Cách đây gần 10 năm, trường THPT Bán công Nguyễn Đình Liễn (nay là trường THPT Nguyễn Đình Liễn) được thành lập theo Quyết định số 53/2004/QĐ-NV ngày 21/4/2004 của Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh. Sự ra đời của Nhà trường đã đáp ứng nguyện vọng, mong muốn thiết tha của phụ huynh học sinh được học lên bậc THPT cho con em ở vùng quê hiếu học, thể hiện sự quan tâm của Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, một sự kiện lớn trong đời sống chính trị, văn hoá, xã hội của huyện Cẩm Xuyên. Càng vinh dự hơn, nhà trường được mang tên đồng chí Nguyễn Đình Liễn – Bí thư Huyện ủy đầu tiên, người chiến sỹ cách mạng kiên cường, bất khuất, người con ưu tú của quê hương Cẩm Xuyên.
Khó có thể kể hết được khó khăn thiếu thốn từ buổi đầu thành lập. Cơ sở vật chất nghèo nàn, tạm bợ, trang thiết bị dạy học chưa có. Ban giám hiệu chỉ có 1 người – thầy giáo Hoàng Quốc Dũng giáo viên Toán trường THPT Cẩm Xuyên được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Ngoài biên chế Hiệu trưởng và Kế toán, giáo viên chủ yếu là giáo viên hợp đồng, là những sinh viên mới được tuyển dụng vào ngành, vốn liếng kinh nghiệm chỉ là những nét chấm phá được tiếp thu được trong sách vở ở các trường Đại học, Cao đẳng. Đầu vào tuyển sinh học sinh thấp là những học sinh không trúng tuyển vào các trường công lập trong toàn huyện. Đó là những dấu hỏi lớn đặt ra cho Nhà trường là phải đề ra các giải pháp để khắc phục, nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng tin tưởng giao cho.
Khó khăn gian khổ là vậy, song với sự quan tâm sát sao, có hiệu quả của của Cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Xuyên, của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, sự nổ lực cố gắng của cán bộ giáo viên và sự giúp đõ của nhân dân xã Cẩm Huy, sau 5 tháng kể từ ngày có quyết định thành lập, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện tối thiểu cho năm học mới. Ngày 9 tháng 9 năm 2004, trong không khí rực đỏ cờ hoa, tiếng trống khai trường lần đầu tiên của trường THPT Bán công Nguyễn Đình Liễn được vang lên. Đó là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển nhà trường.
Năm học đầu tiên (2004 – 2005), trường chỉ có 8 lớp gồm 415 học sinh và 13 cán bộ giáo viên, công nhân viên. Cơ sở vật chất chỉ có 4 phòng học và một phòng sinh hoạt chung (Phòng Hội đồng, phòng hiệu trưởng, văn thư, thư viên, thủy quỹ và cũng là phòng bảo vệ). Bao thiếu thốn, khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua được, song tập thể sư phạm nhà trường đã nắm chặt tay nhau để vược qua khó khăn thử thách. Điều đáng quý, đáng trọng là chính trong gian khổ, khó khăn trường đã biết động viên, khích lệ, khơi dậy ngọn lửa nhiệt tình, sự tâm huyết nghề nghiệp, tạo nên nguồn sức mạnh từ sự đoàn kết, sự đồng cảm, đồng tình, kiên trì phấn đấu vượt lên của tập thể sư phạm cùng với sự lãnh đạo kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo của Ban giám hiệu đã nhanh chóng đưa các hoạt động của Nhà trường đi vào ổn định, và phát triển.
Quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ngày càng có bước phát triển đáng ghi nhận. Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của nhà trường, ngày 31 tháng 12 năm 2005, Giám đốc Sở Giáo dục đã điều động và bổ nhiệm thầy giáo Nguyễn Đắc Hoan – chuyên viên Phòng Giáo dục Cẩm Xuyên về làm Phó hiệu trưởng.
Tháng 7 năm 2010, một tin vui đến với tập thể sư phạm, phụ huynh, học sinh của nhà trường. Trường THPT Bán công Nguyễn Đình Liễn chính thức được chuyển lên trường THPT Công lập bình đẳng như các trường bạn. Mặc dù được chuyển lên trường công lập nhưng các điều kiện tối thiểu để nhà trường hoạt động vẫn thiếu thốn, khó khăn: Đội ngũ, cơ sở vật chất, nguồn tuyển sinh ... vẫn là mô hình cũ. Hàng năm, nhà trường phải rất vất vã mới hợp đồng đủ giáo viên đứng lớp. Các bộ môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học thì việc giáo viên dạy trên 20 tiết/tuần là chuyện bình thường.
Niềm vui được chuyển lên công lập chưa được bao lâu thì Nhà trường phải đối mặt với một nhiệm vụ hết sức cam go, vất vã. Chuyển trường về địa điểm mới? Đó không chỉ là chủ trương của cấp trên, là câu hỏi của phụ huynh học sinh mà đó là sự băn khoăn trăn trở, của của tập thể sư phạm nhà trường. Không ai nói với ai nhưng trong ánh mắt của mọi người đều hiện lên một sự bâng khuâng, lo lắng về chặng đường khó khăn phía trước.
