trưng bày tại làng Kim Liên(huyện Nam Đàn). Nội dung trưng bày phù hợp với điều kiện thời chiến. Mặc dù trong điều kiện khó khăn của chiến tranh nhưng bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn phục vụ khách tham quan chu đáo. Bên cạnh việc trưng bày tại chỗ, bảo tàng xây dựng bộ trưng bày lưu động với hình ảnh gọn nhẹ, đưa đến phục vụ các cơ quan xí nghiệp và các chiến hào phục vụ các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trên các trận địa phòng không; phục vụ các Đại hội Đảng, Đoàn thanh niên các cấp như ở huyện Kỳ Anh, Hương Sơn(Hà Tĩnh)... Nhiều đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trước khi lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến hoặc hành quân qua vùng này đều đến với bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh để tiếp thêm sức mạnh truyền thống của cha anh, từ quyết tâm biến thành sức mạnh, lập nhiều chiến công trong cuộc chiến đấu với kẻ thù. Mặc dù chiến tranh với đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt, nhưng các đoàn khách quốc tế vẫn đến với bảo tàng, đó là nguồn động viên lớn đối với Bảo tàng XôViết Nghệ Tĩnh.
Ngày 18/5/1971, đoàn binh chủng Hải quân Liên Xô đến thăm bảo tàng Xô Viết đã ghi lại cảm tưởng: “Khâm phục các bạn quá, với lực lượng tự vệ vừa mới ra đời, chỉ có vũ khí thô sơ, gậy gộc và giáo mác, giai cấp vô sản Việt Nam đã làm đảo lộn chính quyền của đế quốc Pháp năm 1930-1931, nhất đinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước này, chiến thắng thuộc về các bạn”. Ngày 15/4/1974, đoàn cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào đã viết: “Sau khi xem bảo tàng Xô Viết, chúng tôi thấy Đảng cộng sản Việt Nam từ khi mới ra đời cho đến nay thực sự xứng đáng là một Đảng anh hùng, một Đảng kiểu mẫu, một Đảng quang vinh. Chúng tôi vinh dự được đứng bên cạnh các bạn” .
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, cùng với cả nước nhân dân thành phố Vinh hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại đất nước, Năm 1980, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trở về thành phố Vinh, tiếp nối công việc của mình. Nhà trưng bày của bảo tàng bây giờ chỉ còn một tầng phía dưới còn tầng trên đã bị bom Mỹ ném trúng, sân vườn cỏ cây mọc um tùm. Bên cạnh việc thu dọn khắc phục hậu qủa chiến tranh, sửa chữa lại nhà trưng bày, cán bộ bảo tàng cùng các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương triển khai xây dựng đề cương trưng bày mới phù hợp với điều kiện kinh tế lúc này.
3. Từ năm 1980 đến nay:
Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, phương pháp trưng bày còn hạn chế, nhưng bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lúc này đã có một khuôn viên với 2 ha, diện tích trưng bày có 10 phòng với 600 m2 đủ để thể hiện được khí thế đấu tranh hào hùng của nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Năm 1985, để nâng cao khoa học trưng bày đáp ứng với yêu cầu nhận thức của nhân dân, Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh đã tổ chức hội thảo khoa học “ Công tác trưng bày tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh”; bảo tàng Xô Viết đã được chỉnh lý nội dung và phương pháp trưng bày được nâng cao hơn, ánh sáng, tủ bục .... được trang bị thêm để trưng bày được hấp dẫn hơn.
Ngày 11/11/1987, Bộ Văn hoá Thông tin ra quyết định số 204- VH/QĐ chuyển Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thành chi nhánh của bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Như vậy từ đây bảo tàng được sự đầu tư về kinh phí và hỗ trợ trong công tác chuyên môn.
