Thực trạng ngành thủy sản Việt Nam
Trong các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới, Việt Nam được coi là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng thủy sản nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn1998-2008 đạt 18%/năm.
Hiện nay, hàng thủy sản Việt Nam ngày càng chiếm vị trí cao trên thị trường quốc tế. Cả nước có khoảng 700 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp. Mặt hàng thủy sản của Việt Nam cũng đã và đang có mặt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, song nhiều mặt hàng thủy sản vẫn tìm được chỗ đứng riêng cho mình và duy trì tốc độ tăng trưởng. Điển hình là mặt hàng tôm, so với 10 tháng đầu năm 2008, lượng xuất khẩu tôm đông lạnh và hàng khô tăng mạnh, đạt 6,4% và 15,4%. Trong khi, cá tra, basa, mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam lại giảm 8,6%.
Riêng trong 11 tháng qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đạt được con số ấn tượng đạt 3,94 tỷ USD, dù giảm hơn so với cùng kỳ năm 2008, song đây là sự nỗ lực không ngừng của ngành thủy sản trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn. Hiện ngành thủy sản đang kỳ vọng lớn vào bước đột phá của khoảng thời gian cuối năm để tăng tốc cho xuất khẩu lĩnh vực này.
Thuỷ sản Việt Nam luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, thuỷ sản đang đứng trước khó khăn phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật từ phía nhà nhập khẩu, đặc biệt là luật mới: Luật IUU (Quy định về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định) bắt đầu có hiệu lực từ 1.1.2010. Theo luật này, các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận đánh bắt. Cơ quan chức năng của nước có tàu đánh bắt phải xác nhận thuỷ sản đánh bắt được trên tàu là phù hợp với quy định của pháp luật và các quy định quốc tế về quản lý vào bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, luật nêu rõ các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức tối thiểu gấp 5 lần giá trị của sản phẩm thuỷ sản sai phạm thu hồi được khi phát hiện vi phạm quy định nói trên…
Những quy định nghiêm ngặt đã và đang trở thành rào cản lớn đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, bởi quy mô sản xuất nước ta vốn nhỏ lẻ và manh mún, doanh nghiệp chủ yếu thu mua thuỷ sản qua hệ thống trung gian nên việc thực hiện ghi chép nguồn gốc xuất xứ đầy đủ cho các lô hàng khi xuất đi là điều không thể thực hiện được. Do vậy để kiểm soát được chất lượng là điều không phải dễ.
Xây dựng chương trình phát triển bền vững
Trong chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững ngành Thuỷ sản giai đoạn 2010-2012, ngành đã đặt ra hàng loạt giải pháp, mục tiêu cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và thương mại thuỷ sản.
Mục tiêu mà ngành Thủy sản đặt ra đến năm 2012 là đảm bảo 90% cá tra và tôm nuôi có thể truy nguồn gốc xuất xứ; 70% thuỷ sản khai thác có nhật ký theo dõi, 90% cơ sở chế biến thuỷ sản áp dụng chương trình quản lý chất lượng. Bởi vậy, để đảm bảo mục tiêu này, bên cạnh việc phổ biến kịp thời các thông tin hội nhập WTO và quốc tế về an toàn dịch bệnh, thực phẩm và thương mại thuỷ sản ngành sẽ lên chương trình phát triển cụ thể, ưu tiên đầu tư các sản phẩm chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể…
Cùng với đó, ngành Thủy sản sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tín dụng, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu cung cấp giống và thức ăn, nuôi thuỷ sản, thu hoạch, xử lý, chế biến và phân phối sản phẩm…
Trong thời gian tới, công tác phát triển thương mại thủy sản được đặc biệt chú trọng thực hiện theo hướng kịp thời đánh giá tình hình thị trường thế giới. Hy vọng với những việc làm thiết thực sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành này trong thời gian tới, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh và giảm nghèo cho ngư dân.