Thế là "một chốn đôi quê", vừa tập trung xây dựng kỷ cương, nền nếp dạy học tại cơ sở cũ, vừa quyết liệt tham mưu với Cấp ủy, chính quyền các cấp, với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh để thực hiện các quy trình xây dựng trường tại địa điểm mới. Xã Cẩm Dương là nơi thứ hai trường THPT Nguyễn Đình Liễn đặt địa điểm. Nhờ được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Cẩm Xuyên và sự nổ lực của Ban giám hiệu nhà trường, tháng 5 năm 2012 dự án xây dựng trường tại địa điểm mới chính thức được động thổ và triển khai xây dựng các hạng mục đầu tiên của dự án: Nhà học 3 tầng 18 phòng, đường công vụ và một phần san nền ...
Tháng 6 năm 2012, như là một sự sắp đặt từ trước, thầy giáo Hoàng Quốc Dũng được Giám đốc Sở điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường THPT Cẩm Xuyên. Để tiếp tục chèo lái “con thuyền” Nguyễn Đình Liễn tiếp tục cuộc hành trình, Giám đốc Sở đã điều động và bổ nhiệm thầy giáo Nguyễn Nam Thắng – Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập về làm Hiệu trưởng nhà trường. Một sự thay đổi khá đột ngột.
Năm học 2012 – 2013, thầy trò nhà trường long trọng tổ chức khai giảng năm học mới trong niềm vui và niềm phấn khởi vì đây là năm học đầu tiên nhà trường có đủ 100% giáo viên biên chế, (một sự kiện rất đỗi bình thường đối với các trường bạn) tỷ lệ giáo viên trên chuẩn, giáo viên dạy giỏi tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở đạt tỷ lệ cao. Mặc dầu vẫn còn đó biết báo khó khăn vất vã song tập thể Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh đều xây dựng quyết tâm đưa trường về địa điểm mới vào đầu năm học 2014 – 2015.
Sau gần 10 năm thành lập, cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng khá khang trang, 8 khóa học sinh đã tốt nghiệp ra trường, tung cánh trên mọi miền của Tổ quốc. Hàng trăm em đậu vào các trường Đại học, cao đẳng. Mặc dù đầu vào của trường luôn xếp ở tốp cuối cùng của tỉnh song nhiều thế hệ học sinh đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong các cuộc thi Học sinh giỏi các cấp, thi "Rạng rõ Hồng Lam", thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, trong số gần 100 em được công nhận Học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều em đã đạt kết quả xuất sắc, được gọi vào đội dự tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia: ....... Năm học 2012 – 2013, Bộ sản phẩm “Dụng cụ thu gom lúa” của học sinh Nguyễn Đình Ka đã vượt qua nhiều sản phẩm của các đơn vị có truyền thống, đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỷ thuật cấp tỉnh giành cho học sinh Trung học và được dự thi toàn quốc. Nhiều học sinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng;
Cũng chính mái trường này, biết bao thế hệ nhà giáo đã cống hiến thầm lặng, đóng góp toàn bộ khả năng của mình với tâm nguyện thiết tha và cháy bảng, vì sự đi lên của nhà trường. Nhiều thầy cô giáo đã mạnh dạn, tự tin bước ra khỏi cái mặc cảm, tự ti của giáo viên trường “bán công” để giành kết quả xuất sắc trong kỳ thi chọn giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2011 - 2012, với 4/4 giáo viên đạt giải (2 giải 3, 2 giải KK). Thành công của các thầy giáo Nguyễn Trọng Diệu, Nguyễn Xuân Hạnh, Đặng Hồng Trang và cô giáo Nguyễn Thúy Hạnh đã góp thêm một tiếng nói khẳng định tiềm năng, chất lượng đội ngũ. Thật vinh dự và tự hào khi trường THPT Nguyễn Đình Liễn vinh dự là một trong các đơn đơn vị có số giáo viên dự thi đạt giải tuyệt đối;
Bên cạnh công tác chuyên môn, Nhà trường thường xuyên chăm lo giáo dục toàn diện học sinh. Bằng nhiều hình thức sinh động như: Sinh hoạt chủ đề, chủ điểm, câu lạc bộ học tập; hành hương về cội nguồn, viếng thăm, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, các địa chỉ đỏ; xây dựng quỹ nhân đạo để khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ học sinh thuộc diện chính sách, ủng hộ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, xây nhà tình nghĩa, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao … tạo sân chơi lành mạnh, tình cảm ấm áp, chan hoà, hình thành ý thức và trách nhiệm công dân, góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Chúng ta cũng biết rằng, tất cả những gì đạt được trong 10 năm qua mới chỉ là thành quả ban đầu và còn khiêm tốn mà phía trước còn bao gian nan thách thức. Để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp giáo dục thời kỳ mới “Thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, đòi hỏi thầy trò Nhà trường phải tiếp tục đoàn kết, kiên trì nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng. Hy vọng và tin tưởng, cùng với sự giúp đỡ của các cấp các ngành, các lực lượng xã hội, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn sẽ thành công và vững bước đi lên, xứng đáng là đơn vị vinh dự được mang tên Bí thư Huyện ủy đầu tiên, người cộng sản kiên cường, bất khuất Nguyễn Đình Liễn./.