Năm 1995, được sự đầu tư kinh phí của Trung ương hơn 5 tỷ đồng( 100 %), bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nâng cấp toàn bộ nội ngoại thất. Nhà trưng bày được cải tạo, hệ thống hành lang xung quanh được bổ sung, thông thoáng các phòng và lợp mái nhằm bảo đảm tránh được ẩm mốc hiện vật. Nội dung và phương pháp trưng bày hiện đại với âm thanh tiếng động, thủ pháp trưng bày hấp dẫn.
Về ngoại thất: khuôn viên được xây dựng lại hài hoà, hệ thống thoát nước sân vườn, đường dạo và cây xanh thoáng mát tạo thành điểm vui chơi thư giãn của nhân dân quanh vùng sau giờ làm việc. Tưởng nhớ tới công ơn các liệt sỹ hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nhà tưởng niệm được xây dựng mới khang trang. Kho bảo quản hiện vật được nâng cấp với hệ thống phòng chống cháy hiện đại, tăng cường trang thiết bị bảo quản.
Năm 2005, được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An quan tâm đầu tư kinh phí, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh xây dựng “Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Vinh”; bổ sung phòng trưng bày chuyên đề “Nhà lao Vinh năm 1930-1945”.
Năm 2007, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An triển khai chương trình “ Đưa giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông” với hình thức ngoại khoá. Phối hợp với Đài truyền hình xây dựng phim khoa giáo chuyên đề “ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931” phục vụ học sinh các trường trong tỉnh ở xa không có điều kiện đến tham quan bảo tàng Xô Viết.
Sau 22 năm đổi mới các hoạt động về chuyên môn có nhiều khởi sắc, có chiều sâu và chất lượng hơn. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức 4 cuộc Hội thảo khoa học và 12 cuộc toạ đàm khoa học kỷ niệm các danh nhân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; tổ chức xây dựng các đề tài cấp Bộ, Viện và cơ quan; xuất bản 12 ấn phầm viết về danh nhân cách mạng, hồi ký, kỷ yếu hội thảo, toạ đàm khoa học phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu. Bảo tàng hiện đã sưu tầm hơn 12 ngàn hiện vật và 6.000 hồ sơ và chân dung những người tham gia phong trào cách mạng bị thực dân Pháp bắt giam trong các nhà tù từ 1930-1945.
Hệ thống di tích về Xô Viết Nghệ Tĩnh được kiểm kê và 48 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia; tổ chức trưng bày bổ sung tại các di tích tạo điều kiện cho nhân dân, học sinh và thanh niên trong vùng hiểu thêm về lịch sử địa phương mình.
Sự đổi thay về hình thức và các hoạt động chuyên môn và chất lượng trưng bày với phương pháp hiện đại đã thu hút khách đến với bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng đông hơn về số lượng và phong phú hơn về đối tượng. Hàng năm bảo tàng đón tiếp khách tham quan tại chỗ và phục vụ trưng bày lưu động tại các lễ hội trong tỉnh hơn 500 ngàn lượt người. Năng động sáng tạo và đổi mới các hình thức hoạt động nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng năm 1930-1931: tổ chức giao lưu văn hoá, gặp mặt nhân chứng lịch sử, nói chuyện truyền thống, thi tìm hiểu lịch sử.. . với học sinh, thanh niên các địa phương; hoặc phối hợp với các báo, đài truyền hình giới thiệu về một thời đấu tranh oanh liệt của nhân dân Nghệ Tĩnh.
Trải qua 49 năm hoạt động, đội ngũ cán bộ bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng trưởng thành. Từ buổi ban đầu thành lập mới có một cán bộ về chuyên môn, nay 99 % cán bộ có trình độ đại học, trong đó có 1 tiến sỹ và 1 thạc sỹ; cán bộ chuyên môn có khả năng tác nghiệp độc lập.
Là một Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cả nước, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã và đang cố gắng phát huy những thành quả đạt được trong thời gian qua, góp phần xây dựng và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc; xây dựng con người mới, xây dựng Nghệ An và Hà tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu như lời Bác Hồ đã căn dặn