• Số 1 – Số sinh
Theo dân gian, số 1 là căn bản của mọi sự biến hóa, là con số khởi đầu, luôn đem lại những điều mới mẻ, tốt đẹp, đem tới 1 sinh linh mới, 1 sức sống mới cho mọi người.
• Số 2 – Con số của sự cân bằng
Tượng trưng là một cặp, một đôi, một con số hạnh phúc (song hỷ) và điều hành thuận lợi cho những sự kiện như sinh nhật, cưới hỏi, hội hè. Số hai tượng trưng sự cân bằng âm dương kết hợp tạo thành thái lưu hay là nguồn gốc của vạn vật. Các câu đối đỏ may mắn thường được dán trước cửa nhà cổng chính vào dịp đầu năm mới.
• Số 3 – Con số Thần bí
Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau, người xưa thường dùng các trạng thái, hình thể gắn với con số 3 như: Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Vị lai), Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ), Tam đa (Đa phúc, Đa lộc, Đa thọ), Tam tài (Thiên, Địa, Nhân).
• Số 4 – Nhiều quan điểm khác nhau
Người Trung Hoa thường không thích số 4, nhưng nếu không sử dụng số 4 thì không có sự hài hòa chung, như trong âm dương ngũ hành có tương sinh mà không có tương khắc. Trong dân gian Việt , con số 4 lại được sử dụng khá nhiều, biểu trưng cho những nhận định:
- Về hiện tượng thiên nhiên: Tứ phương (Ðông, Tây, Bắc). Thời tiết có bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông). Bốn cây tiêu biểu cho 4 mùa (Mai, Lan, Cúc, Trúc).
- Về hiện tượng xã hội: Ngành nghề, theo quan niệm xưa có tứ dân (Sĩ, Nông, Công, Thương). Về nghệ thuật (Cầm, Kỳ, Thi, Họa). Về nghề lao động (Ngư, Tiều, Canh, Mục). Tứ thi (Ðại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử). Tứ bảo của trí thức (Giấy, Bút, Mực, Nghiên). Tứ đại đồng đường (Cha, Con, Cháu, Chít)
- Về con người: Người ta quan niệm về trách nhiệm của một công dân (Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ). Về đạo đức của con người (Hiếu, Lễ, Trung, Tín). Ðối với phái nữ (Công, Dung, Ngôn, Hạnh). Tứ bất tử (Thần, Tiên, Phật, Thánh). Tứ linh (Long, Ly, Qui, Phượng). Tứ đổ tường (Tửu, Sắc, Tài, Khí).
• Số 5 – Điều bí ẩn (cũng là số sinh)
Số 5 có ý nghĩa huyền bí xuất phát từ học thuyết Ngũ Hành. Mọi sự việc đều bắt đầu từ 5 yếu tố. Trời đất có ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) – Người quân từ có ngũ đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) – Cuộc sống có ngũ phúc (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh). Số 5 còn là số Vua, thuộc hành Thổ, màu Vàng. Ngày xưa những ngày 5, 14 (4+1=5), 23 (2+3=5) là những ngày Vua thường ra ngoài nên việc buôn bán bị ảnh hưởng. Bây giờ không còn Vua nữa nên mọi người đi đâu vào ngày này thường ít đông và dễ chịu. Ngũ đế (Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế, Nghiêu, Thuấn). Ngũ luân (Vua tôi, Cha con, Vợ chồng, Anh em, Bạn bè).
• Số 6 và 8 = Con số thuận lợi và vận may
Số 6 và 8 theo người Trung Hoa thì sẽ đem tới thuận lợi về tiền bạc và vận may cho người dùng nó, vì bên cạnh tục đoán mệnh của con người (số 8 là số phát – mệnh lớn, số 6 là số lộc ), thì lối viết số 8 có hai nét đều từ trên xuống giống kèn loe ra, giống như cuộc đời mỗi con người, càng ngày càng làm ăn phát đạt. Số 6 với 1 nét cong vào thân, ý như lộc sẽ luôn vào nhà.
Ngoài ra lục giác còn được đánh giá là khối vững chãi nhất. Con ong thường làm tổ theo khối lục giác, Lục căn (Mắt, Mũi, Tai, Lưỡi, Da, Tư tưởng), Lục long, Lục thân (Cha, Mẹ, Vợ, Con, Anh chị, Em). Số 8 còn biểu tượng cho 8 hướng, bát quái, bát âm, bát tiên, bát bửu.
• Số 7 – Số ấn tượng
Theo đạo Phật số 7 có ý nghĩa là quyền năng mạnh nhất của mặt trời. Những người theo đạo Phật tin rằng trong suốt tháng 7 (âm lịch) tất cả linh hồn trên thiên đường và địa ngục sẽ trở lại dương gian. Con số 7 còn tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ không gian (Đông, Tây, Nam, Bắc). Thời gian (Quá khứ, Hiện tại, Tương lai). Thất bửu (Vàng, Bạc, Lưu ly, Pha lê, Xa cừ, Trân châu, Mã não).
Thời cổ cho rằng có 7 mặt trời hoạt động xung quanh và chiếu sáng cho trái đất, loài người nhận thức có 7 tầng trời khác nhau, cùng với 7 sắc cầu vồng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ của số 7. Số 7 đem lại sức sống cho vạn vật, đem lại ánh sáng và hy vọng cho loài người.
• Số 9 - Biểu trưng cho sức mạnh và quyền uy
Từ xưa số 9 luôn được coi như là biểu trưng của sự quyền uy và sức mạnh: Ngai vua thường đặt trên 9 bậc, vua chúa thường cho đúc cửu đỉnh (9 cái đỉnh) để minh họa cho quyền lực của mình. Trong dân gian số 9 được gắn cho sự hoàn thiện đến mức dường như khó đạt (Voi 9 ngà, Gà 9 cựa, Ngựa 9 hồng mao). Số 9 trong toán học còn được phân tích với rất nhiều lý thú và gắn nhiều với truyền thuyết lịch sử.
Đặc biệt hơn cả, số 9 được sùng bái, tôn thờ và gấn như trở thành 1 triết lý cho các triều đại ở Trung Quốc và Việt Nam từ sự ảnh hưởng của kinh dịch là dựa trên thuật luận số. Số 9 đựơc tượng trưng cho Trời, ngày sinh của Trời là ngày 9 tháng giêng, số 9 được ghép cho ngôi vị Hoàng đế. Tất cả các dồ dùng trong cung đình cùng dùng số 9 để đặt tên như Cửu Long Bôi (9 cốc rồng), Cửu Đào Hồ (ấm 9 quả đào), Cửu Long Trụ (cột 9 rồng). Hay cách nói biểu thị số nhiều như Cửu Thiên, Cửu Châu, Cửu đỉnh.